Ký ức về con đường huyền thoại của một thương binh

Ngày đăng: 02:51 13/07/2018 Lượt xem: 800


------------------------------------------------------------------
Ký ức về con đường huyền thoại của một thương binh

 
         (Công lý) - Mỗi lần đặt chân lên đường Trường Sơn, tức đường mòn Hồ Chí Minh, tôi vừa thấy ngưỡng vọng, vừa cảm phục trước công sức của cha ông ta đã đổ ra trong suốt gần 6.000 ngày đêm, dưới làn mưa bom bão đạn của quân thù để làm nên con đường huyền thoại.Niềm cảm phục đó đã thôi thúc tôi đi tìm gặp lại một nhân chứng lịch sử đã từng chiến đấu trên con đường huyền thoại ấy.  

         “Máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”

         Trong căn phòng ngập tràn những kỷ vật chiến tranh ở đầu đường Láng (Đống Đa, Hà Nội), tôi được thương binh Nguyễn Thanh Hà (C4 Bộ binh, BT 34, Đoàn 559), một trong những người chiến sỹ trẻ nhất Trường Sơn năm xưa kể về những năm tháng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Những câu chuyện ấy, chẳng khác gì một cuốn phim đầy bi tráng.

         Ông Hà kể, ngày 19 tháng 5 năm 1959, thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn 559 (Binh đoàn Trường Sơn) chính thức được được giao nhiệm vụ khai mở đường Trường Sơn nhằm kịp thời chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Bắt đầu từ Khe Hó (Quảng Trị), con đường băng qua những cánh rừng trên dải Trường Sơn, vươn tới nhiều chiến trường trên mặt trận phía Nam.

         Tính đến ngày Việt Nam hoàn toàn thống nhất, toàn bộ tuyến đường Trường Sơn vừa được xây dựng, vừa thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, cung cấp binh lực, lương thực và vũ khí khí tài để chi viện cho chiến trường miền Nam trong suốt gần 6000 ngày đêm không ngơi nghỉ (từ năm 1959 - 1975). Và, cũng trong 16 năm đằng đẵng ấy, các lực lượng công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn gồm khoảng 120.000 người đã đổ không biết bao mồ hôi, xương máu để “san núi, bạt rừng” làm nên mạng đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Đông với Tây Trường Sơn, vươn tới các chiến trường, với tổng chiều dài gần 20.000km…

Ký ức về con đường huyền thoại của một thương binh

Cựu binh Nguyễn Thanh Hà: “Đường Trường Sơn là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết, ý chí chiến đấu của toàn dân tộc” 

         Song, nếu chỉ nhìn vào những con số thống kê khô khan ấy, khó có thể thấy những kỳ tích của con đường Hồ Chí Minh lịch sử, những chiến công của lớp người đã sống, chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Có lẽ, ít có con đường nào trên thế giới mà khi thi công phải hy sinh, mất mát quá nhiều người và của đến như thế. Hơn 20.000 bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông đã hy sinh (vì bom đạn, sốt rét, phù tim, phù phổi, kiết lỵ, trụy tim mạch, suy kiệt… vì quá gian khổ); hơn 30.000 người bị thương (chưa kể các di chứng nặng nề của chất độc da cam và dioxin...); khoảng 14.500 xe - máy các loại, hơn 700 khẩu súng pháo bị hư hỏng; hơn 90.000 tấn hàng hóa bị đánh cháy…

         “Do phải đảm bảo yêu cầu tuyệt đối bí mật, an toàn, nên phần lớn đường Trường Sơn đều được mở xuyên qua những cánh rừng rậm rịt thâm u, ở những nơi không có gì ngoài đá, đá điệp trùng, đá cao vòi vọi, rồi lại còn cầu cống, lại còn những suối sâu, vực thẳm, hang hốc cứ rải đường xếp đá xong là sụt xuống như một thách thức ngoài sức chịu đựng của cơ bắp con người. Cho nên, con đường ấy, cần phải được hiểu đó là thành quả, là biểu tượng khả kính của sức mạnh đoàn kết, ý chí chiến đấu của toàn dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, ông Hà chia sẻ.

         Ước tính, trong suốt các chiến dịch từ năm 1965 đến năm 1972, Mỹ đã huy động khoảng 733.000 lượt máy bay các loại, thực hiện khoảng 152.000 trận oanh kích; trút xuống tuyến đường Trường Sơn gần 4 triệu tấn bom đạn nhằm phá nát mạng lưới giao thông quân sự chiến lược này. Nhưng, dù hiểm nguy gian khó, các lực lượng công binh hỏa tuyến mà chủ lực là những người lính Binh đoàn Trường Sơn vẫn kiên cường bám trụ, giành giật từng mét đường với quyết tâm: “Máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”.

         Chính vì thế, giờ đây trên từng cung đường, từng ngọn núi, con sông trên đường Trường Sơn đều gắn liền với biết bao huyền thoại về những người lính anh hùng, địa danh nào cũng là mảnh đất thiêng rực lửa. Và hơn thế, lịch sử khai sơn phá thạch làm đường Trường Sơn cũng đã lưu cho mai hậu rất nhiều khu nghĩa trang liệt sỹ, trong đó có “Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn” ở Quảng Trị với hơn 10.000 nấm mộ. Nơi đó, phần lớn để chôn cất, tưởng nhớ những người đã ngã xuống cho con đường dài gần 20.000 km được khai sinh. Trên văn bia, còn khắc đậm dòng chữ: "Năm tháng sẽ trôi qua, những đóng góp của bộ đội đường Hồ Chí Minh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến vào cuộc chi viện cho các chiến trường sẽ mãi mãi được ghi vào trang sử oanh liệt của dân tộc ta, của quân đội ta như một thiên anh hùng ca bất tử...".

         Khúc tráng ca về tinh thần quả cảm

         Ông Hà kể: “Thời bấy giờ, Khe Sanh, Quảng Trị là chiến trường ác liệt nhất. Bởi, trong bản đồ quân sự của Mỹ, Khe Sanh chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng, nó như cái "mỏ neo", từ đây có thể uy hiếp đường Hồ Chí Minh và bảo vệ vùng I chiến thuật. Đây là trung tâm chỉ huy của Hàng rào điện tử McNamara mà Mỹ đang xây dựng nhằm cắt đứt đường Hồ Chí Minh, tuyến đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Chính vì thế, Mỹ tập trung rất đông quân lính ở đây, có những lúc lên đến gần 7.000 quân tham chiến”.

Ký ức về con đường huyền thoại của một thương binh

Suốt trong những năm tháng chiến tranh, các lực lượng công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến ở đường Trường Sơn luôn đặt quyết tâm: “Máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”

         Để tránh bom, những lái xe chuyên chở vũ khí trong các đơn vị vận tải thường chỉ chạy khi trời tối, cao điểm là lúc gần sáng. Đó là thời điểm các máy bay ném bom của Mỹ trở về căn cứ. Cứ thế, trong suốt 16 năm, hệ thống hậu cần đường Trường Sơn đã vận chuyển được hơn một triệu tấn hàng, vũ khí vào cho các chiến trường, bảo đảm hành quân cho hơn hai triệu lượt người vào chiến trường hoặc từ chiến trường ra Bắc; vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào chiến trường…

         Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, đường Trường Sơn, con đường đánh dấu một bước phát triển sáng tạo về khoa học, nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân, đã kết thúc nhiệm vụ lịch sử của mình sau 16 năm oanh liệt. Nó như một khúc tráng ca về tinh thần quả cảm của tuổi trẻ Việt Nam thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

         Sau chiến tranh, con đường huyền thoại ấy lại gánh vác một sứ mệnh vô cùng to lớn trong công cuộc tái thiết đất nước. Nó là chiếc cầu nối, kéo những bản làng xa xôi gần lại với đồng bằng và phục vụ thiết thực công cuộc phát triển kinh tế, ổn định đời sống vùng sâu, vùng xa; giúp những đồng bào muôn đời muôn kiếp sống sau điệp điệp núi cao và mây mù dần tiếp xúc với cuộc sống văn minh. Đồng thời, con đường cũng góp phần đánh thức, giác ngộ nhiều miền đất mẹ mênh mông bị khuất lấp trong đói nghèo, lạc hậu từ thuở hồng hoang.

         Tháng 5 năm 2000, hệ thống đường Trường Sơn bắt đầu được nâng cấp hiện đại, từ biên cương tột Bắc đến mũi Cà Mau, với tên gọi Đường Hồ Chí Minh. Từ đây, những người lính, công nhân thời bình lại tiếp nối truyền thống cha ông, ngày đêm đi bạt núi, san đèo nối dài đất nước. “Con đường máu” ngày xưa đã trở thành trục giao thông huyết mạch trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, mở  hướng khai thác tiềm năng kinh tế ở nhiều vùng rộng lớn.

         Nhiều cung đường mới đã được mở ra, nhiều địa danh xưa kia là rừng thiêng nước độc, suối sâu, đèo cao nay đã là con đường bằng bê tông uốn lượn vắt vẻo qua từng dãy núi. Nhiều bảo tàng được xây dựng, với các lán trại, hầm hào chiến đấu tái hiện lại thời binh lửa để phục vụ những du khách muốn hoài niệm, tìm hiểu về chiến trường xưa, như là một gạch nối giữa quá khứ và hiện tại. Những thôn xóm hiền hòa, những núi non hùng vĩ, những thị trấn, thị tứ với nhà cửa san sát còn tươi màu sơn mới…, tất cả như báo hiệu hơi thở cuộc sống hiện đại, no ấm đang tràn về trên các bản làng dọc theo hai bên đường quốc lộ.

         Ngay ở những nơi nổi tiếng sơn lam chướng khí mà suốt mấy chục năm chìm lút trong bom đạn chiến tranh, giờ đây, khi có đường Hồ Chí Minh chạy qua cũng đã thay da đổi thịt hàng ngày. Con đường đã kích thích kinh tế tại một số xã vùng xa xôi hẻo lánh, đồng bào đã biết học hỏi làm ăn, cuộc sống không còn khốn khó. Và, trong mấy năm gần đây, suốt dọc con đường mang tên Bác, đã mọc lên rất nhiều khu công nghiệp, nhà máy giúp giải quyết việc làm cho hàng ngàn, hàng vạn lao động nông thôn, góp phần xoá đói giảm nghèo…

         Đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh, cái tên đã đi vào lòng dân tộc như sự trường tồn, hùng vĩ, ngoan cường của tinh thần yêu nước; nơi lưu giấu muôn vàn ký ức về những con người hy sinh cho Tổ quốc. Giờ đây, Trường Sơn anh hùng không chỉ là ký ức trong tâm tưởng mà nó còn luôn hiện hữu trong từng hơi thở cuộc sống, trong từng bước phát triển của đất nước.

Nam Hoàng
Phạm Sinh st Theo Công lý


tin tức liên quan