Ngày ấy tôi đã vượt Trường Sơn vào Binh trạm 36 - Hồi ức của Nguyễn Thị Kim Quy
Ngày đăng:
05:17 04/08/2018
Lượt xem:
5.031
Ký ức Trường Sơn
NGÀY ẤY TÔI ĐÃ VƯỢT TRƯỜNG SƠN VÀO BINH TRẠM 36
Y sĩ Trường Sơn Nguyễn Thị Kim Quy. (Ảnh chụp cuối năm 1971 tại Quảng Bình).
Một ngày của tháng 5 năm 1968, tôi chào chia tay các bạn đồng nghiệp y sĩ ở lại Khe Hó cửa ngõ vào Nam Trường Sơn. Địa điểm này gần Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh 559 ở Na Bo, gần ngã ba đường 9 ở Mường Phìn, Savanakhet, Lào. Chúng tôi biết, các bạn của tôi ở lại công tác ở Cơ quan đoàn bộ có cơ hội được gần Chính ủy Vũ Xuân Chiêm và Tư lệnh trưởng Đồng Sĩ Nguyên.
Hơn 20 y sĩ chúng tôi còn lại được phân công vào tiếp cuối tuyến đường của Bộ Tư lệnh 559. Chúng tôi tiếp tục hành quân trong niềm vui phơi phới. Đường giao liên ngày ấy đèo dốc, hành quân vô cùng khó khăn, ăn uống lại rất gian khổ, nhưng chúng tôi không một lời kêu ca. Đội hình hành quân và nhất là những lúc ngồi nghỉ giải lao chỉ thấy tiếng cười. Tiếng cười trong trẻo của những cô gái đôi mươi như chúng tôi.
Sau gần 2 tháng hành quân vất vả chúng tôi đã vào tới Binh trạm 35 và 36 vừa được tách ra ở Tuyến 3. Ngày ấy địa bàn hoạt động của hai binh trạm này tỉnh Saravan và Tàvenoọc, Nam Lào. Chúng tôi nhớ ngày ở Cự Nẫm, Quảng Bình, các Mạ (Mẹ) cho lớp y sĩ khóa 16 Phú Thọ chúng tôi nằm dưới hầm tránh bom đạn, lại cho các con mượn chiếc cân tạ và chiếc quang để treo nhau lên cân, kiểm tra trọng lượng trước khi hành quân vào tuyến lửa Trường Sơn.
Chui qua động Phong Nha, Kẻ Bàng, chúng tôi đặt chân lên trạm giao liên số 1. Trong đoàn chúng tôi có bạn bị tượt chân, sai khớp, có nước mát lạnh của động, ngâm chữa bệnh quá tốt. Thế là lại hành quân.
Tôi nhớ một kỷ niệm không bao giờ quên. Hôm hành quân ngang dốc 3 thang, 5 thang thì có tiếng kêu cấp cứu vang lên: “Các đồng chí ơi, cấp cứu Voi Rừng!”. Chả là ngày ấy tôi vào loại cao to nhất lớp Y sĩ Phú Thọ nên các bạn trong lớp đã đặt cho tôi biệt danh “Quy Voi”. Nghe tiếng hô ấy, cả đoàn phá lên cười. Vì lẽ ra với tôi, khi cân móc hàm ở Quảng Bình 60kg thì phải khỏe lắm chứ, sao lại phải “cấp cứu Quy Voi”. Hóa ra vì béo, khi leo dốc khá vất vả, tôi thấy hơi bị khó thở. Đến chỗ nghỉ, tôi liền nằm vật ra vệ cỏ để lấy lại sức. Thế là gây ra mẻ cười cho đồng đội…
Y sĩ Quản Thị Tuất trong một lần họp mặt Lớp Y sĩ 16 Phú Thọ.
Hôm lớp Y 16 Phú Thọ chúng tôi gặp nhau, y sĩ Quản Thị Tuất (hiện ở thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Ảnh trên thứ 2 bên phải), rất nhớ kỷ niệm những ngày hành quân vượt Trường Sơn. Chị đã hỏi tôi:
- Ngày ấy ăn uống kham khổ thế không hiểu sao cậu lại béo thế nhỉ? Còn tớ ngày ấy tớ gầy lắm. Thế mà không hiểu sao tớ lại đủ sức khoác thêm cả chiếc ba lô cho cậu khi cậu bị mệt trên đường hành quân nhỉ? Không thể tin được nếu không có khí thế của tuổi trẻ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”! Chúng tôi nhìn nhau, rồi lao vào ôm hôn nhau thắm thiết cứ như vừa hành quân vượt Trường Sơn vào tới đơn vị vậy…
Tôi nhớ như in một tai nạn mà tôi gặp trên đường. Chả hiểu đi đứng kiểu gì, hôm ấy chân trái của tôi bị một thanh nứa nhọn hoắt xuyên qua cả đế dép cao su đúc, khiến ngón cái của chân phải bay mất một miếng thịt. Máu chảy lênh láng. Sẵn có túi thuốc, tôi tự băng vết thương cho mình. Vết thương chảy nhiều máu nhưng cũng không sao, vì tôi biết ở Trường Sơn chuyện này là bình thường. Nhưng không ngờ, trên đường hành quân phải lội qua nhiều suối khe, nước không được sạch, buổi tối nghỉ lại trạm giao liên, chân tôi bị sung vù. Tôi lo lắng vì sợ phải ở lại Trạm giao liên? Chả lẽ mình lại làm lính thu dung chăng?. Không được! Tôi vội luộc xi lanh và ngồi định thần chuẩn bị tự tiêm Penicillin 1 triệu đơn vị để mong ngón chân hết viêm nhiễm. Các bạn hãy tưởng tượng xem, đầu ngón chân chỉ có chút thịt và da ôm sát lấy xương. Nay ngồi chọc kim tiêm và bơm thuốc vào đầu ngón chân thì đau buốt đến tận óc. Ai đã tiêm Penicillin thì thương cảm với tôi lúc ấy nhé!
Đau xé thịt! Nhưng nghỉ một lúc tôi lại tiếp tục tiêm. Rất may, nhờ có thuốc kháng sinh kịp thời mà cái ngón chân bị thương của tôi đã êm, không còn bị sưng tấy và đau nhức nữa. Thế là tôi không phải nghỉ lại trạm giao liên đi sau đồng đội nữa.
Trên đường hành quân, để phòng sốt rét, việc uống thuốc phòng là điều bắt buộc với lính quân y chúng tôi. Ngày còn ở nhà với mẹ thì thỉnh thoảng được ăn kẹo ngọt, rất sướng. Vào tới cửa rừng với một lọ thuốc Quy Nin trong ba lô với một ngày nhất định trong tuần phải uống chống chu kỳ sốt rét, tôi phải nhắm mắt cố nuốt những viên quinin đắng ngắt, rất kinh. Nhờ chăm uống thuốc dự phòng nên ở Trường Sơn suốt ba năm mà tôi không hề bị sốt rét. Đến năm thứ tư thì bị ký sinh trùng sốt rét đánh quỵ. Thật sui sẻo, chả hiểu sao tôi lại bị áp xe mông mới khổ chứ. Đúng là “Tai nạn nghề nghiệp không chừa một ai”. Âu cũng là một kỷ niệm nhớ đời ở Trường Sơn.
Vượt qua các cung đường ác liệt của Binh trạm 33, 34, 35, chúng tôi đã qua Rừng thông, dốc Khỉ, đèo Long nổi tiếng. Sông suối, đèo cao của con đường giao liên trên đất nước Lào hiểm trở. Thế là gần 3 tháng trời, chúng tôi đã tới được bệnh xá Binh trạm 36 – nơi mà chúng tôi nhận nhiệm vụ tại đây. Ngày ấy Bệnh xá 36 cách nam sông Bạc gần một giờ băng rừng. Nơi đây gần ngầm Bạc – một trọng điểm ác liệt của đường 128A Trường Sơn. Công tác tại đây một thời gian thì chúng tôi nhận được hung tin: Chính ủy Binh trạm Lê Phụng Kỳ (quê ở xã Hòa Đồng, Tuy Hòa, nay là Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) và đồng chí cần vụ Lê Văn Công (ở Hải Hậu, Nam Định) đã hy sinh anh dũng trên trọng điểm ác liệt này tháng 5 năm 1969. Binh trạm phó Đặng Hồng Tâm, (quê ở Nguyên Hòa, Phù Cừ, Hưng Yên cha của Đại tá, nhà thơ Hồng Thanh Quang, Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết bây giờ) cùng chiến sĩ lái xe Nguyễn Văn Tùy (ĐT: 0983.066.498) cũng bị thương trong trận đánh này. Chúng tôi nén đau thương bên đồng đội hy sinh, ghìm những giọt nước mắt đau thương vào trong tim để rồi tiếp tục chiến đấu và công tác trả thù cho đồng đội đã yên nghỉ… Sau hòa bình, Binh trạm phó Đặng Hồng Tâm có bài thơ “Nhớ Trường Sơn”. Bài thơ có đoạn: Bom nổ rền cạnh thùng xe/Năm người hai chết còn ba/Vùi nông một nấm xót xa nghĩa tình…
Nữ quân y chúng tôi như con thoi phục vụ nhiều chiến dịch của Binh trạm. Cả hai mùa mưa nắng thương bệnh binh đều nhiều, cả người ra Bắc và người hành quân vào Nam. Vất vả điều trị, trong thiếu thốn đủ thứ nhưng chúng tôi đâu có quản. Nhiều người trong chúng tôi phải thức suốt đêm thâu liên tục nhiều đêm liền. Nhưng sức trẻ và tình yêu thương và trách nhiệm với đồng đội khiến chúng tôi không bao giờ lùi bước. Tôi trở thành người lấy tĩnh mạch giỏi nhất Bệnh xá. Vì thế cứ có ca cấp cứu nào đồng đội lại gọi “Quy béo đâu rồi! Lấy tĩnh mạch mau!”. Vì người sốt rét ở thể lạnh, rất hay hôn mê đều bị xẹp tĩnh mạch. Nhưng tôi đã rút được nhiều kinh nghiệm qua thực tế lâm sàng nên tôi thao tác khá thành thạo. Kể cả việc lấy tĩnh mạch ở kheo chân tôi cũng lấy chuẩn, không bao giờ làm đau bệnh nhân, nếu phải bộc lộ tĩnh mạch để lấy ven.
Quân y sĩ Lê Thị Ngọc Ấm (ĐT: 0962.303.987), quân y sĩ Nguyễn Thanh Huỳnh (hiện ở Sài Đồng, Gia Lâm, Hà Nội) là hai người bạn học của tôi có dáng người nhỏ bé. Tháng 4 năm 1969, Bệnh xá 36 chúng tôi tiếp nhận và điều trị cho một phi công Mỹ bị đơn vị cao xạ của Binh trạm bắn rơi ở khu vực sân bay Chà Vằn (tỉnh Sê Công ngày nay của Lào). Vì thấp bé, mặc dù viên Thiếu tá Mỹ này ngồi trên giường, nhưng các chị vẫn phải bắc ghế để điều trị cho anh ta. Cánh tay và má của viên phi công bị bỏng. Vết thương nhiễm trùng vì đưa đến bệnh xá chúng tôi sau 2 ngày. Được các y bác sĩ của Bệnh xá 36 chúng tôi tập trung cứu chữa, vết thương của phi công rất mau lành. Viên phi công sau đó được chuyển ra Bắc theo đường giao liên, bàn giao cho Binh trạm 35 bắc Ngầm Bạc. Từ đó chúng tôi không còn biết gì thông tin gì về viên phi công Mỹ này. Đồng chí Lê Đức Xương (ở thông Sét, xã Định Hải, Yên Định, Thanh Hóa) là người của Bệnh xá 36 chúng tôi. Anh được phân công hàng ngày bón cháo cho viên phi công Mỹ này (vì 2 tay của phi công bị bỏng). Mỗi lần được bón cháo, viên phi công đều làm động tác cúi đầu cảm ơn. Rồi anh được phân công đưa viên phi công ra trạm giao liên 66 - Binh trạm 36 ( Binh trạm 36 sau thuộc Sư đoàn 471) để bàn giao cho bộ đội giao liên đưa viên phi công ra Bắc. Trên đường đi, dép của viên phi công bị đứt. Đồng chí Xương đã lấy dép của mình đổi cho viên phi công đi. Viên phi công đã chắp tay vái đồng chí Lê Đức Xương... Tôi được biết hiện nay tổ chức MIA – vẫn đang tìm kiếm tung tích viên phi công Mỹ này. Nhắc lại câu chuyện này để thấy bộ đội Việt Nam chúng ta rất nhân đạo. Chúng ta vẫn cưu mang cứu chữa cho đối phương nếu bị bắt. Thế mà lính Mỹ và lính ngụy Sài Gòn biết có viên phi công đang ở khu vực Bệnh xá 36 chúng tôi, chúng đã dùng máy bay trực thăng với sự yểm trợ của nhiều máy bay tiêm kích bay quanh khu rừng, nơi Bệnh xá chúng tôi đóng quân suốt nhiều giờ. Có thể nói, chúng bay sát mặt đất như vạch từng ngọn cây mong tìm ra Bệnh xá chúng tôi. Bọn người Việt trên máy bay không ngừng gọi loa phóng thanh kêu gọi “chiêu hồi”, hòng tìm ra nơi viên phi công đang được Việt Cộng cứu chữa. Y bác sĩ chúng tôi được lệnh của chính trị viên Vũ Đình Miện và bệnh xá trưởng Vũ Đình Khôi (anh ở 198 đường Trường Chinh, thành phố Nam Định) nhanh chóng sơ tán bệnh nhân.
Bộ đội cao xạ trên trọng điểm bảo vệ ngầm Bạc, lực lượng vệ binh của Bệnh xá cùng lực lượng tác chiến của Binh trạm bộ 36 đã phối hợp giăng một cái bẫy. Mấy chiến sĩ của ta được phân công cầm cờ ra khu đất trống vẫy cờ với mục đích "chiêu hồi" để đánh lừa để máy bay Mỹ đáp máy bay xuống cứu viên phi công kia thì sẽ bị ta tóm gọn. Y sĩ Huỳnh được phân công núp dưới gốc cây lớn cạnh bãi đất trống. Chị ôm túi cứu thương để nếu xảy ra chiến sự thì có thể cấp cứu được ngay...
Nhưng bọn giặc hình như phát hiện được ý đồ của ta, chúng đã không đáp máy bay xuống mà bắn rốc két xối xả xuống chỗ ta "chiêu hồi" rồi chuồn thẳng. Rất may rốc két chỉ bay trúng cổng của Bệnh xá, không quả nào trúng vào khu vực điều trị cho bệnh nhân…
Chỉ tiếc, ngày ấy ở khu vực cả Tuyến 3 cũ, nhà báo và nhà văn không có. Chẳng ai có máy ảnh để chụp được hình ảnh về sự kiện này.
Cuộc sống của chúng tôi vất vả thế, nhưng cũng có lúc buồn cười chứ. Chả là lần ấy một bệnh nhân sốt rét được cáng đến Bệnh xá 36. Khi tiếp nhận, quân y chúng tôi hỏi mấy anh em cáng thương: Bệnh nhân đến từ đâu đấy?. Các anh nói: “Dốc bà Quy”. Đội trưởng 15W C1, D44 thông tin Đặng Xuân Được (ĐT: 0972.217.235. Anh hiện ở tổ 14B, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, Yên Bái), đến bây giờ khi gặp tôi ở cuộc họp mặt Sư đoàn 471, anh vẫn cười ngăt nghẽo. Anh nhắc lại chuyện ngày xưa rồi hai anh em bắt tay nhau thật lâu như không muốn rời. Anh vào Trường Sơn năm 1970, từng là Báo vụ của Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Rồi anh được chuyển về Binh trạm 38 tháng 11/1970. Anh phụ trách đường dây thông tin trên đoạn đường hiểm trở đèo núi cao, rừng lại rậm rạp, ở vùng Nam sông Bạc nên đi lại vô cùng khó khăn. Ta căng dây địch lại phá hoại, bom thả đứt đường dây thường xuyên. Mang vác nào cọc, nào dây, nào máy vất vả mà còn hô nhau: Cố gắng lên. Đến dốc bà Quy hãy nghỉ. Sở dĩ các anh gọi địa danh như thế vì, nơi này đường dây đi ngang qua khu vực Bệnh xá chúng tôi. Tôi từng điều trị cho nhiều đồng chí của đơn vị nên các anh đã đặt tên để trêu đùa. ở khu vực dốc Bô Phiên – dốc 12 cua – thì chúng tôi đã quá quen với các anh ở tiểu đoàn xe D60 đóng tại cây số 120 đường 128A của Binh trạm. Ngày đó, anh Nguyễn Ngọc Quỳnh (hiện là Đại tá, Anh hùng, ở Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội) đã vào điều trị tại Bệnh xá của chúng tôi. Gặp anh lần họp mặt Sư đoàn 471, với cái bắt tay thân thiết, anh đã nhắc lại kỷ niệm: Ngày đó, Kim Quy đã cấp cứu vết thương cho anh. Anh nhớ lắm những cô gái quân y xinh đẹp, nhiệt tình...
Tiểu đoàn xe 60 mang về nhiều tin vui vận chuyển của Binh trạm trong nhiều chiến dịch. Tôi nhớ, có một lần vào mùa khô 1968, các anh lái xe của Tiểu đoàn 60 đã chở đoàn học sinh miền Nam ra Bắc đến nghỉ tại khu vực của Bệnh xá 36. Ngày đó Binh trạm trưởng 36 là Thủ Trưởng Nghiêu Xuân Ẩn quê Tam Thanh, Tam Kỳ, Quảng Nam đã quyết định cho các em nghỉ lại một tuần để Bệnh xá chúng tôi nâng sức khỏe cho các em. Các em dễ thương và rất hay hát. Chúng tôi quý mến các em lắm. Chúng tôi cố gắng tìm tặng các em cái gì có của lính Trường Sơn. Sau một tuần ở với chúng tôi, hôm chia tay chúng tôi và các em vô cùng lưu luyến. Chúng tôi chúc các em ra miền Bắc học giỏi và trở thành để hòa bình trở về xây dựng quê hương. Và hẹn các em ngày chiến thắng gặp lại. Lần ấy, tôi có viết một lá thư nhờ em gái tên là Mai (Mùi) mang ra Bắc về cho mẹ tôi… 50 năm rồi, viết ký ức để nhớ, để làm kỷ niệm một quãng đường đời trên dải Trường Sơn. Mong em Mai (Mùi) ngày nào hai chị em gặp nhau trên Trường Sơn nếu có đọc được bài viết này thì tìm gặp lại chị nhé. Chị Kim Quy, số nhà 19 Tạ Hiện, phường Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội…
Cuộc sống của chúng tôi ngày càng quen với gian khổ. Chúng tôi được đồng bào Lào cưu mang. Mùa mưa, biết bộ đội bệnh xá chúng tôi không có gạo ăn Thế là những gùi gạo nếp ùn ùn được bà con mang đến chia sẻ với thương bệnh binh chúng tôi. Tình yêu thương, giúp đỡ chí tình của bà con bản Hạt Vi, xã Đắc Xa Mo, huyện San Xây, tỉnh Tà Văn Oọc (tỉnh Sê Công ngày nay) khiến chúng tôi không bao giờ quên. Lúc đó chúng tôi chỉ được ăn một lạng gạo một ngày. Cảm động với tấm lòng người dân, chúng tôi không nề hà giúp đỡ đồng bào, từ xây dựng bản làng đến cứu chữa, chăm sóc sức khỏe cho dân bản. Những ca bệnh khó khăn như trong bài ký tôi đã viết “Bé Ngọc Việt” in trong cuốn “Trường Sơn thuở ấy bây giờ”.
Từ tình cảm Việt Lào, đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau mà Binh trạm đã quyết định mở lớp đào tạo y tá cho các đơn vị của Binh trạm và đào tạo 20 anh chị em người Lào của tỉnh Tà Ven Oọc. Lớp học ấy do Quân y Binh trạm và Bệnh xá 36 chúng tôi đảm nhiệm. Anh chị em lớp học đã cùng chúng tôi quây quần bên nhau cùng học tập cùng múa hát say sưa.
Có nhiều đêm bên bếp lửa dưới căn nhà hầm, anh chị em cùng lùi sắn, kể cho nhau nghe nhiều chuyện.
Lớp trưởng người Lào, là chị tên là Suli. Chị còn một cái tên là Malihom (tạm dịch là “bông hoa nở buổi chiều”). Chị là con gái đồng chí tỉnh trưởng ngày đó. Không biết bây giờ chị còn làm việc trong ngành y hay đã chuyển nghề rồi?. Tôi rất mong có ngày được gặp lại chị để ôn lại những ngày xưa chúng tôi trên đất nước Lào quê hương chị.
Cuộc sống gian khổ đã mang lại cho các nữ quân y Binh trạm chúng tôi nhiều niềm vui. Tôi và những người bạn đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, tháng 2 năm 1971. Đấy là một bước ngoặt cuộc đời người lính trên dải Trường Sơn hùng vĩ như chúng tôi.
Tôi tự hào đã vượt Trường Sơn để trở thành một người lính của Bộ đội Trường Sơn, trở thành một chiến sĩ quân y Trường Sơn. Dù bị thương trong một đợt oanh kích của máy bay giặc Mỹ vào khu vực Bệnh xá 36, tôi vẫn cùng các y bác sĩ của Bệnh xá 36 tiếp tục cứu chữa, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhiều chiến sĩ trong những đoàn quân tiến vào Nam. Chúng tôi tự hào vì đã góp một phần nhỏ vào chiến công của Binh trạm của Sư đoàn 471 Anh hùng - một trong 2 Sư xe của Trường Sơn của quân đội ta chở những cánh quân chủ lực tiến công vũ bão, đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy và Dinh Độc Lập, giải phóng Sài Gòn vào thời khắc 11 giờ 30 ngày 30/04/1975 lịch sử.
Trung Tá Nguyễn Thị Kim Quy
Nguyên quân y Binh trạm 36
Ủy viên Thường vụ Hội TS Sư đoàn 471
tin tức liên quan