Gặp cựu binh Tiểu đoàn 2 công binh, nhớ về "Đồi 37"

Ngày đăng: 08:58 03/07/2018 Lượt xem: 3.270
 
Gặp cựu binh Tiểu đoàn 2 công binh, lại nhớ về “Đồi 37”
 

                                       Nhà văn Nguyễn Khắc Phê



Bia Di tích tại đồi Cha Quang - "Đồi 37" tại Km21 đường 12A

 
Những ai từng sống và chiến đấu trên đường 12A, hàng năm, cứ đến ngày 3 tháng 7 lại bồi hồi tưởng nhớ cuộc chiến bi tráng tại “Km 21” (tính từ ngã ba Khe Ve lên) vào ngày 3 tháng 7 năm 1966. Cũng vì thế, nơi đây được gọi là “Đồi 37”, nhưng dăm năm vừa qua, sau khi “Đài tưởng niệm” được xây dựng, có người lại gọi đó là “Đồi Cha Quang” (tên một cây cầu nhỏ bên cạnh).
Nhắc qua việc thay đổi địa danh một chút, không chỉ để hiểu thêm “lịch sử” nơi đã thấm máu biết bao liệt sĩ trong trận chiến gian nan nửa thế kỷ trước mà còn “phòng xa”… Biết đâu vong linh các liệt sĩ khi muốn thăm lại mảnh đất đã gửi lại xương máu thời thanh xuân tươi đẹp nhất của mình sẽ không ngỡ ngàng khi nghe tên gọi mới… Bây giờ, không ai dám cho rằng điều này là “mê tín”; còn tôi, chợt nghĩ đến “chuyến bay” của các vong linh liệt sĩ trở lại Trường Sơn trong tháng 7 này còn có một lý do riêng. Đó là có người vừa nhắc đến chuyện Nguyễn Thị Sâm - chiến sĩ TNXP đại đội 759 Anh hùng, trong trận “Đồi 37” tưởng đã chết, nhưng rồi sống lại; năm 2009, sau khi cô (à, quên, lúc đó, cô Sâm thương binh đã là một… bà lão hơn sáu chục tuổi!) cùng tôi được mời đi cùng đoàn làm phim “Khúc tráng ca Đồi 37” nhân kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn với tư cách là “nhân chứng”, trở về, bà mang tờ báo “An ninh thế giới” có bài tôi kể chuyện thăm lại đường 12A và “Đồi 37” tặng bà mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Thường (bạn thân thiết với Sâm hồi ở TNXP 759) thì Thường hiện về… Xin trích lá thư Sâm kể lại chuyện “lạ thường” đó như sau:
“…Nay em phải cầm bút và “người bạn linh thiêng” giục em cầm bút viết và cảm ơn người viết bài báo…
Anh Phê ơi! Khi em nhận được tờ báo của anh, theo lời anh dặn, em phô-tô tờ báo đưa cho mẹ của Nguyễn Thị Thường… Em bước vào nhà nghe mùi hương thoang thoảng, thấy bà ngồi thừ ra trên chiếc ghế. Bà ngửng đầu lên thấy em rồi nói: “Con mà đi nhanh chút nữa thì chung cơm với bạn con rồi!” Em đứng lặng một lúc rồi đưa tờ báo cho cháu bà; cháu bà đọc cho bà nghe, nước mắt bà tuôn ra dầm dề. Bà nắm tay em mân mê và nói: “Không biết sống được bao lâu nữa, tuổi đã ngoài 90 rồi…” Em nói: “Bà sống đến ngày hôm nay là quý lắm rồi, lại được đón đứa con liệt sĩ anh hùng của dân tộc anh hùng trở về. Bà rán sống thêm ít nữa để xem đất nước đổi mới…”
Em về nhà, vài hôm sau thì Thường lại “đến” nhà em. Em hỏi: “Ở mô về đó?” Thường nói: Ở “Km 21” chứ mô nữa!” Thường đến ngồi sát với em trên giường, em thì chăm chăm nhìn bạn, còn bạn thì chẳng nhìn em. Em thấy trong tay Thường cầm tấm vải, em bảo đưa tấm vải xem có đẹp không? Thường đưa tấm vải cho em thấy nhẹ tâng. Em kêu “oa…”, mở mắt ra chẳng thấy Thường đâu nữa nhưng từ đó những hình ảnh ở đơn vị em đều nhớ hết… Anh Phê ơi!... Em không hiểu nổi vì sao ngòi bút của anh thiêng liêng đến thế. Chắc ngòi bút Bác Hồ tặng cho anh thì phải…”
Thế đó! Biết đâu tháng 7 năm nay, vong linh Thường sẽ cùng các “đồng đội liệt sĩ” trở về thăm chiến trường xưa và người thân hoặc đồng đội của họ còn may mắn sống đến hôm nay sẽ được “gặp nhau”…
***



Sâm và Huế ở Nghĩa trang thắp hương tri ân đồng đội.


Có thể sẽ có bạn bảo rằng chuyện kể trên là chuyện… trong mơ. Biết làm sao được! Con người “bách tính” và thế gian còn vô vàn điều mà khoa học chưa lý giải được. Cũng đơn giản như ngọn đèn đỏ báo cấm đường, nhưng với người mù thì màu gì cũng là đen…
Riêng tôi, vừa có “duyên” gặp một chiến sĩ “Đồi 37” năm xưa, như là trong … mơ vậy! Một đêm, đã khuya, tôi bỗng nghe chuông điện thoại:
- Em là Hòa, ngày trước cùng chiến đấu ở đồi 37 đây…
Quả là chiến sĩ đó nay đang ở xứ… mộng mơ, tức là Đà Lạt, xứ sở mù sương và hoa, chứ không phải ở Quảng Bình.  Và anh Hòa chính là người đã nhắc chuyện “o Sâm đất vùi tưởng chết mà sống lại” để tôi tin anh từng ở “Đồi 37”.  Không phải mơ mà thực. Nguyên do là năm 2016, tôi có cuốn ký sự “Những người mở đường ngày ấy” do Nhà xuất bản Giao thông vận tải in theo “đặt hàng” của Nhà nước để gửi cho thư viện huyện, tỉnh trong cả nước; có người mách cho anh Hòa mượn xem và ngay lập tức anh gọi điện cho tôi. Anh tha thiết “muốn có 1 cuốn để kỷ niệm” vì một nửa cuốn sách ghi chép tỉ mỉ cuộc chiến đấu trên đường 12A thời kỳ ác liệt nhất (1965-1966) và đặc biệt, anh Hòa ngày đó là chiến sĩ Tiểu đoàn 2 Công binh, lực lượng sát cánh với TNXP C759 Anh hùng và trong đêm 3/7/1966, khi cả một tiểu đội C759 và 2 chiến sĩ Tiểu đoàn 2 hy sinh thì anh Hòa cũng như Sâm, “tưởng chết mà sống lại”…
Anh Hòa nhắc tới Sâm và những chiến sĩ TNXP C759 mà anh từng sát cánh chiến đấu. Còn tôi thì cảm thấy áy náy khi nghĩ tới những bài viết của mình về đường 12A và “Đồi 37” chưa nêu lên được những hy sinh to lớn của lực lượng công binh ở đây, trong đó có Tiểu đoàn 2 được đã phong “Đơn vị Anh hùng” năm 1970. Do vậy, nghe anh Hòa nói sẽ gửi cho tôi tài liệu chi đó, tôi liền bảo anh hãy viết đi, rồi tôi sẽ giúp…
Tôi chờ thư người cựu binh từ Đà Lạt, nhưng mãi không thấy. Cũng thoáng chút băn khoăn, có anh Hòa cựu binh Tiểu đoàn 2 gọi tôi thật hay là… vong linh liệt sĩ nào ở “Đồi 37” năm xưa... Cũng biết đâu, người vào sinh ra tử như anh Hòa, nay tuổi vào hạng “xưa nay hiếm”, chỉ một cơn gió lùa hay vấp ngã là có “chuyện”…
Cho mãi đến tháng 6 vừa rồi, tôi mới có điều kiện lên xứ mộng mơ đầy hoa trái với “Thung lũng Tình yêu” và “Thác Cam Ly”… tìm gặp anh. Nhà số… phường 9, Đà Lạt. Tôi đã kịp ghi lại địa chỉ, nhưng chưa gửi sách cho anh vì đã chắc chi… Mà mấy chục cuốn tôi mua, đã tặng gần hết. Thì ra mấy người quen của tôi ở Đà Lạt như Chủ tịch Hội Văn nghệ Phạm Quốc Ca, cựu Tổng Biên tập báo Lâm Đồng Nguyễn Mậu Siệc đều quen anh Hòa. Còn chúng tôi, tuy cùng chiến đấu trên một con đường, nhưng tuyến chiến lược quan trọng 12A thời đó là nơi hội tụ rất đông lực lượng, nên chưa hề gặp nhau; mà giả như đã biết nhau, hơn nửa thế kỷ qua rồi, nay cũng không thể nhận diện được. So với tấm ảnh kỷ niệm anh chụp năm 1972 ở quê bên người yêu, trước ngày cưới, đang treo bên tường ngôi nhà khiêm tốn được dựng trên một sườn dốc, “ngày xưa” có lẽ thuộc ngoại vi thành phố, trông anh bệ vệ hơn nhiều. Thì biết bao nhiêu đổi thay, từ ngày anh còn là người lính tuổi đôi mươi, suýt bị chết vùi tại “Đồi 37”. Sau đó, đơn vị anh còn tiến sâu hơn về phía Nam, rồi anh được sang Liên Xô học và trở thành giảng viên Học viện quân sự Đà Lạt, về hưu với hàm đại tá… Anh chỉ nói qua bước đường “thăng tiến” của mình bởi những kỷ niệm đồng đội ấm lòng và ấn tượng xót xa không thể nào quên tại “Đồi 37” đang xốn xang trĩu nặng tâm tư chúng tôi. Trong một quán cà phê yên tĩnh bên hồ Xuân Hương mơ mộng chưa tan hết sương sớm, anh Hòa nói, giọng thủ thỉ như với... tình nhân:
- …Đêm đó, hai chiến sĩ cùng trung đội với tôi hy sinh là cậu Sơn và Tư… Mấy đêm sau, tôi cùng anh em tiếp tục lên tuyến giúp C759 bới xác các liệt sĩ chưa tìm ra. Bom “tọa độ” lúc lúc lại trút xuống, các liệt sĩ lại bị vùi sâu thêm… Đêm tìm ra cô Thường mà anh viết trong sách đó, tôi cũng ở bên cạnh, túm cánh tay cô kéo lên thì áo đã mủn hết… Sau khi trên điều C759  về giữ đường bên sông Gianh, đơn vị tôi còn gay go hơn ở ki-lô-mét 39 trên Cha Lo…
- Sao anh không viết, kể lại cho nhiều người biết?... Thế Tiểu đoàn 2 có ai được phong Anh hùng không?  
- Có. Đồng chí Hoàng Hữu Thanh, quê Đô Lương, cùng Đại đội 6 với tôi…
- Thế nay anh ấy ở đâu?
Tôi ngắt lời, vội hỏi và đã nghĩ là sẽ tìm gặp người Anh hùng chưa biết mặt từng chiến đấu với mình trên một con đường, nhưng giọng anh Hòa bỗng trở nên buồn hẳn:
- Anh ấy đã hy sinh năm 1972, khi đơn vị được điều vô Quảng Trị… Còn đồng chí Tư, cũng quê Đô Lương, chúng tôi đưa về an táng tại La Trọng, nhưng sau đó đơn vị di chuyển, mà có khi mộ lại bị bom vùi mất nên mãi đến nay chưa tìm được anh ạ…



Tác giả (bên phải) và Hòa - nhân vật trong bài báo, tại Đà Lạt.

Chúng tôi ngồi lặng một lúc và bỗng cảm thấy vị cà phê trở nên đắng chát. Lát sau, tôi nhắc anh Hòa xem lại trang sách kể chuyện đoàn làm phim “Khúc tráng ca Đồi 37” bất ngờ tìm ra mộ hai liệt sĩ Nguyễn Thị Thường và Cao Xuân Châu tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Minh Hóa xa vắng dưới chân dãy Trường Sơn trong một trưa nắng cháy mùa hè 2009.  Sau trận “Đồi 37”, cả hai liệt sĩ cũng được an táng tại thung lũng La Trọng, nhưng rồi thất lạc…
 Anh Hòa bỗng đứng lên, giọng đã vui hơn:
- Tôi nhớ ra rồi. May chi tìm ra cậu Tư tại Nghĩa trang Minh Hóa. Tôi sẽ gọi điện cho anh Thưởng. Anh ấy là chính trị viên tiểu đoàn. Tháng 11 này, chúng tôi họp mặt cựu binh Tiểu đoàn 2, sẽ tiếp tục đi tìm mộ cậu Tư.…
Tôi chia tay anh Hòa với món “quà” quý là hai bức ảnh chụp đại đội TNXP 759 ngay trước khu nhà-hầm dựng trên sườn núi gần “Đồi 37”. Giọng anh Hòa nghe đã vui vui: “Tôi được kết nạp Đảng tại trận, ngay tại gốc cây khế đó anh ạ…” Tấm ảnh có tuổi thọ hơn nửa thế kỷ, nhìn không thật rõ, nhưng với người cựu binh từng sống chết với đường 12A thì mỗi mô đá, gốc cây vẫn như in trong tim óc mình …
Thế là vừa tròn 1 tháng đã qua! (*) Lại đến ngày “3 tháng 7” rồi đó anh Hòa ơi! Còn 4 tháng nữa, các anh mới có thể tìm đến Nghĩa trang Minh Hóa xa xôi. Tôi bỗng nghĩ, biết đâu sẽ có người đọc bài báo này, lặng lẽ dò tim nơi các bia mộ ở Nghĩa trang Minh Hóa và bất ngờ phát hiện ra tên liệt sĩ Tư hy sinh ngày 3/7/1966… Như thế một gia đình ở Đô Lương sẽ nhận được tin. Chẳng biết có nên gọi là tin vui không? Và còn biết bao nhiêu gia đình liệt sĩ trên đất nước đã chịu quá nhiều đau thương này vẫn chưa biết con cháu mình năm nơi đâu?...
 

(*) Bài viết năm 2017. Đầu năm nay, anh HÒa cùng các cựu binh Tiểu đoàn 2 đã trơ lại thăm “Đồi 37” và đường 12A. Rất tiếc là vẫn chưa tìm được mộ anh TƯ….

tin tức liên quan