Vài kỷ niệm trên tuyến lửa Trường Sơn

Ngày đăng: 03:08 13/07/2018 Lượt xem: 4.378
Vài kỷ niệm trên tuyến lửa Trường Sơn

Vài kỷ niệm
trên tuyến lửa Trường Sơn

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại. Vài mẩu chuyện dung dị thời mười tám, đôi mươi của người trong cuộc sẽ khơi lại phần nào ký ức một thời hào hùng. Mỗi câu chuyện có thể là một bài học chuẩn bị về yếu tố con người và phương tiện để làm lên những huyền thoại trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

           Trên đường nhập “tuyến lửa”

         Những ngày cuối năm 1971, trời rét buốt. Sau trận lụt lịch sử, nhiều xóm, làng miền Bắc xơ xác. Những ngọn tre phất phơ trong giá lạnh. Trái với cảnh đất trời, trong lòng mọi người nóng bỏng, sục sôi, chuẩn bị cho những trận đánh lớn ở cả hai miền Nam, Bắc. Thanh niên khắp nơi náo nức tòng quân. Từng đoàn tàu, xe hối hả lên đường. Đoàn xe mười lăm chiếc “Zin ba cầu” vừa “bóc tem” của chúng tôi luồn rừng Yên Thế (Bắc Giang), cõng “rồng lửa” xuôi về Nam.

Văn công biểu diễn trên đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu

         Giao nhiệm vụ trước hàng quân, anh Thụ tiểu đoàn phó nhắc nhở chúng tôi phải giữ bí mật tuyệt đối, đây là “thứ” lần đầu tiên đưa ra sử dụng trong chiến trường (tên lửa phòng không vác vai A-72).

         Khi các chiến sỹ lái xe và trắc thủ trở về xe của mình, anh Thụ gọi tôi ở lại. Anh nhìn tôi hồi lâu tỏ vẻ ái ngại. Anh nhỏ nhẹ hỏi: “Mỗi vừa ra trường, chắc chưa lái xe một mình một xe phải không?”. “Em lái được rồi ạ”. Tôi tự tin trả lời. Chả là, ở giai đoạn cuối học tập ở Trường lái xe 255, tôi đã cùng cả đại đội, mỗi người lái một xe, nhận từ Lạng Sơn đưa vào Binh trạm 14 ở Quảng Bình, cả thảy được ba lần như vậy. Sau những lần vừa học vừa “tự lái” ấy, chúng tôi đã trở thành chiến sỹ lái xe thực thụ mặc dù chưa ra trường. Có lẽ, anh thấy tôi quá “bột”, người trắng trẻo, thanh mảnh chưa vương chút phong trần. Hơn nữa, ngoài việc cõng mười tám “rồng lửa”, trên xe tôi còn có cả một số trắc thủ và một tổ điện đài 15 oát. Như thế anh sợ xe tôi “quá tải” chăng?

         Vào một buổi chiều, xe tôi vừa lăn bánh xuống phà sông Gianh, hai máy bay đen trũi bay là là trên mặt sông, từ hướng biển vào, vội cắt bom ở bờ nam. Những cột nước dựng đứng. Phà bờ bắc chao đảo. Pháo cao xạ đôi bờ nổ ran. Mọi người trên phà vẫn bình thản. Có lẽ ai nấy đã quá quen với cảnh như vậy rồi.

         Chiều tối, chúng tôi dừng lại gần một làng quê nam bờ sông Gianh để thay ngụy trang và đi bộ vào làng nấu cơm nhờ ở một gia đình. Mâm cơm vừa dọn ra, gần chục đứa trẻ áo quần phong phanh, mặt mũi tái mét ở các nhà bên kéo đến vây quanh. Chúng tôi lấy cơm cho các em. Nhìn chúng ăn, nghĩ rằng có lẽ lâu lắm rồi các em mới được bát cơm. Hồi ấy, Hải Dương quê tôi cũng còn nghèo lắm, nhưng vẫn không đến nỗi đói, rét như những em bé ở tuyến lửa này.

         Ăn tạm bát cơm còn lại, anh em vội lên đường để kịp vượt “trọng điểm”. Chặng đầu hành quân của chúng tôi diễn ra nhanh chóng và an toàn. Cái khó nhất mà tôi phải khắc phục mấy ngày đó là: Ăn xong, hai mi mắt nhíu lại, chân tay rã rời, thế mà lại lên xe “cầm lái” đi ngay. Thật là một cực hình. “Bệnh” buồn ngủ ngay sau bữa ăn của tôi từ hồi bé, chẳng thế việc nhà giúp mẹ ngại nhất là ăn xong phải rửa bát.

         Đêm đầu tiên ở vùng “chảo lửa”

      Vùng chảo lửa mà chúng tôi phải vượt qua là đoạn đầu của đường 20 Quyết Thắng. Nó là yết hầu của tuyến lửa Trường Sơn. Đây là những “liên hoàn trọng điểm”, địch đánh phá ác liệt với đủ loại vũ khí hiện đại nhất hồi bấy giờ.

         Lợi dụng pháo sáng của địch, chúng tôi tăng tốc độ xe. Tối ấy chúng tôi vượt qua các trọng điểm Trà Ang, UBò, Cà Roong, A Ky… ở Tây Nam Quảng Bình giáp biên giới Việt - Lào mà không bị dính bom, đạn.

         Xe chúng tôi được dẫn đến giấu kín ở khu rừng già rậm rạp. Tin có văn công biểu diễn lan nhanh khắp đội hình. Đang đói và mệt, nhưng ai nấy đều háo hức đi xem. Mọi người xách lương khô đi cùng, để vừa xem vừa ăn. Vở chèo “Anh lái xe và cô chống lầy” do văn công Trường Sơn biểu diễn đã làm cánh “xế trẻ” chúng tôi phấn chấn. Cứ như họ đang nói với chúng tôi về những điều ngày mai, ngày kia chúng tôi sẽ gặp phải ở các chặng đường phía trước.

         Đêm khuya. Dưới tán lá rừng, cánh võng dù chao liệng. Những vì sao trên bầu trời đung đưa. Tôi chìm sâu trong giấc ngủ. Trời đất bỗng đổ sập. Ánh chớp xanh lè nhằng nhịt. Ngực tức nhói cứ như núi đá đè. Không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy, nằm cách võng vài mét. Tai ù đặc và rỉ máu. Khói đen nồng nặc. Công binh ùa đến cùng với võng, cáng, cuốc, xẻng… Lúc ấy tôi mới biết rằng, chúng tôi đã bị “dính” bom B52. Hai người bị thương, ba xe bị hư hỏng. Lúc này, tôi càng hiểu hơn bài học: Khi đi hoặc khi đỗ xe phải cách xa nhau ít nhất 50 mét.

         Sáng sớm hôm sau, người đau ê ẩm, vẫn đang ở trạng thái “không trọng lượng”, chúng tôi khẩn trương củng cố lại xe và tập trung đón chính ủy binh trạm đến thăm hỏi, động viên. Chỉ vài lời ngắn gọn nhưng Chính ủy Binh trạm 14 Đinh Văn Tốn đã tiếp cho chúng tôi thêm sức mạnh. “Xe có thể bị cháy nhưng rồi sẽ được trang bị lại. Tinh thần tư tưởng bị cháy thì không ai trang bị lại được, nên các đồng chí cố gắng đừng để tinh thần và tư tưởng bị cháy. Chiến trường đang mong các đồng chí từng giờ”. Tôi nhớ mãi lời dặn dò ấy suốt trong những năm tháng ở Trường Sơn.

         Để chuẩn bị vượt “cửa tử” chúng tôi chuẩn bị khá kỹ càng. Lá xanh ngụy trang phải dỡ xuống, thay vào đó là cành cây cháy xém. Màu xanh của xe được trát một lớp đất bột lấy từ hố bom lên, hai bên thùng xe buộc kẹp bốn “đà trượt” bằng cây rừng. Trên người áo giáp, mũ sắt nai nịt gọn gàng. Bài học về ngụy trang và gia cố xe như thế chúng tôi chưa được học ở trường. Lúc đầu bỡ ngỡ nhưng rồi cũng làm được. Ban ngày đứng cách xa trăm mét khó mà phát hiện được xe mình ở chỗ nào. Khoảng sáu giờ chiều, đoàn xe chúng tôi được “bẻ ghi” đi vào cung đường kín men theo “chảo lửa A.T.P” (cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích thuộc đất Lào), nơi địch vừa dội bom lúc chiều gây tắc đường chưa khắc phục được. Xe đi trên đường ngập nước dưới lòng suối, trên là cây xanh phủ kín, cũng có lúc phải vượt những đoạn đường “chết” chỉ còn cây cháy, đất đá như bột. Lúc đầu ham đi nhanh nước té vào “bugi” máy chết liên tục. Đi được khoảng mười lăm cây số đường ngầm này, rồi cũng có kinh nghiệm. Nhưng hai cánh tay như rời khỏi vai vì mặt đường ngầm suối đá, gồ ghề, nham nhở.

         Vận chuyển “cấp cứu” Kon Tum

         Cuối mùa khô năm 1971-1972 (từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 6 năm 1972) ta mở chiến dịch tiến công quy mô lớn trên Mặt trận bắc Tây Nguyên, trong đó có cụm phòng ngự Thị xã Kon Tum, Đắc Tô, Tân Cảnh. Từ ngã ba Đông Dương (Phi Hà) hướng Kon Tum, nơi đây địa hình hiểm trở, đường hẹp, nhiều dốc và trơn lầy, địch tập trung đánh phá ác liệt. Cả tiểu đoàn ô tô vận tải của tôi (Tiểu đoàn 58, Binh trạm 37) dốc sức ngày đêm đưa “hàng” vào “cấp cứu” đến tận các đơn vị tham gia chiến dịch. Xe ba cầu của Trung Quốc (xe CA30) không sao vượt được các đoạn đường này vì máy yếu, hộp số rơi rụng dọc đường. Chỉ còn lại những chiếc xe ba cầu của Liên xô (ZIN157) còn chịu đựng được. Mới đầu tháng 4, trời đã mưa tầm tã. Mọi người cứ thắc mắc: “Sao năm nay mưa sớm và dữ dội như vậy”? Sau này khi đọc các tài liệu tôi mới biết lúc ấy địch gây mưa nhân tạo cùng với bom đạn để ngăn chặn hoạt động vận chuyển tiếp tế của ta. Thường chỉ một ngày đêm đạt một chuyến xe trên cung đường 100 cây số, nay phải ba ngày đêm mới hoàn thành được. Có đêm xe chỉ nhích được vài cây số. Xe cháy, đồng đội hy sinh, không khí ngột ngạt, căng thẳng.

         Dùng ô tô kéo xe tăng bị sa lầy

        Vừa “đánh” xe ra khỏi “mang cá” để đi về hướng Kon Tum, anh Hiếu, Trung đội trưởng ra lệnh cho xe quay lại để đi cứu kéo. Ngược đường được hơn hai cây số, thấy bốn xe tăng T54 đang gầm rú tuyệt vọng, chìm dần xuống đoạn đường rải “rông đanh”. Hai xe DIN 157 đầu tời của chúng tôi đấu lại, lần lượt kéo từng xe vượt khỏi chỗ lầy. Cánh lính xe tăng sung sướng ôm chặt chúng tôi và hẹn gặp nhau ở nơi “đấu xe, đấu pháo” với địch. Thật là lạ, thường thì xe xích kéo xe hơi, nay thì ngược lại. Chúng tôi vượt lên trước và rẽ sang một đường khác. 

         Xe bị lật nhào do chủ quan

        Vượt qua đèo Ang Bun, chúng tôi phải vượt một ngọn đèo khác không cao như Ang Bun nhưng đường vừa làm gấp, dốc tức và trơn trượt. Anh Thanh đi cùng xe tôi “đòi” cầm lái. Anh nắm rõ khu vực này hơn tôi. Mặc dù đang thiếu lái xe nhưng trung đội vẫn bố trí một “tài già” đi cùng để tránh lặp lại chuyện buồn của mùa khô năm trước. Anh Thanh kể rằng: “Hai chiến sĩ lái, mới nhập tuyến vào đơn vị chưa quen “cung độ” đã đi lạc vào trận địa của địch và bị bắt, một người là đảng viên bị chặt đầu treo ở sườn đồi mà xe chúng tôi đi qua để “khủng bố”. Người còn lại bị chúng đưa lên trực thăng bắc loa kêu gọi anh em Tiểu đoàn 58 “quay về với chính nghĩa quốc gia”.

        Xe bò từ dưới suối lên, tôi thấy anh đi số 2 và không gài “số phụ”. Trên xe cõng bốn tấn rưỡi gạo có ít đâu! Tôi lo lắng nhắc anh (vì tôi hiểu tính nết cái xe của mình hay nhảy về số “mo” nếu không gài số phụ khi lên dốc). Anh Thanh cao giọng: “Chú mày yên trí, anh là tài Tầu đấy” (lái xe học ở Trung Quốc về). Leo đến gần đỉnh dốc dài hơn 200m, xe “lịm máy”, anh giảm về số 1. “Không được rồi! Xe tụt dốc. Phanh chân, phanh tay hết cỡ mà nó cứ trôi lùi băng băng. Mìn lá dưới bánh xe nổ chát chúa. Anh Đón y tá định mở cửa nhảy xuống, tôi túm áo anh kêu: “Đóng cửa chặt lại!”. Bài học về mở cửa xe nhảy xuống khi xe tụt dốc ở tiểu đoàn tôi đã phải trả bằng một sinh mạng. Bỗng tôi thấy người lộn nhào, quay tròn, một thoáng không cảm giác. Xe lật nhào mấy vòng. Cả xe và gạo lọt thỏm dưới đáy hố bom dù, miệng rộng hàng chục mét. Hoàn hồn, chúng tôi ra khỏi buồng lái. Anh Đón lấy súng AK “xổ” 5 phát một. “Sao lại bắn 5 phát?”, “Chúng mình có ai chết đâu?”. Tôi nói vậy (trên tuyến hiệu súng 5 phát là báo có tử sĩ). Hơn chục phút sau, gần một tiểu đội công binh dùng xe đẩy có tấm chống bom vướng, phạt cây rừng mở lối đến chỗ chúng tôi đang ngồi chờ. Họ mang theo cả vải liệm! Bàn giao xe và gạo lại cho “cánh” công binh giải quyết, chúng tôi quay về nhận xe khác. Tôi được biết, số gạo ấy ngay chiều hôm đó đã được một đơn vị bộ binh hành quân qua khuân hết cả.

Trong Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Phú Quý

         Xẻ “ray” cho xe lăn xuống dốc

        Đoạn đường vào kho của đơn vị tham gia chiến dịch vừa dốc vừa trơn trượt, nguy hiểm. Ba xe của đại đội tôi đã đè chồng lên nhau ở đoạn “cua” gần chân dốc khi xuống. Chúng tôi dừng xe trên đỉnh, nổ 3 phát súng báo hiệu tắc đường. Công binh kéo đến. Chúng tôi yêu cầu xẻ hai rãnh làm “ray” trùng với vết xe lăn từ đỉnh dốc xuống, đến chỗ “cua” đào sâu hơn và lót cành cây để tăng sức cản. Xe được gài số thấp và cầu trước, không sử dụng phanh, lăn từ từ xuống chân dốc. Hiệu quả rõ rệt. Đội hình xe còn lại lần lượt vượt qua. Tưởng chừng chỉ có tàu hỏa, hoặc tàu điện mới đi trên đường ray, hóa ra ô tô cũng có lúc phải đi trên đường ray, nhưng mà “ray…đất”.Gặp đồng đội đói lả trên đường chiến dịch, càng thêm quyết tâm

         Đã hơn 2 tháng, không ngày đêm nào được chợp mắt. Quần quật rong ruổi suốt nẻo đường chiến dịch. Tin tức về hệ thống phòng thủ Đắc Tô, Tân Cảnh của địch bị quân ta đập tan làm nức nòng mọi người, xua đi phần nào mệt mỏi.

         Những ngày cuối tháng 5 đầu tháng 6 năm 1972, địch càng bắn phá dữ dội, ngăn chặn các ngả đường về thị xã Kon Tum. Bom từ trường “định lần” thả khắp các trọng điểm. Máy bay AC-130 quần thảo từ tối đến sáng. Các xe đã bị cháy, hư hỏng dọc đường từ trước, chúng nghi ngờ bắn lại tất cả. Độ chính xác đến kinh ngạc. Chẳng thế mà có đêm đội hình tám xe của chúng tôi đều bị nó “vồ” được, bắn nát đầu, cháy rụi, mặc dù chúng tôi đã dừng lại và giấu kín trong các “mang cá”.

        Trên đường từ các trận địa quay ra để lấy “hàng”, tôi gặp la liệt đồng đội mắc võng bên rìa đường. Vài anh em còn chút hơi sức nhảy lên thùng xe vét từng hạt gạo, hạt muối lẫn đất cát còn rơi rớt dưới sàn xe cho vào túi gùi. “Chết nhiều! Người còn sống lại chẳng có gì bỏ miệng mấy ngày nay rồi! Chúng tớ “quay” ra đây”. Một anh nói vậy và tự giới thiệu: “Chúng tớ người Hải Hưng, Nam Hà, Thái Bình đủ cả”. Trong đầu tôi vọng lại câu ca hay đùa cợt: “Nam chuồn, Hà lủi, Thái Bình bay, Hải Hưng anh dũng trốn ban ngày…”. Đây có lẽ là những hình ảnh thực của câu ca ấy. Nhưng cứ không có ăn, đói lả thế kia thì làm sao trụ nổi trên đời này, chưa nói gì đến đánh đấm nữa. Gặp cánh lính “pháo trời” và “pháo đất” họ cũng giục chúng tôi đưa nhanh đạn và gạo vào, không thì bó tay cả. Chúng tôi kỳ kèo lại: “Các ông phải tìm cách hất thằng AC-130 lên cao và bịt miệng “lũ pháo bầy” của địch lại cho chúng tôi được nhờ. Không thì vào xe nào nó lại xơi tái xe ấy.

         Xe nào vào được các trận địa khi quay ra lại chở thương binh. Không khí căng thẳng, bi thương bao trùm. Nhưng thật kỳ lạ, cả tiểu đoàn xe chúng tôi không một người nào ngơi tay, chùn bước mà còn hăng hái hơn. Kể cả anh Quân, anh Hội (Hà Tây), anh Phúc (Thái Bình), anh Toại (Hải Hưng)… đang sốt rét, áp-xe mông sưng tấy, chân tay run rẩy vẫn bò lên buồng lái để đưa xe theo đội hình.

         Một lần từ phía Tân Cảnh quay ra đến phía tây chân đèo Ang Bun, tôi thấy đầu óc lơ mơ, chỉ kịp dúi xe vào vệ đường, rồi không biết gì nữa. Tỉnh dậy thấy mình nằm trong một căn hầm của đơn vị công binh bên bờ suối. Ngồi cạnh tôi là anh Thiên Đại đội phó Đại đội 2 công binh. Anh nói là: Cõng tôi từ buồng lái về căn hầm này để cấp cứu. Tôi bị ngất do kiệt sức vì đã năm, sáu ngày liền không nuốt nổi miếng cơm, vì những cơn sốt rét. Thứ duy nhất duy trì “sức chiến đấu” là nước đậu xanh ninh với đường, đựng trong bi-đông tu dần, nhưng đã hết từ hôm trước. Anh Thiên cùng một người nữa thay nhau chăm sóc tôi. Những bát cháo cá suối nóng hổi làm tôi hồi phục nhanh chóng. Hơn hai ngày sau, tôi trở về đến đơn vị nhận lại xe rồi tiếp tục lên đường cùng tiểu đội. Gần 40 năm, trong ký ức của tôi vẫn in sâu đậm khuôn mặt hốc hác, đen sạm, môi thâm suộm, chỉ còn ánh mắt long lanh trìu mến dỗ dành tôi cố ăn hết bát cháo. Sau này tôi được biết, anh Thiên là người có những chiến công oanh liệt. Có lần anh đã dùng súng B41 hạ gục hai máy bay trực thăng chở quân địch đổ bộ, giải tỏa cung đường để chúng tôi được an toàn.

         Gặp lại đồng đội thuở ấy

        Hằng năm, Tiểu đoàn 58 Anh hùng của chúng tôi trên tuyến đường Trường Sơn năm ấy vẫn gặp nhau ở Hội trường Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội. Các thủ trưởng tiểu đoàn đã lên chức cụ cả rồi. Lứa “áp út” như chúng tôi đều đã lên chức ông bà nội, ngoại. Mỗi lần gặp nhau về là giấc ngủ lại sâu hơn, ăn ngon miệng hơn như cụ Lập, Tiểu đoàn trưởng của chúng tôi phát biểu. Cụ Định, Chính trị viên Tiểu đoàn mỗi lần gặp, nắm chặt tay tôi lặp lại không sai một từ khi gặp lần trước: Lứa các cậu thực sự là lính xế tinh nhuệ Trường Sơn. Nó đánh ác liệt như thế mà chẳng đứa nào chết”. “Còn cụ đánh nhau cả với Pháp ở Điện Biên Phủ, rồi đến hàng chục năm ở Trường Sơn mà giờ vẫn đẹp lão như thế!”-Tôi vội chen ngang kẻo các cụ lại chuyển sang chủ đề khác. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 58 phần nhiều học ở trường Tiến Bộ, sau này là Trường 255 (Trường Trung cấp kỹ thuật Xe-Máy) nên ai cũng hỏi han nhiều về trường hiện giờ. Các cụ tỏ ra lo lắng: “Không biết việc đào tạo, huấn luyện còn được như xưa không?”. Vì các cụ bảo: “Mấy đứa cháu của các cụ học ở trường lái xe bên ngoài dân sự có đứa không lái được, có đứa ngồi lên xe của nó mà toát cả mồ hôi vì sự liều lĩnh, cẩu thả của chúng nó. Còn nếu cho chúng nó lái xe đi đánh nhau như thuở chúng ta có lẽ nó bỏ xe mà chạy…”.

         Kỹ năng và bản lĩnh đã giúp chúng tôi sống sót và hoàn thành mọi nhiệm vụ trong những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh. Lứa chúng tôi thuộc thế hệ anh Thạc (liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, tác giả cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi”), lứa tuổi “tài hoa” (báo chí thường nói), học hành chu đáo lại được thế hệ cha anh tiếp lửa, được sống trong khí thế hào hùng của dân tộc: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”. 
 

Đại tá, TS, NGND NGUYỄN VĂN MỖI

PS st Theo Nghĩa tình đồng đội

 

tin tức liên quan