" Càng cảm phục hơn khi đồng đội tôi thêm nghĩa cử trân quý" - Phạm Sinh

Ngày đăng: 07:53 28/07/2018 Lượt xem: 1.016
CÀNG CẢM PHỤC HƠN
KHI ĐỒNG ĐỘI TÔI THÊM NGHĨA CỬ TRÂN QUÝ

Phạm Sinh
 
         Bảo tàng Hậu cần là đơn vị trực thuộc Cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần - Bộ quốc phòng Việt Nam thuộc loại hình lịch sử quân sự chuyên ngành Hậu cần có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, trưng bày, tuyên truyền giới thiệu các tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, phản ánh quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của ngành Hậu cần quân đội trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
         Hưởng ứng công tác vận động, tuyên truyền của Bảo tàng Hậu cần quân đội - Ngày 25 tháng 7 năm 2018 Nữ Chiến sỹ Trường Sơn Trần Thị Chung đã trao bức tranh sơn dầu “Ký ức Trường Sơn” do họa sỹ Đức Dụ họa tặng riêng mình và một số kỷ vật về Trường Sơn mà chị còn lưu giữ đến hôm nay tặng cho Bảo tàng Hậu cần quân đội.
         Giới thiệu đến đây chắc không ít người sẽ hỏi về sự ra đời của bức tranh - Xin thưa vâng! thật đơn giản - Nói đến chị Trần Thị Chung - Ủy viên BCH TƯ Hội Trường Sơn Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Nữ Chiến sỹ Trường Sơn toàn quốc; Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia đình Nữ Doanh nhân Trường Sơn Việt Nam thì chắc không ít người trong và cả ngoài Hội Trường Sơn trong cả nước không biết đến chị về một thời Binh nghiệp. Tròn 16 tuổi Trần Thị Chung đã tình nguyện gia nhập Quân đội, Vào tuyến lửa Trường Sơn chị chỉ là một Chiến sỹ nuôi quân, rồi phấn đấu lên đến cái chức Tiểu đội trưởng nuôi quân… Trong những năm tháng gian khổ ở Trường Sơn với nhiệm vụ của mình Trần Thị Chung luôn say mê nhiệt huyết, sáng tạo và luôn phấn đấu đạt hiệu quả cao trong công việc nên chỉ 1 năm sau ngày nhập ngũ (năm 1973) chị đã được bầu là “Chiến sỹ thi đua xuất sắc” của đơn vị, rồi tiếp đến năm 1974 chị được đặc cách với danh hiệu “ Chiến sỹ quyết thắng” mà lẽ ra phải sau 2 năm liên tục đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua xuất sắc” mới được vinh danh danh hiệu này… Cũng trong năm 1974, tại Đại hội mừng công của Sư đoàn 471 Trần Thị Chung vinh dự được là đại biểu và thật bất ngờ chị - một cô gái mới qua tuổi 17 và chưa đầy 2 năm tuổi quân lại có vinh dự được ngồi trong hàng ghế “ Chủ tịch đoàn” của Đại hội…
         Và đây nữa cả chặng đường dài của sự nghiệp, của sự cống hiến nơi Trần Thị Chung sau ngày rời quân ngũ trở về với đời thường… Những gì chị đã phấn đấu để có được sự vinh danh mà mới chỉ điểm đến hôm nay thôi - Đó là: Nữ Chiến sỹ quyết thắng Trường Sơn; Nữ kiện tướng của “ Ánh sáng từ tâm”; Bông hồng thép Phụ nữ Việt Nam - Trong những cái có ấy của chị nó gói cả một tình yêu và trách nhiệm với Tổ quốc; một tấm lòng nhân ái, nghĩa tình… Nhưng với chị thì chị chỉ thích mình làm việc ấy trong “lặng thầm, không phô trương hình thức…”. Đấy - Sự ra đời của bức tranh là như thế đó.

 

Nữ Chiến sỹ Trường Sơn Trần Thị Chung trao tặng bức tranh “Ký ức Trường Sơn”
cho Bảo tàng Hậu cần QĐ với sự có mặt của Họa sỹ Đức Dụ
( người đứng cạnh Trần Thị Chung)

 
         Với tôi xuất phát từ ấn tượng và cảm phục những gì của một thời Binh nghiệp; một thời tiếp tục phát huy Truyền thống Trường Sơn của người đồng đội cùng Sư đoàn - Trần Thị Chung và cái cảm phục, cái ấn tượng nó được gia tăng thêm từ bức tranh sơn dầu Họa sỹ Trường Sơn Đức Dụ họa tặng Trần Thị Chung để rồi lần ấy tôi đã họa đôi vần tặng “ Cô nuôi quân” ấy:
 
ĐƯA ANH ĐI HÁI MĂNG RỪNG
 
Bao nhiêu kỷ niệm Trường Sơn
Đạn bom cùng với những cơn mưa ngàn
Đói cơm, thiếu muối, gian nan
Nghĩa tình đồng đội ngập tràn thương yêu
 
Nhớ sao ấy một buổi chiều
Cùng em đi hái bấy nhiêu măng rừng
Tay trong tay cứ ngập ngừng
Nghe như em bảo - Ấy đừng buông ra
 
Muốn buông tay ngắt nhành hoa
Cài lên mái tóc nhưng mà khó buông
Mong dài dài mãi đoạn đường
Để tay cứ nắm lời thương ngọt ngào
 
Mai anh cùng chuyến xe vào
Cung đường xa lắc mong sao an toàn
Trong em nỗi nhớ mơn man
Chờ ngày mai lại đón đoàn xe anh
 
Măng kia rừng vẫn để dành
Để mai em lại cùng anh hái về…
 
***
Chung - Người phụ nữ tuyệt vời
Xưa đi cứu nước, nay khơi nghĩa tình
Gương trong ắt đặng tôn vinh
“ Măng rừng” tuyệt khúc(*), họa bình tặng Chung.
----------------------------------------------------
(*) Cảm tác từ bài hát “ Đưa anh đi hái măng rừng” của Nhạc sỹ Hoàng Tạo - Nhớ lại một thời Trường Sơn các chiến sỹ nuôi quân phải vào rừng hái măng và rau rừng để phục vụ bữa ăn cho Bộ đội…
 
         Và hôm nay nhân “sự kiện” Nữ Chiến sỹ Trường Sơn Trần Thị Chung tự nguyện “mang” bức tranh kỷ niệm quý giá của mình hiến tặng cho Bảo tàng Hậu cần quân đội. Qua Trang mạng xã hội (facebook) tôi đã gửi tặng Trần Thị Chung đôi vần vừa là tôn vinh, vừa là động viên - Động viên trong cái “day dứt trăn trở” mang vật kỷ niệm vô giá của riêng mình đi hiến tặng… Nhưng không - Thật tuyệt vời bởi đây là cái hiến tặng đầy ý nghĩa, nó thiêng liêng và nó lớn hơn nhiều cái của riêng mình… Tôi tin Nữ Chiến sỹ Trường Sơn Trần Thị Chung nghĩ như vậy.
  
Hiến tuổi xuân nơi một thuở Trường Sơn
Nay chẳng thiệt hơn - em hiến dâng kỷ vật
“Cô nuôi quân” - Họa về em rất thật (*)
Bảo tích Hậu cần bừng dấu ấn - tên em
-----------------------
(*) Bức tranh “Ký ức Trường Sơn” do họa sỹ Đức Dụ họa tặng Nữ Chiến sỹ Trường Sơn Trần Thị Chung.
 
       
Nữ Chiến sỹ Trường Sơn Trần Thị Chung trao tặng một số kỷ vật
một thời Trường Sơn cho Bảo tàng Hậu cần Quân đội
 


tin tức liên quan