Đường Trường Sơn - Ký ức thời hoa lửa: 365 ngày ở Binh trạm 33 - Đại tá Nguyễn Linh Anh Nguyên Chính ủy Binh trạm 33

Ngày đăng: 04:06 15/05/2018 Lượt xem: 1.661


-----------------------------------------------
Đường Trường Sơn - Ký ức thời hoa lửa:
365 ngày ở Binh trạm 33

365 ngày ở Binh trạm 33

         “Lằn ranh sống - chết dường như mong manh vô cùng. Giấc ngủ luôn phải chập chờn vì bom đạn và máy bay địch quần thảo; những tiếng bước chân hối hả; lời ca, tiếng hát vang lên sau đợt ném bom của địch…”, 365 ngày giữ nhiệm vụ Chính ủy Binh trạm 33 (từ tháng 10-1967 đến tháng 10-1968), với tôi là những ngày tháng không thể quên…”.

         Bên tách trà trong căn nhà nhỏ ấm cúng ở đường Phan Văn Trị phường 10 quận Gò Vấp, đại tá Nguyễn Linh Anh, nguyên Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh 559, nguyên Tư lệnh phó Binh đoàn 12 mở đầu câu chuyện với chúng tôi về 1 năm ở Binh trạm 33 trong quãng thời gian 10 năm ông sống và chiến đấu ở Trường Sơn.

Bám địch, bám trọng điểm, bám xe

 

         Mùa khô 1967 – 1968, chiến tranh ngày càng khốc liệt, sự chi viện cho chiến trường miền Nam ngày càng tăng, cả về binh lực và vũ khí, kỹ thuật.

         Binh trạm 33 nằm ở vị trí “yết hầu” trên toàn tuyến. Trên địa bàn binh trạm có những trọng điểm ác liệt như đường số 9 – đèo Tha Mé – Sađi – La Hạp, cung Cù Lục - Khe Sanh…

         Như các binh trạm, nhiệm vụ của Binh trạm 33 là tổ chức tốt việc đưa đón bộ đội và binh khí kỹ thuật vào ra an toàn.

         Ở Đoàn 559, tổ chức biên chế binh trạm tương đương cấp Trung đoàn, nhưng quân số, lực lượng có khi tương đương 1 sư đoàn. Riêng Binh trạm 33, ngoài binh trạm bộ với đủ các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, còn có 1 tiểu đoàn giao liên, 2 tiểu đoàn xe, 2 tiểu đoàn công binh, 2 đại đội kho, 1 đại đội thông tin, 1 đại đội bộ binh, 1 đại đội cơ giới để dẫn xe với tổng số từ 2.000 – 2.500 sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ.

         Trên địa bàn Binh trạm 33 có 2 trục đường chính. Trục thứ nhất, quãng đường 128 từ khu vực kho K1 (đường số 9) qua sông Sê băng hiêng, vượt đèo Tha Mé đi vào ngã ba Sađi – Mường Noọng đến La Hạp của Lào do Tiểu đoàn công binh 35 phụ trách. Trục thứ hai từ kho K1 (đường số 9) chạy theo đường số 9 về hướng Đông, qua Sê Pôn – Thà Khống đến Bản Đông trên đường số 9, do Tiểu đoàn công binh 41 phụ trách.

         Các đơn vị công binh nói trên, ngoài nhiệm vụ mở đường, làm đường, sửa đường, giữ đường đảm bảo giao thông cho tuyến đường trên địa bàn, còn là lực lượng tại chỗ đánh máy bay thấp, truy lùng biệt kích, thám báo, cấp cứu người và xe. Hỗ trợ họ chỉ có các đơn vị thanh niên xung phong, phần lớn là nữ…

         Đó là công việc tưởng chừng đơn giản nhưng cực kỳ khó khăn gian khổ, bởi ngoài việc hàng ngày, hàng giờ trực tiếp đối mặt với những trận mưa bom của kẻ thù trút xuống, họ còn phải chiến đấu với mưa lũ Trường Sơn và sốt rét rừng… Thế nhưng từ trong gian khó ấy, họ đã lập công và trưởng thành.

         Đại đội 4 công binh của binh trạm là nơi sản sinh ra phong trào “ba bám, bốn nhanh” - bám trọng điểm, bám địch, bám xe và trinh sát nhanh, hạ quyết tâm nhanh, cơ động nhanh, khắc phục nhanh - sau này cũng trở thành phong trào thi đua của toàn lực lượng công binh Trường Sơn.

Tọa độ lửa

         Chính vì vị trí chiến lược của Binh trạm 33 nên nơi này cũng trở thành mục tiêu trọng điểm bắn phá của kẻ địch. Cuối tháng 2-1968, địch tổ chức một đợt bắn phá dữ dội hơn 10 ngày đêm khu vực của Binh trạm 33, trọng điểm là phía Nam đồi Tha Mé, nơi có sở chỉ huy, xe và kho của binh trạm.

         Những ngày ấy, trên đầu luôn có tiếng máy bay địch gầm rú, B52 trút bom từng đợt, từng đợt như vãi trấu. Một đợt ném bom rải thảm của một tốp 3 chiếc B52 có sức tàn phá bằng một trận oanh tạc của 30 đến 40 máy bay phản lực ném bom.

         Mỗi ngày có 2 đợt, cao điểm có ngày đến 4 đợt B52 thả bom xuống khu vực quanh binh trạm. Ngay trong đợt ném bom đầu tiên, máy bay địch đã ném trúng vào căn cứ của Đại đội 1 và tiểu đoàn bộ Tiểu đoàn 35 công binh.

         Tôi nhớ lúc ấy khoảng 15 giờ, tin dữ liên tục dội về khiến chúng tôi đứng ngồi không yên. Đồng chí tiểu đoàn trưởng và nhiều chiến sĩ Tiểu đoàn 35 bị thương; một tiểu đoàn pháo cao xạ 37 đang hành quân qua cũng dính bom khiến 4 chiến sĩ hy sinh, 5 chiến sĩ khác bị thương, 2 khẩu pháo bị hỏng. Một khu kho chứa đạn cũng trúng bom, trưởng kho, phó kho hy sinh, một nữ y tá cũng bị thương, còn một nữ chiến sĩ thông tin khác thì hy sinh khi đang làm nhiệm vụ nối đường dây điện thoại…

         Suốt gần nửa tháng liền sau đó, chúng tôi huy động lực lượng cả binh trạm vào cứu kho, cấp cứu điều trị cho anh em bị thương, chôn cất những chiếc sĩ hy sinh, di chuyển địa điểm, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của binh trạm… Đó là thời gian mà sự sống và cái chết với chúng tôi là những lằn ranh mong manh vô cùng.

Giữa lằn ranh sống - chết

         Mục đích ném bom của địch là phá hoại, cắt đứt các con đường giao thông liên lạc, “mạch máu” vận chuyển quân lực, vũ khí, khí tài, lương thực của ta chi viện cho chiến trường miền Nam. Do vậy, trên đường Trường Sơn, chúng có thể ném bom bất kỳ lúc nào, bất kỳ loại bom gì chúng có trên chiến trường.

         Cuộc sống của cán bộ chiến sĩ ở binh trạm những ngày tháng đó lúc nào cũng căng như dây đàn. Cả ngày lẫn đêm, tất cả các đơn vị công binh và TNXP đều huy động hết lực lượng ra mặt đường để phá bom, san đường, thông xe, với khẩu hiệu “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. Đường vừa thông thì máy bay địch lại đến trút bom phá hoại, hàng trăm hàng ngàn quả bom các loại, từ bom na-pan, bom hóa học, phát quang, bom nổ chậm, bom từ trường, bom bi… đã ném xuống mặt đường.

         Trong đó, bom nổ chậm và bom từ trường vùi sâu trong lòng đất, luôn rình rập gieo tai họa. Không những thế, chúng còn rải đủ các loại mìn: mìn cóc, mìn vướng, mìn lá... để ngăn chặn không cho bộ đội ta sửa đường, phá bom nổ chậm.

         Khi địch đánh phá, oanh tạc, các ca kíp trực cả ngày lẫn đêm của các đơn vị đã phát hiện được vị trí và số lượng bom rơi, đánh dấu trên bản đồ… Khói bom chưa tan, từ trong các khe núi, góc rừng, máy ủi máy xúc và trên xe là các chiến sĩ công binh, thanh niên xung phong tiến ra trọng điểm địch vừa bắn phá để sửa đường, thông xe.

         Rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của công binh và TNXP ngày ấy đáng được ghi vào sử sách. Ở nhiều cua đường hiểm trở, một bên là vách núi một bên là vực sâu mà bị bom đánh đứt đường, không có mìn để phá núi làm đường thì công binh và TNXP dùng gỗ, dùng cây bắc tạm những chiếc cầu nhỏ để xe vừa bám vào cầu vừa tì vào vách núi đi qua.

         Để giảm trọng tải xe, nhiều khi TNXP phải bốc dỡ hàng xuống, cho xe lần lượt đi qua rồi lại bốc hàng lên, trong khi trên đầu máy bay địch vẫn quần đảo và có thể dội bom bất kỳ lúc nào. Những chiến sĩ TNXP khoác vải dù trắng đứng bên bờ vực, hoặc hai bên ngầm để làm cọc tiêu cho xe lăn bánh đúng đường… bất chấp máy bay địch bắn rốc-két hoặc ném bom.

         Có nhiều người đã ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ “cọc tiêu sống” như vậy.

         Trong những ngày ấy, ở giữa lằn ranh sống chết, nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ Binh trạm 33 cùng với các đơn vị trên đường Trường Sơn vẫn lạc quan, yêu đời và hết mình vì nhiệm vụ…

Đại tá Nguyễn Linh Anh 
Nguyên Chính ủy Binh trạm 33 kể

Theo SGGP Online


tin tức liên quan