" Cảm hoài gặp lại kỷ niệm một thời Trường Sơn" - Nguyễn Ngọc Hải - Hội viên Trường Sơn quận Cầu Giấy - Hà Nội (tiếp theo và hết)

Ngày đăng: 05:50 22/08/2018 Lượt xem: 911

CẢM HOÀI GẶP LẠI KỶ NIỆM

MỘT THỜI TRƯỜNG SƠN
(Tiếp theo và hết)


Chân dung tác giả Nguyễn Ngọc Hải

          ...Lại nói về những nữ chiến sĩ Trường Sơn mà chúng tôi đã gặp tại Sư đoàn bộ 473 mùa mưa năm trước. Có một lần vào khoảng cuối tháng hai dương lịch năm 1975, khi đang cùng Tiểu đội đảm bảo giao thông trên trục đường 14 gần ngầm Ly Tôn, tôi gặp một đồng chí lái xe "com măng ca" chở các Thủ trưởng Sư đoàn 473 đi công tác. Biết thông tin này tôi lân la hỏi chuyện anh lái xe và được biết Vân, Bình Mận, Thúy vẫn đang ở Sư đoàn bộ. Anh còn bật mí: Anh tên là Trường, cùng ở Ban Hành chính với Vân rất thân và quý mến bạn Hồng Vân của chúng tôi. Biết vậy tôi mừng lắm vội vàng xin giấy bút viết mấy dòng gửi anh để hỏi thăm sức khỏe của Hồng Vân và các nữ chiến sĩ đồng hương Hà Nam Ninh đã may mắn quen biết. Chỉ sau đó mươi ngày, một buổi chiều muộn khi tôi vừa tắm gội xong và từ dưới suối đi lên thì nghe tiếng gọi giật giọng của Nghiêm, cô nữ y tá Đại đội quê Hà Bắc mà tôi vẫn nhận là đồng hương Hà Bốc (chả là quê gốc tôi ở Bắc Ninh mà): Anh Hải ơi, vào em mà nhận quà này. Tôi giật mình quay về phía gian nhà giành riêng cho y tá đơn vị, thấy nét mặt Nghiêm có vẻ vui tươi nhưng ánh mắt tinh quái nhìn tôi, tôi định bước tiếp về lán của mình thì lại nghe cô gọi, lần này giọng cô có vẻ nhẹ nhàng và ngọt ngào hẳn: "Em nói thật mà anh vào mà nhận đi không là em ăn hết đấy"
          Có lẽ Nghiêm nói thật. Mình cứ vào thử xem. Thế là trên người độc có chiếc quần đùi "bà bô" rộng thùng thình của Bộ đội, tay xách chiếc vỏ thùng lương khô đựng quần áo vừa giặt xong, tôi cứ xông xênh tiến thẳng đến cửa "trạm y tế" nơi Nghiêm đang đứng chờ. Thấy tôi đến gần, cô cất giọng đùa vui: " Anh có biết quà ai gửi cho anh không?'. Tôi đứng lặng chưa biết trả lời thế nào thì cô lại giục: "Anh cứ bỏ thùng quần áo đó vào nhà đã nào"....! Lúc này tôi mới giật mình biết mình đang ở trần đứng trước cô y tá có thân hình nhỏ nhắn, trắng trẻo hơi thấp nhưng khuôn mặt tròn trịa và nụ cười hiền trông rất dễ mến. Như đọc được ý nghĩ của tôi cô vội vàng nói: Anh cứ ngồi xuống đi. Chiều nào bọn con gái chúng em chả ngắm các anh cởi trần, độc chiếc quần đùi thùng thình đánh bóng chuyền trước sân Đại đội mà. Nói rồi cô khúc khích cười hồn nhiên và với tay mở cánh tủ thuốc lấy ra một cái bọc được gói bằng giấy báo buộc rất kĩ càng nói với tôi.: Quà của anh đây, khi chiều có anh lái xe con tên là Trường đi qua rẽ vào nhờ em gửi cho anh mà (tôi thoáng nghĩ chắc là quà của Vân rồi). Bất chợt tôi giơ tay cầm chặt gói quà tay kia xách thùng quần áo đi thẳng về lán chẳng kịp chào Nghiêm một câu. Đằng sau tôi vọng lai tiếng nói giọng đặc Hà Bắc của cô y tá: Anh đồng hương lạ thật chẳng thèm ngồi chuyện trò một lát chứ...Sao lại lành và nhát thế!!!
          Buổi tối hôm đó tôi gọi Hùng sang. Hai thằng cùng ngồi trên chiếc giường cá nhân của tôi (gọi là giường cho oai vậy chứ thực chất là một chiếc sạp mà bốn chân là những chiếc cọc gỗ đóng chắc xuống nền nhà, trên bắc những cây gỗ dọc ngang làm đà, trên cùng được đan bằng những cây mai rừng rất thẳng dài tới 2 mét đặt song song làm giát. Một chiếc chiếu cói màu trắng ngà còn mới mà Hậu cần Đại đội mới cấp bổ sung khi chúng tôi chính thức được biên chế về đây.)
          Thằng Hùng ghé tai tôi nói nhỏ: Có việc gì thế? Tôi không trả lời mà với tay lấy chiếc Ba lô treo trên vách lán phía đầu giương lôi ra bọc quà đặt lên mặt chiếc bàn nhỏ làm bằng gỗ những thùng thuốc mìn ghép lại. Thất tôi loay hoay cởi dây buộc gói quà, Hùng rút từ túi quần ra một con dao nhíp mở sẵn và nói": Cắt ra cho nhanh, xem có gì nào".
          Tôi chậm rãi mở từng lớp giấy báo đã nhàu nát...Một mùi thơm nhè nhẹ pha trộn khó tả bốc lên. ..Thằng Hùng sốt ruột cùng thò tay vào lật tung lớp giấy ni lông mỏng sau cùng. Ồ! Chúng tôi cùng thốt lên. Mấy bao thuốc lá Điện Biên bao bạc, mấy phong lương khô 701,702, một bánh xà phòng Liên xô 72%, một gói mứt thập cẩm gói trong giấy bóng kính và hai cái khăn mặt Bộ đội to xù mới tinh vẫn nguyên nếp gấp. Một mảnh giấy xé vội từ cuốn sổ tay có ghi dòng chữ: "Xe vào vội quá, Vân gửi các bạn chút quà nhỏ. Chúc khỏe vui nhé. Nhớ hai bạn nhiều". Ký tên Hồng Vân.
          Đọc xong dòng chữ ấy, đứng tần ngần một lát, tôi như bừng tỉnh thầm cám ơn người bạn, người nữ chiến sĩ Trường Sơn vô cùng quý mến ấy. Trong điều kiện khó khăn kham khổ giữa núi rừng Trường Sơn các chị, các em vẫn nghĩ đến những người lính trẻ như chúng tôi, nhường nhịn, sẻ chia quan tâm từng điếu thuốc bánh xà phòng, chiếc khăn mặt, gói mứt tết...Thật cảm kích xúc động đến nghẹn ngào. Lấy chiếc khăn mặt, tôi gói chia cho Hùng một nửa số quà nói: Ông đem về chốc sinh hoạt Trung đội mời mọi người điếu thuốc. Hùng lặng lẽ cầm lấy chào tôi và bước nhanh ra cửa. Vừa lúc tiếng kẻng sinh hoạt đơn vị vang lên keng keng...
          Khi buổi sinh hoạt tối sắp bắt đầu, tôi cầm mấy bao thuốc đi dọc theo dãy giường mời anh em trong Trung đội. Không khí buổi sinh hoạt Văn hóa Văn nghệ ấm áp sôi nổi hẳn lên vì những điếu thuốc lá là quà của các nữ chiến sĩ Sư đoàn bộ Sư đoàn 473 gửi vào. Chính đồng chí Trung đội trưởng bắt tôi đứng lên " giải trình" khi mọi người chất vấn về món quà đặc biệt này trong lúc mọi người bàn tán rất sôi nổi. Cũng chính vì thế mà những bài hát về các cô gái Trường Sơn đã trở thành chủ đề chính trong buổi sinh hoạt văn hoá văn nghệ tối nay. Tôi ngồi im lắng nghe giai điệu những lời hát thiết tha yêu thương như gửi gắm tình cảm sự biết ơn của những chiến sĩ mở đường Trường Sơn Trung đội chúng tôi tới các nữ chiến sĩ Trường Sơn Sư đoàn bộ sư 473 yêu quý!
          Sau buổi sinh hoạt tôi không quên mang bánh xà phòng 72% lên "Trạm y tế" tặng lại Nghiêm. Gọng tôi trùng xuống: Anh nhận quà của bạn từ Sư 473 gửi vào, chẳng có gì, tặng lại em bánh xà phòng .. Bọn anh chẳng cần thứ này đâu, Chẳng để Nghiêm kịp nói lời cảm ơn.. tôi quay gót vội bước ra ngoàivề lán…
          Mùa hè năm 1977, sau ba năm rèn luyện phấn đấu trong quân ngũ tôi được đơn vi cho nghỉ phép thăm gia đình và chuẩn bị hồ sơ đi học một trường Kỹ thuật Quân sự ở Liên Xô cũ. Gặp lại bạn bè cùng học và một bạn nữ trong lớp rất thân với Vân tôi được biết Vân đã ra Bắc và đang học tại một trường Văn hóa của Quân đội. Lần đó do thời gian nghỉ phép quá ít ỏi và nơi Vân học quá xa, tôi chưa thể tìm gặp Hồng Vân được. Trong lòng tôi vẫn mang bao tâm sự muốn sẻ chia với bạn mà chưa có dịp tao ngộ!
          Bẵng đi mấy năm do bận rộn với công việc học tập rèn luyện ở trường SQ Công binh Bình Dương tôi không có tin tức của Vân và những nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa. Mãi cuối tháng 8 năm 1980 sau khi ra trường được nghỉ phép về thăm gia đình, tôi quyết tâm tìm gặp Hồng Vân như mong muốn gặp lại người chị ruột của mình sau nhiều năm xa cách. Qua bạn bè cùng lớp tôi được biết Vân đã thi đỗ Đại học và đang học tập tại trường Đại học Y tại thị xã Thái Bình. Mừng vui vì thành quả phấn đấu của Vân và cũng muốn khoe là mình đã trở thành một Sĩ quan trong Quân đội tôi tức tốc đạp xe sang Thái Bình tìm gặp Vân trong một buổi sáng oi nồng một ngày cuối hè. Qua cổng bảo bệ, đang lang thang tìm người để hỏi thăm thì tôi nhận ra cô bạn cùng lớp tên Thu cũng học ở trường này đang đi ngược trở ra phía cổng trường. Tôi giật giọng gọi bạn: Thu, Thu ơi....Nhóm nữ sinh viên nghe tiếng người gọi đều dừng lại đưa mắt nhìn ngơ ngác. Tôi dựng xe và với tác phong của một anh Sĩ quan trẻ vừa ra trường (không còn e dè nhút nhát như anh lính trẻ hồi mới vào Trường Sơn nữa) tôi bước lại gần nhóm sinh viên trường Y và hỏi: Có phải Thu không? Hải 10E đây mà. Sau mấy giây ngỡ ngàng vì bộ quân phục Sĩ quan tôi đang mặc , Thu hét lên: Hải à...lâu lắm rồi mới gặp lại, trông lạ quá! sao lại ở đây??. Tôi mỉm cười vì sự ngạc nhiên của Thu. Mấy cô bạn đi cùng Thu cứ đứng nhìn hai chúng tôi như những người xa lạ. Tôi ngồi lại chuyện trò với Thu một lát và được biết Hồng Vân đang đi học tập quân sự tại một huyện vùng biển của tỉnh Thái Bình theo kế hoạch của Nhà trường. Thế là tôi lại lỡ hẹn...lần thứ hai tôi chưa tìm gặp được Vân.
          Thời gian thấm thoát trôi đi cùng tháng năm cách xa. Đầu năm 1982 tôi cùng anh em đơn vị được về Nam Định làm công tác tuyển quân. Bận rộn với công việc đơn vị, tôi vẫn nhớ hỏi thăm Vân. Biết Vân về Nam Định ăn tết cùng gia đình, tôi rủ một người bạn đến thăm; thế nhưng rất tiếc là hôm đó Vân lại về quê thăm bà con họ hàng ở một huyện phía Nam. 
          Thế là lần thứ ba tôi vẫn chưa thể gặp lại người bạn, người chị, người nữ chiến sỹ Trường Sơn năm xưa mà tôi luôn trân trọng quý mến!
          Sau một cái tết xum họp đầm ấm vui tươi với quê hương, gia đình bạn bè, Bác sỹ Trần Thị Hồng Vân, nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa chuyển vào Miền Nam công tác tại Trường Trung cấp Y Đồng Nai. Còn tôi, sau một thời gian phục vụ trong quân đội cũng chuyển ngành về một xí nghiệp quản lý cầu đường bộ của tỉnh Hà Nam Ninh tại Thành Phố Nam Định.
          Những dịp Xuân về Tết đến hay dịp hè bạn bè cùng học cấp 3 lớp tôi vẫn hay tụ tập. Tôi thường nhắc đến chị Hồng Vân, Vũ Thanh, Tuấn Hùng, Đức Hùng, Thọ, Thành, Định, Nam, Thắng...những người bạn đã từng là Chiến sĩ trên mọi mặt trận trước ngày miền Nam giải phóng với niềm hãnh diện tự hào không tả hết...!
          Tháng năm vẫn cứ trôi, bạn bè đồng đội mỗi đứa một nơi, một công việc, một hoàn cảnh gia đình, bị cuốn hút vào guồng quay cuộc sống xã hội nên có lúc không quan tâm được hết về nhau. Giữa năm 1996 tôi chuyển công tác lên Hà Nội cùng gia đình vợ con, thi thoảng mới về Nam Định nên tin tức về bè bạn cũng thưa dần. Mãi đến tháng 3 năm 2015 nhân dip Hội trường kỉ niệm 95 năm thành lập trường Lê Hồng Phong tôi mới có dịp gặp lại khá đầy đủ bạn bè cùng lớp và biết tin Hồng Vân đã ra đi mãi mãi vì một căn bênh hiểm nghèo (do các bạn ở Miền Nam cho biết). Nghe tin này tôi buồn quá. Thế là dự định vào Miền Nam du lịch, thăm Hồng Vân và bạn bè đồng ngũ chưa kịp thực hiện thì Vân đã đi xa. Một nữ chiến sĩ bộ đội Trường Sơn, một người bạn người chị đồng đội của tôi đã đi về cõi vĩnh hằng để lại trong tôi bạn bè niềm tiếc thương vô hạn...
          Lại nói về Nguyễn Thị Bình ( Bình Nguyễn) nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa mà chúng tôi đã quen biết trong buổi chiều muộn giữa vùng đồi núi Khe Sanh trập trùng, mảnh đất chiến trường nổi tiếng với chiến thắng của Quân Giải phóng miền Nam xưa kia (năm 1968 đến năm 1971) ...! Suốt từ buổi tối hôm chia tay tại Nhà khách Sư đoàn 473 đến năm 2014 tôi không hề gặp lại Bình và em Thúy, em Mận. Và một sự tình cờ hay duyên cớ xui khiến chúng tôi lại biết tin về nhau...Tôi cám ơn anh Facebook về điều này.
          Chả là vào những ngày cuối đông năm 2014 khi tôi cặm cụi bên máy tính viết truyện, thơ về kỉ niệm những năm tháng là Chiến sĩ Công binh mở đường Trường Sơn trên Blog cá nhân thì cậu con trai thứ 2 (đang học năm nhất Đại học BK) cứ ngó nghiêng và bảo: 

Bố viết gì nhiều vậy?
Thì bố viết cho vui mà...! 
Sao bố còn dùng Blog?
Ơ! Cái thằng này, không dùng blog thì viết vào đâu?

          "Tiếng là bố làm Dự án xây dựng to đùng lại ở Đại học QGHN, ở Bộ xây dựng mãi mà vẫn lạc hậu quá"!
         Cậu con trai vừa cười vừa nói và tiếp thêm: Bây giờ mọi người chơi Facebook rồi bố ơi. Còn ai viết blog nữa đâu!
         Tôi nghe vậy xẵng giọng nói: Tao thì biết gì về Facebook mà chơi.
Thế là ngay tối hôm đó nó mở máy tính lập cho tôi một "Trang FB" riêng với cái "Nikmame" là Nguyễn Hải và dạy tôi cách sử dụng. Từ đó tôi bắt đầu say mê anh "facebook"
         Cũng nhờ các thông tin kết nối trên Facebook tôi gặp lại rất nhiều bạn bè thời học phổ thông, cùng lớp cùng trường, đồng ngũ và mở ra nhiều mối quan hệ mới. 
         Tôi may mắn liên lạc được với Bình, người nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa cũng là nhờ anh Facebook. 
Thời gian đầu năm 2015 tôi bắt đầu có những bài viết về những người lính mở đường Trường Sơn đăng trên trang Facebook của mình. Bình là phu nhân của Dụng, một anh bạn học cùng khóa ở trường cấp 3 Lê Hồng Phong với tôi. Thông qua những mối quan hệ bạn bè như vây, chúng tôi kết bạn và nhận ra nhau trên trang Facebook vì cùng quan tâm đến chuyện về lính Trường Sơn, những chàng trai, cô gái mở đường của một thời đánh Mỹ. 
         Trung tuần tháng sáu năm 2015 tôi có dịp cùng một số anh chị em cơ quan vào Sài Gòn công tác. Tôi đã gặp lại rất nhiều anh em bạn bè, nhưng rất tiếc vợ chồng Bình đang bận công việc ở một nơi xa Sài Gòn không về dự được. Qua bè bạn tôi được biết cuộc sống của gia đình Bình rất ổn định, hạnh phúc. Con cái học hành đỗ đạt và trưởng thành. Vợ chồng họ đang giữ trọng trách lớn của một công ty xuất nhập khẩu phụ tùng thiết bị ở Sài Gòn. Tôi mừng cho Bình, cho bạn có cuộc sống an bình đầy đủ và phát đạt.
         Bởi đều là những Cựu chiến binh Trường Sơn thời bom lửa, tôi và Bình có nhiều quan điểm giống nhau: chia sẻ hoài niệm thời là chiến sĩ, tâm huyết với các hoạt động của CCB, Hội Truyền thống Trường Sơn tại nơi cư trú, đăng tải các hoạt động trên trang Facebook cá nhân và thường xuyên trao đổi theo dõi những hoạt động, động viên thăm hỏi nhau qua trang Facebook dù chưa có dịp gặp lại nhau. Nhiều lần biết Bình ra Hà Nội dự Hội nghị CCB Trường Sơn, học tập họp hành ...nhưng tôi cũng không có dịp gặp Bình vì ai cũng quá bận rộn và thời gian quá ít.
         Cho đến một buổi tối giữa tháng 7 năm 2018 tình cờ cả hai anh em đều có mặt trong buổi biểu diễn văn nghệ nhân dịp kỉ niệm ngày TBLS do Hội nữ Chiến sỹ Trường Sơn tổ chức tại nhà Văn hóa Quận. Tôi thực sự xúc động khi Bình đã nhận ngay ra tôi trong lúc tôi đang giơ điện thoại chụp những bức ảnh để làm tư liệu đưa lên trang Facebook cá nhân... Cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ và lý thú. Chúng tôi ríu rít chuyện trò đến khi chương trình kết thúc. Trước khi chia tay, Bình còn kịp lấy từ trong túi xách ra một cuốn sách và nói: Em tặng anh cuốn. Sách viết về những nữ chiến sĩ Trường Sơn chúng em đấy. Anh đọc cho vui nhé. Nụ cười vô tư, bộ quân phục gọn gàng với những tấm huân huy chương lấp lánh trên ngực áo, khuôn mặt sáng hồng rạng rỡ, cô chào tôi rồi bước lên sân khấu cùng đoàn Đại biểu tặng hoa chúc mừng các diễn viên đoàn ca múa Hội Truyền thống Trường Sơn. Tôi nhìn theo dáng đi nhanh nhẹn của cô, lòng thầm cám ơn người nữ chiến sĩ Trường Sơn nhân hậu, nhiệt thành ấy. Ở cái tuổi bà nội bà ngoại rồi mà cô vẫn như giữ mãi nét trẻ trung hiền hậu dịu dàng trong sáng, thái độ thân tình của người nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa....!

 

Nguyễn Ngọc Hải và Nguyễn Thị Bình tại buổi giao lưu văn nghệ mang tên “Tỏa sáng Trường Sơn”

LỜI KẾT
         Sau buổi gặp lại Bình tại cuộc liên hoan văn nghệ ấy, hình ảnh người nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa cứ hiện lên trong tôi suốt những ngày sau đó. Nghĩ mãi cuối cùng tôi cũng tìm được câu lý giải thỏa đáng nhất: Đã từ hơn bốn mươi năm trước, khi tôi mới chân ướt chân ráo bước vào chiến trường thì hình ảnh các nữ chiến sĩ Trường Sơn đã in đậm trong trái tim tôi rồi.
         Đó là Hồng Vân, cô bạn học cùng lớp những năm cấp 3, là Nguyễn Thị Bình, là em Mận, em Thủy những nữ chiến sỹ Trường Sơn cùng quê Hà Nam Ninh mà tôi đã gặp ở Sư bộ sư đoàn 473. Vào sâu tuyến trong tôi gặp cô y tá đồng hương Hà Bắc, nữ Trung đội trưởng Công binh mở đường Phùng thị Biển và các nữ chiến sĩ mở đường Trường Sơn mà chị chỉ huy. Đó là nữ y tá Thanh quê Hải Hưng ở Trạm xá Trung đoàn đã đêm ngày chăm sóc điều trị cho tôi qua cơn sốt rét đầu tiên mà đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được. 
         Có một đoạn thơ tôi đã viết:
"Gặp em lần đầu tiên
Trông em thật dịu hiền
Em hay là cô tấm
Trong quả thị thần tiên!
Gặp em lần đầu tiên
Anh rất đỗi ngạc nhiên
Sao mà thân thiết thế
Như đã từng rất quen"...
         Và rồi, trong một bài thơ khác tôi viết:
"Sáng nay ra viện chờ em mãi
Bóng khuất sau rừng em hái măng
Thương anh gầy yếu em ngoảnh lại
Anh đi mang cả núi bâng khuâng"
         ...
         Thời gian phục vụ chiến dịch mở đường Trường Sơn với tôi chưa nhiều, cũng mới tiếp xúc, cùng làm nhiệm vụ với các chị các em một thời gian ngắn nhưng chừng ấy cũng đủ cho tôi hiểu về họ, những con người của tinh thần yêu nước, yêu quê hương gia đình bè bạn, xóm làng...Ở họ thể hiện sự quyết tâm cao độ, ý chí nghị lực và niềm tin vào thắng lợi tất yếu của cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước mà họ đã tham gia.
         Trong bài thơ đề tặng các nữ chiến sĩ Công binh mở đường tôi đã viết:
"Bao chị em, những cô gái Việt Nam
Chưa tròn mười tám đã vào tuyến lửa
Đường Trường Sơn mưa rừng nắng lửa
Vẫn kiên trung bám trụ kiên cường...."
         Đọc "Nữ chiến sĩ Trường Sơn, ngày ấy - bây giờ" tôi mới thấu hiểu sự hi sinh cao cả tuyệt vời, sự kiên cường chịu đựng và sự dũng cảm sáng tạo của các chị, các em trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở các mặt trận trên tuyến đường Trường Sơn lúc đó. Vậy nhưng khi phục viên, xuất ngũ trở về với gia đình quê hương, họ đâu có đòi hỏi đãi ngộ điều gì? Vẫn chỉ là mong muốn một mái ấm gia đình, vẫn là đức tính cần cù chịu khó, thương chồng thương con, nhân hậu nết na, trân quý bè bạn đồng đội xưa...
         Đọc tập truyện về họ, tôi khâm phục quý trọng và kinh nể họ hơn bởi rất bận rộn với công việc gia đình các chị em còn gánh vác các trọng trách trong công việc của Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn, Hội Truyền thống đường Trường Sơn...Tôi may mắn được gặp lại hai nhân vật trong cuốn chuyện này: Chị Trần Thị Chung, Phó chủ tịch Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn Việt Nam, Phó chủ tịch hội Truyền thống Trường Sơn Quận Cầu Giấy và chị Nguyễn Thị Bình, nữ chiến sĩ Trường Sơn Sư bộ Sư đoàn 473 năm xưa, nay là UVBCH hội nữ chiến sĩ Trường Sơn VN,.UVBCH hội nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Nam Định và nhiều chức vụ khác trong các hội CCB tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy mới gặp các chị một đôi lần nhưng tác phong, tình cảm, hành động lời nói, sự quan tâm đến mọi người của các chị đã để lại trong lòng tôi những ấn tượng tốt đẹp nhất.
         Điều đáng nói nhất là tình cảm, tấm lòng các chị với đất nước quê hương với những mảnh đời nghèo khó..Ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, từ những mái tranh nghèo,từ những miền quê đất Việt...Những tháng năm gian khó ở Trường Sơn đã tôi luyện các chị thành những con người tài năng, đức độ. Ở Trường Sơn họ cống hiến hết mình cho đất nước thì khi trở về quê hương họ tiếp tục phát huy bản chất Bọ đội cụ Hồ, làm kinh tế rất giỏi... Những Công ty, dự án, trang trại của các chị với hàng trăm Công nhân đã đem lại một cuộc sống và thu nhập ổn định cho rất nhiều Cựu chiến binh, Thương bệnh binh và chút vốn liếng để các chị phát tâm làm từ thiện. .Đã bao ngôi nhà Tình nghĩa, bao em bé cụ già.. bao mái trường, con đường trơn trượt các vùng cao đã nhận được sự tài trợ ủng hộ từ thiện giúp đỡ của các chị. Hàng chục tỷ đồng từ các chị đã trợ giúp ươm thêm những mầm xanh cho đất nước, làm ấm lòng những bà mẹ vùng cao, làm khoẻ mạnh những bệnh nhân trong bệnh viện, làm sáng lên một vùng cao nghèo khó quạnh hưu, tạo nên những cuộc hành quân về cội nguồn, về chiến trường xưa cho bao Cựu chiến binh được trở lại nơi mình đã sống, chiến đấu, đổ máu, ...... Thực sự cảm phuc các chị, tôi không thể viết gì nhiều hơn bởi cuốn sách " Nữ chiến sĩ Trường Sơn, ngày ấy - bây giờ" đã nói lên tất cả.
         Tôi còn muốn viết tiếp, nhiều hơn nữa những sự thật mà tôi được đi qua, chứng kiến và cảm kích trong những năm tháng ở Trường Sơn, khi gặp lại các chị nhưng vì quá bận, mong bạn đọc chia sẻ và cảm thông...
         Xin chúc các chị các em những nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa luôn khoẻ mạnh, vui tươi trên chặng đường bước tiếp ...
           Trân trọng lắm tấm lòng của các chị các em!

 
Hà Nội, ngày 14-8-2018
Nguyễn Ngọc Hải - Hội viên TS Quận Cầu Giấy
 
tin tức liên quan