Ký ức đời chiến sỹ vượt Trường Sơn - Hoàng Kiền

Ngày đăng: 06:00 30/04/2018 Lượt xem: 2.642

============================================================

KÝ ỨC ĐỜI CHIẾN SĨ VƯỢT TRƯỜNG SƠN
Hoàng Kiền
 
 
       
       Tôi sinh ra tại thôn Bỉnh Di - xã Giao Thịnh - huyện Giao Thuỷ - tỉnh Nam Định, nhả tôi rất nghèo, lại đông anh em, bố mắc bệnh nan y nên hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Học hết cấp hai tôi nghỉ học ở nhà lao động, chăn trâu cắt cỏ rồi cày sâu cuốc bẫm một năm. Sau đó vào học trường Trung cấp sư phạm khoa tự nhiên tỉnh Nam Hà. Do yêu cầu nhiệm vụ lúc đó nên học rút xuống có hai năm, tháng 8/1969 tôi ra trường về dạy học tại trường cấp hai xã Giao Tân, ngày 3/9 Bác Hồ mất, tại buổi lễ truy điệu Bác tại sân trường, tất cả thầy trò khóc như mưa, nỗi tiếc thương vô hạn, thôi thúc trong lòng mỗi người dân Việt Nam về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Dạy học được 1 năm, do yêu cầu của chiến trường, ngày 19/8/1970, tôi tình nguyện lên đường nhập ngũ.

Thế rồi năm ấy thu sang
Tôi đi theo ánh sao vàng thắm tươi
Tiền phương thôi thúc lòng người
Tiễn thầy giáo tuổi hai mươi lên đường
Xa trò tạm biệt quê hương
Gió reo lá vẫy sân trường chia tay
Cuộc đời quân ngũ từ đây
Lên đường đánh Mỹ hăng say diệt thù
.....
       Chúng tôi 500 giáo viên của tỉnh Nam Hà vào huấn luyên tại Tiểu đoàn 605 - Trung đoàn 19 - Tỉnh đội Nam Hà ở Ý Yên Vụ Bản. Ban ngày trên thao trường luyện tập kĩ chiến thuật, đêm đêm đeo ba lô đất hành quân bộ, leo núi rèn luyện vượt Trường Sơn, trọng lượng tăng dần từ 15 - 35 ki lô gam. Vừa đi vừa hô vang câu khẩu hiệu:

Rèn chân đồng vai sắt
Xây ý chí kiên cường
Để vượt dải Trường Sơn
Vào Nam tiêu diệt Mỹ.

       Với khí thế thật hào hùng, thôi thúc lòng người hướng ra tiền tuyến. Sau ba tháng huấn luyện, chúng tôi được về phép một tuần, lên di chuyển đến xã Yên Quang bồi dưỡng sức khoẻ một tuần rồi hành quân vào chiến trường.
       Xuất phát từ Ga Ninh Bình đi tầu hoả vào Vinh, từ Vinh đi ô tô vào Quảng Bình. Từ Cự Nẫm - Quảng Bình đi ca nô lên biên giới dừng chân. Từ đây cuộc hành quân bộ vượt Trường Sơn bắt đầu. 
Hành quân theo đội hình tiểu đoàn, trèo đèo lội suối đi ngày đi đêm, đường trơn dốc cao, muỗi vắt, máy bay địch trinh sát, đánh phá các trọng điểm. Cuộc hành quân vô cùng gian nan, mỗi người đeo một ba lô quân tư trang, súng đạn, một bao tượng gạo , xoong nồi nấu ăn cho tiểu đội phân công nhau mang, đến trạm nghỉ dừng đào bếp Hoàng Cầm nấu cơm ăn. Vẫn quán triệt tư tưởng : đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng. Đi qua các khu vực trọng điểm máy bay đich đánh phá, thả pháo sang suốt đêm, phải hành quân đêm, nhanh chân bước chạy vượt qua thật hồi hộp toát hết mồ hôi.
       Tiểu đội tôi có anh Đặng Quý Thiều người thành phố Nam Định, học cùng lớp sư phạm với tôi, sức khoẻ yếu quá. Hành quân bộ khoảng một tuần anh không đi được nữa. Chúng tôi báo cáo lên trên để anh ở lại trạm giao liên rồi quay ra, nhưng anh không chịu, cứ nhất định xin đi cùng vào chiến trường đãnh Mỹ, tinh thần của lớp thanh niên chúng tôi thời ấy là như thế. Chúng tôi chia toàn bộ ba lô của anh Thiều ra cho tiểu đội mang giúp, tôi còn mang theo bộ sách toán - lý - hoá cấp 3 vào chiến trường tự học, ôn thi đại học. Tôi nhận dắt anh Thiều suốt gần một tháng trời hành quân trên đường giao liên Trường Sơn, anh chống gậy đi người không, gắng nâng bước trên con đường giao liên dốc đứng vực sâu, trơn trượt nhơm nhớp bùn nâu. Sau hơn một tháng chúng tôi vào đến đường 9 Nam Lào, được bổ sung cho đoàn 559 - Trường Sơn. Thế rồi tôi gắn bó với Trường Sơn, với con đường huyền thoại gần 6 năm liền.

TRƯỜNG SƠN RỰC LỬA
       Tôi được điều về về Ban Công binh Binh trạm 32, được huấn luyện rồi biên chế vào Tiểu đội khảo sát . 
       Nhằm cắt đứt tuyến chi viện chiến lược từ hậu phương lớn ra tiền tuyến lớn, đầu năm 1971 dưới sự yểm trợ của không quân của Mỹ, quân đội nguỵ đã mở cuộc tiến công sang Đường 9 - Nam Lào lấy tên là Lam Sơn 719 với lực lượng rất lớn, tới 500 máy bay trực thăng, 200 xe tăng, hùng hổ tiến sang. Bộ đội Trường Sơn phối hợp với lực lượng của Bộ mở Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, đánh bại cuộc hành quân của địch, bảo vệ vững chắc tuyến chi viện chiến lược. Giành thắng lợi vang dội.
       Chúng tôi đi khảo sát tuyến tránh đường 35, thật nguy hiểm. Máy bay trực thăng địch đổ bộ xuống khu vực đông bắc Tha Mé, may mà nhanh chân băng qua đồi nên thoát được. Khi khảo sát tìm ngầm tránh cho đường 32 B, bị máy bay đến đánh phá ngầm qua sông, tổ khảo sát chúng tôi chạy mau nấp sau gốc cây, mảnh bom bay rào rào may mà an toàn. Một hôm trên đường đi khảo sát mắc võng ngủ đêm, sáng dậy thấy toán phỉ Lào đi qua cách có mấy chục mét, vết giầy chi chít, may mà đêm tối mưa to nên không bị chúng phát hiện. 
       Khảo sát đường qua các trọng điểm Văng Mu, Phú Kiều, Tha Mé nơi địch đánh phá vô cùng ác liệt rất nhiều chuyến đi vẫn an toàn, có thể nói là gặp may . Nhiều lần qua Văng Mu nơi đây máy bay Mỹ ném bom vô cùng ác liệt, Văng Mu được ví như cánh cửa thép Trường Sơn, tổ khảo sát của chúng tôi vẫn an toàn.

Đường 128 qua Văng Mu
Đêm đêm sáng trắng ánh đèn dù
Đạn xới bom cầy rừng tan nát
Đá hoá thàn vôi đất đỏ lừ
...
       Tiếp theo trải qua rất nhiều đơn vị với cương vị nhân viên, trợ lý công binh các Trung đoàn 30, 34, Phòng Công binh Sư đoàn 472, địa bàn hoạt động ngày càng vào sâu khắp các tỉnh Nam Lào.
       Các đơn vị của chúng tôi hoạt động trên địa bàn bắc - nam đường số 9, một con đường cắt ngang hai nước Việt - Lào, mọi tuyến đường đi vào chiến trường đều phải vượt qua đường 9. Nơi đây đã diễn ra cuộc chiến ngăn chặn của đế quốc Mỹ vô cùng ác liệt. Tất cả các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại nhất người Mỹ đã đem ra thí điểm sử dụng trên chiến trường Trường Sơn mà đường 9 là một trong những khu vực trọng điểm ác liệt nhất. Bộ đội Trường Sơn bên chống ngăn chặn, với lực lượng Binh chủng hợp thành, trong 16 năm bảo đảm chiến đấu, chiến đấu, đánh bại cuộc chiến ngăn chặn của Mỹ nguỵ và chư hầu, chi viện sức người sức của cho cách mạng miền Nam và giúp đỡ cách mạng hai nước bạn Lào và Cam Pu Chia.
       Sau khi hiệp định Pa ri ký kết, năm 1974 lực lượng của BTL Trường Sơn rút hết về phía đông, chỉ để lại 9 người thành lập Ban chỉ đạo Miền Tây, tôi là trợ lý kế hoạch của phòng Công binh Sư đoàn 472 trong đoàn ở lại phía tây. Lực lượng duy nhất để lại trung đoàn Công binh 34 và Sư đoàn Bộ binh 968. Ban chỉ đạo xuống trùm lên Trung đoàn 34, tôi đang là trợ lý kế hoạch của phòng Công binh Sư đoàn 472 nay chuyển xuống làm trợ lý phụ của Trung đoàn Công binh 34. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, đó là lời thề của quân 
 
 
nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Trung đoàn tiếp tục làm đường cơ bản nhánh tây. Tiểu đoàn 43 bắc cầu treo Bản Đông qua sông Sê băng hiêng.       
       Giữa năm 1974 theo yêu cầu nhiệm vụ trung đoàn công binh 576 được thành lập ở khu vực phía đông Saravan, tôi lại được điều về tham gia thành lập Trung đoàn, làm trợ lý kế hoạch. Trung đoàn triển khai ngay nhiệm vụ làm đường chuẩn bị cho bảo đảm vận chuyển chi viện lớn cho chiến trường, giải phóng miền Nam.
       Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, cuối năm 1974 Sư đoàn Công binh 565 được thành lập tại khu vực thị xã Sa ra van, tôi lại điều về làm trợ lý công binh / Phòng Tham mưu Sư đoàn. BTL Trường Sơn cử thượng tá Phạm Tề - Cục phó / Cục chính trị vào làm phái viên đốc chiến. Đồng chí tổ chức ngay một chuyến công tác đi kiểm tra đường, phổ biến nhiệm vụ chuẩn bị cho giải phóng Miền Nam, chỉ đạo các đơn vị khẩn trương chuẩn bị cầu đường đón đại quân cơ động vào chiến trường.Tôi là trợ lý đi theo cùng đoàn. Đi đến đâu đồng chí cũng họp phổ biến nhiệm vụ, niềm vui mừng phấn khởi được truyền đạt khơi dậy cho cán bộ chiến sĩ các đơn vị bên tây Trường Sơn, hướng vận chuyển chính vào chiến trường trong cuộc tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam . Mùa khô đi qua rừng khộp nam Lào nắng chang chang, suối khe cạn hết nước. Một hôm đi đến 12 giờ mà chưa tìm ra nước, bỗng thấy một suối cạn còn một vũng nước, xác súc vật chết thối nổi lều bều kín mặt vũng nước, tôi và anh Tuý loay hoay mãi không dám múc, Trung tá Nguyễn Đức Lợi - PTL Sư đoàn cũng ngần ngại. Thượng tá Phạm Tề quát: gạt ra múc lên nấu cơm ngay, chúng tôi chấp hành, bữa ăn cứ lờm lợm cũng phải cố gắng nuốt thôi. Vào qua sông Sê Ca Máng gặp ngay một đoàn ô tô đang cháy ngùn ngụt nhìn mà xót xa trong lòng. 

 
       
       Sau hiệp định Pa ri, chúng ta rút hết lực lượng Phòng không về phía đông, vì Mỹ đã ngừng ném bom Đông Dương. Hôm đó một tiểu đoàn ô tô vận tải của ta đang chạy vào, máy bay của quân nguỵ Sài Gòn sang đánh phá, chặn đầu khoá đuôi và bắn cháy phần lớn xe của ta đang chở vũ khí, hậu cần vào chiến trường, thiệt hại quá lớn. Hai xe con trong đoàn chúng tôi cố gắng lách qua các xe đang cháy vượt lên phía trước, vào đến vị trí chỉ huy của tiểu đoàn 41 là xẩm tối, cách ngã ba Đông Dương khoảng 10 km. Trong trận oanh tạc buổi chiều, máy bay địch đánh trúng vị trí chỉ huy của tiểu đoàn, vẫn còn một quả bom chưa nổ ngay trong sân của đơn vị, chúng tôi xác định là bom lép, không sơ tán đơn vị. Buổi tối vẫn cho anh em xem phim, sau đó đồng chí Phạm Tề nói chuyện. Kết thúc buổi nói chuyện tất cả ra mặt đường khắc phục hậu quả trận đánh trong ngày của không quân nguỵ. Tiếng máy húc ầm ầm vang vọng cả núi rừng Trường Sơn nam Lào, chúng tôi đi kiểm tra đường đã thông đến Phi Hà ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Cam Pu Chia. Rộn lên trong lòng mỗi người niềm vui khôn xiết.
       Hoàn thành nhiệm vụ đoàn chúng tôi quay ra, dọc đường vào các đoàn xe ô tô chở hàng, xe tăng, pháo binh, xe chở quân nườm nượp hướng ra chiến trường. Bộ đội ngồi trên xe cài lá nguỵ trang giơ tay vẫy với nụ cười tươi trẻ, khí thế ra trận thật hào hùng.
       Nhật lệnh “ Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ thời cơ xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng” được truyền đi khắp dọc đường hành quân làm nức lòng mọi cán bộ chiến sĩ chúng tôi.
Ngày 30/4/1975 Sài Gòn được giải phóng, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta giành thắng lợi hoàn toàn, niềm vui tràn ngập trong lòng mỗi người dân Việt Nam đặc biệt là những người chiến sỹ trên chiến trường. Tôi đang là trợ lý Ban Công binh/ Phòng tham mưu/ Sư đoàn 565/ Bộ tư lệnh Trường Sơn đóng trên địa bàn tỉnh Sa Ra Van thuộc Nam Lào, nghe đài báo tin mà hội hộp như ngỡ trong mơ. Sư đoàn đảm nhiệm toàn bộ mạng đường chiến lược tây Trường Sơn trong giai đoạn Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Sau ngày 30/4/1975 các đơn vị tiếp tục hoàn thành một số đoạn đường đang thi công và các nhiệm vụ khác. Tháng 1/ 1976 sau gần 6 năm chiến đấu trên đường Trường Sơn bên đất bạn Lào, Tôi được trở về đất Việt thân yêu, vai đeo ba lô sờn cũ vác chiếc khung xe đạp thống nhất đã thồ hàng vào chiến trường từ năm 1962 đến năm 1964, năm 1975 mừng chiến thắng được Sư đoàn 565 tặng mang về quê. Tôi ra nghỉ phép lấy giấy tiếp nhận để trở về làm thầy giáo dạy toán cấp hai như trước khi nhập ngũ, rồi lại sang Lào ăn cái tết thứ sáu trên đất nước Cham Pa, tháng 4/1976 cùng sư đoàn về nước.
       Sau 16 năm hoạt động, đường Trường Sơn, con đường huyền thoại đã lập nên kỳ tích chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam và giúp đỡ cách mạng hai nước bạn Lào và Cam Pu Chia. Đường Trường Sơn mãi mãi đi vào lịch sử chiến tranh của Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung. Bộ đôi Trường Sơn vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Năm năm làm nhiệm cụ trên chiến trường Trường Sơn, Tôi đã hết sức cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Được thăng quân hàm từ binh nhì vượt cấp lên hạ sĩ, từ hạ sĩ vượt cấp lên thượng sĩ, nhiều năm được bầu là chiến sĩ thi đua, được tặng thưởng huân chương chiến sĩ giải phóng. 
       Chỉ có điều buồn là làm trợ lý sư đòan từ tháng 12/1973 đến khi giải phóng vẫn không được phong quân hàm sĩ quan như những người khác, do đồng chí trợ lý chính trị chưa hiểu đủ qui trình nên tôi bị thiệt. Thế là tôi phải mang quân hàm thượng sĩ suốt 8 năm liền cho đến khi tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Quân sự sau này.
Sau giải phóng tôi làm đơn xin ra quân về tiếp tục
dạy học.
       Tôi mãi tự hào là người chiến sĩ Công binh của Bộ đội Trường Sơn Anh hùng

BƯỚC NGOẶT CUỘC ĐỜI
       Tại Khe Sanh vùng mới giải phóng đang tập trung làm lán trại, chuẩn bị ra quân về dạy học tiếp. Đột ngột Trung tá Nguyễn Đức Lơi Phó tư lệnh Sư đoàn gọi lên hỏi: Cậu có đi thi đại học không? thật bất ngờ, thật mừng, đây là niềm mơ ước tột đỉnh của tôi. Suốt năm năm chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn, dưới mưa bom bão đạn của địch, đêm đêm leo lét ánh đèn dầu tôi tự mang sách đeo từ Miền Bắc vào chiến trường ra tự học. Tôi học sư phạm (7+3) lại rút ngắn có hai năm, mới qua một phần chương trình học kỳ 1 của lớp 10, ở chiến trường tôi tự học cho hết chương trình lớp 10/10. Tháng 4/1976 tôi về Trường văn hoá của Bộ tư lệnh Trường Sơn ở Quy Nhơn ôn thi, hồ hởi phấn khởi lao vào học ôn, sau một tháng đột nhiên trường thông báo là bằng trung cấp (7+3) của tôi không đủ điều kiện dự thi đại học, nghe mà bàng hoàng sững sờ! nỗi buồn sâu thẳm trong tâm, nghỉ chuẩn bị trở về đơn vị cũ để ra quân. Ngày ngày dạo bước thơ thẩn một mình trên bãi cát nhìn ra biển khơi mênh mông mà trong lòng nỗi buồn man mác. Sau một tháng họ lại thông báo được dự thi, thời gian còn có một tháng nữa, tôi lao vào ôn tập, tóc tai dựng đứng lên, học quên ăn quên ngủ mắt mờ thân phờ phạc. Trước khi đi thi nhà trường tổ chức thi thử theo đề thi đại học, tôi được 29/30 điểm đứng đầu hơn 300 quân nhân ôn thi, lòng thật mừng và tự tin. Đầu tháng 7/1976 chúng tôi hành quân ra Nam Đàn, tôi ở ngay Làng Sen quê Bác dự thi đại học. Với ý chí quyết tâm và nỗ nực hết mình, Tôi đã đạt điểm cao, được tuyển vào Trường Đại học Kỹ thuật Quân Sự. Từ đây mở ra bước ngoặt của cuộc đời.

Dịch Vọng - Cầu Giấy - Hà Nội 
Đêm 29/4/2018
 Hoàng Kiền

tin tức liên quan