- B2 chúng tôi cũng có một đơn vị làm nhiệm vụ như các đồng chí, lấy phiên hiệu là Đoàn 17. Ở dưới đó, chúng tôi rất mừng vì các đồng chí mở được tuyến đường C4. Chúng tôi sẽ đưa Công ty Quách An lên đây thảo luận với K20. Đây là một chủ thầu Hoa kiều, một nhà tư sản lớn ở Phnôm Pênh đã buôn bán với Đoàn 17. Bước đầu, chúng ta chỉ mua một mặt hàng là gạo. Đây là bảng giá gạo của Phnôm Pênh, của Sài Gòn, các đồng chí căn cứ vào đó mà mặc cả với họ.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Đại tá Nguyễn Đức Phương (ngồi bên cạnh Đại tướng) và gia đình ở phường Quán Triều, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh tư liệu Sư đoàn 470. |
Vài ngày sau, một người có bí danh là Bảy Cà Phê, đại úy, cũng người của Đoàn 17, đến gặp “ông chủ lớn” nói:
- Bộ giao cho Đoàn 17 giữ tài khoản cho các anh. Mỗi lần nhận hàng, anh chỉ cần ký hóa đơn, chúng tôi dựa vào đó thanh toán với Công ty Quách An.
Đại úy Bảy Cà Phê trao cho Trung tá Nguyễn Đức Phương số đồng riel Campuchia khá lớn dùng mua hàng tại chỗ và tổng tài khoản mà anh làm chủ. Từ chỗ một trưởng đoàn thiếu thốn đủ thứ, cùng anh em ăn sắn thay cơm trừ bữa vì thóc gạo thu mua tuyệt đối không được vi phạm để chuyên chở về cho các mặt trận, thoắt cái, Trung tá Nguyễn Đức Phương trở thành nhà tư sản có tài khoản riêng hàng triệu đô la. Anh hiểu, công việc của K20, của Đoàn 17 đã được Tổng hành dinh dự tính từ trước và chỉ đạo hoạt động nhịp nhàng. Đọc các bức điện của bộ, dưới là chữ ký của các vị tướng đã trở nên quen thuộc trong toàn quân, anh mới thấy tầm quan trọng của tuyến đường C4 này. Nhiệm vụ của đoàn lúc này là phải thu mua về một vạn tấn gạo mỗi năm.
Tháng 12-1965, những chuyến hàng của Công ty Quách An chảy về Đôn Phầy. Thấy mối lợi, các thương nhân từ Stung Treng, Kratie, Phnôm Pênh đua nhau chở gạo bằng đường sông Sekong lên bán cho K20.
Nhưng vận chuyển bằng đường sông rất khó khăn. Chở bằng ca nô dễ rủi ro bởi sông Sekong nhiều thác lớn, có thác dài gần 3km, nước chảy xiết; có thác dốc, cao, ca nô xuôi dòng chỉ cần chệch tay lái một chút sẽ bị nhấn chìm hoặc va vào đá ngầm. Về đường bộ, chỉ có con đường từ Phnôm Pênh đến Siem Pang, một huyện của tỉnh Stung Treng, còn từ đó đến Đôn Phầy là 60 cây số đường rừng chưa được mở, nên Đôn Phầy hầu như bị cô lập với các địa phương khác. Cần phải làm đường bộ từ Siem Pang lên Đôn Phầy, trong đầu Nguyễn Đức Phương luôn nung nấu ý chí đó. Đem ra bàn bạc trong cấp ủy của đoàn, ai cũng đồng tình, bởi làm 60km đường rừng tương đối bằng phẳng, lại không một bóng người thì không khó khăn lắm. Nhưng nếu không được phép của chính quyền sở tại mà mình vẫn đưa người sang làm là vi phạm luật pháp quốc tế. Như vậy, phải mua chuộc bằng được Huyện trưởng huyện Siem Pang. Đích thân “ông chủ lớn” vượt sông Sekong sang bàn bạc, “làm ăn” với Huyện trưởng. Thuận lợi lớn nhất là tuyến đường này trước đây chính quyền Campuchia đã đồng ý cho Siem Pang làm, nhưng do thiếu tiền và nhân lực nên chỉ khơi thông được 8km phải bỏ dở. Biết y đang cần tiền để cung cấp cho 5 bà vợ và một lũ con, anh nói:
- Tôi là nhà buôn nên rất cần con đường đó. Cứ mỗi ngày 10 xe ô tô chở hàng cho tôi lợi gấp hàng trăm lần chở bằng ca nô. Ông cho tôi đưa cu-li vào làm dưới sự kiểm soát của người ông cử đến. Tôi làm không tính của ông một xu tiền công nào. Tỉnh trả công mỗi mét đường bao nhiêu xin ông nhận cho.
Thấy "bở", tay Huyện trưởng gật đầu ngay và hứa ngày mai sẽ có giấy phép cho “ông chủ lớn”. Công việc không ngờ nhanh chóng và thuận lợi ngoài mong đợi. Ngay lập tức, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Công binh 98 Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào cất quân phục, súng đạn vào kho, khoác lên mình bộ đồ lao động đóng vai cu-li sang Đôn Phầy mở đường đi Siem Pang. Anh em lao động cật lực chạy đua với thời gian, làm việc không kể ngày đêm. Chỉ một tháng sau, 60km đường hoàn thành trước sự ngạc nhiên của tay Huyện trưởng. Đường bộ đã thông, thời gian đi lại từ Đôn Phầy về Phnôm Pênh từ một tuần nay chỉ còn hai ngày. Nguyễn Đức Phương điện cho Đoàn 17: “Đường thông. Cho chở hàng ngay”. Thế là từng đoàn xe GMC của Công ty Quách An chở đầy gạo xuất phát. Do chuẩn bị đầy đủ giấy tờ và biết cách đút lót, không một xe nào bị giữ lại dọc đường. Mỗi ngày, tuyến đường C4 nhận 40 tấn hàng.
Việc buôn bán ngày càng thuận lợi, gạo dự trữ trong kho tăng nhanh chóng, từ 100 tấn lên 1.000 tấn, 2.000 tấn, 3.000 tấn… Lương thực cho các chiến trường tạm ổn thì K20 nhận được chỉ thị mua xăng dự trữ của đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng. “Ông chủ lớn” và đồng đội lại trổ tài thuyết phục, lôi kéo các quan chức Campuchia bán xăng cho ta. Với sự trợ giúp của Đoàn 17, số lượng xăng khá lớn mà K20 thu mua được đều tập kết về kho an toàn, chờ ngày tỏa đi các chiến trường.
Ngày 18-3-1970, được Mỹ tiếp tay, Lon Non đảo chính lật đổ Chính phủ Quốc trưởng Norodom Sihanouk, xóa bỏ chế độ trung lập của Campuchia, lôi nước này vào quỹ đạo chiến tranh. Các cơ sở hậu cần của ta hoạt động trên đất Campuchia phải rút vào bí mật. Trước tình hình đó, tháng 4-1970, Quân ủy Trung ương thành lập Sư đoàn 470 trực thuộc Bộ tư lệnh 559 (sau gọi là Bộ tư lệnh Trường Sơn) trực tiếp vận chuyển hàng hóa phục vụ các chiến trường Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia, Tây Nguyên và Nam Bộ. Cán bộ, chiến sĩ Đoàn K20 sáp nhập vào Sư đoàn 470, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện chiến tranh ngày càng ác liệt hơn. Riêng “ông chủ lớn”- Trung tá Nguyễn Đức Phương được bổ nhiệm giữ chức Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 470.
Sống mãi trong lòng đồng đội
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, Đại tá Nguyễn Đức Phương đảm nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật. Năm 1980, ông về hưu sống cuộc sống giản dị với vợ con ở phường Quán Triều, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên như một lão nông. Bà con hàng xóm không hề biết ông từng đóng vai “ông chủ lớn” với tài khoản hàng triệu đô la. Ông mất năm 2001.
Nhưng cấp trên không quên ông. Đương thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Chu Huy Mân, Thượng tướng Lê Quang Hòa từng lên thăm và khen ngợi tài làm vườn, chăn nuôi của ông.
|
Ngày 30-4-2017, cựu chiến binh Sư đoàn 470 viếng mộ Đại tá Nguyễn Đức Phương ở Quán Triều, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: H.S |
Đồng đội không bao giờ quên ông. Họ nhắc ông trong Ngày kỷ niệm truyền thống Sư đoàn 470. Dịp kỷ niệm 30-4 hằng năm, đại diện Ban liên lạc sư đoàn lên thăm gia đình và viếng mộ ông. Đại tá Đặng Văn Khoát, nguyên Cục phó Cục Hậu cần Mặt trận Tây Nguyên, khẳng định: “Nhờ anh Đức Phương và K20 mà hàng vạn cán bộ, chiến sĩ ở Mặt trận Tây Nguyên chúng tôi đã sống và chiến đấu được trong gần 7 năm! Anh Đức Phương cung cấp cho chúng tôi từ lương thực, thực phẩm đến thuốc chữa bệnh, văn phòng phẩm, dao, cuốc…”.
Ông Đặng Doãn Duy, nguyên Đại đội trưởng trực tiếp tổ chức thu mua, tiếp nhận hàng cho “ông chủ lớn” kể: “Ông chủ lớn” Nguyễn Đức Phương uy danh là thế, được ký séc chi những khoản tiền lớn mua xăng dầu, thuốc men và cả vạn tấn gạo nhưng có hôm phải ăn sắn trừ bữa vì gạo cho đơn vị hết sạch. Một lần túng quá, có cán bộ đề nghị ông vay tạm gạo ở kho để đơn vị dùng nhưng ông kiên quyết: “Gạo này là của mặt trận, không ai được đụng đến. Chúng ta có sông Sekong, có đất để tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống”. Thủ trưởng công minh, liêm khiết, cán bộ, chiến sĩ noi theo, cho nên không có chuyện vi phạm một cân gạo, một can xăng, một viên thuốc của chiến trường. Bây giờ gặp lại nhau, chúng tôi vẫn tự hào về điều đó”.
Trung tá, Thầy thuốc Ưu tú Trần Thị Thục Oanh, nguyên Chủ nhiệm Quân y Cục Xe-Máy, Tổng cục Kỹ thuật, từng là y sĩ của K20, nhớ lại: "Một lần, tôi đóng vai em gái “ông chủ lớn” cùng thủ trưởng Đức Phương sang Siem Pang để gặp tay Huyện trưởng bàn chuyện làm đường từ Siem Pang đến Đôn Phầy. Trong “bữa tiệc” chia tay, ngoài nồi sắn luộc, anh quản lý còn đưa thêm cho “ông chủ lớn” và tôi một củ sắn lùi. Thế mà chiều hôm sau, anh Đức Phương bắt buộc phải bỏ tiền ra để chiêu đãi tay Huyện trưởng và bộ sậu một bữa tiệc linh đình. Anh nói nhỏ với tôi: “Xót xa cho anh em ở nhà lắm, nhưng vì nhiệm vụ chung, anh em mình phải vào vai thật tốt”.
Đồng đội một thời của cố Đại tá Nguyễn Đức Phương luôn dành cho ông tình cảm trân trọng, kính phục. Ông, trong vai “ông chủ lớn”, nhưng mãi mãi là anh Bộ đội Cụ Hồ liêm khiết, không màng danh lợi, một đời tận tụy phục vụ Tổ quốc, nhân dân.
HỒNG SƠN (Tiếp theo và hết)