( Tiếp theo )
Đêm nay là ngày Noel, không quân Mỹ ngừng hoạt động trên toàn tuyến. Cả một vùng Trường Sơn quanh năm không mấy lúc ngớt tiếng bom đạn, giờ đây yên ắng lạ! Trong hang đá nhỏ, quanh đống lửa bập bùng, mấy anh em chúng tôi vừa sưởi lửa, vừa ngồi nghe cậu Tâm, một chiến sĩ thông tin có giọng ca vàng hát những bài ca về Trường Sơn.
Giống như một nghệ sĩ, Tâm hát say sưa, vừa đủ nghe, thong thả. Mắt cậu ta mơ màng, nhìn về xa xăm, như đang thả hồn mình bay bổng theo những lời ca:
"Đường ra trận mùa này đẹp lắm!
Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây"
Giữa chừng, tôi rời bếp lửa lên giường nằm, không phải vì buồn ngủ, mà là để trong tư thế thư giãn, được tiếp tục lắng nghe và thưởng thức tiếng hát đầy cảm xúc của Tâm:
"Ôi! Đêm Trường Sơn!
Nghe tiếng suối trong như tiếng hát xa.
Mà ngỡ như từ Pác Bó, suối về đây ngân nga
Âm vang Trường Sơn-Âm vang Trường Sơn...".
Bếp lửa tàn. Mọi người đã ngủ. Riêng tôi lòng dạ cứ thao thức, bâng khuâng. Bài "Đêm Trường Sơn nhớ Bác" mà Tâm hát lúc vừa rồi làm tôi vương vấn mãi. Nó gợi lại trong tôi hình ảnh của Bác, cùng với niềm thương nhớ Bác thiết tha. Từ trong ký ức sâu thẳm của mình, kỷ niệm vè những lần mà tôi may mắn được nghe kể về Bác, được gặp Bác kính yêu, lần lượt hiện về.
Hồi chống Pháp, tôi có người bạn thân là Bùi Văn Phú. Trong những ngày chung sống ở Việt Bắc, đã có lần Phú tâm sự với tôi: "Ra trận sống chết là chuyện thường, nhưng nếu lỡ chết mà chưa được một lần gặp bác, ân hận lắm Lân ạ!". Ước mơ của Phú cũng là niềm ước ao to lớn của tôi và của nhiều người.
Ngược dòng thời gian, tôi nhớ lại ngày đầu Cách mạng tháng Tám ở quê tôi, khi nghe tin "Cụ Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà", anh tôi Lưu Trọng Thuỷ rất vui. Tôi đã được nghe anh kể những câu chuyện liên quan đến hoạt động của Người. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được biết về Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh. Tình cảm kính yêu Bác của tôi cũng bắt đầu từ đó, một tình cảm rất tự nhiên và trong sáng.
Vào một ngày tháng 7 năm 1947, tôi cùng Soang, một chiến sĩ du kích, nằm trong vòng vây của 48 tên lính Pháp và lê dương. Tình thế thật nguy ngập! Tôi bàn với Soang: "Quyết không để giặc bắt! Phải hô khẩu hiệu (Các chiến sĩ du kích chúng tôi hồi đó luôn thuộc nằm lòng hai câu khẩu hiệu, để sẵn sàng hô, trường hợp phải hy sinh: "Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam độc lập muôn năm!") trước khi cho nổ lựu đạn để cùng chết với chúng". Chúng tôi cắn răng rút chốt an toàn. Trong giây phút căng thẳng ấy, tôi dự định nếu tình huống xấu nhất xảy ra, bị giặc phát hiện, sẽ cùng Soang vụt đứng dậy, gọi to tên Bác Hồ, tên Tổ quốc (riêng tôi sẽ hô bằng tiếng Pháp: Vive le Président Ho Chi Minh! Vive le Vietnam Indépendant!) rồi cho hai trái lựu đạn cùng nổ tung... Nghĩ đến đó, hình ảnh Bác bỗng hiện lên trong trí óc, lòng tôi bỗng trở nên thanh thản lạ thường.
Nhưng rồi bọn giặc đã không phát hiện ra chúng tôi. Chúng kéo nhau ra về. Thế là thoát nạn! Sau này, mỗi lần nhớ lại chuyện xưa, tôi cứ nghĩ, nếu hôm ấy bị giặc phát hiện, chắc chắn Soang và tôi đã hy sinh một cách xứng đáng.
Ngày 4 tháng 9 năm 1948, sau một thời gian rèn luyện và thử thách trong hoạt động gây dựng cơ sở ở vùng địch hậu, tôi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí Mai Trọng Nguyên, Bí thư Huyện uỷ huyện Bố Trạch lúc đó, trực tiếp kiểm tra nhận thức của tôi, với hai câu hỏi:
-Mục tiêu của Đoàn thể (Hồi ấy, Đảng Cộng sản Đông Dương chuyển vào hoạt động bí mật, nên gọi Đảng là Đoàn thể) là gì?-Lãnh tụ của đoàn thể là ai? Đồng chí cảm nhận vì vè lãnh tụ?
Sau một thoáng suy nghĩ, tôi trả lời:
-Mục tiêu của Đoàn thể ta là:
+Đấu tranh giải phóng dân tọc, tức là kháng chiến, giành độc lập cho Tổ quốc.
+Đấu tranh giải phóng giai cấp, tức là làm cho Công Nông thoát khỏi ách áp bức bóc lột của tư sản, địa chủ.
+Lãnh tụ của Đoàn thể là Bác Hồ. Bác Hồ suốt đời đấu tranh vì dân vì nước. Bác luôn ở trong trái tim tôi. Tôi xin nguyện noi gương Bác suốt đời phấn đấu vì nước vì dân.
Đồng chí Nguyên khen tôi nhận thức tốt. Sau đó, đồng chí bí thư chi bộ tuyên bố: "Kết nạp đồng chí Lưu Trọng Lân vào Đoàn thể". Tôi sung sướng được đứng trong Đoàn thể mà Bác Hồ là lãnh tụ!
Hồi ấy, tôi chưa hề dám nghĩ tới việc được gặp Bác. Mãi đến cuối năm 1952, khi được ra Việt Bắc, trong tôi mới chớm nở ước mơ được gặp Bác Hồ. May mắn làm sao, sau khi cùng đơn vị chuyển về bảo vệ thành phố Hải Phòng, ước mơ đó của tôi đã trở thành hiện thực.
Ngày 30 tháng 5 năm 1957, Bác Hồ đến thăm Quân y viện 12, Bệnh viện nằm kề bên trận địa pháo cao xạ của tiểu đoàn tôi, ngăn cách bởi một hàng rào dây thép gai. Là tham mưu trưởng tiểu đoàn, hôm ấy tôi xuống làm việc với cán bộ đại đội. Nhờ một người quen bên bệnh viện báo tin có Bác đến thăm, mừng quá chúng tôi quyết định tạm xếp công việc, chạy ngay đến sát hàng rào, nhìn sang.
Bác kia rồi, trong bộ quần áo ka-ki màu bạc, khoác bên ngoài một chiếc bờ-lu, đang từ khoa điều trị thương bệnh binh đi ra, giữa một đoàn cán bộ nhân viên Quân y viện phục một màu trắng toát. Rồi Bác đứng nói chuyện với anh chị em, ngay giữa sân, bên cạnh chiếc ôtô của Người. Tôi say sưa nhìn Bác, nhưng không nghe Bác nói gì, vì xa quá! Dẫu sao, tôi đã là người hạnh phúc, hạnh phúc lần đầu tiên trong đời được nhìn thấy Bác Hồ kính yêu.
Năm 1964, tôi được tham gia phục vụ triển lãm "10 năm kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ". Một buổi sáng, tôi còn nhớ đó là hôm thứ ba, ngày 21 tháng 7 năm 1964, triển lãm đóng cửa. Lý do: đón Bác Hồ đến thắm.
Tôi được phân công giới thiệu chính giữa, nhưng vì quá sốt ruột, tôi cứ chạy ra mé ngoài ngóng trông Bác đến. Ôi! Bác đã xuống xe, giản dị trong bộ quần áo nâu với đôi dép lốp, dáng đi rất nhanh nhẹn. Tôi vội chạy về vị trí, hồi hộp nhẩm đi nhẩm lại lời thuyết minh, để lát nữa giới thiệu với Bác cho được lưu loát.
Bác xuất hiện từ cuối gian bên. Đi cạnh là Bộ trưởng Bộ Văn hoá Hoàng Minh Giám. Đi sau là giám đốc khu triển lãm trung ương Lê Minh Tuấn. Thấy tôi đứng đó, Bác liền hỏi:
-Chú là chiến sĩ Điện Biên? (Có lẽ Bác nhìn thấy tôi đeo hu hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ).
-Thưa Bác, vâng ạ!
-Chú ở binh chủng nào?
-Thưa Bác, cháu ở pháo cao xạ.
-À! Hồi đó pháo cao xạ lần đầu ra trận, đánh tốt lắm! Thôi, chú giới thiệu đi! Vắn tắt thôi nhé!
Bao nhiêu câu chữ mạch lạc trong đầu tôi bỗng chạy đi đâu mất. Tôi thuyết minh một cách lúng túng. Bác không nghe tôi giới thiệu nữa. Bác tự xem lấy, thỉnh thoảng quay lai trao đổi đôi điều với Bộ trưởng Hoàng Minh Giám.
-Ảnh này khá đẹp, nhưng phải sửa lại đôi chút cho đẹp hơn! Chú hiểu chứ! Retoucher (là sửa, là chấm lại những nét hư trên ảnh).
Bộ trưởng mỉm cười, gật đầu.
-Mấy ảnh này sao không có lời chú thích? Phải ghi chú thích để cho đồng bào mình ai xem cũng hiểu được!-Ông bộ trưởng lại gật đầu, lĩnh ý của Bác.
Đến chỗ trưng bày hàng sứ Hải Dương. Bác quay sang hỏi tôi:
-Đồ sứ ta đẹp, nhưng còn dày và nặng. Có đúng không chú?
Tôi ấp úng đáp:
-Thưa Bác, đúng ạ!
-Hồi ở Paris, Bác cũng đã từng làm thợ rơ-tút ảnh và thợ vẽ hoa trên gốm, sứ đấy!
Tôi buột miệng: "dạ!" một cách chung chung.
Phút chốc Bác đã đi qua gian trưng bày bên cạnh. Tôi đứng lặng nhìn theo, bâng khuâng như mất một cái gì.
Sau khi xem xong toàn khu triển lãm, nhìn thấy anh chị em cán bộ, nhân viên, các cháu gái thuyết minh đứng ngấp nghé xa gần, Bác khoát tay nói với giám đốc khu triển lãm cho tập hợp anh chị em lại để chụp ảnh chung với Bác.
Mừng quá, chúng tôi chạy ùa ra vây lấy Bác. Tôi nhanh chân đến gần. Bác bảo:
-Nào! Chiến sĩ Điện Biên vào đây!
Tôi vội vàng đứng ngay bên phải Bác, thầm "cảm ơn" cái huy hiệu Điện Biên Phủ đeo trên ngực.
-Kìa! Các cháu gái ngoài kia, vào gần hơn!-Bác đưa tay vẫy vẫy.
-Các chú nhiếp ảnh! Thay nhau vào đứng chụp với Bác đi!
Ai nấy đều vui. Chụp ảnh xong. Bác ra hiệu cho tất cả ngồi xuống. Bác cũng ngồi ngay trên thềm nhà. Đương nhiên là tôi cũng ngồi xuống ngay cạnh Bác. Đã bao nhiêu năm qua nhưng tôi không sao quên được những lời Bác dặn hôm ấy, đại ý:
-Trước tiên, Bác khen các cháu, dù khách xem triển lãm đông, thời tiết nóng bức, thời gian kéo dài, các cháu vẫn phục vụ hết sức nhiệt tình. Bác rất vui! Nhưng Bác phê bình các cháu: vệ sinh chưa tốt, bụi bặm còn nhiều. Một số ảnh chưa đẹp và thiếu lời chú thích. Trời nắng nóng, nhưng còn thiếu thùng nước uống cho bà con, nhất là bà ở con nông thôn lên.
-Triển lãm này giới thiệu thành tích mười năm xây dựng miền Bắc, nhưng cũng chính là vì miền Nam đó. Miền Bắc xây dựng tốt, thì đồng bào miền Nam mới tin tưởng, mới hăng hái đấu tranh, nước nhà mới mau thống nhất. Vậy các cô, các chú hãy vì miền Nam mà ra sức góp phần xây dựng miền Bắc tốt hơn.
-Bác chúc các cô, chú mạnh khoẻ, tiếp tục phục vụ đồng bào đến xem triển lãm tốt hơn nữa.
Rồi Bác ra về. Chúng tôi ngẩn ngơ nhìn theo. Trong tim mỗi người đều in đậm bóng hình và những lời chỉ dạy của Người. Điều cảm động nhất là lúc nào Bác cũng nhớ đến miền Nam.
Tối 31 tháng 12 năm 1964, Cục Đối ngoại Chính phủ tổ chức chúc mừng năm mới, với sự có mặt của tất cả các vị đại sứ các nước và nhiều chuyên gia bạn, cùng nhiều khách mời về phía Việt Nam. Nghe tin có Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự, nhiều người chen nhau ra phía cổng chính, hy vọng được đón Bác ngay từ đầu. Không lọt được vào phía cổng, tôi đành tìm chỗ đứng ở gần khu trung tâm, nơi đã có các ông bà đại sứ đứng đợi.
Đã đến giờ, không thấy ôtô Bác đến, những người đứng phía cổng chính bắt đầu sốt ruột. Không ngờ, chắc là do yêu cầu của công tác bảo vệ, xe chở Bác lại vào lối khác. Bác xuống xe, bất ngờ xuất hiện ngay sau lưng mọi người. Tôi quay lại, nhìn thấy Bác đi vào, gần quá, rõ quá! Hôm nay Bác mặc bộ đồ kaki màu nhạt, chỉ khác là chân đi giày da, tác phong của Người vẫn thật gần gũi, cởi mở.
Bác lần lượt bắt tay các đại sứ, các chuyên gia và phu nhân. Bác tươi cười nói chuyện với người này, người khác (không qua phiên dịch). Tôi cảm nhận trên gương mặt các ông bà đại sứ, chuyên gia đều ánh lên nét hân hoan, vui sướng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau lời chúc mừng năm mới của Bác, tiếng vỗ tay nổi lên, kéo dài. Rồi bác lại hoà vào đám đông, tiếp tục bắt tay, chúc mừng... Khi Bác lên xe ra về, nhiều người còn bâng khuâng, luyến tiếc vì không được gần Bác thêm nữa. Riêng tôi, mỗi lần được gặp Bác, nhìn thấy Bác, đều để lại một ấn tượng vô cùng sâu sắc. Và đó cũng là những giây phút hạnh phúc nhất trong đời tôi.
Ngày 3 tháng 9 năm 1969, lúc đó đơn vị tôi đóng ở Hà Nội, được tin Bác mất, cán bộ. chiến sĩ trong đơn vị tôi ai nấy đều rưng lệ.
Lắng nghe Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Hà Nội truyền đi những câu thơ rung động lòng người của Tố Hữu càng làm chúng tôi thương nhớ Bác khôn nguôi:
"Bác đã đi rôi sao Bác ơi!
Mùa thu đang đẹp nắng xanh trời.
Miền Nam đang thắng mơ ngày hội.
Rước Bác vào thăm thấy Bác cười".
Ba ngày trước hôm làm lễ quốc tang truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoà trong dòng người bất tận và trong tiếng khóc nức nở xé lòng của các mẹ, các chị, các em, tôi bước vào hội trường Ba Đình viếng Bác. Trong chiếc quan tài bằng pha lê, bác nằm như đang ngủ, đôi dép lốp đơn sơ đặt dưới chân Người...
Thấm thoắt đã hơn hai năm, đêm nay giữa núi rừng Trường Sơn, trên con đường mang tên Bác, những người lính chúng con đang nhớ đến Bác, hát về Bác với tất cả nỗi lòng kính yêu vô hạn.
Cuộc chiến đấu đầy hy sinh gian khổ vẫn còn tiếp diễn, đang chờ chúng con. Nhưng, dù cho khó khăn quyết liệt đến mấy, chúng con cũng xin nguyện sinh tử cùng với con đường mang tên Bác để cho mạch máu nối liền Nam-Bắc không một ngày ngừng chảy, để cho miền Nam thân yêu mau được giải phóng hoàn toàn.
Sau gần một đêm hành quân vất vả, tôi cùng một anh bạn đồng hành ngủ thiếp đi trên chiếc giường tre, trong căn nhà nhỏ "nửa chìm" của anh chị Thón, ở một xóm nhỏ ven đường 15, gần ngã ba Vạn Ninh, lối rẽ lên đường 10.
Sáng ra, tôi bỗng giật mình thức giấc vì tiếng gọi thất thanh của một em bé:
-Các chú bộ đội ơi! Xuống hầm đi! Máy bay!
Tiếp theo là tiếng gầm rú của bầy máy bay phản lực Mỹ. Như một phản xạ tự nhiên, chúng tôi lăn người xuống đất, rồi lao vào một cửa hầm bên vách nhà.
Hai loạt bom nổ. Mái nhà tranh trên đầu chúng tôi bị bóc một mảng lớn. Tiếp sau là hai loạt bom bi. Thôn xóm yên lành, với những căn nhà tranh nhỏ bé, phút chốc ngập chìm trong lửa cháy và khói bom mù mịt.
Trong tiếng máy bay xa dần, tôi bỗng nghe từ chiếc hầm bên cạnh vang lên tiếng kêu đứt quãng: "Mạ ơi! Mẹ ơi!" Hai chúng tôi vọt lên khỏi nơi trú ẩn, chạy sang. Một cảnh tượng thương tâm bầy ra trước mắt: bé Trung, đứa con trai chừng tám tuổi của chị Thón, mình trần, đang quằn quại trong đau đớn.
Xem qua một lượt, chúng tôi chợt cảm thấy vô cùng bối rối bởi vì không biết phải băng bó chỗ nào. Một quả bom bi rơi trúng miệng hầm. Những viên bi độc ác bắn thủng khắp người em. Từ hàng chục vết thương lỗ chỗ trên đầu, mặt và toàn thân em bé, những dòng máu tươi ứa ra, tràn lênh láng...
Lòng tôi đau như cắt. Bé Trung đã cứu sống chúng tôi, nhưng chính em lại không thoát được bàn tay giết người của giặc Mỹ. Sáng sớm hôm nay, khi vác cuốc đi làm, có ý để chúng tôi ngủ thêm lấy sức hành quân tiếp, anh chị Thón đã để bé Trung ở nhà, với mấy củ khoai lang trong rổ, cùng lời dặn: "Khi mô có máy bay, phải chạy ngay xuống hầm và nhớ kêu mấy chú bộ đội, nghe con!".
Vậy mà...
Đêm ấy theo kế hoạch, chúng tôi tiếp tục lên đường, nhưng với cõi lòng nặng trĩu. Tiếng gọi "Các chú bộ đội ơi! Xuống hầm đi!" và tiếng khóc xé lòng của người mẹ ôm xác con trên tay đã khắc sâu trong trái tim một nỗi xót đau không bao giờ nguôi.
Tôi bắt đầu bằng câu chuyện có thật trên đây, để tiếp theo, xin được giới thiệu đôi nét về đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình, quê tôi.
Ngày 16 tháng 12 năm 1963, khi vào thăm đồng bào Quảng Bình, Vĩnh Linh, Bác Hồ đã nói: "Nếu kẻ địch gây ra chiến tranh đối với miền Bắc, thì Quảng Bình, Vĩnh Linh là nơi đụng đầu trước hết; quân dân Quảng Bình, Vĩnh Linh phải bảo đảm đánh thắng chúng trước hết". (Tư liệu "Những sự kiện trong chiến tranh chống Mỹ trên đất Quảng Bình (1954-1975) của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình).
Thực tế đã diễn ra như thế nào?
Ngày 5-8-1964, khi đế quốc Mỹ bất ngờ cho 64 chiếc máy bay từ hai hàng không mẫu hạm Ticonderoga và Constellation vào ném bom nhiều nơi trên miền Bắc, thì chính Quảng Bình là nơi diễn ra trận đánh đầu tiên. Tám máy bay A4D ném bom Cảnh Gianh và Mũi Ròn (cùng đợt với 8 chiếc khác đánh Vinh-Bến Thuỷ), Quảng Bình cũng là nơi đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ. Một chiếc A4D cắm đầu xuống biển (cùng lúc với Vinh-Bến Thuỷ bắn rơi 2 chiếc khác).
Sang đầu năm 1965, cùng với việc ồ ạt đưa quân viễn chinh vào miền Nam nước ta, đế quốc Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc. Trong hai ngày 7 và 8 tháng 2 năm 1965, Mỹ đã mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại đẫm máu và kéo dài ấy bằng những cuộc giội bom xuống Đồng Hới và Vịt Thu Lu của Quảng Bình, Hồ Xá của Vĩnh Linh. Trong hai ngày đó, quân dân Quảng Bình, Vĩnh Linh đánh giỏi thắng lớn, bắn rơi 8 máy bay Mỹ. Thế là đúng như lời Bác Hồ dự báo, trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ với miền Bắc: Quảng Bình, Vĩnh Linh đã là nơi đụng đầu trước hết, quân dân Quảng Bình, Vĩnh Linh đã đánh thắng chúng trước hết.
Quay lại thời điểm tháng 1 năm 1959. Từ máu lửa sục sôi của cách mạng miền Nam, Đảng ta đã cho ra đời một văn kiện lịch sử đó là Nghị quyết 15. Nghị quyết của Trung ương Đảng chỉ rõ phương pháp chiến lược mới của cách mạng miền Nam nước ta là: "Đấu tranh vũ trang kết hợp đấu tranh chính trị, nhằm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hoà bình thống nhất nước nhà".
Thực hiện chủ trương chiến lược nói trên, ngày 19 tháng 5 năm 1959, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đã quyết định thành lập Đoàn 559, với nhiệm vụ: "Mở đường giao liên, mở đường vận tải quân sự, để chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam".
Những cán bộ, chiến sĩ tiên phong của Đoàn 559 đã lấy Khe Hó thuộc huyện Vĩnh Linh làm căn cứ đầu tiên. Nhưng chỉ ít lâu sau, họ đã chuyển sang địa điểm mới. Đó là Làng Ho, thuộc huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, một thung lũng rộng, có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, để làm bàn đạp cho nhiệm vụ mở đường.
Từ Khe Hó của Vĩnh Linh, Làng Ho của Quảng Bình, những chuyến gùi thồ đầu tiên mang gạo, muối, súng đạn tiếp tế cho Trị Thiên và Khu 5, cùng những chuyến giao liên đưa cán bộ, bộ đội ra vào và chuyển thương binh từ Nam ra Bắc, góp phần thúc đẩy cách mạng miền Nam đi lên.
Cách mạng miền Nam càng phát triển, quân dân miền Nam càng cần có vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men... Không thẻ nhờ mãi vào đôi chân, đôi vai và những chiếc xe đạp thồ nhỏ bé. Đã đến lúc phải vận chuyển hàng bằng ôtô, phải cơ giới hoá đường chi viện chiến lược.
Để có một tầm bao quát trên thực địa, hướng tới việc thiết lập một hệ thống giao thông vận tải quân sự trên tuyến 559, vào một ngày cuối tháng 2 năm 1960, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã cùng Bí thư Tỉnh uỷ và Trưởng ty Giao thông Quảng Bình, bằng máy bay lên thẳng, bay khảo sát một vòng, từ Đồng Hới lên Làng Ho, dọc theo Trường Sơn, ra tận Tuyên Hoá rồi quay trở lại Đồng Hới (Theo tư liệu đã dẫn).
Từ đây, nhiệm vụ xây dựng hệ thống đường ôtô vận tải quân sự được tổ chức thực hiện hết sức khẩn trương. Bộ Giao thông cùng với tỉnh Quảng Bình và Đoàn 559 đã phối hợp thành lập hàng chục công trường, gồm hàng ngàn thanh niên nam nữ, con em của sáu huyện thuộc Quảng Bình, để gấp rút mở những đường lớn. Trước tiên là con đường từ Thạch Bàn qua Vịt Thu Lu lên Làng Ho (về sau gọi là đường 16). Tiếp theo là củng cố, sửa chữa, mở rộng đường 15, từ Khe Ve, Đá Đẽo vào đến Thác Cóc, Bến Quang.
Tháng 5 năm ấy, cũng tại Quảng Bình, sau khi đến thăm và biểu dương các lực lượng làm đường. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói với đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ: "Để bảo đảm sự chi viện với mức độ ngày càng tăng cho miền Nam, chúng ta nhất thiết phải có đường ô tô vận tải quân sự phía bên kia Trường Sơn, nhất thiết phải có những con đường lớn vượt Trường Sơn qua phía tây".
Công trường 12A được thành lập để củng cố đoạn đường từ Khe Ve đến đèo Mụ Giạ. Sau đó, được sự chấp nhận của bạn Lào, thông qua một văn bản hiệp định, chúng ta thành lập thêm công trường 129, để làm tiếp con đường từ Mụ Giạ đến ngã ba Lằng Khằng.
Không khí lao động trên các công trường làm đường rất sôi nổi. Đâu đâu cũng mọc lên những khẩu hiệu nói lên quyết tâm của nhân dân đến Quảng Bình, của các chiến sĩ công binh và thanh niên xung phong Đoàn 559: "Một người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt", "Tất cả cho tiền tuyến", "Tất cả vì miền Nam thân yêu".
Do vị trí đặc biệt của mình, trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với Vĩnh Linh, Quảng Bình đã trở thành hậu phương trực tiếp của miền Nam. Nếu tính riêng hai cuộc chiến tranh phá hoại thì Quảng Bình là tỉnh đi trước, về sau, cũng là tỉnh chịu đựng nhiều nhất sức nặng của cuộc "Chiến tranh ngăn chặn, huỷ diệt" hết sức tàn bạo của Mỹ, nhằm bóp nghẹt cái nơi mà chúng gọi là "yết hầu", "cổ chai", "cán soong", chỗ hẹp nhất trên bản đồ đất nước.
Sau khi Đoàn 559 thành lập, rồi Bộ Tư lệnh Trường Sơn ra đời, Quảng Bình trở thành căn cứ chủ yếu của tuyến chi viện chiến lược, là xuất phát điểm của hầu hết các con đường vượt khẩ từ đông sang tây. Từ những chuyến giao liên và giao hàng nhỏ lẻ của thời kỳ gùi thồ, cho đến những binh đoàn lớn, điệp trùng ra trận trong mùa xuân 1975, tất cả đều đến đây, qua đây, dừng chân ở đây và từ đây xuất phát.
Nhìn lên tấm bản đồ tổng thể của đường Hồ Chí Minh chạy dài từ Hương Khê (Hà Tĩnh) đến Đồng Xoài (Sông Bé), ở khu vực Quảng Bình ta thấy chi chít những đường dọc, đường ngang.
Các tuyến dọc có:
-Quốc lộ 1A: từ Đèo Ngang đến Hạ Cờ.
-Quốc lộ 15A: từ Khe Ve đến Thác Cốc.
Đó là chưa kể các con đường tránh 22A, 22B ở huyện Quảng Trạch và rất nhiều đường nhánh khác ở phía nam sông Gianh.
Các tuyến ngang trên địa bàn Quảng Bình (một phần tiếp qua Vĩnh Linh hoặc sang phía tây, bên đất bạn) có:
-Đường 12A: từ Khe Ve đến đèo Mụ Giạ, xuôi xuống ngã ba Lằng Khằng (Tiếp theo là những con đường dọc: 128-129 đi về phía Nam).
-Đường 20 (còn gọi là đường Quyết Thắng): từ Phong Nha đến ngã ba Lùm Bùm.
-Đường 10: từ ngã ba Áng Sơn đến ngã ba Dân Chủ.
-Đường 18: một nhánh tách ra từ kilômét 32 đường 20 vào đến Sêpôn.
-Đường 16 (còn gọi là đường Thống Nhất): từ ngã ba Thạch Bàn, qua Làng Ho, qua ngã ba Dân Chủ vào tạn Bản Đông.
Đây là tuyến đường vượt khẩu chủ yếu của toàn hệ thống đường Hồ Chí Minh.
Ngoài đường bộ, trên đất Quảng Bình còn có đường vận tải trên biển, trên sông. Chính từ cảng Thanh Khê, một phân đội thuyền chở vũ khí của "Tập đoàn đánh cá sông Gianh", đã rời bến vào Nam. Đó là đơn vị đầu tiên mở đường cho tuyến "đường Hồ Chí Minh trên biển". Tiếc thay, giữa đường gặp bão lớn, chuyến đi không thành. Quảng Bình còn huy động hàng trăm tàu thuyền ngày đêm vượt đạn bom ngăn chặn, ngược xuôi các dòng sông Gianh, sông Son, sông Ròn, Nhật Lệ, Long Đại, Kiến Giang để vận chuyển hàng cho Đoàn 559.
Về đường không: từ năm 1960, một cầu hàng không đã được thành lập, nối tiền Đồng Hới với Làng Ho, bằng những chiếc máy bay An-2 nhỏ bé, tạo chân hàng cho các đơn vị vận tải gùi thồ vượt tuyến. Đến tháng tư năm 1961, có thêm một cầu hàng không khác, từ Đồng Hới đến Thà Khống (Nam Lào), để phục vụ cho chiến dịch mở rộng vùng giải phóng của bạn Lào ở Tây Trường Sơn. Lại có cả những cánh bay MiG-17, xuất kích từ sân bay dã chiến Khe Gát ở huyện Bố Trạch, ngày 19 tháng 4 năm 1972 đã lập công đánh trọng thương tàu khu trục Mỹ.
Ngoài đường bộ, đường thuỷ, đường không, đi qua Quảng Bình còn có một tuyến đường đặc biệt, cũng là đường thuỷ, nhưng:
"Là nước mà không phải sông.
Là đường mà có nước bên trong
Đó là đường ống"
Quảng Bình được giao nhiệm vụ góp phần xây dựng và bảo vệ tuyến đường ống vận chuyển xăng dầu từ Bắc vào Nam, theo các trục đường 12A, đường 10, đường 18, vượt đỉnh Trường Sơn, toả đi các hướng chiến trường.
Để góp phần bảo vệ tuyến chi viện chiến lược, phối hợp với lực lượng phòng không của Đoàn 559 và Quân chủng Phòng không-Không quân, Quảng Bình có những đơn vị súng, pháo cao xạ chiến đấu giỏi và kiên cường. Từ những trận đánh mở đầu thắng lợi đến cả quá trình chiến đấu quyết liệt chống lại hai cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất và lần thứ hai của Mỹ, các lực lượng phòng không tại Quảng Bình, có cả bộ đội tên lửa, đã hiệp đồng chặt chẽ với nhau, vững vàng bám trụ trên hầu hết các trọng điểm nổi tiếng nhất. Họ đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, bảo vệ từng chiếc cầu, phà, từng đoạn đường xung yếu, góp phần giữ vững mạch máu giao thông thông suốt, cho những dòng xe không ngừng chảy về Nam trong suốt 10 năm. Con số 704 máy bay Mỹ bị quân dân Quảng Bình bắn rơi trong hai cuộc chiến tranh phá hoại là một dẫn chứng thật hùng hồn.
Cùng với mạng lưới đường sá giao thông và lực lượng bảo vệ giao thông như trên, còn có một hệ thống gồm những căn cứ, cơ quan đầu não, các chiến sĩ hậu cần, quân y kho tàng các binh trạm, của Đoàn 559, phần lớn được bố trí, cất giấu trên khắp các địa phương của Quảng Bình.
Về căn cứ và cơ quan đầu não: có căn cứ Đoàn 559 ở Làng Ho, có sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Trường Sơn ở Hoà Tiến, ở Xuân Ninh, Hiền Ninh. Chính sở chỉ huy của Bộ chỉ huy chiến dịch Đường 9-Nam Lào, năm 1971, cũng đặt tại núi An Mã trong địa phận Quảng Bình.
Về kho tàng: có những tổng kho lớn ở Hoá Tiến thuộc huyện Tuyên Hoá, Phong Nha thuộc huyện Bố Trạch, Xuân Bồ thuộc huyện Lệ Thuỷ. Còn có những kho trung chuyển ở Rào Đá, Rào Trù... cùng hàng trăm chân hàng trên các bến bãi, ven đồi ven núi, trong những rừng cao su, cạnh xác xóm làng. Lại thêm hàng ngàn khó nhỏ lẻ giấu trong các đền chùa hoặc gửi trong nhà dân, hoàn toàn ký thác cho dân.
"Nhà dân là kho hàng, gia chủ là thủ kho", nhưng hàng của nhà nước, của quân đôi không hề mất mát. Khẩu hiệu của dân Quảng Bình là: "Cho không lấy, thấy không xin, của công giữ gìn, của rơi trả lại"; "Hàng ta, ta quý ta yêu, hàng ra tiền tuyến, hàng tiêu diệt thù".
Nhân dân Quảng Bình coi việc bảo vệ tuyến đường chi viện cho miền Nam là nhiệm vụ đầu tiên, là tình cảm thiêng liêng của mỗi người. Phong trà "Xe chưa qua, nhà không tiếc" bắt nguồn từ xã Quảng Thuận, huyện Quảng Trạch. Để cứu một xe chở hàng bị sa lầy, đằng sau là cả đoàn xe đang ùn lại, mẹ Choàng đã cho dân quân xã phá dỡ ngôi nhà thân yêu của mình, để lấy gạch ngói, cột kèo lát đường cho xe qua.
Khẩu hiệu "Đường chưa thông, không tiếc máu, tiếc xương" được nhân dân Quảng Bình thể hiện khắp nơi, trên mọi nẻo đường, trên mỗi dòng sông, bến nước, ở bất cứ xóm thôn nào, trong những cánh rừng và cả ngoài khơi biển rộng. Điển hình nhất là sự kiện xảy ra vào một đêm tháng 6 năm 1972. Đoạn đường ngầm ở Hói Hạ ở bờ nam sông Gianh bị bom phá hỏng. Nhân dân các xã lân cận đã được huy động, cùng thanh niên xung phong của Đoàn 559 ra sửa gấp. Máy bay Mỹ lại đến giội bom. 48 người dân quê tôi cùng 40 thanh niên xung phong nam nữ quê Hà Tây đã ngã xuống. Những hàng trăm người khác, ngay đêm sau lại xông ra, lấp bằng các hố bom, san phẳng mặt ngầm, rồi làm cọc tiêu hướng dẫn cho các đoàn xe vượt ngầm tiếp tục đi vào phục vụ chiến dịch Trị Thiên.
Có thể nói nhân dân Quảng Bình đã chấp nhận một sự trả giả lớn lao về sinh mạng và của cải cho sự sống còn của con đường lịch sử. Biết bao tên người như: mẹ Suốt chèo đò qua sông Nhật Lệ, anh hùng Võ Xuân Khuể lái canô, kéo phà, anh hùng Nguyễn Văn Tương lái đò chở bộ đội, chở súng đạn, Nguyễn Viết Lân dũng sĩ phá bom nổ chậm ở Cà Tang, tiểu đội thanh niên xung phong Trần Thị Lý bám trụ kiên cường trên đèo Ba Trại, tiểu đôi Nguyễn Thị Kim Huế thuộc đại đội 759 anh hùng trên ngọn đồi 37, đường 12... đã đi vào huyền thoại, cùng với sự nghiệp hơn mười năm bảo vệ mạch máu Bắc-Nam.
Biết bao tên đất, tên làng của Quảng Bình như: La Trọng, Bãi Dinh, Khe Ve ở đường 12; đèo Đá Đẽo, phà Xuân Sơn, phà Long Đại, phá Thác Cốc trên đường 15; phà Ròn, phà Gianh, phà Quán Hàu trên đường 1; cua 68, cua chữ A, ngầm Tà Lê, đèo Phu-la-nhích trên đường 20... đã trở thành những địa danh lịch sử cùng với đường Hồ Chí Minh.
Trong những tháng năm đánh Mỹ, tôi đã cùng với đơn vị mấy lần vượt Trường Sơn vào Nam ra Bắc. Quảng Bình đã từng là chặng đường dừng chân của chúng tôi, trước lúc đi vào chiến trường hoặc sau khi ở chiến trường ra. Ở nơi đâu trên đất Quảng Bình, chúng tôi cũng được sống trong tình thương của các "bọ, mạ" (Bọ, mạ: bố mẹ) của các anh chị, các em. Tuy cuộc sống khó nghèo, nhưng tấm lòng của bà con luôn rộng mở.
Làm sao quên được những đêm mưa gió, xe pháo chúng tôi bị sa lầy, bà con thôn xóm xung quanh đã đem những bó cây, gánh củi, có khi cả cột nhà, tấm phản, lát đường cho xe pháo vượt qua. Nhà nào cũng vậy, khi bộ đội qua làng, nửa đêm ghé lại, cả gia đình dồn xuống nhà dưới, nhường nhà trên cho bộ đội ở. Có giường ngủ giường, có nống ngủ nống (nống: cái nong phơi lúa). Có lần chính tôi đã được phép ngả lưng ngay trên chiếc "hòm" của cụ Hậu, thôn Cổ Giang, chiếc quan tài đóng sẵn cho cụ đợi ngày đi xa.
Đồng bào Minh Hoá dọc đường 15, nghèo nhất tỉnh, phần lớn các tháng trong năm chỉ ăn sắn, ăn bồi (bồi: hạt bắp giã nhỏ, nấu thành cơm ăn) nhưng quanh năm không mất khi vắng mặt các anh bộ đội trú quân trong làng. Những đoàn quân nối tiếp nhau ra trận, hoặc từ mặt trận trở về, đơn vị này vừa đi, đơn vị khác lại đến, cứ thế ròng rã hàng chục năm.
Tôi còn nhớ hình ảnh mẹ Bào, bà mẹ hiền từ chất phác ở thôn Đại Hữu, từ bếp bưng lên một rá khoai còn nóng hổi: "Khoai con Cẩn vừa mới bới trên nương. Các con ăn đi! Nhà mẹ nghèo nỏ có chi (không có gì) cho các con cả". Ôi! Chỉ mấy củ khoai lang với một tấm lòng của bà mẹ già mà thân thiết bao nhiêu.
Mấy ngày trú quân ở thôn Cổ Giang, sau khi đánh trận ở Quảng Trị trở ra, các thương bệnh binh đơn vị chúng tôi đã được các mẹ đưa về gia đình chăm sóc tận tình chu đáo. Thấy áo quần anh em bộ đội không lành lặn, các chị em đã đề nghị với cấp chỉ huy cho tập trung quần áo lại để chị em vá giúp. Thôn xóm vắng bóng những nam thanh niên, vì các anh đã lên đường chiến đấu. Các mẹ, các chị, các em dồn tình thương cho các anh bộ đội qua làng. Có những đêm, thấy các chị không ở nhà, chúng tôi hỏi, các mẹ cho biết: "Chúng nó tập trung đi sửa đường, san lấp hố bom".
Người dân Quảng Bình gắn bó với đường Trường Sơn, mạch máu chảy từ Bắc vào Nam như máu thịt, như ruộng đồng quê hương mình. Mỗi đoạn đường của tuyến chi viện chiến lược đi qua đều có đóng góp to lớn của quân dân Quảng Bình.
Chiến tranh qua rồi. Quá khứ không bao giờ trở lại. Ghi chép những dòng hồi ức trên đây, tôi tự hào về Quảng Bình quê tôi một thời đánh Mỹ, đã có hơn ba ngàn ngày "sống chết" với đường Hồ Chí Minh.