" Đường ống Xăng dầu Trường Sơn - Huyền thoại xưa và huyền thoại hôm nay" - Bài của Hoàng Kiền

Ngày đăng: 07:35 20/06/2018 Lượt xem: 1.463
ĐƯỜNG ỐNG XĂNG DẦU TRƯỜNG SƠN-
HUYỀN THOẠI XƯA VÀ HUYỀN THOẠI HÔM NAY

 Thiếu tướng Hoàng Kiền

NỞ RA TỪ HUYỀN THOẠI XƯA MỘT MỐI TÌNH
         
         Trong hành trình thăm chiến trường xưa, có vợ chồng anh Nguyễn Văn Ton và chị Hoàng Thị Xuân đi cùng, câu chuyện về đời thường của anh chị thật là vui. Anh quê Thường Tín - Hà Nội, chị quê Kiến Xương - Thái Bình, cả hai đều là chiến sĩ Trường Sơn, công tác trong Trung đoàn Đường ống xăng dầu 532. Hoà bình, thống nhất đất nước chia tay mỗi người một ngả, về quê lao động, xây dựng gia đình, đều có cuộc sống riêng ổn định. Tình đồng đội chiến trường thật đậm đà sâu sắc, nhớ nhau, nhắc nhau, tìm gặp lại nhau. Buổi gặp mặt sau hơn ba mươi năm thật là cảm động, các “chàng trai” nằm ở tầng một, các “cô gái” nằm ở tầng hai, chuyện vang không ngớt suốt đêm trường, những gì đã qua chiến trường nay kể lại mà cùng cười nắc nẻ. Hai người một trai, một gái tuổi thanh xuân do hoàn cảnh khi ấy nằm chung một chiếc võng ngủ trên đường Trường Sơn mà cứ ngáy khò khò, bây giờ nhắc lại ai cũng buồn cười. Có thế mới thắng được Mỹ chứ. Anh Ton, chị Xuân gặp lại, nhận ra nhau, ngồi tâm sự, cùng cảnh ngộ cô đơn. Anh Ton vợ lâm bệnh đã mất, chị Xuân chồng lâm bệnh cũng mất.
         Tình đồng đôi chiến trường kết thành tình tình thương, anh chị về sống chung hạnh phúc trong một gia đình, hiểu nhau, thương yêu nhau thật là hạnh phúc, kể chuyện trong hành trình thăm chiến trường xưa trên xe ai cũng cười nắc nẻ.
         Hai người đều nhau tổng cộng sáu con: hai trai bốn gái, hoà thuận một nhà, mười sáu đứa cháu, hai đứa chắt. Họ sống với nhau mười năm rồi, thật là hạnh phúc. Đồng đội Trường Sơn chúng tôi là như thế.

 vợ chồng anh Nguyễn Văn Ton và chị Hoàng Thị Xuân

TÌNH ĐỒNG ĐỘI - TÌNH ĐỜI
 
Giặc tan về với đời thường
Em nơi quê lúa Kiến Xương Thái Bình
Chung tay xây dựng gia đình
Bỗng chồng đi sớm cảnh tình đắng cay
Anh về Thường tín Hà Tây
Cùng miền quê lụa chung tay dựng nhà
Thế rồi vợ cũng đi xa
Cuộc đời cay đắng thế là cô đơn
Mừng vui có Hội Trường Sơn
Bao năm gặp lại vẹn tròn tình thương
Nắm tay vững bước chung đường
Hôm nay thăm lại chiến trường năm xưa
Chị như sen dịu hương đưa
Chuyện nhà vui kể đẹp thưa cùng làng
Đàn con bốn gái hai chàng
Mỗi người một nửa rộn ràng bên nhau
Mười sáu đứa cháu tươi màu
Cùng hai đứa chắt má bầu tuổi thơ
Chuyện tình thật ngỡ như mơ
Đồng đội - chiến sĩ chăm lo gia đình
Trường Sơn hùng vĩ quang vinh
Chung tay đánh Mỹ thắm tình thuỷ chung.

 
* * * * * * * * * * * * * * * * * * * *  
DÒNG SÔNG MANG LỬA
.
         Đường Trường Sơn, con đường đã làm nên HUYỀN THOAỊ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đường ống xăng dầu là một trong năm loại đường trên tuyến vận chuyển chi viện chiến lược này. Với tổng chiều dài gần 5000 ki lô mét, vượt qua dãy Trường Sơn hùng vĩ trên hai hướng Đông và Tây, có các nhánh đi đến các chiến trường và hợp lại ở Bù Gia Mập, là tuyến đường ống dài nhất thế giới lúc bấy giờ.
         Cho đến trước tháng 7/2010, khi Trung Quốc khánh thành đường ống dẫn khí tự nhiên dài 8.700km thì kỷ lục thế giới trong hàng chục năm vẫn thuộc tuyến ống dẫn xăng dầu của Việt Nam.
         Đó là một dòng chảy huyền thoại được xây dựng nên bằng quyết tâm, lòng dũng cảm, trí thông minh và cả sự hy sinh của cán bộ chiến sĩ ngành xăng dầu Quân đội nhân dân Việt Nam, của bộ đội xăng dầu Trường Sơn. Song hành với đường Hồ Chí Minh vượt Trường Sơn, đường ống xăng dầu vào Nam là kỳ tích của cả dân tộc góp phần “đánh Mỹ và thắng Mỹ”
         Đây cũng là con đường đầy huyền thoại mà người Mỹ không thể nào biết rõ, bởi họ không thể nào tưởng tượng được rằng trong điều kiện kỹ thuật của Việt Nam, lại bị bom đạn đánh phá liên tục bất cứ ở điểm nào mà Việt Nam vẫn hình thành được một đường ống dẫn xăng dầu dài hàng nghìn kilomet, lại còn nối với nhiều cảng nhỏ để tiếp nhận dầu từ các tàu biển...
         Tuy nhiên, không chỉ người Mỹ, mà cả những nước bạn của Việt Nam như Liên Xô, Trung Quốc, những người đã trực tiếp viện trợ và giúp đỡ cả xăng dầu và vật tư cũng không hình dung Việt Nam có thể làm được một hệ thống đường ống dẫn xăng dầu như thế.
         Khi biết thông tin, thủ tướng Trung Quốc - Chu Ân Lai đã cử đoàn cán bộ quân sự sang Việt Nam nghiên cứu thực tế. Người ta không ngờ được rằng các kỹ sư Việt Nam đã thiết kế thi công để dòng xăng dầu vượt những đỉnh núi cao tới cả nghìn mét so với mặt biển cuồn cuộn chảy vào chiến trường.
 
Đường ống xăng dầu của ta
Như dòng sông chảy vươn ra chiến trường
Liên Xô, Trung Quốc đâu lường
Ranh như người Mỹ, điên cuồng dã man
Cũng đâu ngờ tới Việt Nam
Làm được đường ống giỏi giang phi thường
Mưu trí, dũng cảm, ngoan cường
Con đường huyền thoại sáng gương tự hào

 
 
         
         Tuyến ống dẫn xăng dầu từ biên giới Việt - Trung đến miền Đông Nam Bộ được xây dựng nên từ chủ trương sáng suốt tại “Tổng hành dinh” chỉ đạo kháng chiến của Việt Nam, quyết tâm, lòng dũng cảm, trí thông minh và cả sự hy sinh của cán bộ chiến sĩ ngành xăng dầu Quân đội nhân dân Việt Nam mà nơi khó khăn gian khổ ác liệt nhất do Bộ đội xăng dầu Trường Sơn đảm nhiệm.
         Bắt đầu từ hai ngả thuộc biên giới Việt - Trung là Lạng Sơn và Quảng Ninh, hai tuyến đường ống cùng dẫn về trạm Nhân Vực, thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội. Từ đây, có một đường ống chạy thẳng vào miền Trung qua Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Đến đây lại chia làm hai ngả: Một vượt đèo Mụ Giạ, sang Lào vươn tới Hạ Lào, rồi vượt qua biên giới Lào và Campuchia để vào tới Nam Bộ. Ngả còn lại theo đường Đông Trường Sơn đi tiếp qua Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, qua Tây Nguyên, vượt Kontum, xuống Bình Phước. Hai hệ thống Đông và Tây Trường Sơn hội tụ tại trạm cuối cùng ở Bù Gia Mập, thuộc tỉnh Phước Long, Đông Nam Bộ.Từ đây xăng dầu được cấp trực tiếp cho các xe vận tải chở tiếp trên những tuyến ngắn từ miền Đông đến miền Tây. Xăng dầu được chuyển từ Bắc vào Nam đã cung cấp cho hoạt động trên các chiến trường trong những năm đánh Mỹ, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.
         Trên toàn bộ hệ thống này, đã có tới 316 trạm bơm đẩy, 101 kho với sức chứa trên 300 nghìn m3. Bộ đội xăng dầu đã phát triển thành 9 trung đoàn đường ống, 2 trung đoàn công trình, 1 trung đoàn thông tin, 2 nhà máy cơ khí, 3 tiểu đoàn xe vận tải. Trong đó bộ đội Trường Sơn có 4 trung đoàn và một số phân đội độc lập. Có thể coi đây như một binh chủng xăng dầu trong đội hình Binh chủng hợp thành trên chiến trường Trường Sơn.
         Trong 7 năm mạng lưới đường ống dẫn dầu dài gần 5.000 km nêu trên tính từ biên giới phía Bắc nước ta, bắt đầu từ hai điểm đầu mối tiếp nhận thuộc tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Lạng Sơn; còn điểm khởi đầu là từ cảng Phòng Thành, Trung Quốc. Những con tàu lớn chở xăng, dầu từ Liên Xô cập cảng Phòng Thành và nguồn nhiên liệu từ đó sẽ theo hệ thống đường ống như những mạch máu chảy vào phía Nam, cung ứng một nguồn vật chất hết sức thiết yếu cho những chiến dịch, cho từng trận đánh ...
         Trong thời chiến, hệ thống đường ống này vừa tăng nhanh khối lượng xăng, dầu vận chuyển ra tiền tuyến, vừa giảm được rất nhiều hy sinh, tổn thất cho những chiến sĩ lái xe và xe tải chở nhiên liệu.
         Hệ thống đường ống tuỳ theo địa hình có đoạn nổi, đoạn chìm, có đoạn vắt qua suối, luồn dưới dòng sông... nhưng phần lớn nằm trên địa bàn rừng núi hoang vắng hoặc dân cư thưa thớt, khí hậu khắc nghiệt. Với hệ thống đường ống đó, theo Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn đánh giá: Ngành Đường ống Xăng dầu Trường Sơn đã thực sự thỏa mãn kịp thời cho vận tải, đảm bảo yêu cầu cơ động cao của các quân đoàn, các binh chủng với mọi quy mô, mọi thời gian, mọi địa điểm, phục vụ đắc lực cho các chiến dịch…
         Đại tá Phan Tử Quang, nguyên Cục trưởng Cục Xăng dầu (Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc phòng) kể rằng, trong một lần tôi được làm việc với Chu Ân Lai, Thủ tướng nước CHND Trung Hoa nói: “Tôi không ngờ là Việt Nam lại làm được đường ống xăng dầu dài đến 5.000 km” và ông đã cử một phái đoàn gần 20 kỹ sư và tiến sĩ về đường ống xăng dầu đi tham quan từ Hà Nội theo đường ống đến Mụ Giạ (QuảngBình).
Khi nói đến tuyến đường này, Viện trưởng Viện Dầu khí Pháp, cùng chung nhận định với hai tướng không quân Hoa Kỳ HarryAderholt và Richard Serd: “Đường ống xăng dầu của các ông là huyền thoại có thật”.
Gần sáu năm hoạt động trên chiến trường Trường Sơn, là bộ đội Công binh tôi đã chứng kiến Dòng sông mang lửa vào chiến trường này, thật tự hào và tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Gần mười năm gắn với cung đường tuần tra biên giới trong đó bảy năm làm giám đốc BQLDA 47 góp phần xây
dựng “Con đường mơ ước”. Khi về vui cảnh điền viên, tôi đi thăm lại con đường đã một thời gắn bó. Đến Bù Gia Mập tham quan nhà bia di tích về đường ống xăng dầu. Nơi đây là điểm cuối của tuyến đường ống kéo dài từ biên giới Việt Trung vận chuyển xăng dầu do Liên Xô viện trợ cho ta đi qua Trung Quốc rồi theo đường ống vào chiến trường đánh Mỹ. Thật xúc động tự hào sự sáng tạo tài tình của Đảng ta, Quân đội ta và bộ đội Trường Sơn.

         Thăm quan nhà bia di tích xong tôi viết ngay bài thơ Dòng sông mang lửa, lấy theo tên tiểu thyết của Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu - Chủ tịch Hội đường ống xăng dầu Trường Sơn. Và trong lần về dự Đại hội của Hội Đường ống Xăng dầu Trường Sơn tôi đã đọc bài thơ này kính tặng Đại hội:

 
 
DÒNG SÔNG MANG LỬA
 
Đến thăm dải đất Miền Đông
Đồng Xoài-Bình Phước mênh mông đại ngàn
Rừng Bù Gia Mập hương lan
Nhà bia toả sáng địa bàn non xanh
Lưu ghi kỳ tích chiến tranh
"Dòng sông mang lửa"(1) vận hành song phương
Nơi đây điểm cuối công trường
Nửa vạn cây số hai đường vươn nhanh(2)
Lạng Sơn, Quảng Ninh khởi hành
Trường Sơn hai nhánh kết thành Đông - Tây
Dài hơn nghìn sáu trăm cây
Mưa bom, bão đạn đêm ngày không ngơi
Quyết tâm thắng địch, thắng trời
Mưa ngàn nắng lửa núi đồi cheo leo
Hướng ra tiền tuyến vươn theo
Vực sâu quyết vượt, núi đèo vắt qua
Sông ngăn chẳng cản lòng ta
Tầm cao kĩ thuật tinh hoa hợp cùng
 
Trường Sơn điệp điệp trùng trùng
Tinh thần, ý chí sáng bừng trào dâng
Trạm, Kho trải dọc lớp tầng
Hàng dài vươn tới tới tạo nâng nối đà
 
Chặng cung tiếp sức bơm, tra
Xăng dầu "cuồn cuộn" chảy ra chiến trường
 
“Đại bàng”, “Tuấn mã” tiền phương
Ngày đêm hùng dũng kiên cường xông pha
 
Trận đánh, chiến dịch nở hoa
Đại quân thần tốc lao xa Sài Gòn
Miền Nam giải phóng, mốc son
Nước nhà thống nhất vẹn tròn chiến công
 
Con đường thống nhất non sông
Viết nên nên huyền thoại mãi không phai nhoà
Đường mang tên Bác ngợi ca
Thắm tô lịch sử dân ta Tiên Rồng
 
Đường xe, Đường bộ, Đường sông
Đường dây, Đường ống, liên thông kết thành
Xăng dầu tiếp sức đấu tranh
Chiến công thắng Mỹ rạng danh tự hào
 
Sáng tên - Đường ống đẹp sao
Kỷ lục thế giới, núi cao, bom cầy
Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Tây
Ngỡ ngàng thán phục, lời hay tỏ bầy
Văn bia chiến tích nơi đây
Tạc vào huyền thoại sử dầy Trường Sơn
 
Dẫu cho dấu tích phai mòn
Chiến công thầm lặng mãi còn lưu danh
 
Mồ hôi, xương máu, tuổi xanh
Nguy nan gian khổ kết thành trường ca
Nghia tình đồng đội bao la
Dài theo Đường ống vươn ra chiến trường
 
Đã cùng trên một công trường
Chung tay kết nối kiên cường hiên ngang
Âm thầm, lặng lẽ, vẻ vang
Viết nên kì tích sử vàng một chương
 
Giặc tan về với đời thường
Mỗi người một ngả quê hương mọi miền
Tuy xa lòng dạ chẳng quên
Tìm nhau lập Hội đẹp tên thoả lòng
Tuyền thống, tình nghĩa sáng trong
Qua bao năm tháng vẫn nồng tình thương
Mãi cùng tô thắm con đường
Xăng dầu Đường ống - Chiến trường Trường Sơn
 

Thiếu tướng Hoàng Kiền

tin tức liên quan