|
Đại tá anh hùng tình báo Tư Cang kể về diễn biến ngày 30/4/1975.
|
Chỉ huy hai đơn vị anh hùng
Đại tá Nguyễn Văn Tàu được biết đến với bí danh Tư Cang, từng giữ chức vụ Cụm trưởng Cụm tình báo quân sự H.63 rồi Chính uỷ Lữ đoàn 316 Đặc công Biệt động, lập nên nhiều chiến công thầm lặng, góp phần vào công cuộc thống nhất đất nước. Ông là một trong số ít tướng lĩnh trải qua hai cuộc chiến, đến năm 2005, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Những ngày tháng Tư này, gặp ông Tư Cang thật khó, bởi nhiều cơ quan đoàn thể, hội cựu chiến binh thường mời ông đến nói chuyện, ôn lại những mốc son hào hùng của dân tộc.
Trong căn nhà mới xây tươm tất, vị tướng già thảnh thơi đọc báo, uống trà, vui vầy cùng con cháu. Dù đã bước qua tuổi 90, song hàng ngày, ông vẫn giữ thói quen đọc sách báo, ghi chép lại lịch hẹn cẩn thận. Ông cho biết tháng Tư hầu như đã kín lịch, hết đi Bà Rịa – Vũng Tàu, đến Bình Dương về Long An, và ra cả Hà Nội dự các buổi nói chuyện với thế hệ trẻ.
Ngược lại dòng lịch sử, trong cuộc chiến tranh kháng chiến chống Mỹ, năm 1962, ông Tư Cang được giao nhiệm vụ chỉ huy Cụm tình báo H.63, nơi hoạt động của anh hùng tình báo Phạm Xuân Ẩn và Nguyễn Thị Mỹ Nhung (Tám Thảo). Đơn vị này được thành lập để phục vụ cho công tác truyền tải tin tức, tài liệu mật từ các điệp viên về bộ chỉ huy.
“Dù hoạt động ở ngoại thành Sài Gòn nhưng vì tính chất bí mật của nhiệm vụ nên tôi và vợ con hiếm có cơ hội gặp nhau. Năm thì mười hoạ mới nhờ các chiến sĩ giao liên hẹn vợ ra công viên, hai vợ chồng nói chuyện phút chốc rồi chia tay. Mặt mũi con gái tôi cũng chỉ thấy qua hình ảnh vợ gửi vào chiến khu”, ông Tư Cang kể.
Thời gian giữ chức vụ Cụm trưởng Cụm tình báo H.63, ông Tư Cang là người chỉ huy trực tiếp “điệp viên hoàn hảo” Phạm Xuân Ẩn, bí danh Hai Trung. Sau thời gian ở ngoại thành chỉ huy công tác giao liên, vì yêu cầu của nhiệm vụ nên ông phải vào nội thành hỗ trợ hoạt động cho Hai Trung. Mọi thông tin, tài liệu lưu chuyển từ Hai Trung đều bắt buộc phải qua tay ông. Bộ chỉ huy không dám giao việc liên hệ với nhà tình báo Hai Trung cho ai khác ngoài ông Tư Cang vì sợ bị lộ. Cũng không ai có thể biết được nhà của Hai Trung.
Ông Tư Cang được điều vào nội thành hoạt động phần để hỗ trợ công việc cho các điệp viên chủ chốt, phần để đưa ra ý kiến chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời. Để đảm bảo thông tin, tài liệu mật được chuyển từ nội thành Sài Gòn về đến bộ chỉ huy an toàn, không thể không nhắc tới những chiến sĩ giao liên quả cảm. Trong quá trình hoạt động của Cụm tình báo H.65, nhiều giao liên đã ngã xuống để bảo vệ tài liệu mật.
“Đơn vị không bị lộ là nhờ có đóng góp không nhỏ của các giao liên. Nhiều người không chỉ chịu cảnh bị tra tấn dã man mà còn chấp nhận hi sinh thân mình để bảo vệ căn cứ. Có giao liên bị địch bắt, dù bị tra tấn mọi cách cũng nhất định không khai căn cứ và rồi sau đó bị giết hại ở nhà tú Phú Quốc. Tôi may mắn được cấp dưới thương nên mới sống sót được đến ngày đất nước thống nhất”, ông Tư Cang xúc động chia sẻ.
Sau nhiệm vụ chỉ huy Cụm tình báo H.63, ông Tư Cang được giao giữ chức vụ Chính uỷ Lữ đoàn 316 Đặc công Biệt động. Đây là đơn vị được thành lập vào ngày 20/3/1974 để tham gia tiến công trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, với lực lượng gồm 14 tiểu đoàn đặc công và 12 đội đặc công. Lữ đoàn 316 Đặc công Biệt động cũng được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước 30/4/2015.
Lữ đoàn 316 Đặc công Biệt động đã có nhiều trận đánh gây tiếng vang như đánh chìm hai tàu chiến của địch ở Vũng Tàu (tháng 5/1974); đánh chiếm Dinh Độc Lập; đánh chiếm Tổng Nha Cảnh sát Việt Nam Cộng hòa; đánh sân bay Tân Sơn Nhất; đánh giữ những cây cầu huyết mạch quanh thành phố để mở đường cho quân giải phóng tiến vào Sài Gòn… Trong đó, nổi bật nhất là chiến công đánh chiếm cầu Rạch Chiếc vào ngày 27/4/1975.
Sau năm 1975, Lữ đoàn 316 Đặc công Biệt động được rút gọn thành Trung đoàn 316 thuộc Quân khu VII. Trước khi giải thể vào cuối năm 1980, Trung đoàn 316 đã tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam và cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc vào năm 1979.
Nước mắt ngày đoàn tụ
Ngày 30/4/1975, trong mắt ông Tư Cang, mọi thứ thật ngổn ngang, từ cảnh tượng ngoài đường phố đến tâm trạng trong lòng. Nhớ về ngày ấy, ông cho hay, ngày thống nhất đất nước cũng là ngày đoàn viên của gia đình ông, niềm vui được nhân đôi. Bởi khi chia tay vợ để tập kết ra Bắc, ông vẫn chưa thấy mặt con, nhưng ngày về đã có cháu ngoại mừng vui.
Ngày hôm ấy, ông Tư Cang vào nội thành khoảng 14h chiều. Tuy thời gian dài đằng đẵng xa cách vợ con nhưng vị anh hùng tình báo vẫn tâm niệm phải hoàn thành công việc trước rồi mới tìm gặp gia đình. Đi ngang qua con hẻm vào cư xá Việt Nam Thương Tín, nơi vợ con ông sinh sống, tâm trí muốn bẻ tay lái nhưng rồi xe vẫn đi thẳng.
Ông đến gặp Giáo xứ Nguyễn Duy Khang để gặp ông Hai Truyền, Chỉ huy phó mũi nổi dậy Hàng Xanh (quận Bình Thạnh ngày nay) thuộc Lữ đoàn 316 Đặc công Biệt động. Tại đây, ông Tư Cang được nghe báo cáo tình hình buổi sáng, khi quân giải phóng tiến qua ngã tư đến cầu Thị Nghè. Các chiến sĩ phụ trách mũi nổi dậy Hàng Xanh đã hướng dẫn đoàn quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập.
Sau khi nghe báo cáo xong, ông Tư Cang lật đật lên xe chạy thẳng về cư xá Việt Nam Thương Tín để tìm vợ con. Ông dừng xe trước con hẻm nhỏ, mọi căn nhà xung quanh đều đã tắt đèn. Trời tối đến mức không nhìn rõ số nhà, ông Tư Cang lọ mọ đi vào sâu trong hẻm, vừa đi vừa cất tiếng gọi tên con gái: “Nhồng ơi! Nhồng”. Từ căn nhà số 9, ngọn đèn được bật sáng, có tiếng vặn ổ khoá tanh tách. Ngay sau đó, vợ ông, bà Trần Ngọc Ảnh, bước ra hỏi: “Anh về đó hả? Nghe gọi tên Nhồng là em biết chỉ có anh thôi!”.
Sau khoảnh khắc ấy, hai vợ chồng ông Tư Cang chạy đến ôm chầm lấy nhau, những giọt nước mắt lăn dài trên má. Hạnh phúc đã đến sau 30 năm xa cách. Cuối cùng, vợ chồng vị tướng tình báo cũng được đoàn tụ. Hai người bước vào nhà cũng là lúc con gái ông thức giấc. Vừa mừng ba trở về, cô Nhồng liền gọi đứa con gái bé bỏng dậy chào ông ngoại.
Nghe đứa cháu ngoại 3 tuổi vòng tay cất tiếng: “Con chào ông ngoại. Con mừng ông ngoại đã về với bà ngoại”, ông Tư Cang ôm cháu ngoại vào lòng mà không cầm được nước mắt. Thấm thoát đã gần 30 năm, lúc ông đi con gái còn trong bụng mẹ, lúc ông về cháu ngoại đã chập chững biết đi.
Giây phút đoàn tụ của gia đình Đại tá Tư Cang diễn ra ngắn ngủi, tiếng chuông đồng hồ lúc này đã điểm 12 tiếng. Ăn vội bữa cơm gia đình, ông Tư Cang lại chia tay vợ con để tiếp tục đi làm nhiệm vụ ổn định tình hình. Ngoài đường phố Sài Gòn thi thoảng vẫn nghe tiếng súng.
Giờ đây, gia đình ba thế hệ của ông Tư Cang sống vui vầy trong căn nhà trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh. Chỉ căn nhà mới xây, ông Tư Cang cho biết, sau một lần nguyên Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân ghé thăm, ông được các đơn vị hỗ trợ xây cho căn nhà khang trang hơn.
Niềm vui bây giờ của ông Tư Cang là mỗi sớm thức dậy được sum vầy bên vợ và con cháu. Thỉnh thoảng ông lại nhận lời mời đi các nơi nói chuyện lịch sử, ôn lại truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc.