Ký ức Đường Trường Sơn - Tác giả: Lưu Trọng Lân

Ngày đăng: 10:59 16/05/2018 Lượt xem: 975

---------------------------------------------------------------

         Nhân dịp Kỷ niệm 59 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2018). Trang Thông tin Trường Sơn xin trân trọng giới thiệu đến các đồng chí và bạn đọc tác phẩm mang tên: “Ký ức Đường Trường Sơn” của tác giả Lưu Trọng Lân.

         Ban Biên tập

Ký ức Đường Trường Sơn

Chương 1: Thông tin

Thông tin Ebook
Tác phẩm: Ký ức Đường Trường Sơn
Tác giả: Lưu Trọng Lân
Nhà xuất bản Trẻ + Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân
Năm xuất bản: 2004

Ký ức Đường Trường Sơn

Chương 2: Nhớ mãi một người anh

Một buổi sáng tháng 8 năm 1965, tôi nhận được điện lên ngay Quân chủng Phòng không-Không quân nhận lệnh. Chưa biết sẽ nhận nhiệm vụ gì, nhưng lòng tôi cứ thấy lo lo. Đơn vị tôi là một Tiểu đoàn độc lập, trực thuộc Quân chủng, vừa mới hình thành, chưa có nền nếp. Cán bộ từ Tiểu đoàn đến Khẩu đội đều là Sĩ quan, Hạ sĩ quan. Nhưng tất cả chiến sĩ thì đều là lính mới. Họ mới được tuyển chọn từ các trường Đại học và Trung cấp ở Hà Nội. Anh em đa phần là sinh viên năm thứ nhất và thứ hai, chưa qua một ngày huấn luyện kỹ thuật bắn máy bay, mặc dầu trước đó, khi còn ở nhà trường, học đã được học qua về quân sự.
Vào phòng làm việc của Bộ Tư lệnh, thấy đồng chí Phùng Thế Tài, tôi liền dập gót đứng nghiêm:
-Báo cáo Tư lệnh, tôi, Lưu Trọng Lân, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 6 có mặt.
-Tốt! Cậu đến rất đúng giờ.-Và không để cho tôi nói thêm, đồng chí Tài bảo tôi lấy sổ tay ra ghi lệnh:
-Tối nay, 11 tháng 8, tiểu đoàn 6 đi nhận vũ khí.
-Ngày mai, 12 tháng 8, tổng lau toàn bộ pháo, đạn.
-Hai ngày tiếp theo 13 và 14 tháng 8, huấn luyện Bộ đội. Ngay tối 14 tháng 8 ra quân chiến đấu.
Kế hoạch hành quân và nhiệm vụ phối thuộc tác chiến thế nào, Bộ Tham mưu sẽ có lệnh sau. Bây giờ cậu sang Phòng Quân lực để nghe hướng dẫn kế hoạch nhận vũ khí, rồi về đơn vị tổ chức thực hiện ngay.
Mặc dầu trong bụng tối như tơ vò, vì nhiệm vụ cấp bách quá, nhưng tôi vẫn đứng lên:
-Báo cáo Tư lệnh, rõ! Xin nghiêm chỉnh chấp hành!
Được cơ quan quân lực lượng hướng xong, tôi vội vàng lên xe ra về. Ngồi trên xe, tôi tự nhủ: phải vắt chân lên cổ mà chạy, nhưng đừng cuống. Hãy bình tâm suy nghĩ, dự kiến ngay việc phân công cán bộ và kế hoạch thời gian để lát nữa sẽ bàn với anh Thành, chính trị viên.
Vừa chui vào lều, tôi thấy anh Thành đang tiếp khách. Tranh tối tranh sáng, chưa kịp nhận ra ai, thì tôi đã nghe anh Thành nói:
-Anh Lân! Chính uỷ Đặng Tính xuống thăm...
Tôi vội đưa tay lên vành mũ:
-Xin chào thủ trưởng!
-Ngồi xuống đây!
Chính uỷ bảo tôi ngồi, rồi tự tay bưng ly nước chanh mà anh Thành vừa pha mời chính uỷ, ấn vào tay tôi:
-Tiểu đoàn đi xa về, chắc đang khát. Uống đi! Tôi sẽ uống sau.
Nhìn nét mặt ân cần của chính uỷ, cảm động quá, tôi cảm ơn, rồi bưng ly nước chanh, uống vài hơi hết sạch.
-Gặp anh Tài rồi phải không?? Nhiệm vụ khẩn cấp lắm phải không?
Tôi thưa ngay:
-Báo cáo chính uỷ, đúng là quá gấp ạ! Không có thời gian chuẩn bị huấn luyện. Thời gian huấn luyện lại chỉ có hai ngày...
Anh Đặng Tính cười độ lượng:
-Quân chủng rất hiểu nỗi băn khoăn của các đồng chí. Nhưng các đồng chí thấy đấy, không quân Mỹ đã vượt vĩ tuyến 20. Chúng đang mon men đến gần Hà Nội. Chúng ta phải chạy đua với địch, chạy đua với thời gian. Cụm Tiền phương I của quân chủng đang chờ sự có mặt của tiểu đoàn 6. Thời gian ngắn thì ta huấn luyện theo kiểu ứng dụng, cần gì học nấy. Không được bắn đạn thật trên trường bắn thì các đồng chí sẽ bắn đạn thật ngay trong trận nổ súng đầu tiên vào máy bay Mỹ. Hiểu được như thế, các đồng chí sẽ có đầy đủ quyết tâm khắc phục khó khăn về thời gian để hoàn thành nhiệm vụ.
Đôi mắt hiền từ của anh nhìn tôi ánh lên niềm vui. Anh lại cười, hỏi:
-Thế nào? Được chứ!
-Báo cáo thủ trưởng, chúng tôi đã hiểu và xin chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị của Bộ Tư lệnh.
Anh Đặng Tính đứng lên, cùng mấy cán bộ đi cùng, vui vẻ bắt tay chúng tôi ra về. Mà cũng không biết anh về nhà, về cơ quan hay là anh lại tiếp tục đến với đơn vị nào đó đang chờ sự có mặt của anh.
Đợi xe anh Đặng Tính đi khuất, chúng tôi quay vào lều hội ý Đảng uỷ và Ban Chỉ huy tiểu đoàn. Chúng tôi phân công nhau: anh Thành, anh Thường chính trị viên tiểu đoàn cùng các chính trị viên đại đội lo phần công tác chính trị, lãnh đạo tư tưởng. Tôi với anh Tý tham mưu trưởng, cùng các đại đội trưởng lo khâu huấn luyện. Anh Bằng tiểu đoàn phó cùng các đồng chí đại đội phó lo việc tiếp nhận và bảo quản vũ khí. Trong khi bộ đội tiến hành lau pháo, đạn, thì hệ thống cán bộ quân sự cấp trưởng tập trung bồi dưỡng giáo viên. Nội dung huấn luyện lấy thực hành là chính. Ngày đầu huấn luyện pháo thủ. Ngày thứ hai, huấn luyện hiệp đồng khẩu đội, trung đội và đại đội.
Thế rồi ba ngày ngắn ngủi qua trong sự cập rập, vội vã nhưng cũng ăn khớp, nhịp nhàng. Chấp hành mệnh lệnh, ngay đêm 14 tháng 8, tiểu đoàn chúng tôi "xe pháo hành quân" lên hướng Phú Thọ, để cùng với cụm Tiền phương I của quân chủng dàn trận phục kích đánh địch, bảo vệ nhà máy phốt phát Lâm Thao. Trưa 16 tháng 8, trận đánh diễn ra thắng lợi. Riêng lực lượng pháo cao xạ, trong đó có tiểu đoàn 6, hiệp đồng bắn rơi ba chiếc F105.
Vậy là tiểu đoàn 6 chúng tôi, trong bước đi chập chững ban đầu đã hoàn thành nhiệm vụ. Vui mừng trước sự trưởng thành của đơn vị, lòng toi nhớ về anh Đặng Tính.
Trong những tháng năm diễn ra cuộc chiến tranh phá hoại khốc liệt ở miền Bắc, là một cán bộ ở dưới trung đoàn, tôi ít được gặp anh Đặng Tính, nhưng nghe kể về anh thì lại rất nhiều. Là tư lệnh kiêm chính uỷ Quân chủng Phòng không-Không quân (Tháng 8 năm 1967, đồng chí Phùng Thế Tài lên làm Phó tổng Tham mưu trưởng,đồng chí Đặng Tính kiêm luôn Tư lệnh Quân chủng) anh thực sự là linh hồn của toàn quân chủng.
Mỗi lần có dịp lên thăm Bác Hồ trở về, anh đều kể lại cho cán bộ nghe về niềm vui của Bác mỗi khi nhận được tin các đơn vị phòng không hoặc các chiến sĩ lái máy bay của ta lập công bắn rơi máy bay giặc; về sự quan tâm của Bác theo dõi từng bước hành quân của trung đoàn tên lửa 238 vào giới tuyến tìm cách bắn rơi B52, hoặc về mối băn khoăn của Bác đối với sức khoẻ của chiến sĩ trên trận địa trong mùa nắng nóng, đối với mỗi nhịp cầu, mỗi góc phố bị bom Mỹ đánh sập, cả đến mỗi trường hợp đạn tên lửa của ta, do bị mất điều khiển, rơi trúng nhà dân...
Từng lời, từng lời, anh truyền đến cho mỗi cán bộ niềm kính yêu vô hạn đối với Bác Hồ.
Càng leo thang, giặc Mỹ càng điên cuồng, tàn bạo, cường độ ném bom càng dữ dội, quyết liệt. Là Tư lệnh kiêm Chính uỷ quân chủng, nhưng bất chấp đạn bom, anh Đặng Tính có mặt ở mợi nơi nóng bỏng nhất: Hà Nội, Hải Phòng, đường 5, đường 1 Nam, đường 1 Bắc. Rồi anh đi vào tuyến lửa Quân khu 4, vượt qua nhiều trọng điểm ác liệt để đến với các chiến sĩ phòng không giữa chiến trường.
Trên các trận địa pháo cao xạ bốn bề bom đạn, với chiếc mũ sắt trên đầu, anh đứng thẳng người theo dõi cuộc chiến đấu, quan sát máy bay quân thù đang lao xuống và luồng đạn của pháo ta bắn lên, để góp ý với cán bộ chỉ huy về thời cơ bắt đầu bắn.
Trong đài điều khiển chật hẹp của tiểu đoàn tên lửa, nơi mà bất kể lúc nào cũng có nguy cơ bị những quả tên lửa không đối đất (Shrike) của địch phóng trúng, anh Đặng Tính không nề hiểm nguy, đứng sau lưng các trắc thủ, sĩ quan điều khiển, quan sát diễn biến trận đánh trên màn hiện sóng, để từ đó có cơ sở thống nhất những ý kiến về phương pháp đánh của bộ đội tên lửa trong điều kiện bị địch gây nhiễu nặng.
Đến với các đơn vị ra-đa được trang bị những bộ khí tài cũ kỹ từ thời chiến tranh thế giới lần thứ II, anh dặn dò các trắc thủ: "Máy cũ nhưng tinh thần chúng ta mới. Khí tài thô sơ, nhưng chúng ta có những bộ óc sáng tạo của trắc thủ ra-đa Việt Nam. Nhất định chúng ta sẽ hoàn thành nhiệm vụ".
Bám sát cuộc sống chiến đấu của bộ đội Phòng không-Không quân, anh Đặng Tính lắng nghe từng hơi thở, từng tiếng lòng của chiến sĩ. Anh vui nỗi vui của chiến sĩ khi quật ngã được máy bay thù, anh đau nỗi đau của chiến sĩ khi xảy ra tổn thất, hy sinh. Có lúc cả hội trường quân chủng lặng đi khi nghe anh kể về những tấm gương chiến đấu kiên cường của các pháo thủ bảo vệ Thủ đô, hoặc nhộn nhịp hẳn lên khi nghe anh đọc những lời thơ hùng tráng của các pháo thủ bảo vệ đường 5. Anh đọc thơ chiến sĩ, anh đọc cả thơ anh. Hồn thơ anh hoà quyện cùng hồn thơ chiến sĩ.
Sau những "chuyến đi thực tế" của anh Đặng Tính trở về, người ta thấy trong nghị quyết của Đảng uỷ, trong chủ trương của Bộ Tư lệnh Quân chủng có thêm những điều mới, những chất xúc tác mới, tạo nên những sự chuyển mình mới trong toàn quân chủng.
Mùa khô 1971-1972, trung đoàn 227 của tôi làm nhiệm vụ bảo vệ đường 12, từ Khe Ve đến Ka Vát. Là trung đoàn phó chỉ huy cụm tác chiến tiền phương, vào một ngày tháng 11 năm 1971, tôi được lệnh lên sở chỉ huy Đoàn 559 dự hội nghị. Ở đây, tôi may mắn gặp lại anh Đặng Tính, lúc này đã là Chính uỷ Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
Tôi chào anh. Anh nhìn tôi ngờ ngợ, rồi như chợt nhận ra, anh bắt tay tôi thật chặt, và với nụ cười rộng mở, anh hỏi:
-Lưu Trọng Lân phải không? Cậu vào Trường Sơn từ bao giờ?
-Thưa anh từ năm ngoái. Anh em ngoài quân chủng vẫn thường nhắc tới anh.
-Mình cũng nhớ anh em ngoài đó lắm! Thôi! Vào đây uống nước đã!
Anh dẫn tôi vào phòng của anh, đưa tôi mấy thỏi lương khô màu nâu và phối hợp cho tôi một ca nước sâm rừng.
Sáng hôm sau, tại hội nghị có đông đủ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp ở các binh trạm, các trung đoàn, chúng tôi nghe Bộ Tư lệnh phổ biến tình hình, nhiệm vụ mới. Cho mãi tới bây giờ tôi vẫn không quên hình ảnh của anh Đặng Tính, tiếng nói của anh trong cuộc họp hôm đó. Anh nói:
-Không quân địch quyết ngăn chặn chiến dịch vận chuyển mùa khô 1971-1972 của ta. Trong khi xe ta vẫn chạy ban đêm trên những đoạn đường hở, thì những máy bay AC130 của Mỹ, được lắp máy ngắm bằng tia hồng ngoại, đã tiến hành săn đuổi đội hình xe của ta rất gắt gao, gây cho ta nhiều tổn thất. Muốn hoàn thành kế hoạch vận chuyển, chúng ta phải khẩn trương mở những con đường kín, như kinh nghiệm ở binh trạm 32 đã làm, chuyển số lớn đội hình xe từ chạy đêm sang chạy ngày. Lực lượng pháo cao xạ sẽ được tập trung ở các khu vực trọng điểm trên tuyến đường hở còn lại, để trị "bọn" AC130.
Mắt anh Đặng Tính hướng về các cán bộ trung đoàn pháo cao xạ, như để nhắc nhở. Rồi anh lại nói tiếp:
-Trước đây ta chỉ có đường H (hở). Nay phải có thêm đường K (kín). Anh em ta sẽ vừa "ca" vừa "hát" suốt dọc Trường Sơn. Nhất định chúng ta sẽ giành thắng lợi trong mùa khô 71-72 này. Anh Đặng Tính lại cười, nụ cười luôn rạng rỡ của anh. Cả hội trường cùng cười theo. Riêng tôi thầm nghĩ: anh Đặng Tính quả là con người có sức thuyết phục lớn. Bằng lời lẽ giản dị, dí dỏm, những nội dung phức tạp đã được anh chuyển hoá thành những điều đơn giản, dễ hiểu, lôi cuốn lòng người.
Sau hội nghị đó, lực lượng pháo cao xạ chúng tôi (37 ly, 57 ly, 100 ly) dồn cả về các trọng điểm trên tuyến đường hở, để sống mái với bọn AC130, bảo vệ đoàn xe (Trung đoàn tôi dồn phần lớn lực lượng về trọng điểm nổi tiếng ác liệt: Xóm Péng). Kế hoạch mở đường kín được tiến hành hết sức khẩn trương. Chỉ trong một thời gian ngắn đường lớn đã trở thành hệ thống đường chủ lực, có hiệu quả cao, phục vụ đắc lực cho chiến dịch vận chuyển mùa khô.
Sau Hiệp định Pari, tôi về cơ quan Quân chủng Phòng không-Không quân, công tác ở Bộ tham mưu. Tôi thầm mong có dịp được gặp lại anh Đặng Tính. Nhưng rồi một tin đau xót đã đến: "Ngày 4 tháng 4 năm 1973, đồng chí Đặng Tính, Chính uỷ Binh đoàn Trường Sơn, đã hy sinh trên đường công tác".
Mắt tôi nhoà lệ và lòng tôi quặn đau. Tôi đã vĩnh viễn mất một người đồng chí, một người anh.
  

Ký ức Đường Trường Sơn

Chương 3: Người cán bộ công binh Trường Sơn

Đêm hôm ấy, tôi đi nhờ xe tiểu đoàn 65, thuộc binh trạm 12, xuất phát từ tây bắc Khôn Kèn, để vào Tà Lom công tác. Vì trong cabin chật chội, để không làm vướng tay lái, tôi đề nghị với Hùng lái xe, cho tôi được ngồi trên thùng. Thùng xe không mui, chở toàn là gạo, những bao gạo của hậu phương gửi vào chiến trường. Lên xe, tôi sắp xếp lại mấy bao, tạo chỗ dựa để ngồi cho thoải mái.
Đoàn xe chuyển bánh. Tất cả đều đi đèn gầm. Chiếc đèn nhỏ lắp dưới gầm xe chỉ đủi soi sáng một vùng nho nhỏ, vàng nhạt. Xa xa phía trước đã thấy lơ lửng những ngọn đèn dù cho máy bay Mỹ thả xuống, giăng hàng. Đoàn xe cứ chạy. Khi sắp đến ngầm U trên một nhánh sông Xê Băng Phai, các xe tạm ngừng, chờ cho những chiếc đèn dù tắt hẳn.
Lợi dụng thời cơ khi đèn dù tắt, mấy chiếc xe đi đầu tranh thủ lao xuống suối, chiếc nọ nối chiếc kia, lội qua ngầm (Ngầm: đường chìm vượt qua suối, lát bằng đá, sâu khoảng 50, 60 cm). Mỗi chiếc xe qua, nước bắn tung toé làm ướt cả quần áo của các chiến sĩ công binh đứng bên đường làm lộ tiêu.
Sắp đến lượt xe tôi, thì trên không bỗng "bụp", "bụp"... hai chiếc, rồi bốn chiếc, tám chiếc đèn dù bật sáng, chói loà. Xe nào đã lỡ xuống, lập tức tăng ga, lao nhanh lên bờ. Xe nào chưa qua thì dừng ngay tại chỗ, lái xe tìm chỗ ẩn nấp. Tôi cũng nhảy xuống xe, tìm ngay được một hố cá nhân đào sẵn bên đường. Tiếng máy bay phản lực gầm lên như xé không khí. Tiếp theo những loạt bom phá rung chuyển trời đất là những loạt bom bị nổ ran ran. Sau khi bọn "chó ngao" cút đi, hình như không có ai việc gì. Máy bay Mỹ ném bom chệch mục tiêu cùng là chuyện bình thường.
Các chiến sĩ lái, cả tôi nữa, lại trèo lên xe tiếp tục cuộc hành quân. Xe tôi vừa chớm mép nước thì đã thấy các anh công binh làm lộ tiêu đứng cả dưới nước rồi.
-Anh Cư ơi! Thằng Ngoan đâu không thấy?-Một chiến sĩ hỏi anh cán bộ.
-Ngoan ơi! Ngoan ơi!-Tiếng gọi của người tên là Cư ấy ngân dài trong đêm. Bỗng một bóng người lao vút từ trên bờ xuống.
-Ngoan đây! Ngoan đây! Trung đội trưởng cứ yên trí! Hà hà! Chiếc dẹp tụt quai, em phải ngồi xâu lại một chút thôi mà.
Hình như Cư là trung đội trưởng, trực tiếp làm nhiệm vụ với các chiến sĩ công binh ở ngầm U này. Ngồi trên thùng xe, tôi đưa tay vẫy chào Cư và các chiến sĩ công binh mà cảm thấy có cái gì nghèn nghẹn ở cổ. Giữa cái nơi bom đạn liên miên ấy, cái sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc mà sao các anh lại bình thản đến lạ lùng. Nhiệm vụ của các anh là bám ngầm, làm "lộ tiêu sống", cho xe qua trong đêm tối. Khi ngầm bị bom đánh trúng, các anh liền ra tay sửa chữa. Bằng những thỏi mìn, bằng cuốc xẻng và cả bằng tay không, các anh hối hả chuyển hàng chục mét khối đá, san lấp hố bom, cái công việc mà các anh thường gọi là "vá ngầm", để bảo đảm ngầm thông với thời gian nhanh nhất. Khi đoàn xe qua hết, họ kéo nhau xuống mấy căn hầm chữ A nào đó, rít vài hơi thuốc lào, nhấm nháp mấy thỏi lương khô, dốc bi-đông nước tu một hơi, rồi lăn ra ngủ, chờ một đoàn xe khác lại đi qua.
Tôi là con nhà pháo, pháo cao xạ bảo vệ Trường Sơn, gắn bó với từng con đường, với mỗi bánh xe lăn. Vì vậy tôi hiểu khá rõ về các anh, những chiến sĩ lái xe can trường, những chiến sĩ công binh và thanh niên xung phong dũng cảm, thấu hiểu công sức và tâm hồn cao đẹp của các anh, chị em, những con người quên mình, ngày đêm bám trụ con đường chiến lược chi viện cho miền Nam.
Để bảo đảm an toàn, trong khi xe vẫn chạy, tôi kéo bao gạo chất cao lên, tạo thành một cái "hầm" nhỏ, đủ lọt mình nằm xuống. Tôi định đánh một giấc, nhưng làm sao ngủ được khi chiếc xe cứ xóc liên hồi, có khi còn chồm lên như ngựa. Xe qua hết trọng điểm này sang trọng điểm khác. Lại những chùm đèn dù, khi gần, khi xa, khi ngay giữa đỉnh đầu. Có lần một loạt bom thả phía sau, theo quán tính Hùng vội lái xe vươn nhanh về phía trước.
Hết đường xóc đến đoạn đường bằng, hai bên trống trải. Hơi sương lạnh buốt, tôi ôm sát chiếc ba lô vào ngực và chợt nghĩ: giá giờ đây được ngồi trong cabin xe thì ấm biết bao!
Đêm không trăng nhưng trời trong veo, sao trời dày đặc. Nằm ngửa trên xe, tôi chợt nhớ tới kỷ niệm thời thơ ấu được cậu ruột tôi là Thiềm (đã hy sinh hồi Nam tiến 1946) chỉ dẫn những chòm sao: phía bắc là sao Bắc Đẩu nằm trong chòm Đại Hùng tinh và Tiểu Hùnh tinh; phía nam là sao Nam Tào. Kia là chòm sao Chiến Sĩ, sao Tua Rua, sao Thần Nông... Vắt ngang trời là dải Ngân Hà bàng bạc, mờ ảo. Đây thực sự là những giây phút thư giãn quý hiếm. Tôi như thả hồn vào trời sao. Trong tiếng ì ầm đều đều của xe, tôi hứng chỉ ngâm nga mấy câu thơ của Lưu Trọng Lư (Nhà thơ Lưu Trọng Lư-tác giả gọi là chú ruột).
"Đây là dải Ngân Hà
Anh là chim ô thước
Sẽ bắc cầu, nguyện ước
Một đêm một lần qua".
Dõi về phương bắc, tôi nhớ da diết Hà Nội, nơi có vợ con tôi đang sống trong nỗi ước mơ từng ngày, mong sao nước nhà mau hoà bình, thống nhất, hết cảnh đạn bom, để cho tôi sớm được trở về đoàn tụ. Đang bồi hồi nhớ đến vợ con, tôi chợt phát hiện một ngôi sao đang bay. Bóng thám không chăng? Nhưng làm gì có bóng thám không thăm dò khí tượng ở giữa Trường Sơn trùng điệp này! Vệ tinh nhân tạo chăng? Có lẽ thế! Mà không phải! Không chỉ có một, mà là hai ngôi sang đang bay, cùng một hướng, di chuyển khá nhanh, lại còn chớp tắt nữa. Thôi đúng rồi, đúng là máy bay rồi! Máy bay Mỹ ném bom ban đêm, bằng phương pháp toạ độ (Do đài Loran của Mỹ đặt ở Đã Nẵng dẫn đường).
Người tôi như nổi gai ốc. Chúng lại đi gieo rắc tội ác xuống một nơi nào đó trên đường trg. Mắt tôi nhìn theo mãi hai đốm sao bay cho đến khi mất hút. Bỗng hai ánh chớp loé lên ở phía xa, không nghe tiếng nổ. Có một cảm giác vừa căm giận, vừa xót thương xen lẫn trong lòng tôi. Không biết anh chị em mình ở nơi xa ấy có ai việc gì không?
Mấy vệt sao băng nữa lại vạch trời đêm. Tôi tự hỏi: có chăng một mối quan hệ nào đó giữa những ngôi sao băng trên trời với số mệnh con người trên trái đất? Sao băng nhiều quá!
-Cán bộ ơi! Đến nơi rồi! Tiếng gọi của Hùng, lái xe, cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi, đưa tôi về với thực tế. Tôi vội vàng xách ba lô, nhảy xuống, đến bên buồng lái, xiết chặt tay Hùng và người lái phụ, nói lời cám ơn và từ biệt.
Mấy hôm sau, tôi gặp anh Lập, binh trạm phó binh trạm 12.
-Đêm 9 tháng 1 năm 1972 vừa rồi, nó cướp mất của mình một trung đội trưởng công binh - Anh Lập nói.
-Có phải Cư, trung đội trưởng công binh ở ngầm U không anh? Trời ơi! Tôi lặng người đi và sau giây phút bàng hoàng, tôi thuật lại cho anh Lập nghe chuyến đi của tôi qua ngầmU.
Anh Lập cho tôi biết: Phan Đình Cư quê ở Thạch Hà, Hà Tĩnh, đã 5 năm gắn bó với Trường Sơn, chưa vợ. Cư có yêu một cô gái thanh niên xung phong cùng quê nhưng chưa đặt vấn đề chính thức. Ban chỉ huy binh trạm đã có dự kiến đề nghị đề bạt Cư lên làm đại đội phó. Nhưng tất cả giờ đây đều đang dang dở. Cậu ấy đã vĩnh viễn ra đi rồi!
Trầm ngâm giây lát, mắt như nhìn vào cõi không, tôi nói qua hơi thở:
-Không! Anh Lập ạ! Phan Đình Cư của chúng mình, đứa con của Trường Sơn không chết! Những con người như thế sẽ sống mãi với Trường Sơn.
Những bông hoa Trường Sơn
Những bông hoa Trường Sơn
Trường Sơn xẻ dọc, rọc ngang
Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng

  

Ký ức Đường Trường Sơn

Chương 4: Tố Hữu

Sở chỉ huy Tiểu đoàn pháo cao xạ 124 đặt trên một mỏm núi đá cao. Từ đây có thể phóng tầm mắt bao quát cả một vùng khá rộng. Theo đường 128 từ Nậm Hơ đi vào, ngoài trục chính qua Seng Phan, còn có một con đường phụ đi ngả Na Tông, để tránh trọng điểm Seng Phan khi bị tắc đường. Hướng về phía nam là ngã tư Săng Lẻ, nói đúng hơn là ngã năm, nếu tính thêm một nhánh phụ từ Khôn Kèn đi tới.
Tuy vậy, ngã năm Săng Lẻ không quan trọng bằng Seng Phan, vì Seng Phan ở một vị thế vô cùng hiểm trở. Từ trạm điều chỉnh Z21 vào, các đoàn xe ta phải đi qua một đoạn đường, ven một con sông nhỏ, mà hai bên vách núi đá dựng đứng, anh em ta gọi là "Eo Chẹt". Eo là thắt lại, chẹt là ép sát vào, rất hẹp, hoàn toàn độc đạo.
Seng Phan một thời nổi tiếng với lời hô bất tử "Nhằm thẳng quân thù mà bắn" của người anh hùng Nguyễn Viết Xuân trong một ngày đáng ghi nhớ 18 tháng 11 năm 1964. Trải qua năm tháng, Seng Phan trở thành một địa danh mà cả địch và ta cùng quan tâm đặc biệt. Giặc Mỹ coi đây là một trong những yết hầu của "Đường mòn Hồ Chí Minh", phải ra tay bóp nghẹt bằng mọi giá. Chúng ta thì coi đây là một đoạn đường sinh tử mà các chiến sĩ lái xe phải liều mình vượt qua, cácpháo thủ phòng không phải hết lòng bảo vệ, các chiến sĩ công binh và thanh niên xung phong phải ra sức sửa chữa để nhanh chóng thông đường.
Máy bay Mỹ đủ loại, kể cả pháo đài bay B52, đã liên tục giội bom, cho núi phải lở ra, cho từng mảng đá lớn đổ ập xuống lấp kín mặt đường. Xưa kia núi non nơi đây mang một màu xanh thẫm của cỏ cây và rêu phong. Bây giờ vách núi trở thành trắng bạc. Khối lượng đá lở xuống đường mỗi lần bị bom như vậy thường rất lớn. Muốn thông đường, phải dọn sạch đá đi, ít nhất cũng phải tạo được một lối nhỏ, cho xe đi một chiều.
Tôi không biết lực lượng công binh và thanh niên xung phong ở đây có bao nhiêu người? Từ sở chỉ huy tiểu đoàn 124 nhìn xuống qua ống nhòm, tôi thấy khoảng vài chục người, phần đông là nữ, đang "tác nghiệp".
Vì quá xa, tôi không nghe được tiếng cười, tiếng nói của họ. Nhưng tôi hình dung những người con trai, con gái ấy, trong gian khổ, vẫn đang nói, đang cười, tiếng cười rộn rã lạc quan mà tôi đã từng nghe nhiều lần trên những nẻo đường ra trận.
Với tay không, họ không thể nào di chuyển nổi những đống đá đồ sộ. Vũ khí của họ là bộc phá, là mìn. Tiếng mìn nổ kèm theo những ánh lửa và cụm khói, làm các khối đá bị hất tung phần lớn. Số đá còn lại được dọn tiếp bằng đôi tay với những công cụ thô sơ như cuốc, xẻng, choòng, cùng với nghị lực và lòng dũng cảm vô song. Nhìn họ, niềm xúc cảm bỗng trào lên, tràn ngập cả lòng tôi.
-Báo cáo! Hướng 32, một tốp B52 đang bay vào! Tiếng hô của chiến sĩ trinh sát đột ngột vang lên. Ở dưới đường, các chiến sĩ công binh, thanh niên xung phong vẫn mải mê công việc. Tôi nói với Chương, tiểu đoàn trưởng:
-Anh cho bắn báo động B52!
Mấy giây sau, năm phát đạn pháo 37 ly của đơn vị phía trước nổ đanh, từng phát một.
-Các đại đội được lệnh ẩn nấp tránh B52 chưa? - Tôi hỏi.
-Tình huống này đã có sẵn trong phương án. Khicó B52, các đại đội được phép tự động cho chiến sĩ vào vị trí ẩn nấp. Xin thủ trưởng yên tâm!-Tiểu đoàn trưởng Chương đáp.
Mắt tôi vẫn không rời mặt đường, bồn chồn lo lắng. Nhưng hình như đã quá quen, sau khi nghe năm tiếng pháo cao xạ bắn báo hiệu quy ước, các chiến sĩ công binh và thanh niên xung phong vẫn rất bình tĩnh. Họ dừng tay làm việc, không tỏ vẻ cuống quít, vác xẻng quốc lên vai, rồi kéo nhau chạy về hang. Nghe nói ở đó có một hang sâu khá lớn, chứa được hàng trung đội. Một cô gái vấp ngã. Hai cô khác dừng lại, đỡ lên, rồi dìu nhau chạy tiếp. Mỗi bước chạy của họ là một phấp phỏng trong tôi. B52 sắp rải bom rồi. Liệu các cô các cậu có vào kịp trong hang?
Nhìn lên trời hướng tây nam, tôi thấy 24 luồng khói trắng, toả đuôi dài. Mỗi chiếc B52 gắn tám động cơ phản lực. 24 luồng khói tức là có ba chiếc B52. Seng Phan sắp phải chịu đựng chín tấn bom của giặc Mỹ. Lúc đầu tôi chỉ thấy những luồng khói. Mãi mấy phút sau, qua ống kính nhìn xa, tôi mới bắt đầu thấy máy bay, nhỏ xíu. Hình thù ba chiếc B52 to dần. Rồi từ trong bụng của chúng tuôn ra hàng chục, hàng trăm quả bom, ào ào rơi xuống.
Những cột khói bùng lên nối tiếp nhau, thành một chuỗi dài, cuồn cuộn như một đám mây bông xám xịt khổng lồ. Tiếng bom rền lâu như sấm động. Chắc ở trong hang đá Seng Phan, anh chị em ta đang phải trải qua những giây phút căng thẳng bởi vì phải chịu đựng những tiếng nổ lộng óc cùng với cơn chấn động cực mạnh.
Trên trời cao, những chiếc máy bay đến gieo tội ác đã vòng ra, bay về hướng đông nam. Chúng đang trở về căn cứ Guam hoặc sân bay Utapao bên Thái Lan, để rồi ngày lại ngày, có thể vài giờ sau, những chiếc khác lại mò đến, "rải thảm" lên đầu chúng ta những chùm bom độc ác. Không biết ở bên kia Thái Bình Dương, liệu nhân dân Mỹ có biết được những tội ác man rợ này không?
Tiểu đoàn trưởng Chương ra lệnh báo yên. Ba phát đạn pháo 37 ly hai loạt nối tiếp nhau. Ở phía dưới kia, trong đổ nát tan hoang và trong đám khói bụi còn đang mờ mịt, tôi thấy thấp thoáng mấy bóng người, có lẽ là cán bộ trung đội, ra trước quan sát hiện trường và bàn biện pháp khắc phục. Một lát sau nhiều người nữa kéo đến. Họ lại tiếp tục "tác nghiệp" cái công việc nặng nề trước mắt. Giờ thông đường cho các đoàn xe sẽ đi qua đêm nay như đang thúc giục họ nhanh tay hơn nữa. Trên vách đá Seng Phan không có khẩu hiệu "vì miền Nam", nhưng hai tiếng "miền Nam" thân yêu đã khắc sâu trong trái tim họ từ lâu rồi. Không phải chỉ ở Seng Phan, mà cả trên tuyến đường Trường Sơn này, tất cả đều mang nặng tình cảm thiêng liêng đó.
Tuy chỉ được một lần chứng kiến, từ bên ngoài và cũng chỉ là một phần nhỏ của thực tế thôi, nhưng ấn tượng về những con người ở giữa cái trọng điểm cực kỳ ác liệt kia, thật là sâu đậm: tâm hồn và hành động của tuổi trẻ nơi đây thật là đẹp đẽ, quá đỗi anh hùng! Tầm cao khí phách của họ hơn hẳn sức mạnh ghê gớm của pháo đài bay B52 Mỹ. Giữa cái vĩ đại vô cùng của Trường Sơn, các chàng trai cô gái Seng Phan giống như những bông hoa rực rỡ.

Ký ức Đường Trường Sơn

Chương 5: Tình đồng đội

Hôm ấy đoàn cán bộ chúng tôi đi công tác từ Na Pang ra Tà Mí. Mỗi người một ba lô con cóc trên vai và với chiếc gậy Trường Sơn trong tay. Chúng tôi không hành quân bằng đường giao liên mà đi bộ dọc theo trục đường 128. Nhiệm vụ của chúng tôi là đi nghiên cứu địa hình, tìm nơi đặt các trận địa pháo cao xạ để bảo vệ hệ thống ngầm vượt sông Sê-băng-phai, ở khu vực Nha Vai.
Vào những ngày đầu thực hành vận chuyển bằng xe cơ giới, để vượt khúc sông này, xe ôtô ta chỉ đi qua những đoạn ngầm, trên một trục đường chính. Nhưng rồi sự khống chế quyết liệt ngày càng tăng của không quân Mỹ, bộ đội ta đã phải làm thêm nhiều đường tránh. Số lượng những chiếc cầu, ngầm qua sông cũng theo đó mà mỗi ngày một tăng thêm. Từ trạm điều chỉnh Z25 đến trạm Z26, quãng đường không xa, nhưng có tới hơn chục chiếc ngầm, được đặt tên bằng những âm chữ cái: A-B-C-D-A'-B'-C'-D'-U1-U2...
Trên đường Hồ Chí Minh trong những năm tháng đánh Mỹ, hệ thống đường tránh và đường ngầm đã phát huy tác dụng diệu kỳ: Nếu máy bay đánh hỏng đường này thì xe ta vòng tránh sang đường khác. Khi chúng khống chế ngầm A thì xe ta "bẻ ghi" sang ngầm B. Nếu đoàn xe từ Bắc vào vượt ngầm C thì đoàn xe từ Nam ra chạy hướng ngầm D, v.v... Với tinh thần "Địch phá ta sửa ta đi", "Địch đánh ta tránh ta đi", bộ đội ta trên Trường Sơn ngày đêm vật lộn với bom đạn Mỹ, với từng chiếc ngầm, từng đoạn đường tránh, để bảo đảm cho các đoàn xe ta đi về Nam không một ngày bị tắc.
Theo sự chỉ dẫn của trạm điều chỉnh giao thông, hôm nay đoàn chúng tôi chọn hướng vượt sông qua lối ngầm C. Khi còn cách ngầm vài trăm mét, chúng tôi dừng lại. Trước mắt chúng tôi là một vùng đồi núi dày đặc những hố bom, loang lổ. Hai bên bờ sông tất cả đều trơ trụi, không còn một bóng cỏ cây. Chỉ có một con đường ôtô, rộng chừng 4 mét, ngoằn ngoèo lượn vòng trên bờ những hố bom. Dưới sông là một đoạn ngầm lát đá, trên đó dòng sông Sê-băng-phai chảy qua, băng băng như thác đổ.
Anh em công binh làm nhiệm vụ ở ba-ri-e này cho biết: máy bay Mỹ đến ném bom không theo quy luật thời gian gì cả, nay đánh giờ này, mai đánh giờ khác. Muốn vượt qua, phải tranh thủ đi thật nhanh, hoặc lội thẳng qua ngầm, hoặc đi ngược ven bờ sông, lên phía thượng nguồn cách đây nửa cây số, rồi làm phao bơi qua sông.
Các bạn trong đoàn đều chọn cách thứ hai, tuy xa một chút, nhưng an toàn. Riêng tôi, vì sức yếu do bị một đợt sốt rét mấy ngày qua, nên tôi quyết định đi theo hướng ngắn nhất. Tiểu đội trưởng quản lý ngầm C cử một chiến sĩ trẻ tên là Tấn giúp tôi mang ba lô và hướng dẫn tôi qua ngầm. Tôi hẹn các bạn trong đoàn sẽ gặp lại nhau ở trạm ba-ri-e bên kia bờ bắc.
Trời trong xanh không một gợn mây. Nắng mùa khô bắt đầu đổ lửa. Tôi lao theo cậu Tấn băng qua bãi trống, vừa chạy vừa lắng nghe tiếng máy bay trinh sát OV.10. Chạy trên đất đá gập ghềnh, có lần vấp ngã, tôi suýt lăn nhào xuống một hố bom sâu.
Ra đến bờ, nhìn sông rộng với dòng nước cuồn cuộn qua ngầm, tôi bỗng cảm thấy ngần ngại. Nhưng, rồi ngó sang cậu Tấn, thấy anh chàng đang nhoẻn miệng cười, tôi lại thấy yên tâm.
-Ta đi thôi, Tấn!
Người bạn trẻ đồng hành, trần trùng trục với chiếc quần đùi bộ đội, nước da ngắm đen, trông chắc nịch như một pho tượng đồng. Anh xốc lại quai đeo ba lô rồi dặn tôi:
-Thủ trưởng đi theo em nhé! Đừng bước chệch! Nước hôm nay không sâu lắm đâu. Cứ chầm chậm mà đi.
Xắn ống quần cao lên quá gối, tay chống gậy Trường Sơn, tôi bước theo chan người chiến sĩ. Mới đầu đi dễ, vì nước còn nông. Nhưng ra được chừng mươi mét, tôi đã thấy bước đi không vững. Dòng nước tuôn tràn qua mặt ngầm cứ như muốn đẩy tôi về một phía. Người tôi lảo đảo. Nhiều lúc tôi phải cố hết sức mới gượng lại được. Cậu Tấn đi trước, thỉnh thoảng ngoái lại trông chừng tôi, nhưng do tôi đi chậm nên khoảng cách giữa hai người cứ xa dần. Khi tôi chỉ còn cách bờ khoảng chục mét thì bỗng một hòn đá dưới chân làm tôi trật dép. Chiếc gậy nghiêng đi, không còn giữ cho tôi được thăng bằng nữa. Tôi gọi to: Tấn ơi! Tấn xoay người, thấy tôi đang chới với, liền gỡ ngay chiếc ba lô, ném mạnh lên bờ, rồi vội vàng quay lại, đúng lúc tôi ngã nhào xuống nước.
Người tôi lăn qua bờ thác của ngầm, rồi bị dòng nước cuốn đi. Mặc dầu tôi biết bơi, nhưng khốn nỗi tất cả quần áo, dép mũ, ống nhòm, bi đông, súng ngắn lỉnh kỉnh giờ đây trở thành những quả tạ níu kéo, đè nặng lên người, khiến tôi dường như bất lực. Bằng bản năng của mình, tôi cố gắng vùng vẫy, ngoi lên để bơi vào bờ, nhưng dòng nước chảy mạnh cứ đẩy tôi đi và dìm đầu tôi xuống. Vai tôi đập vào một tảng đá giữa dòng. Mồm tôi đã bắt đầu uống nước. Chợt nhớ đến Vinh, người bạn đã hy sinh giữa dòng nước lũ trong mùa mưa trước, tôi cảm thấy bắt đầu hoang mang.
Vừa lúc đó một bàn tay túm lấy áo tôi. Đúng là cậu Tấn rồi, cái thân hình trùng trục khoẻ mạnh ấy. Giống như một con rái cá, Tấn vừa bơi vừa kéo tôi trôi theo dòng một quãng, rồi lựa chiều sang ngang, cuối cùng Tấn đưa được tôi lên bờ. Người tôi lạnh cóng. Tấn nhìn tôi ái ngại:
-Lỗi tại em quá chủ quan, không đi sát bên thủ trưởng...
-Cậu không có lỗi gì đâu. Chỉ tại mình sức yếu và không quen lội ngầm đó thôi.
Tấn giúp tôi gỡ mọi cái trên mình, rồi chạy trở lại đầu ngầm lấy chiếc ba lô cho tôi. Sau khi tôi thay xong quần áo, Tấn dìu tôi vượt bãi trống để đến trạm ba-ri-e.
Các cán bộ trong đoàn lúc đến chỗ hẹn, lâu không thấy tôi, vội bổ đi tìm. Chúng tôi gặp nhau giữa bãi hố bom hoang vắng, dở khóc dở cười. Mấy bạn giúp tôi mỗi người đeo một thứ, kể cả bọc quần áo ướt vừa thay.
Chia tay Tấn, tôi thấy trong mắt cậu ta như có chút gì ân hận. Nhưng rồi lại nhoẻn miệng cười, cái cười thật dễ mến và hồn nhiên quá đỗi.
-Cám ơn cậu Tấn nhiều lắm! Hẹn gặp lại lần sau.
-Tạm biệt chú! Chúc chú chóng khoẻ! Em chào các anh!
Tấn vụt chạy đi. Bóng anh nổi bật lên trên một vùng đất trắng. Tôi bỗng thần người vì sực nghĩ ra: mình đã quên không kịp hỏi quê hương của anh.
Đoàn chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình đi tìm nơi đặt trận địa pháo. Khoảng một giờ sau có tiếng động cơ phản lực ào tới. Bốn chiếc máy bay A7 lượn một vòng trên không rồi bổ nhào ném bom xuống ngầm C. Tiếng bom nổ, rung chuyển núi rừng. Từ xa nhìn lại, tôi thấy những cột khói và bụi đất cuồn cuộn bùng lên. Nghĩ đến Tấn và anh em công binh đang làm nhiệm vụ ở ngầm, lòng tôi cảm tháy xốn xang.
Hôm sau, đoàn chúng tôi trở về đơn vị bằng con đường khác. Hỏi các anh bên binh trạm, tôi được biết hôm ấy ngầm C không bị trúng một quả bom nào. Nhưng có một chiến sĩ bị thương nặng vào đầu và anh đã hy sinh. Người chiến sĩ ấy tên là Tấn. Tôi bàng hoàng cả người. Lẽ nào người chiến sĩ trẻ măng, dễ thương dễ mến và gan dạ kia, lẽ nào người bạn đường đã cứu tôi thoát chết giữa dòng nước chảy xiết ấy, lại có thể ra đi giữa tuổi đời còn quá trẻ như vậy sao?
Nỗi xót xa khôn cùng cứ làm tôi day dứt mãi. Và trong ký ức sâu thẳm của mình, hình ảnh của Tấn mãi mãi là một ấn tượng sâu sắc không bao giờ mờ phai.
Năm tháng trôi đi, thấm thoắt đã hơn một phần tư thế kỷ. Tháng 7 năm 1998, từ thành phố Hồ Chí Minh, tôi theo đoàn du lịch Lửa Việt làm một chuyến hành hương ra miền Trung. Sau khi xem lăng tẩm Huế, dịp may hiếm có, chúng tôi được ra thăm Thành cổ Quảng Trị, rồi lên xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh thăm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.
Nghĩa trang nằm trên 9 ngọn đồi quần tụ bên nhau, với diện tích hơn trăm ngàn mét vuông, ôm ấp trong mình hàng vạn người con đã hiến dâng cả đời mình cho Tổ quốc. Bên trong cổng chính, sừng sững tượng dài bốn chữ vàng "Tổ quốc ghi công". Phía sau và bên trái tượng đài hình thành năm khu vực, ở đó yên nghỉ 10.327 liệt sĩ Trường Sơn, là con em của 42 tỉnh thành trong cả nước. Không ai không xúc động khi nhìn thấy hàng vạn ngôi mộ, hàng hàng lớp lớp nối tiếp nhau, kéo dài.
Tôi đến khu vực Bình Trị Thiên và tìm được mộ người em họ tên là Lưu Trọng Vấn. Sang khu Hải Hưng-Thái Bình-Hà Bắc tôi cũng tìm thấy mộ của Nguyễn Văn Tài, người chiến sĩ thân thiết của tôi đã ngã xuống trên trận địa Bãi Dinh năm xưa. Từ khu này sang khu khác, mắt tôi lướt nhanh trên những hàng bia, với hy vọng tìm được một cái tên đã bao năm hằn sâu trong trái tim tôi: đó là Tấn, chiến sĩ công binh, người mà tôi mãi mãi mang ơn.
Tôi đã tìm thấy bốn tấm bia có ghi tên liệt sĩ Tấn. Nhưng Tấn mà tôi muốn tìm là ai đây? Tấn Nghệ An hay Tấn Hà Nội? Tấn Sơn La hay Tấn Hoà Bình? Tôi cứ tự trách mình trong cái hôm chia tay Tấn ở ngầm C năm ấy, đã quên không hỏi họ và quê anh. Giờ đây làm thế nào để phân biệt được Tấn của tôi trong bốn ngôi mộ này? Dẫu sao, các anh mang tên Tấn nằm đây đều là đồng đội của tôi. Tôi quỳ xuống cắm lên ngôi mộ một nén hương trầm ngào ngạt-nén hương của lòng tôi.
Vào một ngày gần đây, tình cờ tôi gặp một bà cụ ngoài 70 tuổi, đang đứng ngắm hoa, cây cảnh ở góc công việc Hoàng Văn Thụ. Nhìn dáng vẻ và nghe giọng nói, tôi đoán bà cụ ở Bắc vào.
-Cụ vào Sài Gòn lâu chưa? Tôi gợi chuyện làm quen.
-Đã được nửa năm rồi ông ạ. Vào ở với con gái. Mà tôi cũng sắp phải trở ra-Bà cụ đáp, giọng buồn buồn.
-Tại sao cụ không ở trong này với con cháu nữa?
-Con gái và con rể của tôi đều rất tốt. Tôi rất thương các cháu ngoại. Nhưng, chẳng giấu gì ông, tôi phải về quê để hàng ngày còn lo hương khói cho thằng Tấn và bố nó. Bà cụ nâng tay áo chấm nước mắt.
Nghe nói đến Tấn, tôi sốt ruột hỏi dồn:
-Anh ấy hy sinh năm nào và ở đâu, thưa cụ? Có phải Tấn nước da ngăm đen và giỏi bơi lội không?
-Thằng Tấn nhà tôi nước da trắng trẻo cơ! Má nó lúc nào cũng trắng hồng như con gái. Mà làm gì nó biết bơi với lội. Quê tôi đâu có gần sông nước. Nó hy sinh tháng 10 năm 68, ở mặt trận phía Nam. Còn bố nó thì hy sinh hồi 54 ở Điện Biên Phủ.
-Xin lỗi cụ... Bởi vì tôi có người cùng đơn vị cũng tên là Tấn, cũng hy sinh nhưng chưa tìm ra địa chỉ...
Một lần nữa tôi lại thất vọng trong việc tìm kiếm bóng hình của Tấn. Tấn ơi! Em nằm ở đâu? Em đã được đưa về nghĩa trang cùng đồng đội, hay em vẫn còn nằm lại ở một nơi nào đó trên dãy Trường Sơn quanh năm lồng lộng gió ngàn?

 

Ký ức Đường Trường Sơn

Chương 6: Có một ngã ba Đồng Lộc như thế

Tôi đã từng xúc động đến nao lòng khi được xem những thước phim quanh cảnh nữ dân quân La Thị Tám ở Đồng Lộc, nâng ống nhòm đến từng quả bom rơi, cảnh chị chạy như bay từ trên đồi cao xuống, cắm những lá cờ đỏ đuôi nheo, đánh dấu vị trí từng quả bom nổ chậm, bất chấp máy bay địch có thể bất ngờ quay trở lại.
Tôi cũng đã từng đứng lặng trước tấm hình cỡ lớn trong nhà truyền thống Sư đoàn phòng không 367, chụp cảnh mười cô gái thanh niên xung phong nhỏ nhắn, do tiểu đội trưởng Võ Thị Tần chỉ huy, đang hối hả đẩy những chiếc xe hai bánh, san lấp hố bom. Dưới tấm ảnh có ghi dòng chữ: "Mười cô gái Đồng Lộc đã anh dũng hy sinh trong một đợt bom thù ngày 24-7-1968".
Và mỗi lần có dịp trở lại quá khứ như vậy, đều gợi nhớ trong tôi kỷ niệm cùng đồng đội vượt qua Đồng Lộc trong một đêm đi vào chiến trường. Hôm ấy, xe tôi đi trong màn đêm, sau luồng sáng mờ nhạt của chiếc đèn gầm. Trước và sau chúng tôi là những đoàn xe vận tải chở nặng hàng, đang ngoằn ngoèo nối đuôi nhau, rầm rì lăn bánh. Máy bay Mỹ ập đến. Những chùm đèn dù toả sáng, tiếp theo là những loạt bom nổ, những loạt đạn cao xạ bắn lên... như tôi đã từng chứng kiến trên nhiều trọng điểm dọc Trường Sơn. Có những chiếc xe bốc cháy và những dòng máu đổ. Ở hai bên đường bỗng ào lên hàng chục nam nữ thanh niên xung phong trèo lên xe, dập lửa cứu hàng, băng bó cho những lái xe bị thương. Màn đêm trở lại,đoàn xe lại tiếp tục lượn vòng trên bờ những hố bom rồi chạy đi, lầm lũi, trong sự chịu đựng can trường.
Có lẽ cũng như tôi,ai đã từng đi qua đây đều hiểu rõ, Đồng Lộc không chỉ của một La Thị Tám anh hùng, một tiểu đội Võ Thị Tần gang thép, Đồng Lộc còn là nơi đọ sức, đọ trí, nơi biểu hiện rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của hàng ngàn chiến sĩ phòng không, công binh, công an giao thông, dân quân và nam nữ thanh niên xung phong từ mọi miền đất nước, đã có mặt ở nơi đây trong những ngày ác liệt của cuộc chiến tranh.
Là một trong những trọng điểm ác liệt nhất của tuyến giao thông chi viện cho miền Nam, Đồng Lộc không chỉ là một ngã ba (nơi cuối đường của tỉnh lộ 2 gặp đường chiến lược 15) mà còn là một vùng đồi núi rộng chừng ba kilômét vuông, với địa thế vô cùng hiểm trở. Nơi con đường độc đạo đi qua, một bên là vách đồi, một bên là đồng nước, người ta không thể mở được một con đường tránh nào khác. Quốc lộ 1 đã bị tắc từ lâu, cho nên tất cả các đoàn xe chi viện cho chiến trường đều phải đại đội qua đoạn đường 15 "yết hầu" ấy.
Biết rõ khó khăn của ta, không quân địch đã ra sức khống chế Đồng Lộc, quyết chặn đứt con đường 15 của ta ở ngay tại ngã ba này.
Tính từ 1 tháng 4 đến 31 tháng 10 năm 1968, Đồng Lộc và một số trọng điểm lân cận (Lạc Thiện, Cầu Bàng, Tùng Cốc, Khe Giao...) đã hứng chịu hàng ngàn tấn bom của hàng ngàn lượt máy bay Mỹ đến bắn phá. Đồng Lộc nhiều phen tơi bời, nát vụn. Mùa khô, Đồng Lộc chìm trong màu đỏ quạch của bụi đất. Mùa mưa, Đồng Lộc ngập trong sình lầy, đặc quánh.
Cuộc sống lao động, chiến đấu ở đây vô cùng nhọc nhằn, quyết liệt. Nhưng "Tất cả vì miền Nam", Đồng Lộc không thể một ngày bị tắc. Một lực lượng lớn đã được đưa về đây để thường trực sửa chữa bảo vệ đoạn đường.
Lực lượng ứng cứu sửa đường và thông đường có:
-Một tiểu đoàn công binh.
-Một tiểu đội cảnh sát giao thông của Ty Công an Hà Tĩnh.
-Một đơn vị dân quân của ba xã Thượng Lộc, Trung Lộc, Mỹ Lộc.
-12.000 nam nữ thanh niên xung phong của hai tổng đội 553 và 555.
Lực lượng đánh máy bay địch bảo vệ đường có:
-Một tiểu đội súng phòng không 12,7 ly của dân quân xã.
-Một tiểu đoàn pháo phòng không 37 ly của Quân khu 4.
-Một trung đoàn pháo phòng không 57 ly của Sư đoàn 368, thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân.
Tất cả ngần ấy lực lượng ngày đêm bám chặt con đường, quyết tâm giải toả bằng được Đồng Lộc. Kết quả, Đồng Lộc luôn được khai thông, số ngày đường bị tắc bớt lại. Có đợt số lượng xe chở hàng vượt qua Đồng Lộc tăng gấp ba lần so với mức bình thường, như trong ba đêm 15, 16, 17 tháng 6 năm 1968.
Trên mảnh đất nhỏ hẹp và đầy bom đạn ấy, các lực lượng phòng không, công binh, công an giao thông, dân quân và thanh niên xung phong, giống như những người anh em ruột thịt, luôn gắn bó bên nhau, cùng sống chết để bảo vệ con đường, bảo vệ những đoàn xe.
Quyết liệt nhất là lực lượng súng pháo phòng không. Bố trí trên những ngọn đồi gần như trọc, giữa những công sự lộ thiên, dưới những trận mưa bom, họ đã chiến đấu như những người anh hùng.
Trung đoàn 210 có năm đại đội pháo 57 ly, luôn là mục tiêu, đối tượng đánh phá chủ yếu của không quân Mỹ. Kẻ địch muốn nhổ bật các chốt thép ấy. Có ngày cả năm đại đội đều bị đánh bom, có đến bốn đại đội pháo bị mất sức chiến đấu.
Riêng trận địa Ngô Đồng, ở ngay cạnh ngã ba, chỉ trong ngày 25 tháng 8, đã có tới 24 lần chiếc A6 thay nhau dội bom vào trận địa, với đủ loại bom bi, bom sát thương, bom phát quang. Hai khẩu pháo bị bom vẹo nòng, nhiều cán bộ chiến sĩ thương vong. Đại đội đã nhanh chóng giải quyết thương binh, tử sĩ và dồn ghép số pháo thủ còn lại về hai khẩu đội cuối cùng, tiếp tục nổ súng.
"Có tiếng súng" để công binh, thanh niên xung phong vững tin lên mặt đường. "Có tiếng súng" cho những đoàn xe yên tâm vượt qua trọng điểm.
Trong cuộc chiến đấu sinh tử ở đây, có những con số làm phấn chấn lòng người như hàng chục máy bay Mỹ đã bị bắn hạ trên bầu trời Đồng Lộc, hàng vạn tấn hàng đã được vận chuyển trót lọt qua trọng điểm, đi tiếp về phương Nam.
Nhưng cũng có những con số làm tim ta đau nhói, xót xa như mười cô gái thanh niên xung phong dễ mến, dễ thương đã bị một đợt bom thù sát hại; 122 cán bộ chiến sĩ trung đoàn pháo 210 đã hy sinh cùng 259 người khác bị thương, trong vòng 147 ngày đêm chiến đấu tại khu vực Đồng Lộc. Và còn biết bao những chàng trai cô gái đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất kiên cường này. Các anh, các chị đã cùng Đồng Lộc góp phần buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc và góp phần cho công cuộc giải phóng miền
Nam.

Giờ đây cuộc chiến đã đi qua. Đất nước đã được thanh bình và đang trên đà phát triển. Mỗi người đang sống và đang được hưởng độc lập, hoà bình hôm nay, xin hãy đừng quên những người con thân yêu của Tổ quốc đã ngã xuống trong chiến tranh. Và xin hãy nhớ trong cuộc chiến tranh ấy, ở một vùng đồi núi phía tây tỉnh Hà Tĩnh trên con đường chi viện cho sự nghiệp giải phóng miền Nam đã từng có một Đồng Lộc, mang tên "Ngã ba Đồng Lộc" như thế.

( Còn nữa)
tin tức liên quan