" Ký ức đường Trường Sơn" của tác giả Lưu Trọng Lân (kỳ 2)

Ngày đăng: 04:33 17/05/2018 Lượt xem: 787


--------------------------------------------------------------------

KÝ ỨC ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN
CỦA TÁC GIẢ LƯU TRỌNG LÂN

( Tiếp theo )

Chương 7: Đôi bạn trên tàu

Tháng tám năm 1966, tôi về thăm quê Quảng Bình trên một chuyến tàu đêm Nam-Bắc. Ngồi bên tôi là một người đàn ông, cụt tạy, trạc ngoài 40 tuổi. Anh lên tàu sau tôi, từ ga Đà Nẵng. Qua những phút đầu yên lặng, tôi làm quen:
-Hình như anh là thương binh?
-Vâng! Sao bác biết?
-Tôi đoán thế, vì ngoài cánh tay không lành lặn của anh, tôi còn nhìn qua phong cách, cùng chiếc áo quân phục cũ mà anh đang mặc. À! Tôi cũng là bộ đội, là cựu chiến binh đây.
-Ồ! Vậy anh em ta là đồng đội!
Không khí giữa hai chúng tôi trở nên thân tình. Tôi hỏi:
-Cậu bị thương trong trận nào? Ở đâu?
-Dạ! Trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào, ở bắc Bản Đông. Hồi đó em là lính "ép ba linh tám" (Sư đoàn 308).
-Lúc ấy mình cũng ở bắc Bản Đông, nhưng ở cánh pháo cao xạ, bảo vệ đèo 500-Mường Trương, trên đường 16 (Đường 16, một trong những tuyến vượt cửa khẩu quan trọng của đường Hồ Chí Minh từ Thạch Bàn, Quảng Bình sang tận Bản Đông).
-Thế à! Em có một kỷ niệm khó quên ở ngay căn cứ hậu cần của một trung đoàn pháo cao xạ gần đó, bác ạ!
Anh trả lời rồi bắt đầu kể:
"Hôm ấy đơn vị em bị dính dom Mỹ. Hai đứa hy sinh, ba đứa bị thương. Em bị nặng nhất nên được nằm cáng. Còn cậu bạn thì tự chống gậy đi về trạm phẫu thuật tiền phương.
Đến trạm ba-ri-e ở kilômét 80, trời vừa tối. Trạm quân y còn quá xa, lại ở sâu trong rừng, đi đêm rất dễ lạc. Anh Vận, tổ trưởng cáng thương quyết định tìm đơn vị bạn quanh đây, xin nghỉ nhờ. Không lâu, em nghe tiếng hô:
-Ai đó! Đứng lại!
-Chúng tôi là thương binh mặt trận, qua đây trời tối, xin được giúp đỡ.
Lát sau, trong tiếng lao xao phía trước, em lõm bõm nghe được đôi câu:
-Báo cáo trung đoàn phó! Hậu cứ mình làm gì còn hầm để chứa số anh em này ạ?
-Ừ, khó đấy nhỉ! Nhưng thôi được! Vẫn còn mấy cái hầm cũ ọp ẹp, chúng ta chuyển bớt sang bên đó, nhường hầm chữ A cho thương binh.
Đầu tiên, chúng em được đưa xuống một căn hầm nửa chìm nửa nổi, có nắp làm bằng những bó nứa, được che kín ánh sáng bằng những tấm bạt, để thay băng. Các anh quân y rửa và băng lại vết thương cho em dưới ánh sáng mờ nhạt của chiếc đèn pin và trong tiếng u u đều đều rất khó chịu của chiếc máy bay trinh sát Mỹ 02-A bay lượn trong trời đêm.
Bỗng một tiếng rít xé không khí. Tiếp theo là một loạt bom nổ. Mọi người nằm rạp xuống và chui tọt vào những ngách hàm ếch xung quanh. Riêng em, em vẫn nằm yên trong cáng, trải sát đất, bất động. Trong đêm tối mờ mịt, em bỗng có cảm giác như ai đó đang chồm tới nằm lên người mình.
Lại một tiếng rít dữ dội nữa. Loạt bom thứ hai nổ, chao đảo cả căn hầm. Người nằm trên em càng áp chặt vào người em thêm, dường như để che chở cho em được an toàn hơn. Một lúc sau, hết tiếng máy bay. Người vừa ôm em đó, đứng lên, cất tiếng gọi:
-Chúng nó cút rồi! Ra thôi các đồng chí ơi!
Từ các ngách hầm ếch, các anh quân y lần lượt trở lại công việc. May quá, chúng ném bom chệch, nghe nói đơn vị không ai việc gì.
Thay băng xong, bọn em được anh công vụ của trung đoàn cho uống sữa. Riêng em được đưa xuống một căn hầm chữ A, nghe nói là của trung đoàn phó. Nằm trong căn hầm vững chãi, em cứ suy nghĩ không biết giờ đây ông trung đoàn phó nằm ở đâu?
Sáng dậy, em được đưa lên mặt đất. Một cán bộ dáng cao gầy và một cán bộ nữa hơi thấp, nhỏ, đến động viên, chia tay bọn em và cử thêm người giúp đỡ dẫn đường. Anh Vận cầm tay các thủ trưởng, nói lời cám ơn.
Trên đường đi tiếp đến trạm phẫu thuật tiền phương, em hỏi anh dẫn đường:
-Hai ông cán bộ lúc nãy là ai vậy, hở anh?
-À! Đó là ông Lân, trung đoàn phó và ông Long, phó chính uỷ của bọn mình đấy!
Chuyện xảy ra đã 25 năm mà em còn nhớ rõ như mới hôm qua. Hồi đó bác ở đơn vị pháo cao xạ bảo vệ đèo 500, bác có quen ông Lân và ông Long không?
Từ nãy đến giờ nghe kể, trong tôi dần sống lại một kỷ niệm. Với nỗi xúc động khôn cùng, tôi quay sang nắm chặt tay anh:
-Thì ra anh thương binh ngày ấy là cậu à? Lân là minh đây, người đã nằm che chở cho cậu hôm ấy. Còn ông Long, mình mới gặp năm ngoái, bây giờ về hưu ở một xã ngoại thành Nam Định.
-Trời ơi! Bác là thủ trưởng Lân, ân nhân cũ của em. Em là Nguyễn Văn Toản quê ở Thanh Hà, Hải Hưng. Thật không ngờ em được gặp lại thủ trưởng trong hoàn cảnh này. Anh quàng cánh tay lên người, xiết chặt. Rồi anh cho tôi địa chỉ và mong được đón tôi về thăm quê anh.
Hai hành khách dường như xa lạ trên chuyến tàu hôm ấy bỗng trở thành đôi bạn thân thiết như đã lâu ngày.
Khi chia tay nhau, tôi choàng ôm người anh, còn anh, một cánh tay, ghì chặt lấy vai tôi. Qua ánh đèn trên sân ga Đồng Hới, ngoái đầu nhìn lại, tôi thấy đôi mắt của Toản đang ngấn nước, ướt nhoà...
 

Ký ức Đường Trường Sơn

Chương 8: Dưới đáy ba lô người chiến sĩ

Nguyễn Văn Tài là chiến sĩ trinh sát đại đội 837 pháo cao xạ, trực thuộc trung đoàn tôi lúc còn ở Hải Phòng, những năm 1966-1967. Tuy mới quen nhau, nhưng ở Tài có một cái gì đó làm tôi hết sức quý mến: tác phong nhanh nhẹn, giọng nói chân tình, đặc biệt là đôi mắt sáng, rất thông minh.
Tài không còn cha mẹ, từ nhỏ Tài ở với cậu, được cậu mợ thương, cho đi học đến lớp sáu. Hùng, đại đội trưởng 837, vẫn thường khen Tài là một chiến sĩ gan dạ. Mỗi lần máy bay Mỹ đến bao giờ Tài cũng là người phát hiện sớm nhất.
Tôi coi Tài như em ruột của mình. Thỉnh thoảng gặp nhau, anh em chúng tôi vẫn dành thời gian tâm sự. Tôi nhắc nhở Tài hãy luôn xứng đáng với danh hiệu đoàn viên và hãy cố gắng phấn đấu trở thành đảng viên.
Sau Tết Mậu Thân (1968), đại đội 837 được cấp trên chọn đi tăng cường cho mặt trận phía Nam. Tuy xa nhau, nhưng chúng tôi vẫn liên lạc được với nhau qua địa chỉ hòm thư quân đội. Trong một lá thư, tài cho tôi biết đơn vị em đang dừng chân chiến đấu bảo vệ tuyến vượt khẩu Trường Sơn, đoạn đường từ Khe Ve đến Cổng Trời. Em đã thực hiện được lời tôi dặn, được kết nạp vào Đảng, sau một trận chiến đấu quyết liệt với không quân Mỹ.
Thế rồi bẵng đi một dạo, tôi không còn nhận được thư của Tài nữa. Nghe tin em đã hy sinh vào một ngày tháng chạp năm 1970 trên trận địa Bãi Dinh. Nhớ đến Tài, tim tôi quặn thắt lại vì thương xót. Em đã ra đi giữa tuổi đời đẹp nhất. Núi rừng Trường Sơn lại có thêm một đứa con của miền Bắc ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thân yêu.
Cuối năm 1971, tôi đã tìm đến thăm đại đội 837 trong một chuyến đi công tác ở Trường Sơn. Một số cán bộ đại đội cũ đã lên tiểu đoàn, chỉ còn lại Lê Hoài trước là đại đội phó, nay trở thành chính trị viên.
Gặp lại nhau, anh em mừng rỡ. Hoài kể cho tôi nghe tình hình đơn vị kể từ khi rời xa thành phố Cảng. Sau một thời gian lạ lẫm trên mặt trận bảo vệ giao thông, dần dà tích lũy kinh nghiệm, đơn vị đã đánh tốt, góp phần cùng tiểu đoàn bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, bảo vệ tốt đoạn đường được giao và những đoàn xe nối nhau ra phía trước. Thành tích nhiều, nhưng cũng có mấy lần đại đội bị bom đánh vào trận địa, có tổn thất, thương vong.
Lê Hoài đọc tên những cán bộ, chiến sĩ trong đó có Nguyễn Văn Tài đã dũng cảm hy sinh trên mảnh đất Bãi Dinh này, rồi anh kể tiếp:
Hôm ấy, theo tay chỉ của Tài, đại đội đã sớm bắt mục tiêu, tung lưới lửa, bắn rơi một chiếc A6. Những chiếc còn lại lao xuống ném bom. Hoả lực mạnh của tiểu đoàn đã làm cho những tên phi công loạng choạng, ném bom chệch ra ngoài gần hết. Chỉ còn một quả trúng vào trận địa. Tài bị một mảnh bom vào đầu, khi đang đứng cao người trên công sự để cùng tiểu đội quan sát máy bay. Chiếc ống nhòm nhuộm máu rời khởi bàn tay người tiểu đội trưởng trinh sát. Tài gục xuống trong vòng tay thân thương của đồng đội.
Sau khi hoàn tất thủ tục mai táng, chúng tôi tiến hành kiểm kê di vật của liệt sĩ. Trong ba lô của Tài có hai bộ quần áo, chăn màn, tấm áo mưa, chiếc võng bạt với một chiếc hộp thiếc đựng đường, một hộp nữa đựng bàn chải, thuốc đánh răng và một cái lược làm bằng mảnh xác máy bay Mỹ. Tìm kỹ ở ba lô còn thấy một gói ni lông bọc cẩn thận.
Mở bọc ra, chúng tôi nhìn thấy những lá thư anh Lân gửi cho Tài, còn nguyên phong bì, xếp ngay ngắn ở trên cùng. Phía dưới là một cuốn sổ tay ghi những bài thơ chọn lọc của Tố Hữu, Giang Nam, Chính Hữu, Phạm Tiến Duật... Có cả những bài thơ thiếu nhi của Trần Đăng Khoa, như bài "Bên bờ Kinh Thầy", "Trăng sáng sân nhà em"... Ở trang ghi bài thơ "Con bướm vàng", cũng của Trần Đăng Khoa, có ép một cánh bướm Trường Sơn.
Nửa sau cuốn sổ tay là những trang nhật ký, ghi chép ngắt quãng, năm thì mười họa mới có mươi dòng. Chắc không phải vì Tài không muốn viết, mà là do hoàn cảnh chiến đấu, xây dựng trận địa, hành quân cơ động liên miên, nên Tài đã không có thời gian để viết đều đặn.
Dưới cuốn sổ tay là năm chiếc phong bì đề tên người gởi: "Em gái phương xa", được gói trong một chiếc khăn, thêu dòng chữ "Yêu nhau mãi mãi" cùng đôi chim bồ câu tung cánh bay.
Qua những trang nhật ký ít ỏi của Tài và những dòng thư của người em gái phương xa mà chúng tôi "trộm" đọc, đơn vị mới biết hóa ra Tài đã có người yêu lúc còn ở Hải Phòng. Cô tên là Thu Hương, dân quân xã T, huyện Thủy Nguyên. Họ quen nhau trong những lần dân quân xã đến giúp bộ đội đào đắp công sự và phối hợp chiến đấu. Hai người đã trao tặng phẩm cho nhau, của Tài là một chiếc bút máy có khắc hai chữ T và H lồng vào nhau, còn của Hương có chiếc khăn thêu. Không hiểu sao mà không có tấm ảnh nào của Hương cả. Lặng im một chút, chính trị viên Lê Hoài tiếp tục câu chuyện, giọng anh trầm xuống như để nói với riêng mình: trong cái đêm đơn vị lên đường đi B, chắc sau khi chia tay với Tài, Thu Hương trở về nhà không khỏi xúc động một mình. Trong nỗi nhớ người yêu, Hương còn mong gì hơn là nhanh đến ngày chiến thắng để được gặp lại Tài trên thành phố Cảng. Đọc thư Thu Hương, cuối mỗi lá thư thường là những câu cháy bỏng yêu thương: "Đừng quên em nghe anh!" hoặc: "ở phương trời xa, em yêu anh và nhớ anh vô cùng; Gửi đến anh nghìn vạn cái hôn...". Lúc còn sống, mỗi lần nhận được thư "em gái phương xa", nếu ai hỏi, Tài chỉ trả lời qua quít "ồ, thư của cô bạn gái ở quê ấy mà". Cứ như vậy và mối tình thầm kín ấy chỉ được "tiết lộ" sau khi Tài đã vĩnh viễn ra đi...
Theo chân người cán bộ dẫn đường, tôi đến thăm những ngôi mộ liệt sĩ đặt trên một ngọn đồi ven suối. Không có hương, tôi đặt lên mộ các anh những nhánh hoa rừng. Quỳ xuống trước mộ Tài, hình dung lại khuôn mặt sáng sủa và đôi mắt thông minh của em, nghĩ đến câu chuyện tình dang dở của em và Thu Hương do đồng đội kể lại cùng với những kỷ vật còn lại trong ba lô người chiến sĩ, lòng tôi trào dâng nỗi xót thương. Mắt tôi mờ đi và những giọt nước mắt nóng lăn dài trên má...
Hôm nay, giữa nhộn nhịp phố phường, giữa mùa xuân phương Nam, mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh ngập tràn ánh nắng, nhìn những "xe hoa", những bạn trẻ hạnh phúc bên nhau trong ngày cưới, chuyện tình của Tài và Hương trong nghiệt ngã của chiến tranh lại tái hiện trong tôi. Đã có bao nhiêu cuộc tình duyên như vậy trong 30 năm chiến tranh? Chỉ biết rằng sự hy sinh của những người như Tài và của cả những người còn sống như Thu Hương đã góp phần làm cho cây đời hôm nay nở hoa kết trái. Tôi thầm nghĩ như vậy.
 

Ký ức Đường Trường Sơn

Chương 9: Dặm đường Trường Sơn

"Nếu hy sinh, em muốn nằm kề trọng điểm,
Để ngày ngày em được nghe tiếng xe qua..."
Trọng Khoát
Buổi trưa hôm ấy, tôi lim dim mắt nằm nghe cậu Tám hát bài "Miền Nam nhớ mãi ơn Người" của nhạc sĩ Lưu Cầu. Tâm là một chiến sĩ thông tin, có giọng hát rất hay và cũng rất hay hát. Những lúc rảnh rỗi, trong khung cảnh kỳ vĩ của Trường Sơn, chúng tôi vẫn thường nghe Tâm hát như thế:
"Mây trắng Trường Sơn quanh năm thương nhớ Người. Sông nước Cửu Long không phút giây nào nguôi niềm thương nhớ Bác đến muôn đời..."
Giọng hát ngọt ngào và sâu lắng của người chiến sĩ trẻ làm tôi bồi hồi nhớ lại bao kỷ niệm đẹp về những lần tôi may mắn được gặp Bác Hồ trước đây. Chợt có tiếng cậu Ngàn, nhân viên cơ yếu, cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi:
-Báo cáo thủ trưởng, có điện khẩn!
Cầm lấy quyển sổ, tôi đưa mắt lướt nhanh:
"Anh Lân thu xếp tối nay lên Bộ Tư lệnh Đoàn 559 nhận chỉ thị. Xong, về ngay Sở chỉ huy cơ bản họp. Ký điện: Chi".
Tôi vội gọi anh Khâm, tham mưu phó trung đoàn, lên thay tôi trực chỉ huy, để tôi tranh thủ đi tắm một lát. Suốt tuần qua tôi chẳng được tắm giặt gì cả. Áo quần ẩm mồ hôi rất khó chịu. Chẳng phải vì lười, mà là do quá bận, hơn nữa việc đi tắm ở đây không phải chuyện dễ dàng. Mỗi lần đi tắm, chúng tôi phải đi lẻ từng một, hai người, vượt qua bãi trống khá rộng chi chít những hố bom, rồi phải đi thêm chừng một cây số đường rừng nữa mới ra đến bờ suối.
Giữa mùa khô Trường Sơn, nước trong các hố bom hầu như cạn kiệt, Duy chỉ còn một hố bom lớn nhất là có nước, nhưng cũng đã nỏi váng màu vàng. Vì không còn nhiều thời gian, tôi quyết định ra tắm ngay tại hố bom kia, mặc dầu biết rằng ở trên trời luôn luôn có máy bay trinh sát Mỹ hay lượn lờ, soi mói. Đến đầu bãi trống, không nghe tiếng động cơ, tôi đi nhanh ra bố bom, đặt quần áo lên đó, tôi bắt đầu tắm.
Đang mải mê kỳ cọ, tôi chợt nghe tiêng vo vo... từ xa vọng lại. Vừa ngửa mặt nhìn lên, đã thấy ngay một chiếc OV10 đang lao tới. Vội khom người xuống, đưa tấm lưng trần lên trên-cho giống hòn đá bên cạnh-tôi ngồi yên không nhúc nhích. Chỉ có cái đầu nghiêng nhẹ để theo dõi đường bay của tên do thám. Ở đường Trường Sơn, lính ta rất ghét tên giặc chỉ điểm lợi hại này. Nó bay dai như đỉa đói, hết vòng trái sang vòng phải, hết quành số 8 sang lượn vòng tròn. Hễ thấy mục tiêu là nó phóng ngay pháo khói. Một cột khói trắng bùng lên và lập tức bọn cường kích địch ào tới quẳng bom liền.
Trời nắng chang chang, da tôi nóng bỏng, nhưng tôi vẫn phải khom lưng chịu trận. Mỗi lần nó lượn ra xa, tôi tranh thủ tắm giặt. Khí nó vòng lại gần, tôi liền thu mình ngồi yên. Trò chơi ú tim ấy cứ lặp đi lặp lại đến năm, sáu lần mới kết thúc. Đợi chiếc OV10 bay xa về phía nam tôi tranh thủ mặc quần áo đứng dậy ra về. Tính ra, tôi đã mất với nó hơn một tiếng đồng hồ.
Vì xe con của đơn vị bị hỏng máy, tôi quyết định cuốc bộ ra ba-ri-e Z27 đón xe binh trạm đi nhờ. Trạm Z27 ở kilômét 53 đường 128, nằm ngay giữa ngã ba Xóm Péng, một trong những trọng điểm ác liệt của đường Hồ Chí Minh. Từ ngã ba ấy đi ngược trở ra là về lại Lằng Khằng, Mụ Giạ, Cổng Trời, Khe Ve. Hướng đi vào chia làm hai nhánh. Nhánh một: theo trục chính là đường 128, qua dốc Tha Pha Chon vào Lùm Bùm. Nhánh hai: theo đường 129, qua Dốc Nứa, Tha Khô Khèn vào Na Nhom...
Là một ngã ba nằm giữa trọng điểm, Z27 bị máy bay Mỹ đánh phá rất ác liệt. Chúng đã biến cả một khu rừng già bạt ngàn cây săng lẻ cao vút, có rất nhiều hoa phong lan, trước kia tươi tốt, xanh um, bây giờ trở thành một vùng đất hoang tàn, trơ trọi những thân cây cháy sém, ngổn ngang những cành khô đổ gục, cùng những đống tro tàn.
Tôi đứng cạnh Tuấn, tiểu đội trưởng công binh, phụ trách điều chỉnh, để đợi xe. Tuấn cho biết Z27 vừa bị một trận bom lúc chiều. Trong hoàng hôn, trước mắt tôi hiện ra hàng trăm ngọn lửa bám quanh những thây cây đơn độc, đang leo lét cháy. Những cục than hồng đây đó thỉnh thoảng lại rực sáng lên mỗi khi có luồng gió mạnh thổi qua. Tuấn nói:
-Nó đánh dữ dội lắm! Nhưng nhờ có hầm chữ A kiên cố, nên bọn em vẫn an toàn. Có một lần bom đánh sập cửa hầm. Bọn em chỉ bị sức ép thôi. À! Xe sắp tới rồi!
Trong tiếng động cơ ì ì ngày một to, một chiếc xe Zin ba cầu, "dàn mướp" kín lá nguỵ trang, lù lù đi tới. Chiếc đèn nhỏ dưới gầm xe toả ra một vầng sáng mờ nhạt. Tuấn, đeo băng đỏ trên cánh tay và chiếc còi treo ở cổ, ra hiệu cho xe dừng lại, rồi đứng lên bậc xe, nói với người lái cho tôi đi nhờ. Chiếc xe thứ hai cũng vừa đến phía sau, "phá" lên một tiếng, tiếng "phà" quen thuộc của loại phanh hơi.
Chờ cho tôi ngồi lọt vào cabin, Tuấn phất tay cho xe đi tiếp, theo lối đường 128-Tuấn chào tôi. Tôi vẫy chà lại người tiểu đội trưởng của ngã ba nổi tiếng kiên cường này. Đêm ấy, đoàn xe chúng tôi đ trót lọt, mặc dầu cũng có đôi lần bị khống chế bởi những chùm pháo sáng và mất loạt bom. Đến trạm cuối cùng, tôi xuống xe. Đoàn xe chạy tiếp vào khu kho để xuống hàng, còn tôi tìm đường đến cơ quan Bộ Tư lệnh.
Cuộc họp sáng nay diễn ra ngắn gọn. Phó chính uỷ Đoàn 559 Lê Si phổ biến nghị quyết của Đảng uỷ và chỉ thị của Bộ tư lệnh Binh đoàn về tình hình, nhiệm vụ, kế hoạch, chỉ tiêu của đợt vận chuyển lớn sắp tới. Riêng với chúng tôi, đồng chí nhắc nhở. Nhiệm vụ số một của lực lượng cao xạ là phải kiên cường đánh địch, đánh mạnh, để bảo vệ đội hình xe tiến công, nhất là trên các trọng điểm.
Sau cuộc họp, các thủ trưởng binh trạm còn phải ở lại thêm một ngày để làm việc với cq. Riêng tôi, phải về gấp cho kịp cuộc họp mà anh Chi, trung đoàn trưởng, đã triệu tập. Tôi chọn hướng đi về theo đường 20, bằng xe vận tải của binh trạm 14.
Nhẹ nhàng với chiếc ba lô con cóc, tôi tìm đến bãi xe của tiểu đoàn vận tải 102. Khoảng 18 giờ, đội hình xe đã có mặt đầy đủ ở tuyến xuất phát. Trước mắt tôi, đội ngũ các chiến sĩ lái xe trẻ, khoẻ trong bộ áo giáp và chiếc mũ sắt trên đầu, trông thật hùng dũng. Tôi hình dung các anh giống như những chàng kỵ sĩ trước giờ ra trận.
Một cán bộ đứng ra phổ biến tình hình đường sá. Vì đứng xa, tôi chỉ nghe được mấy câu, đại ý:
-Ngầm Ta Lê bị trúng một quả bom; kilômét 78 cua chữa A còn bom nổ chậm; Ngầm Cà Roòng mực nước cao 60 phân... Công binh đang nỗ lực khắc phục hố bom. Anh em hạ quyết tấm đến 18 giờ 30 thông đường.
-Đội hình xe đi ra chia làm hai mũi. Từ Kà Tốc, mũi thứ nhất gồm phân đội 1 và 2 đi theo đường E và C; mũi thứ hai gồm phân đội 3 và 4 đi theo hướng A và B. Chú ý các ngầm vì hôm nay mực nước lên hơi cao. Cẩn thận khi qua đèo Ba Thang, đường trơn, vì mới có trận mưa lúc chiều.
Tôi được giới thiệu đến phân đôi 3, lên một chiếc xe Zin bị bẹp tai và một bên cửa đã mất kính.
Anh lái xe rất trẻ, khoảng 18-19 tuổi. Còn anh lái phụ, ngồi trong, tuổi khoảng 22-23. Mấy phút sau, binh trạm thông báo: "Toàn tuyến đã thông đường!". Xe bắt đầu lăn bánh. Tôi cũng bắt đầu làm quen với anh lái phụ. Anh ta gọi tôi bằng thủ trưởng và tự xưng bằng em. Được biết anh tên là Độ, 22 tuổi, quê Đức Thọ, Hà Tĩnh. Tôi hỏi:
-Nhà Độ có gần Linh Cảm không?
Độ trả lời:
-Em quê Châu Phong, cách bến phà Linh Cảm chừng dăm cây số về phía thị trấn.
-Châu Phong, một làng khoa bảng nổi tiếng! Thế cậu học văn hoá lớp mấy trước khi đi bộ đội?
-Tốt nghiệp lớp 10! Nhưng em không thi vào đại học...
-Theo tiếng gọi của miền Nam? Khá lắm! Cậu làm lái phụ đã được bao lâu?
-Dạ... Em lái xe trên Trường Sơn đã được 5 năm rồi ạ! Tôi đang tròn mắt ngạc nhiên thì cậu Hoàn, người đang cầm lái, nói chõ sang:
-"Bê" trưởng của chúng em đấy, thủ trưởng ạ!
À lên một tiếng, tôi quay sang vỗ vai Độ:
-Thế mà mình cứ ngỡ cậu là phụ lái. Xin lỗi trung đội trưởng nhé!
Tuấn nhũn nhặn:
-Có gì đâu thủ trưởng!
Tôi bỗng cảm thấy mến anh cán bộ trẻ này. Chuyện trò dăm ba câu, phút chốc Độ trở thành người thuyết minh cho tôi nghe những câu chuyện về đường 20, nơi mà anh đã từng nhiều năm gắn bó. Độ nói năng lưu loát. Tôi chú ý lắng nghe, quên cả bụi đường và sương lạnh lùa qua ô cửa không kính.
Từ Lùm Bùm, qua ba-ri-e Kà Tốc, xe chúng tôi chạy thẳng theo đường A.
-Chúng ta đang đi vào trọng điểm A.T.P đấy!-Độ nói với tôi.
A.T.P, với cua chữa A, ngầm Tà Lê, đèo Phu-la-nhích, là cụm trọng điểm bị không quân Mỹ đánh phá quyết liệt nhất của toàn tuyến Trường Sơn. Xe qua đây coi như đi vào "cửa tử". Biết bao nhiêu chiến sĩ lái xe, cao xạ, công binh, thanh niên xung phong đã ngã xuống nơi này.
Là cán bộ của tiểu đoàn vận tải 102 anh hùng, nhưng Độ ít kể về lái xe, trái lại anh nói nhiều về lực lượng công binh và thanh niên xung phong.
-Công binh và thanh niên xung phong ở đây dũng cảm lắm!
Độ kể cho tôi nghe về Nguyễn Thị Liệu, một nữ thanh niên xung phong xinh đẹp mà gan góc, hát rất hay phá bom nổ chậm cũng rất cừ! "Trước ngày hội bắn" là bài hát tủ của Liệu. Với trang phục cô gái dân tộc Mèo, Liệu đã làm say đắm bao chàng trai. Giữa đại ngàn Trường Sơn, Nguyễn Thị Liệu như một đoá hoa rực rỡ. Vậy mà cô đã vĩnh viễn nằm xuống, trong một buổi chiều, giữa độ tuổi hai mươi.
Còn cô Vũ Tiến Đè, một thanh niên cao lớn, khoẻ mạnh và rất dũng cảm. Đề là người đầu tiên đưa xe ủi C.100 lên cua chữ A, lên tận đỉnh đèo Phu-la-nhích. Tại những cua tay áo, cua A mẹ, A con... Đề đã san bằng hàng vạn mét khối đất đá, gạt luôn cả hàng trăm quả bom nổ chậm và hàng ngàn quả bom bi lăn xuống vực sâu, mở lối an toàn cho những đoàn xe cơ giới đi vào chiến trường. Thành tích của Vũ Tiến Đề đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi.
Cậu Hoàn đang lái xe vượt đèo Phu-la-nhích, bỗng lên tiếng, cố tình nói to cho tôi nghe:
-Anh Độ có một cô bạn gái đồng hương rất xinh, công tác ở C5...
-Cái cậu này! Ai hỏi ma khai. Đừng tin nó thủ trưởng ạ!
-Ơ hay! Em nói sự thật mà. Dạo ấy, một lần xe anh Độ bị AC130 bắn cháy ở đây. Các cô thanh niên xung phong của đ 5 lao ra dập lửa, cứu hàng. Có một cô tên là Lan, lọt vào mắt của anh Độ. Thế là... Ối! Sao anh lại véo em?-Cậu Hoàn nói tiếp-Nhưng gần đây cô Lan đã chuyển đi nơi khác rồi. Cô nàng vẫn gửi thư cho anh Độ đều đều đấy ạ!
Tôi nắm chặt tay Độ. Độ mắng vào tai Hoàn:
-Mày chỉ được cái lẻo mép!-Hoàn ta khoái chí, cười hề hề.
Chúng tôi qua ngầm Tà Lê. Giữa dòng suối, khoảng 10 cô gái khoác vải dù trắng đang đứng làm cọc tiêu. Khi xe qua, các cô giơ tay vẫy chào, nhưng Hoàn không chào lại. Cậu ta đang tập trung tư tưởng cao độ. Dòng nước chảy xiết, ngầm vừa bị bom mới được sửa chữa một lần, nên còn lổn nhổn, khó đi. Độ nhắc Hoàn:
-Tăng ga lên một chút, giữ vô-lăng thật chắc vào!
Vượt qua ngầm, xe tiếp tục lên dốc, đi vào những vòng cua. Cua chữa A, bên đèo, bên suối, bên vách núi dựng đứng, bên vực sâu thăm thẳm đến ghê người. Rải rác hai cạnh đường, mấy xác xe bị bom đánh hỏng, chỏng chơ.
Xe đang xuống dốc thì bỗng một chùm đèn dù bật sáng, chếch về phía sau chúng tôi một ít. "Nó sắp ném bom đấy! Tăng ga, vọt lên, Hoàn!". Chiếc xe lao nhanh, ngoặt trái, ngoặt phải theo những vòng cua ngoằn ngoèo lượn quanh bờ những hố bom. Nhìn ra hai bên, cả phía trước và phía sau, tôi thấy từng loạt lưới lửa cao xạ tung lên, đầy trời. Tiếng theo là động cơ phản lực vút qua. Mấy loạt bom bi nổ ran phía sau. Mặc! Xe chúng tôi vẫn chạy. Những luồng đạn vạch đường tiếp tục nối nhau vút lên. Tiếng máy bay gầm rú lẫn trong tiếng bom nổ ầm ầm. Cuối cùng rồi chúng nó cũng cút. Độ nói với tôi:
-Mỗi lần qua trọng điểm, thấy các trận địa cao xạ bắn mãnh liệt, bọn em yên tâm lắm! Bom nó ném chệch ra ngoài hết. Rất ít khi bị dính bom. Chỉ ngại thằng AC130 bắn 40 ly thôi!
Đến kilômét 74, Độ bảo Hoàn nép xe sang bên lề đường, để anh xuống nắm tình hình. Từng chiếc, từng chiếc một, các xe của phân đội 3 lần lượt đi qua. Các chiến sĩ lái xe tươi cười, trao đổi với trung đội trưởng của mình những câu gì đó. Tôi đoán là phân đội đã vượt qua trọng điểm an toàn. Đến đây, Độ bảo Hoàn ngồi sang phải cho tôi ngồi vào giữa, rồi trèo lên, ngồi trước vành tay lái, cài số cho xe lao đi. Đi được một quãng, chúng tôi gặp một đoàn xe đi ngược chiều. Theo nguyên tắc, xe đi ra phải ưu tiên nhường đường cho xe đi vào. Gặp nhau kẻ xuôi người ngược, cánh lái xe lại rộn lên những câu chào tiếng hỏi, ấm tình đồng đội, ấm cả cung đường.
Một loạt bom toạ độ ném xuống ngầm Cà Roòng trước khi chúng tôi đến. Rất may là bom ném trượt ra ngoài khoảng năm chục mét. Ở đây cũng vẫn có những cô gái thanh niên xung phong khoác vải dù trắng làm cọc tiêu giữa sương khuya và trong làn nước giá lạnh. Ngồi trên xe nhìn xuống, tôi cảm thấy thương các em vô cùng.
Tiếp theo, chúng tôi vượt dốc Ba Thang. Nghe nói trước khi có đường ôtô, các đồng chí bộ binh ta phải trèo hết ba cái thang mới qua được một quãng dốc dựng đứng này. Đường rất trơn, nhưng Độ vẫn vững vàng tay lái cho xe đi qua không mấy khó khắn. Đến khoảng kilômét 25, đoàn xe bị ùn lại. Thỉnh thoảng có tiếng rồ máy vang lên, kéo dài, rồi im bặt. Chắc là có xe nào đó đang bị "pa-ti-ê" (trượt bánh xe, sa lầy). Tôi theo Độ đi nhanh ra phía trước.
Anh lái phụ đang ôm mấy cây gỗ nhỏ, nhét thêm vào chỗ đất lún. Chiếc xe lại rồ ga, nhưng bánh xe vẫn cứ quay tròn tại chỗ. Đó là do hố bom lấp vội để kịp thông đường, gặp trận mưa ban chiều, nên đất bị nhão ra. Bánh xe càng quay tít, chiếc xe càng lún xuống sâu hơn. Nhìn thấy chiếc xe nghiêng về phía vực như sắp đổ, tôi rất lo. Đồng chí lái xe vẫn ngồi trong buồng lái. Anh định nhấn ga thêm lần nữa. Bỗng có tiếng Độ ra lệnh:
-Xe đồng chí vượt lên trước, kéo xe đồng chí Xuân!
Sau tiếng "rõ" đáp lại, người lái tên là Dậu cho xe từ từ chuyển bánh, chầm chậm đi sát vào ta-luy (vách đứng cạnh đường) theo bàn tay đánh xi-nhan (tín hiệu) của Độ. Giây phút thật căng thẳng! Tôi chỉ lo xe của Dậu đụng vào chiếc xe đang bị sa lầy. Nhưng may quá! Xe đi vừa khít, lọt qua an toàn. Một sợi dây cáp được móc vào hai xe. Sau đó, việc kéo chiếc xe bị lún thoát khỏi chỗ lầy đã kết thúc trôi chảy trong tiếng reo vui của mọi người.
Đoàn xe được lệnh đi tiếp, hết xuống đèo lại lên đèo. Đến một cái dốc khá cao gọi là dốc Đồng Tiền, Độ kể: cách đây sáu năm, vào dịp kỷ niệm 21 năm ngày thành lập quân đội, để thực hiện quyết tấm mở đường 20 thông sang nước bạn, bộ đội Đoàn 559 đã tiến hành một "đợt nổ súng Him Lan". Tôi chưa kịp hỏi tại sao, thì Đội đã tiếp: "Các chú các anh hồi đó ví đợt tiến công hạ dốc Đông Tiền giống như trận đánh hạ cứ điểm Him Lam năm xưa. Trận Him Lam mở đầu đi đến chiến thắng Điện Biên Phủ thì trận nổ mìn bạt dốc Đồng Tiền mở đầu cho cuộc chinh phục đỉnh Trường Sơn".
Độ tỏ ra có nhiều hiểu biết. Tôi thầm phục anh cán bộ trẻ thông minh và dễ mến này.
-Năm 1954 mình cũng được dự trận Him Lam đấy! Tôi khoe. Đại đội pháo cao xạ của mình hồi ấy trực tiếp bảo vệ Sư đoàn bộ binh 312 trong đợt xuất phát tiến công...
-Ôi! Vinh dự quá nhỉ!
Sau khi qua ngầm Chà Ang, Độ kể cho tôi nghe về tám cô gái thanh niên xung phong (về sau xác minh lại là có 13 người hy sinh, gồm 4 nữ, 4 nam thanh niên xung phong và 5 anh bộ đội), tất cả đều ở lứa tuổi đôi mươi, đã cùng hy sinh ở một hang đá, gần kilômét 16, trong một đợt bom của kẻ thù. Tôi thầm nghĩ: không biết mai sau con cháu chúng ta có hiểu được rằng mỗi ngọn đèo, mỗi con suối của Trường Sơn, trong cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do của dân tộc, đã từng ghi sâu tội ác man rợ của giặc Mỹ như thế nào không?
Gần sáng, đoàn xe chúng tôi về đến kilômét "không" đường Quyết Thắng. Đó là Phong Nha. Tôi lưu luyến chia tay hai người bạn đường. Nhìn thẳng vào khuôn mặt trẻ trung và cương nghị của Độ, tôi xiết chặt bàn tay anh.
Phong Nha thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, quê hương tôi. Hồi kháng chiến 9 năm tôi đã từng hoạt động ở vùng này. Chính tại làng Phong Nha, nơi ở của cơ quan Huyện uỷ Bố Trạch, năm 1948 tôi đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đêm nay, bến nước sông Son còn đấy, hang động Phong Nha còn kia. Nhẩm tính mới đó mà đã hơn hai mươi năm.
Đêm sau, tôi theo xe Cục Vận tải vượt phà Xuân Sơn đúng lúc máy bay Mỹ đến dội bom. Những cột nước vọt lên, thẳng đứng giữa dòng sông, được soi rõ bởi những chùm pháo sáng. Đến bờ, xe chúng tôi tranh thủ vọt lên, rồi theo đường 15, lần lượt qua các trọng điểm đèo Đá Đẽo, ngầm Khe Rinh, đến ngã ba Khe Ve. Từ Khe Ve, tôi nhảy sang xe binh trạm 12, ngược đường qua La Trọng, Bãi Dinh, lên tới Cổng Trời (Địa danh).
Về đến Sở chỉ huy cơ bản-cách Cổng Trời vài kilômét đường rừng-tôi được nghỉ một buổi sáng. Ngay chiều hôm đó, tôi dự luôn cuộc hội nghị Đảng uỷ và Ban chỉ huy trung đoàn. Họp xong, vì nhiệm vụ khẩn trương, tôi cùng anh Khôi, chính uỷ trung đoàn phải đi ngay vào sở chỉ huy tiền phương. Lại vượt qua đèo Mụ Giạ, "eo chẹt" Seng Phan, những trọng điểm nổi tiếng ác liệt của đường 12 và đường 128, tôi lại về Xóm Péng.
Thếlà chỉ trong bốn đêm, tôi đã đi một lượt giáp vòng hai đoạn đường Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây (đường 15 và đường 128), qua hai tuyến cửa khẩu quan trọng (đường 12 và đường 20). Từ Xóm Péng ra đi, hôm nay tôi trở về nơi xuất phát (Trong những năm tháng ở Trường Sơn, tôi đã từng đi qua các trục đường chính chạy dọc Đông, Tây Trường Sơn: đường 15, đường 128, đường 129, đường 14 (từ Hướng Hoá vào tận Lộc Ninh) và trục ngang vượt khẩu: đường 12, đường 20, đường 10, đường 16).
Biết bao khó khăn gian khổ trên đường đã giúp mình thêm kinh nghiệm. Nhưng điều quan trọng hơn có lẽ là những điều tai nghe mắt thấy qua chuyến đi, đã giúp tôi mở rộng thêm tâm hồn.
Từ tháng 11 năm 1946, trên trận địa Seng Phan đã vang lên lời hô nổi tiếng của Nguyễn Viết Xuân: "Nhằm thẳng quân thù mà bắn!". Rồi những năm sau đó, trên khắp tuyến đường Trường Sơn lần lượt xuất hiện những khẩu hiệu, mà tôi đã thuộc lòng:
"Mở đường mà tiến! Đánh địch mà đi!"
"Địch đánh, ta sửa ta đi!"
"Địch đánh, ta cứ đi!".
Nhưng xin thú thật, phải qua chuyến đi xuyên Trường Sơn lần này, tôi mới hiểu hết được ý nghĩa lớn lao của nó. "Mở đường mà tiến! Địch đánh, ta sửa ta đi!" là hành động kiên cường của các chiến sĩ công binh và thanh niên xung phong ngày đêm lấy mặt đường làm trận địa. "Đánh địch mà đi!" là ý chí gang thép của các xạ thủ, pháo cao xạ, nối tiếp truyền thống của Nguyễn Viết Xuân. "Địch đánh, ta cứ đi" là khí phách ngàn lần dũng cảm của các chiến sĩ lái xe khi vượt qua các trọng điểm, dưới những chùm pháo sáng và những loạt bom của Mỹ.
Thêm nữa, những khẩu hiệu đó không chỉ thấy trong hành động của lực lượng công binh, cao xạ, lái xe mà còn thể hiện ở những lực lượng khác, cũng không kém phần anh hùng, như các chiến sĩ đường giao liên, gùi thồ, đường dây thông tin, đường sông vận chuyển, đường ống xăng dầu, các chiến sĩ quân y, chiến sĩ hậu cần...
Tất cả các lực lượng trên, trong bão đạn mưa bom, trong mưa ngàn suối lũ, với muôn vàn gian khổ hy sinh, hàng chục năm qua đã theo những tiếng gọi ấy, để làm nên sự nghiệp phi thường: "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".
Những khẩu hiệu nói trên trở thành bất tử cùng với đường Trường Sơn, con đường vĩ đại mang tên Bác kính yêu, mà đối với tôi, mãi mãi là tình cảm thiêng liêng trong suốt cuộc đời.
 

Ký ức Đường Trường Sơn

Chương 10: Trong hang đá Trường Sơn

Đêm nay trăng sáng quá! Núi rừng Trường Sơn hiện ra trước mắt tôi điệp trùng, mờ ảo. Mấy giò phong lan treo ở cửa hang, dưới ánh trăng, vẫn hiện rõ những cánh hoa vàng. Gió đêm lành lạnh thổi. Tôi đưa tay cài khuy cổ áo, mắt nhìn xuống đường ô tô, nơi có những đoàn xe vận chuyển của binh trạm sắp đi qua.
Tôi quay vào hang, lòng cảm thấy trống trải. Mọi hôm ở đây có bốn người. Nhưng đêm nay, anh Khôi chính uỷ trung đoàn đã lên họp ở Bộ Tư lệnh Đoang 559. Anh Khâm, tham mưu phó, đi đốc chiến. Cậu Nam, chiến sĩ thông tin thì vừa xin phép xuống "hang lớn", nơi hậu cứ của trung đoàn, để đổi mấy bình ắc quy.
Còn lại mình tôi với cây đèn dầu ma-dút cuộn khói, một điện thoại và một máy bộ đàm P105. Nhắc ống nói, tôi gọi Nam, dặn dò: "Cứ ở dưới đó, chớ vội lên! Hãy chờ cho qua đợt hoạt động của chúng, đợi thật yên, hẵng về!". Chả là cái "hang nhỏ" của chúng tôi ở lưng chừng núi, nếu đang đi lên mà gặp máy bay Mỹ ập đến thì thật không an toàn. Tiếp đó, tôi gọi điện nhắc các đơn vị sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đoàn xe sắp đi qua trọng điểm.
Tôi miên man suy nghĩ về nhiệm vụ nặng nề của trung đoàn trong chiến dịch vận chuyển mùa khô. Bỗng trên không trung pháo sáng địch chói loà. Tiếng động cơ phản lực của máy bay gầm rú. Những tràng đạn pháo cao xạ của ta bắn lên. Tiếp theo là bom, những loạt bom rung chuyển núi rừng. Ngọn đèn dầu tắt phụt. Quả bom nổ gần, làm sạt mất một góc hang. Một tảng đá lớn sập xuống ngay cạnh chỗ tôi ngồi. Sức ép của bom khiến ngực tôi đau nhói và tức đến nghẹn thở.
Gắng đứng dậy, tôi bỗng giật thót mình, vì bàn tay vừa đặt lên một mảnh bom nóng bỏng. Tôi rụt tay lại. Mảnh bom rơi ra, bóc theo một mảng da bàn tay tôi. Rát quá! Tôi phải gỡ băng cá nhân, băng lại vết thương.
Lo cho cậu Nam và cũng không biết anh em mình ở dưới có việc gì không, tôi quay máy gọi. Nhẹ tênh! Dây ăng ten cũng không còn. Mất liên lạc với dưới, nhưng tôi vẫn yên tâm, vì các đơn vị đều đã có kế hoạch tác chiến theo phương án có sẵn.
Loay hoay không biết làm vì trong cái hang tối om và không mấy vững chắc này, tôi tìm chiếc đèn pin, rọi ra xung quanh. Một ý nghĩa chợt đến: "Phải rời khỏi nơi đây!". Phía trong hang có một cửa thông gió. Biết đâu qua đấy, tôi tìm đến được với anh em ở hang dưới. Rồi giống như một "nhà thám hiểm hang động", tôi siết chặt dây giày vải, quàng dây đeo đèn pin lên vai và không quên đút vào túi quần một cặp pin mới.
Tôi vừa bấm đèn vừa đi. Lúc đầu khom mình còn đi được, nhưng sau đó, tôi phải toài người chui qua một lỗ nhỏ mới vào được bên trong. Có lối rẽ trái, tôi bò tiếp. Bò khoảng vài chục mét thì hết đường. Tôi quờ quạng xung quanh, bốn phía đều kín như bưng. Không lẽ? Rọi đèn lên trần, thấy một khoảng trống, tôi vội leo lên. Nhưng vách đá trơn quá, phải mấy lần trèo lên, tụt xuống, lại trèo lên nữa, tôi mới tới được đoạn hang phía trên. Nhìn xuống chỗ vừa trèo, thấy sâu thăm thẳm đến ớn lạnh. Nếu phải quay trở lại thì không biết sẽ làm sao đây?
Đèn pin mờ dần. Trong khi dừng lại nghĩ, tôi tạm thời đẩy công tắc đèn, để tiết kiệm pin. Ngồi một mình trong bóng tối, giữa lòng hang sâu, tôi cảm thấy rờn rợn và lo lắng vô cùng. Trở về lối cũ ư! Làm sao tôi có thể tìm được chỗ đặt bàn chân khi tụt xuống những vách đá cao và trơn tuột lúc này? Tay đâu rọi đèn pin, tay đâu bám vách đá để đu mình xuống? Tiến lên nữa ư? Liệu tôi có thể tìm ra được lối thoát trước khi nguồn năng lượng của đôi pin bé nhỏ chưa cạn kiệt? Một giả thiết xấu: nếu không thoát được mà bị kẹt giữa chừng, chết ở đây, ai biết tôi ở đâu mà tìm? Trong thâm tâm, tôi đã bắt đầu nghĩ đến vợ con ở nhà.
Một luồng gió nhẹ lướt qua, cộng thêm nỗi sợ hãi, khiến tôi rùng mình. Nhưng chính luồng gió ấy đã giúp tôi một tia hy vọng: có gió tức là có đường thông. Tôi lại tiếp tục bò, trườn, trèo lên, tụt xuống với sự gắng sức tối đa. Ánh sáng đèn pin mờ hẳn, đúng lúc tay tôi vừa chạm phải một vật gì giống trăn. Giật mình lùi lại, đầu tôi đập vào vách đá, đau điếng. Luống cuống một lúc tôi mới thay được cặp pin. Soi kỹ thì hoá ra đó là một rễ cây to mập, thòng từ trên cao xuống, chui sâu vào một kẽ đá. Một phen hết hồn.
Đến một hang rộng chừng vài mét vuông, ngửa mặt nhìn lên, tôi thấy một lỗ tròn, cao tít, trên đó thấp thoáng mấy vì sao. Thì ra đó là lỗ thông lên "trời", nhưng quá cao, chẳng giúp ích gì cho tôi cả. Hình như máy bay địch lại đến. Nghe tiếng bom nổ và cảm nhận sự chuyển động của núi, tôi đoán ngoài kia địch đang thả bom đợt hai. Phần tôi trong này, lại tiếp tục chui nữa, một mình mò mẫm trong vắng lặng tột cùng. Trời lạnh mà người tôi ướt đầm mồ hôi.
Bỗng tôi mơ hồ nghe như có tiếng người nói từ xa xăm vọng lại. Đúng rồi! Tiếng nói xen lẫn tiếng cười, rất nhỏ. Như được tiếp thêm sức mạnh, tôi phấn khởi luồn, lách và giờ đây là theo hướng đi xuống. Tiếng nói cười vọng đến càng lâu càng rõ. Lại có cả tiếng con gái. Lạ thật? Đơn vị tôi làm gì có nữ chiến sĩ? Hay đây không phải là hang hậu cứ của mình? Nhưng thôi! Mọi chuyện thắc mắc dẹp sang một bên! Hãy "đi" nữa đi! Đến nơi sẽ biết.
Cuối cùng, sau cơn hiểm nghèo, tôi đã đặt được bàn chân mình xuống nền đất "hang lớn". Tôi thở phào nhẹ nhõm. Ngoài kia, không ai hay biết gì về sự có mặt của tôi tại nơi này.
Đứng trong góc nhìn ra, tôi bắt đầu quan sát: một đám đông chừng ba mươi người, cả nam lẫn nữ đang ngồi quây tròn quanh một đống lửa. Tiếng cười nói râm ran, giọng Bắc pha lẫn giọng miền Trung. Nhìn kỹ số con trai, tôi nhận thấy đúng là anh em mình. Có cả cậu Nam, chiến sĩ thông tin của tôi nữa. Còn những người con gái thì tôi chưa hề biết mặt. Các cô đều mặc trang phục thanh niên xung phong. Để tìm hiểu tình hình, tôi nhẹ nhàng tiến đến gần hơn, lắng nghe những lời đối thoại:
-Quê em ở đâu?
-Em quê Kỳ Anh.
-Ồ! Thế thi em là đồng hương Hà Tĩnh với anh rồi! Anh quê Hương Sơn.
-Còn em quê Can Lộc.
-Vậy có gần Ngã ba Đồng Lộc không?
-Cũng gần! Chỉ cách chừng dăm cây số thôi! Còn anh?-Quê anh xa lắm! Tít tận Thái Bình cơ!
-À! Hình như quê anh có "nhà máy cháo"?
Mọi người cười rộ. Tôi tự hỏi: mấy cô thanh niên xung phong này ở đâu mà lại lọt vào đây, giờ này? Tại sao các cô, các cậu lại thân thiết với nhau đến thế? Họ ngồi xổm, nam nữ xen nhau. Một số các cô, các cậu tay quàng vai, quàng lưng, một số nghiêng đầu vào như đang tình tự.
-Bây giờ các em đi đâu?
-Bọn em đi vào, tăng cường cho binh trạm 31 phía trong.
-Vào đó ác liệt lắm! Các em có ngại không?
-Ôi! Chúng em đã từng làm bạn với tuyến đường trên hai năm, ở đoạn Khe Ve-Mụ Giạ đường 12. Bom đạn chúng em chẳng sợ. Khó khăn gian khổ mấy cũng chịu được. Chỉ buồn vì thiếu tình cảm thôi. Cả đại đội chúng em chỉ có một người đàn ông làm đại đội trưởng. Bộ đội, lái xe, đêm đêm hành quân qua, chỉ vui với nhau trong ánh mắt, tiếng cười, sau đó bọn em lại trở về với "con cháu Hai Bà Trưng".
Không khí quanh bếp lửa hơi chùng xuống.
-Thế lúc nãy nó ném bom ngoài kia, sao các em biết ở đây mà chạy vào?
-À! Cả bọn em ngồi chung một xe. Loạt bom bi nổ chệch bên kia đường. Nhìn sang bên này thấy cửa hang, bọn em liền hô nhau nhảy xuống, chạy thục mạng vào đây. Nhờ trăng sáng, chúng em bám nhau chạy, đầy đủ, không thiếu đứa nào. Hai anh lái xe chắc đang ẩn ở hố cá nhân nào đó cạnh đường.
Cả bọn lại cười vui, như không có chuyện gì xả ra. Có những bàn tay xoè ra phía trước, hơ lửa. Nhưng cũng có những bàn tay đan nhau, nắm chặt lấy nhau, phía sau lưng.
Bỗng từ ngoài xa vang lên tiếng gọi dài, chắc là chú lái xe:
-Các cô đâu rô-ô-ồi! Ra xe đi thô-ô-ôi!
Tất cả bừng tỉnh như sau giấc mơ. Nhiều người đứng dậy. Vài cặp ngồi nán thêm một chút. Họ chia tay nhau trong bịn rịn, dùng dằng. Tay trong tay, họ tiến ra cửa hang nói với nhau lời tạm biệt. Những bàn tay vẫy vẫy. Có một cô gái bỗng quay trở lại, ôm chầm lấy cậu Hải, đẹp trai nhất trong số lính của tôi, áp mặt vào má anh chàng, hít một hơi thật dài, rồi vụt chạy theo đồng đội.
Thú thật trong đời tôi chưa từng chứng kiến một cảnh nào như thế. Từ đầu đến cuối, tôi "mải mê" đứng nhìn, quên mất hẳn những gì nguy hiểm vừa xảy ra với tôi trước đó. Các cô, các cậu ấy đúng hay sai nhỉ? Nhớ lại, lúc đó tôi đã phân vân tự hỏi như vậy, nhưng rồi tình thương và sự cảm thông đã khiến tôi xao lòng, chọn phương án "im lặng".
Đã từng qua những chặng đường ác liệt của Quân khu 4, đã sống qua những tháng năm đầy bom đạn ở Trường Sơn, tôi thấu hiểu một điều: bên cạnh bộ đội (công binh, lái xe, phòng không...), lực lượng thanh niên xung phong đã chiến đấu cực kỳ dũng cảm, nhất là các nữ thanh niên xung phong. Trong cuộc chiến khốc liệt, các em đã chịu đựng những thiệt thòi, hy sinh quá lớn: sức khoẻ, tuổi thanh xuân, gia đình, tình yêu đôi lứa...
Tôi lùi lại hang sâu, nấp kín, vẫn còn trong tâm trạng vương vấn một cảm xúc bồi hồi khó tả. Chờ anh em chuẩn bị đi ngủ, vờ như không biết chuyện gì, tôi bấm đèn pin, xuất đầu lộ diện trước sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người. Trong vòng vây của anh em, tôi kể lại vắn tắt cuộc "hành trình" bất đắc dĩ của tôi vừa qua. Cậu Nam cầm tay tôi láu lỉnh nói: "Ở dưới này bọn em cũng lo cho thủ trưởng trên đó lắm!". Tôi tủm tỉm cười thầm và nghĩ bụng: "Ngồi giữa các cô gái, chắc gì cậu đã nghĩ đến tôi!".
Câu chuyện mới đó mà đã mấy chục năm. Hình ảnh các em gái thanh niên xung phong với mấy chàng lính trẻ trong hang đá Trường Sơn năm nào luôn đọng mãi trong tôi như một dấu ấn không thể nào quên. Sau 30 năm, hôm nay, nhân kỷ niệm lần thứ 40 ngày thành lập Binh đoàn Trường Sơn, tôi xin được "tiết lộ" câu chuyện cảm động này với quý độc giả.
Khẩu pháo 100 li "độc thân" giữa rừng Trường Sơn
Không biết khi giúp ta trang bị những trung đoàn pháo cao xạ 100 li với những bộ khí tài hiện đại, các bạn Liên Xô có bao giờ nghĩ rằng vào một lúc nào đó, tại một nơi nào đó, có một khẩu pháo 100 li, đơn độc một mình, đêm đêm nhả từng quả đạn, tham gia đánh máy bay AC130 của Mỹ trên Trường Sơn?
Nghe thì lạ, khó tin, nhưng đó lại là chuyện có thật một trăm phần trăm.
Trước tiên, xin nói về máy bay AC130-, "con quái vật 5 đầu", "con cú vọ độc ác", "thằng cướp đêm"... kẻ thù đặc biệt nguy hiểm của bộ đội lái xe trên Trường Sơn. Bom sát thương, bom bi, thậm chí cả bom B52 rải thảm, anh em cũng không ngại (vì đã nắm được quy luật của B52). Chỉ ngán nhất cái thằng "sập thùng" này.
Cứ mỗi điểm xạ "pập-pùng!", "pập-pùng!" là một xe ta ăn đạn cối 40 li của AC130.
Tôi đã nhiều đêm trèo lên đỉnh núi Xóm Péng để nghiên cứu về loại máy bay hiểm độc đó. Những đêm đầu tôi thỉ thấy, qua ánh trăng, chiếc máy bay hai thân AC119, loại máy bay mà tôi đã từng thấy khi nó thả dù tiếp tế cho lính Pháp ở thung lũng Điện Biên năm xưa. Sau một tiếng "Rẹ-ẹ-ẹt" dài giống như chiếc xe Zin sang số, là một loạt đạn 20 li cày xuống đường AC119 bắn 20 li cũng khá chính xác, nhưng ở đâu có pháo ta bắn mạnh là nó chuồn ngay.
Đêm 18 tháng 1 năm 1972, tôi lại trèo lên đỉnh núi. Khoảng 18 giờ, tiếng động cơ ầm ì từ xa vọng lại, nhưng nghe nặng nề hơn những đêm trước. Khi tiếng ầm ì đến gần, tôi ngửa mặt nhìn lên, căng mắt theo dõi.
Trong ánh trăng vằng vặc, tôi chợt nhìn thấy lờ mờ bóng dáng chiếc máy bay, với cái bụng to bè, lướt qua rất nhanh. Chỉ mấy giây thôi, rồi nó mất hút trong màn đêm, nhưng tôi khẳng định đó là AC130!
Nghe tiếng động cơ thay đổi, tôi đoán nó đã bắt đầu lượn vòng trên trọng điểm. Bên dưới đường kia, đoàn xe ta đang đi qua. Bỗng "pập-pùng!", "pập-pùng!", những tiếng nổ của đạn cối 40 li làm tim tôi đau nhói. Thế nào cũng có một chiếc xe dính đạn của nó rồi. Không biết đồng chí lái của ta có kịp xuống hầm ẩn nấp?
Từng cụm lưới lửa cao xạ vọt lên, bắn chặn đầu máy bay. Lập tức bọn cường kích F4 nhào tới ném bom phản ứng trận địa. Tuy thế, đạn cao xạ vẫn tiếp tục từng đợt, từng đợt nổ rền trên trọng điểm Xóm Péng.
Tôi hy vọng nó sẽ chuồn. Nhưng không! Những tiếng "pập-pùng!", "pập-pùng!" vẫn cứ như một điệp khúc quái ác kéo dài, dai dẳng. Tôi bỗng hiểu ra rằng: thế là độ cao bay của AC130, hơn hẳn AC119, đã ở ngoài tầm bắn của pháo cao xạ 37 li của ta.
Ở đây, chúng tôi có một đại đội pháo 57 li, nhưng cũng không uy hiếp nổi nó. Chỉ sau vài loạt bắn, trận địa pháo 57 đã bị bọn F4, A7 lao đến ném bom: bom phá, bom sát thương, bom bi, cả bom lân tinh nữa. Hai pháo thủ của đại đội hy sinh ngay trên mâm pháo.
Với phương tiện quan sát bằng "máy khuếch đại ánh sáng mờ", đặc biệt có thêm phương tiện mới, quan sát bằng "tia hồng ngoại", phát hiện mục tiêu nhờ ở "bức xạ nhiệt" toát ra từ máy nổ của xe, tên cú vọ đã dễ dàng nhằm trúng xe ta.
Đêm nay, mười xe cháy trên đường. Một xe xích của trung đoàn tôi kéo một khẩu pháo 100 li của đại đội 3, trên đường vào Tà Lộng, đi qua đó, cũng bị AC130 đánh hỏng.
Đại đội 3 chỉ còn lại ba khẩu pháo, với bộ khí tài vừa mới được sửa chữa, do hư hỏng sau một chặng đường dài vượt đỉnh Trường Sơn. Trung đoàn quyết định: sử dụng pháo 100 li, có khí tài, tham gia đánh AC130. Từ hôm đó, hiệu quả bảo vệ đoàn xe tăng lên rõ rệt. AC130 đã phải tránh xa khu vực trọng điểm, mỗi khi xuất hiện những chùm đạn nổ lấp loé quanh mình nó. Đội hình xe ta nhiều đêm vượt trọng điểm an toàn.
Nhưng rồi đến một hôm khi ra-đa của đại đội 3 phát sóng, dò tìm mục tiêu, thì một quả đạn tên lửa không đối đất (Shrike) từ máy bay địch phóng xuống nổ ngay cạnh đài. Đài hỏng. Trung đội trưởng Ngọc, đài trưởng Như, cùng ba trắc thủ Điều, Chiếu, Thúc đều bị thương. Thế là hết hy vọng vào phương pháp đánh ưu việt nhất: phương pháp đánh bằn phần tử ra-đa.
Vài phút sau, một loạt bom nữa làm hỏng hoàn toàn hệ thống vận hành của một khẩu pháo. Đại đội 3 được lệnh di chuyển ngay trong đêm. Riêng khẩu pháo bị hỏng bánh xe kia đành phải nằm lại. Đó là khẩu đội 4. Nó chính là khẩu pháo 100 li "độc thân" giữa rừng Trường Sơn mà tôi đã nói ở phần trên.
Suốt nửa mùa khô năm ấy nó không thay đổi vị trí, chịu trận với biết bao bom đạn, để tham gia đánh AC130 bằng phương pháp đơn sơ nhất: phương pháp bắn bằng phần tử lắp sẵn.
Cán bộ tham mưu trung đoàn giúp đại đội tính toán, xác định các phần tử bắn: góc hướng, góc tầm, ngòi nổ đầu đạn. Lệnh bắn sẽ được phát đi từ một đài quan sát đặt trên đỉnh núi, gần trọng điểm Xóm Péng. Khi AC130 đến một điểm nào đó trên vùng trời, người chỉ huy đài quan sát sẽ phát lệnh cho khẩu đôi 100 li bắn.
Ban ngày, đơn vị cho khẩu đội 4 bắn thử. Đêm đến cho bắn thật. Khi AC130 mò tới, từng viên đạn xé màn đêm bay đi và nổ ngay trên đường bay dự kiến. Những ánh chớp nhỏ loè lên, khi xa, tuy không trúng, nhưng cũng làm cho những tên phi công hết vía, có lúc phải chuồn thẳng. Có nhiều đêm, binh trạm gọi điện sang biểu dương cao xạ đã tích cực đánh địch bảo vệ đoàn xe.
Không những đánh đêm, khẩu đội 4 còn tham gia đánh máy bay OV10 ban ngày, tên giặc chỉ điểm lợi hại, rất đáng ghét, cứ kêu vo vo và bay lượn suốt ngày trên đầu chúng tôi. Nguỵ trang không kín mà nó phát hiện thấy là lập tức: "bụp", nó phóng đạn khói. Chỉ mấy giây sau, bọn "chó ngao" lao đến liền. Cũng bằng phương pháp lắp sẵn phần tử ấy, khẩu đội 4 đã bao lần làm cho lũ OV10 hốt hoảng phải bay đi, không dám quay đầu trở lại.
Một hôm tôi cùng Khoa, đại đội trưởng đại đội 3, ghé thăm khẩu đội 4. Tôi hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy khối lượng thùng đạn và vỏ đạn khổng lồ chất đầy xung quanh hầm pháo. Đại đội trưởng Khoa cho biết: anh em bắn rất nhiều đạn, hơn nữa vì nằm một chỗ, nên số vỏ đạn cứ ùn mãi lên.
Khẩu đội trưởng Phương cùng mất pháo thủ, trông có vẻ già dặn vì tuổi uân khá cao, tiếp chúng tôi trong một hầm chữ A. Tôi thay mặt trung đoàn biểu dương thành tích của khẩu đội. Thay mặt khẩu đội, Phương hứa sẽ cố gắng khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ trên giao. Trong câu chuyện tâm tình vui vẻ, Phương, pháo thủ lớn tuổi nhất đưa ra một ý kiến: " Xa nhà lâu rồi! Chỉ mong mùa khô này, đơn vị ra Bắc nhận vũ khí mới, trung đoàn cho bọn em về phép mấy ngày. Nhớ vợ quá, thủ trưởng ạ!".
Lời nói chân thành của Phương làm tôi hết sức xúc động. Trong cuộc chiến đấu sinh tử, triền miên với giặc Mỹ, chúng ta đã phải chịu đựng quá nhiều hy sinh, trong đó có sự hy sinh về tình cảm, về hạnh phúc gia đình. Tôi hứa sẽ chuyển lời đề nghị này lên cấp trên.
Có chú gà rừng vừa bẫy được, anh em nấu một nồi cháo gà thết đãi chúng tôi.
Từ đó đến nay đã hơn một phần tư thế kỷ. Những đồng đội của tôi ngày ấy, giờ đây ai còn ai mất? Hy vọng nếu có ai trong số đồng đội cũ của tôi đọc được bài này, hãy cho tôi một dòng tìn và địa chỉ.
 

Ký ức Đường Trường Sơn

Chương 11: Khẩu đội trưởng của tôi

Đêm nay tôi quyết định xuống với đại đội pháo cao xạ 825 đang bố trí ở Na Pang. Việc chỉ huy cụm tiền phương của trung đoàn, tôi giao cho anh Khâm, tham mưu phó.
Sau khi ăn cơm chiều xong, rời sở chỉ huy, tôi cùng với Bình, chiến sĩ thông tin, đi bộ theo đường ôtô hướng về phía trận địa. Đang giữa mùa khô, con đường phủ kín một lớp đất bột dày. Chúng tôi phải né sát vào ven đường cho dễ bước.
Đang cắm cúi đi, tôi chợt nghe tiếng động cơ phản lực ào tới. Một chiếc F4 lướt qua đầu chúng tôi kèm theo một tiếng "xoẹt" dài như xé vải.
-Thủ trưởng ơi! Thằng F4 phóng cây nhiệt đới đấy! Thủ trưởng cho em đi tìm nhé!
Nghĩ rằng trời còn sớm, tôi gật đầu đồng ý và dặn Bình hãy nhanh len. Có vẻ như cậu ta đã có kinh nghiệm qua những lần đi chữa đường dây trước. Bình chạy theo hướng của tiếng "xoẹt" lúc nãy, rồi mất hút trong cây rừng. Tôi chậm chạp bước đi, chờ đợi. Bỗng nghe tiếng Bình gọi giật:
-Nó đây rồi thủ trưởng ơi!
Tôi "ờ" một tiếng rồi vội vàng rẽ lá chạy vào, thấy Bình đang đứng cạnh cây nhiệt đới của thằng Mỹ vừa phóng xuống.
-Em đã "khoá mõm" nó lại rồi! Bình cười đắc chí.
Cây nhiệt đới, nói đúng hơn là "cây thu phát nhiệt đới", tên gọi của một thiết bị điện tử dò tìm tiếng động khá tối tân của Mỹ. Tôi đã có lần nhìn thấy nó ở xó nhà ban hậu cần trung đoàn. Hình thù của nó tựa như một cái cây bằng kim loại, sơn màu loang lổ. "Rễ" nó nhọn, để dễ dàng cắm sâu xuống đất. Thân nó cao chừng một mét, hình trụ có đường kính khoảng 15 phân, chứa đựng bên trong toàn máy móc điện tử. Đây cũng chính là món quà hấp dẫn nhất đối với lính ta. Họ tháo rời những tấm linh kiện hình tròn, lựa chọn ra những thứ cần thiết để lắp đài thu thanh bán dẫn. Đơn giản thôi, nhưng nghe đài Hà Nội rất tốt.
Trên đầu ống, bốn chiếc cành vươn dài, không lá. Đó là bộ dây trời của thiết bị. Ba cành nằm ngang xoè ra, để thu tiếng động, như tiếng chân người, tiếng động cơ ô tô. Một cành thẳng đứng, cao hơn một mét, dùng để phát sóng, truyền những chấn động ghi nhận được lên một máy bay thường xuyên bay lượn trên bầu trời. Chiếc máy bay này lại tự động chuyển tiếp các tín hiệu về một trung tâm, gọi là "Trung tâm theo dõi sự thâm nhập của Bắc Việt", đặt ở bên Thái Lan (Ở Na-khon Pha-nom, trên đất Thái). Sau khi xử lý các thông tin bằng máy tính, trung tâm này liền phát lệnh cho các máy bay ở các "vùng chờ" bay đến bắn phá, ném bom.
Tôi buồn cười về hai chữ "khoá mõm" của cậu Bình. Anh chàng đã lấy được sợi dây nhỏ, buộc túm cả bốn cành ăng tên thu phát ấy lại với nhau, coi như vô hiệu hoá hoàn toàn tác dụng của tên nghe trộm. Đương nhiên đây mới chỉ là một tên, còn những tên khác chưa được phát hiện, vẫn tiếp tục gây phiền hà cho ta.
Sau khi nhổ được cây nhiệt đới, Bình vội vác nó đi sâu vào phía trong. Lát sau quay trở ra, cậu ta hí hửng:
-Em phải giấu nó vào chỗ kín, không lỡ có đứa nào nhìn thấy, nó phỗng mất của em. Hì hì! Em sẽ lắp cho thủ trưởng một cái đài bán dẫn thật tốt. Hì hì!
Tôi cũng cười, vui lây cái vui hồn nhiên của chàng lính trẻ.
Vào đến đại đội 825, tôi nghe đại đội trưởng Nguyễn Văn Yến báo cáo: toàn đơn vị đã chuẩn bị chiến đấu xong. Đại đội bố trí thành hàng dọc theo tuyến đường ôtô, khẩu cách khẩu hơn 100 mét. Từng khẩu pháo để góc bắn 60 độ. Nòng pháo quay về hướng dự kiến máy bay sẽ bay vào. Đạn lắp hai băng-Các pháo thủ ngồi trực trên mâm pháo. Khi phát hiện máy bay, khẩu đội trưởng cứ theo phương án mà bắn, không chờ lệnh đại đội trưởng.
Tôi gật đầu hài lòng với những điều Yến vừa báo cáo. Cho cậu Bình ở lại sở chỉ huy đại đội-ở đây Bình có mấy chiến sĩ thông tin đồng hương-còn tôi một mình đi xuống khẩu đội 3.
Thấy tôi đến, khẩu đội trưởng Vận báo cáo:
-Khẩu đội 3 đang trực ban sẵn sàng chiến đấu. Từ 18 giờ đến nửa đêm, tôi cùng ba pháo hủ trực chiến. Nửa đêm về sáng, đồng chí Báu, khẩu đội phó, cùng ba pháo thủ khác lên thay.
Tôi lần lượt bắt tay từng chiến sĩ, rồi đề nghị với Vận:
-Khẩu đội trưởng cho mình làm pháo thủ số 2 nhé!
-Không được đâu! Trung đoàn phó làm phó thủ thế nào được ạ!
-Cậu không biết đấy chứ, ngày xưa tớ đã từng làm pháo thủ số 2 bắn đạn thật trúng mục tiêu, trước khi về dự chiến dịch Điện Biên Phủ đấy!
-Nhưng em sợ đại đội phê bình.
-Thôi được! Đồng chí Bảo bước xuống để trung đoàn phó lên thay!
Tôi mượn chiếc mũ sắt chụp lên đầu, rồi ngồi vào ghế pháo thủ, bàn chân phải đặt lên bàn đạp cò.
-Thủ trưởng bình tĩnh nhé! Khi nào tôi hô bắn, thủ trưởng đạp ngay cho em một điểm xạ dài!
-Rõ!-Tôi đáp.
Hai pháo thủ Bảo và Sơn ở bên cạnh bụm miệng cười.
-Điều quan trọng là sau khi bắn xong một điểm xạ, thủ trưởng phải nhảy ngay xuống, chui vào hầm ngay. Không kịp là ăn bom bi đấy! Nó phản ứng tức thì đấy thủ trưởng ạ! Hết bom bi, lại nhảy lên đánh tiếp, chi viện đoàn xe.
Bên ngoài đường, những chiếc xe vận tải bắt đầu chạy ra, từng chiếc từng chiếc một, tiếng động cơ rầm rì. Khoảng 30 phút sau, trời đất bỗng sáng trưng lên vì những chiếc đèn dù do máy bay O2A vừa thả xuống.
-Kiểu này là không có thằng AC130 rồi! Bọn F sắp đến đấy!
Vận nói với các pháo thủ, mà cũng là nói với tôi. Tôi cầm chặt tay lái tầm, chân nhứ nhứ vào bàn đạp.
Đột nhiên, Vận hét to: "Bắn!".
Theo phản xạ tự nhiên, tôi đạp mạnh bàn chân phải. Mười viên đạn rời khỏi nòng pháo, vút lên không trung, cùng một lúc với tiếng rít xé tai của chiếc máy bay phản lực Mỹ. Một loạt bom nổ phía bên kia đường.
-Xuống hầm, thủ trưởng ơi!
Sực nhớ lời dặn của Vận lúc nãy, tôi co chân rời mâm pháo, nhưng vì không quen, nên có phần chậm chạp. Các pháo thủ đã xuống hầm hết. Riêng Vận vẫn đứng đó chờ tôi, nhường tôi xuống trước. Khi tôi vừa lọt vào miệng hầm, một bàn tay ấn mạnh vào lưng tôi, đẩy tôi chui lọt vào trong. Vận chưa kịp vào thì một loạt bom bi nổ trùm lên trận địa, chớp giật nhằng nhằng. Tôi thầm nghĩ: nó phản ứng nhanh ghê! Rồi chợt nghĩ đến Vận, tôi vội hỏi:
-Vận ơi! Có việc gì không?Vận ngồi bệt xuống đất, bàn tay phải nắm chặt cánh tay trái. Một loạt bom bi nữa nổ rền.
-Em bị vào tay. Nhẹ thôi!
Ánh sáng đèn dù từ ngoài hắt vào, giúp cậu Sơn thấy rõ để tháo cuộn băng và quấn vết thương cho Vận.
-Có đau lắm không? Còn chỗ nào nữa không?
-Không sao đâu thủ trưởng! Chắc viên bi chỉ vào phần mềm thôi! Vận co duỗi cánh tay, từ từ, mặt hơi nhăn.
Nhìn khắp đầu và mặt của Vận một lượt, không thấy vệt máu nào khác, tôi yên tâm, nhưng vẫn cứ áy náy trong lòng:
-Mình chậm chân một chút mà làm khổ cậu.
-Có gì đâu ạ! Sáng mai em sẽ sang trạm phẫu thuật của binh trạm đặt ở hang núi bên kia, nhờ bác sĩ gắp viên bi ra là xong ngay thôi mà!
Suốt đêm hôm đó, máy bay Mỹ còn đến quấy phá thêm ba lần nữa. Vận chỉ huy một đợt, mặc dù tay trái đã bị thương. Hai lần sau do Báu chỉ huy. Còn tôi, đương nhiên là không được trèo lên mâm pháo nữa.
Đứng quan sát những luồng đạn bắn lên như pháo hoa tung lên trời, tôi xác định các khẩu đội của đại đội 825 đã chiến đấu tốt, bắn mạnh từng loạt, tích cực chi viện cho đội hình xe đi qua.
Sáng hôm sau, trở về sở chỉ huy cụm tiền phương trung đoàn, tôi được biết ngoài khẩu đội trưởng Vận, đơn vị chúng tôi không ai bị thương. Chỉ có một kính ngắm pháo của đại đội 813 bị vỡ, đã được nhân viên kỹ thuật thay thế. Hỏi sang binh trạm, các anh cho biết chỉ có một lái xe bị thương và một xe chở đạn bị thủng lốp. Tất cả được giải quyết kịp thời. Đoàn xe vẫn đến đích đúng kế hoạch.
Tôi thầm nghĩ: nếu không ở Trường Sơn, người ta không thể hình dung nổi cuộc chiến đấu ở đây như thế nào. Có những biện pháp chiến đấu ở trên chiến trường miền Bắc-chống cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ-là điều cấm kỵ, thì ở đây lại là điều cho phép. Ví như việc có lúc phải bố trí trận địa thành hàng dọc, pháo cách pháo hàng trăm mét, việc cho pháo thủ vào hầm ẩn nấp sau một loạt bắn là điều không thể có ở Hà Nội, Hải Phòng, Quân khu Bốn. Nhưng ở đây là đường Trường Sơn, là tuyến vận chuyển chiến lược, mỗi đếm có hàng trăm xe đi qua theo đội hình lớn, đòi hỏi phải linh hoạt. Thắng lợi của đoàn xe an toàn vượt qua các cung, chặng, là mục tiêu số một của bộ đội trên toàn tuyến 559, mà cũng là mục tiêu số một của bộ đội pháo cao xạ chúng tôi.
Bắn mạnh, bắn mãnh liệt để các anh lái xe an lòng khi vượt trọng điểm, để cho những tên phi công Mỹ hoảng hồn ném chệch những chùm bom, để cho đường ta không hỏng, ngầm ta không tắc, xe ta không cháy-hoặc nếu có thì cũng chỉ ở mức thấp nhất. "Máy bay rơi nhiều, càng tốt, nhưng không quý bằng những chuyến hàng an toàn đi tới đích phục vụ đắc lực cho cuộc chiến đấu ở miền Nam". Đó là mệnh lệnh của Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đối với bộ đội phòng không trên toàn mặt trận.
Vượt qua ngàn trùng gian khổ, sẵn sàng chấp nhận mọi tổn thất hy sinh, các chiến sĩ pháo cao xạ trên đường Trường Sơn đã thực hiện tốt yêu cầu cơ bản đó.
Riêng tôi, suốt đời tôi nhớ mãi cái đêm xuống làm pháo thủ ở khẩu đội 3, để cho khẩu đội trưởng Vận vì tôi mà bị một vết thương (Trong một trận chiến đấu sau, ngày 21-3-1972, khẩu đội 3 bị tổn thất lớn vì một loạt bom bi. Vận, Báu bị thương nặng. Các pháo thủ Phi, Xuân, bảo anh dũng hy sinh).
 

Ký ức Đường Trường Sơn

Chương 12: Đại đội trưởng... giả

Tháng 3 năm 1972, trung đoàn 227 chúng tôi lật cánh từ tây Trường Sơn sang đông Trường Sơn để nhận nhiệm vụ mới: tham gia bảo vệ giao thông chiến dịch Trị Thiên.
Đêm hôm ấy, trên đường 15, chúng tôi chờ phà vượt sông Long Đại trong sự khống chế từng đợt của máy bay Mỹ. Xe pháo trùm kín lá nguỵ trang, đậu thành hàng bên bờ bắc.
Nhân lúc yên tĩnh, tôi tranh thủ đi bộ lên phía trước xem xét tình hình. Đêm nay vào khoảng rằm tháng 2 âm lịch. Trời nhiều mây, nhưng ánh trăng vẫn soi tỏ mặt người. Len lỏi qua các tốp bộ đội đứng ngồi bên xe pháo, tôi bỗng thấy hai chiến sĩ trẻ đang đối diện nhau. Một người đứng nghiêm giơ tay chào:
-Báo cáo đại đội trưởng!
Người kia, sau một thoáng ngỡ ngàng, kêu lên:
-Ôi! Thằng Luận!-Rồi hai người ôm lấy nhau, đấm lưng nhau, cười rộn rã.
Tôi đâm thắc mắc: cái anh cán bộ đại đội kia sao trẻ quá vậy? Trạc khoảng hai mươi là cùng? Đại đội trưởng của đơn vị nào mà tôi không biết? Hay là tôi nghe nhầm? Không lẽ. Bước tới gần hơn, tôi hơi ngờ ngợ, chưa kịp hỏi thì anh chàng được gọi là đại đội trưởng ấy nhận ra tôi:
-Báo cáo thủ trưởng! Em là Tuấn, đại đội 13 đây ạ!
-Cậu là đại đội trưởng đại đội 13?
-Dạ không phải đâu ạ! Sở dĩ lúc nãy cậu Luận, đồng hương của em đấy, pháo thủ đại đội 26, gọi đùa em là đại đội trưởng, vì có lần ở trên tuyến, em được phân công phụ trách chỉ huy trận địa nghi binh nổ giả của đại đội.
-À! Tớ nhớ ra rồi!-Tôi dang rộng vòng tay ôm choàng vai hai chiến sĩ trẻ. Cậu Luận ghé vào tai tôi nói nhỏ:
-Bạn Tuấn bây giờ là khẩu đội trưởng rồi đấy, thủ trưởng ạ!
Tôi siết chặt vai Tuấn, trong lòng xao xuyến một niềm vui.
Trở lại với mùa khô bên tây Trường Sơn. Dòng sông Sê-băng-phai ngày đêm cuồn cuộn chảy. Ở phía thượng nguồn, trên dãy Trường Sơn, con "đường mòn Hồ Chí Minh" không chỉ cắt qua mình nó ở một nơi, mà là nhiều nơi, chỗ có những nhánh của con đường đi qua. Những điểm giao nhau giữa các nhánh đường và các dòng sông, dòng suối ấy được gọi là "ngầm". Dưới ngầm là một lớp đá trải phẳng, giống một đoạn đường, trên ngầm vẫn là dòng nước chảy ngang qua. Người ta đặt tên cho chúng những tên như: ngầm Khoai nước, ngầm Con rùa... Cũng có khi người ta gọi chúng bằng những âm chữ cái như ngầm A, ngầm A', ngầm B, B', C, C' hoặc ngầm N1, N2, N3, U1, U2, U3... Chỉ riêng đoạn đường 128 từ Sa Ang đến Xóm Péng, dài không đến 20 kilômét, đã có hàng chục chiếc ngầm như thế vượt qua những khúc sông, khúc suối Sê-băng-phai.
Tiểu đoàn 14 của trung đoàn chúng tôi được phân công bảo vệ đoạn đường nóng bỏng ấy, đoạn đường mà không quân Mỹ ngày đêm ra sức ngăn chặn. Máy bay của chúng đánh phác các ngầm liên tục: ban ngày, bổ nhào ném bom; ban đêm, bay bằng toạ độ, kết hợp dùng AC130 và lũ F4, A6, A7 khống chế các đoàn xe ta trên các đoạn đường trống trải. Ngoài việc đánh đường, đánh ngầm, đánh xe, chúng còn đánh các trận địa pháo cao xạ rất ác liệt.
Do lực lượng có hạn, để hạn chế tổn thất thương vong, để che mắt không quân địch và đánh lạc hướng chúng, các đại đội pháo phải luôn luôn thay đổi vị trí, tăng cường nguỵ trang, phải xây dựng các trận địa nghi binh và thực hành những trận địa giả trên các trận địa vừa rút đi. Một bộ phận chuyên trách được thành lập để đảm trách công việc quan trọng này.
Ở đại đội 13, đại đội trưởng Giang chỉ định một tổ hai người, đó là Tuấn và Nhân, hai chiến sĩ dũng cảm và lanh lợi, do Tuấn làm tổ trưởng. Nhiệm vụ của họ là phải thu hút được nhiều bom địch về phía mình. Dụng cụ của họ rất đơn giản: mấy chục thỏi mìn, kíp mìn, vài trăm mét dây điện và một máy phát điện xách tay. Với từng ấy thứ, họ sẽ tạo ra những ánh lửa, những cụm khói, gần giống như khi pháo ta đang bắn.
Để nghe lệnh từ sở chỉ huy, họ còn được trang bị thêm một máy điện thoại. Tuy đánh trận giả nhưng yêu cầu phải có chiến thuật hẳn hoi. Thời cơ "bắn" phải đúng lúc. Khi địch đến, họ không được "đánh" sau các trận địa chính. Có nghĩa là họ phải "nổ súng" trước, nhưng chỉ sớm hơn một chút thôi, vừa đủ tạo ra sự chú ý của đám phi công Mỹ bay trên trời.
Để đảm bảo an toàn, họ phải đào hai hố cá nhân, có nắp đậy bằng những bó trúc ghép lại, cách xa trận địa giả chừng vài trăm mét. Tuấn ngồi một hố với chiếc máy điện thoại, Nhân ngồi hố bên cạnh với chiếc máy phát điện cầm tay. Khi máy bay địch kéo đến, Tuấn cầm ống nghe, Nhân cầm tay quay. Chờ lệnh đại đội, Tuấn lập tức hô: Bắn! Nhân vội vàng quay máy phát điện. Giữa trận địa giả xuất hiện những ánh chớp và những cụm khói. Để san bằng "trận địa" đối phương, máy bay Mỹ liên tiếp ném bồi, ném nhồi, hết đợt này sang đợt khác. Máy bay trinh sát bay qua chụp ảnh một trận địa bị đánh tan tành, coi như đó là thành tích của chúng. Có khi bom phốt pho còn cháy sáng cả đêm không tắt. Chất lân tinh xanh lè ấy lại cuốn hút bọn giặc đêm lao vào ném bom nữa, bồi thêm nhiều loạt vào trận địa giả vừa bị đánh bom hồi chiều.
Càng thu hút được nhiều bom địch, chiến công của các tổ làm nhiệm vụ nghi binh càng to. Trong khi đó, các trận địa thật của ta đàng hoàng tung lưới lửa bắn vào các tốp máy bay đánh phá ngầm.
Tuy nói thế, nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Có nhiều khi kẻ địch bị mắc lừa, nhưng cũng có lúc chúng phát hiện ra trận địa thật. Ngày 26 tháng 11 năm 1972, chính đại đội 13 đã bị mấy tốp A6, A7 lao vào tấn công. Pháo ta bắn lên từng loạt, khiến chúng ném bom trượt ra ngoài hầu hết. Chỉ có một quả bom bi rơi trúng khẩu đội 2. Nông Văn Thắng, pháo thủ người dân tộc Tày, cần cù chịu khó nhất đơn vị, hy sinh trên mâm pháo. Hai chiến sĩ Thay và Sự bị thương. Một quả bom phát quang rơi vào vị trí giấu xe, làm ba xe hỏng. Đêm hôm đó, lái xe Lê Văn Phiếu đã một mình một xe, lần lượt kéo cả bốn khẩu pháo của đại đội 13 sang trận địa mới.
Dầu sao, các trận địa nghi binh nổ giả của trung đoàn chúng tôi hồi đó vẫn phát huy hiệu quả cao. Tổng kết có tới 35 quả bom phá, 22 quả bom phát quang, bốn quả bom lân tinh, hai quả fusant (bom nổ trên không, chụp xuống rất nguy hiểm), sáu quả nổ chậm và 30 loạt bom bi đã trút xuống các trận địa giả. Tổ nghi binh của Tuấn và Nhân đạt thành tích cao nhất. Ác liệt đến thế mà các chiến sĩ của ta ở các trận địa ấy vẫn an toàn. Nói chung đều bị sức ép, riêng Tuấn bị một mảnh bom nhỏ sượt qua bả vai, lúc cậu ta nhô người lên quan sát.
Được biết các anh bên binh trạm 12 cũng tổ chức nghi binh làm lạc hướng đánh phá của địch để bảo vệ đoàn xe. Có đêm, khi lực lượng xe ta chia làm hai mũi: mũi thứ nhất từ Săng Lẻ rẽ đi Nha Vai, qua ngầm C vào Xóm Péng; mũi thứ hai từ Kha Nhu qua ngầm 15A vào Pắc-pha-năng, thì ở nhánh Sa Ang đi Bản Sôi, các tổ nghi binh của công binh đã đặt những đèn rùa, đèn pin màu đỏ, màu trắng, giả đèn gầm của ô tô hoặc đốt những can dầu ma dút đặt trên những chiếc xe bị phá huỷ ven đường làm giả xe cháy, để thu hút máy bay địch đến đánh phá, tạo điều kiện cho các đoàn xe ta đi lối khác đến đích trót lọt, an toàn. Có những đêm, ba lực lượng Xe-Công-Pháo tác chiến hiệp đồng chặt chẽ.
Tôi gặp Tuấn lần đầu khi cậu ta đang gánh trên vai nào mìn, nào dây điện vừa được ban tham mưu trung đoàn cấp phát bổ sung. Dịp may để hiểu thêm tình hình, tôi liền gọi người chiến sĩ có nét mặt sáng sủa và thông minh ấy lại hỏi chuyện. Tuấn trả lời tôi rất mạch lạc, lưu loát, với đầy vẻ tự tin, có phần dí dỏm, khi kể lại những trường hợp hai cậu đánh lừa được những tên phi công Mỹ. Hai "thầy trò" chúng tôi quen nhau từ dạo đó.
Tháng 5 năm 1972, tôi rời trung đoàn 227, chuyển sang phụ trách đơn vị mới.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1974, tôi gặp lại Giang, đại đội trưởng đại đội 13 cũ, nay đã là tiểu đoàn trưởng, trong đoàn quân vào giải phóng thành phố Sài Gòn. Chúng tôi kể cho nhau nghe chuyện gia đình, tình hình đơn vị kể từ khi xa nhau. Nghe tôi hỏi về khẩu đội trưởng Tuấn, người chiến sĩ chỉ huy trận địa nổ giả năm xưa, Giang cho biết:
-Đoàn Mạnh Tuấn sau này tiến bộ lắm! Chiến đấu rất dũng cảm. Năm 1972 được đề bạt vượt cấp lên trung đội trưởng và giờ đây cậu ta đã là đại đội trưởng...
Tôi ngắt lời Giang:
-Đại đội trưởng! Đại đội trưởng thực sự chứ không phải là đại đội trưởng giả như năm xưa nữa! Ôi! Cậu Tuấn thật tuyệt vời!
Trong niềm vui chung to lớn của toàn dân tộc mừng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chúng tôi còn có những niềm vui riêng, đặc biệt thú vị như thế đó.

 
( Còn nữa )
tin tức liên quan