Địch hậu,ký ức của Nguyễn Viết Lợi

Ngày đăng: 08:55 16/09/2018 Lượt xem: 655
                                   
                                        ĐỊCH HẬU

 
          Tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trên chiếc giường nệm lò xo phủ vải trắng, căn phòng màu trắng và… xuất hiện đôi mắt đen láy bí ẩn trong bộ y phục bờ-lu cũng màu trắng.
         
        Đôi mắt bất chợt nhìn tôi mừng rỡ, rồi nhỏ nhẹ nói:
- Dạ thưa đôc – tờ, ông Việt Cộng số 2 tỉnh rồi ạ!

        Khung cảnh lạ lẫm, trang thiết bị trong phòng lần đầu tôi mới gặp. Thái độ họ lạ, khiến tôi bất chợt theo phản xạ, sờ tay vào thắt lưng – nơi thường đeo chiếc “xanh - tuya - rông” có vũ khí cá nhân để tự vệ.
     
        Nhưng tôi thột vì biết mình đang nằm trên giường bệnh.
- Dạ ông Việt…c…ông… biết lỡ miệng cô ta lấy tay bịt mồm chữa ngượng. Xin lỗi: Ông giải phóng tỉnh rồi ạ? Tôi vừa hỏi, vừa gật đầu.
- Đây là đâu ?
- Dạ các ông đang ở trong bệnh viện của chúng tôi. Bệnh viện thị xã Tuy Hòa, hai ông đã tỉnh, ông kia còn mê man.

       Nhìn theo tay cô ta chỉ, phía đó tôi thấy đồng chí Châu thợ hàn đang cụ cựa, còn Giao lái xe nằm bất động, trên tay đầy dây dợ đang được truyền dịch.

       Tôi trấn tĩnh. Vậy là sau khi chiếc xe công trình xa đặc chủng của chúng tôi đổ chổng kềnh. Tôi bị ngất và đã được đưa vào đây cấp cứu. Nhưng lạ, người đơn vị không thấy có ai sao? Bởi theo quan sát, ba chúng tôi đang ở trong vùng địch hậu của ngụy quyền, vùng quân giải phóng chưa tiếp quản.

        Cửa phòng mở, quân y sỹ Nguyễn Văn Kháng bước vào vai khoác khẩu AK47 báng gấp. Hai tay bê hai bát cháo thơm mùi gạo mới, hương hành tăm lan tỏa quện mùi tía tô, khiến tôi thấy đói. Kháng cười hỏi tôi:
- Đồng hương tỉnh rồi à ?
- Dậy, dậy gắng ăn đi mà còn xuất viện, mau mà về đơn vị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, chứ nằm đây mấy ngày nữa có về mà đi nhặt ống lon. Quân ta tiến sát Sài Gòn rồi!

         Nghe Kháng nói tôi nhổm dậy. Người đau ê ẩm vì các vết thương đang sưng.
- Ăn đi các đồng chí, cho lại sức. Kháng cứ rủ rỉ rù rì tiếp: Tớ được lệnh ở lại đây bảo vệ và theo dõi diễn biến bệnh tình của các cậu, chờ nóng ruột lắm rồi.

       Tôi cầm thìa lưỡng lự, Kháng biết ý lại thúc thắc:
- Yên tâm đi, tớ kiểm tra kỹ rồi. Sợ bị đầu độc chứ gì, vẽ! Nhân dân tốt lắm, mới đầu họ sợ “Việt cộng” nhưng giờ người ta đã hiểu ra và rất quý bộ đội mình. Sau vụ xe ta tránh chiếc xe khách, họ càng quý trọng giải phóng quân hơn.

      Cửa mở, nữ y tá lúc nãy và mấy người nữa bước vào.
- Dạ các ông đã tỉnh? Tôi định bất hợp tác không trả lời vì nghĩ: “Đồ ngụy quyền ngụy quân”.

       Rồi một bàn tay mềm mại nắm lấy cổ tay đen sạm rắn chắc của tôi nhỏ nhẹ:
- Ông cho xem mạch, đo huyết áp!
Tôi chợt bất ngờ ngoan ngoãn, ngửa tay cho cô y tá tác nghiệp.
- Dạ, ổn thưa bác sỹ.
- Chúc các ông chóng bình phục, người đàn ông khoác B –lu xanh nói thêm: Bệnh nhân giường số 1 hơi nặng, nhưng chúng tôi sẽ hết sức cố gắng…

        Nhớ làm đúng phác đồ điều trị. Ông ta nói với cô điều dưỡng rồi quay ra.

        Nằm trăn trở, vắt tay lên trán, tôi nhớ lại diễn biến sự việc khiến chúng tôi nhập viện:

    … Non trưa ngày mồng 7 tháng 4 năm 1975. Cánh quân duyên hải gồm các binh chủng hợp thành bộ binh. Xe, pháo, thiết giáp, tên lửa xanh lá ngụy trang hành tiến dài đến hàng chục cây số. Tấn công truy kích địch theo trục dọc quốc lộ IA.

       Đại quân vượt đèo Cù Mông thuộc địa phận tỉnh Phú Yên. Chiếc “Công trình xa” đặc chủng của tiểu đội chúng tôi được lệnh khóa hậu đi sau cùng với xe chở hậu cần.

      Đang bám đội hình hành quân, bỗng phía trước mũi xe chúng tôi đột ngột xuất hiện một chiếc xe lam chở đầy khách nhô đầu sau bụi tre che khuất đang cố vượt qua đường ưu tiên.

     Quá bất ngờ vì tình huống. Lái xe Nguyễn Ngọc Giao hốt hoảng:
- Chết rồi!?!

     Trung đội phó Nguyễn Hữu Lục người chỉ huy xe bình tĩnh hô to:
- Đánh tay lái  - cứu dân… Rầm. Tôi bất tỉnh từ đó.

     Đợi quân y Nguyễn Văn Kháng đi lấy nước về tôi bắt chuyện;
- Này đồng hương Kháng. Ai đưa ta vào đây ? Xe cộ, người dân trên chiếc xe khách ai bị gì không ?

      Rồi Kháng kể cho chúng tôi nghe chuyện xẩy ra trưa qua. Mà điều may mắn nhất là khi lái xe Giao gặp tình huống bất trắc xử lý lúng túng, anh Hữu Lục ngồi bên đã nhanh tay uồm sang “cướp” tay lái, đánh chuyển hướng cho xe lao xéo ra ruộng lúa đầy nước nên chiếc xe bẹp dúm, dó, máy móc khí tài ướt choẹt. May hơn nữa là tránh cho dân được một thảm họa. Đổi lại tổ thợ lành nghề chỉ tôi bị chấn thương vùng đầu rách cổ chân phải. Cao Văn Châu thợ hàn bị đuối nước may mà được nhân dân kéo lên kịp thời. Còn lái xe Nguyễn Ngọc Giao nặng nhất. Anh bị “vò” trong buồng lái, vô – lăng chấn vào vùng ngực bất tỉnh.

      Nhấp ngụm nước, y sỹ Kháng ngó ra ngoài như có ý chờ ai đó rồi tiếp câu chuyện dang dở:
- Cũng may được bà con cô bác tận tình cứu chữa, sơ cứu kịp thời. Lại được nhân dân chỉ đường cho chiếc xe U Wat chở chúng ta chạy thẳng vào viện.

       Thấy chiếc xe con cắm cờ Giải phóng lao vào sân mọi người nhốn nháo chạy trốn. Nhưng khi biết xe cấp cứu bộ đội bị tai nạn ai nấy đều nhanh tay xúm vào cứu chữa.

        Y sỹ Kháng càng kể càng diễn cảm sôi nổi, tự hào, khiến chúng tôi quên đau.
- Thuốc điều trị cho các bố thuốc tốt cả đấy. Tớ làm nghề này tớ biết. Họ thương quân giải phóng lắm.
        
      Nhất là sau vụ việc trưa qua vì “nhân dân quên mình” của xe các cậu. Rồi anh cười nói tiếp:
- Nhìn kìa quà cáp đầy bàn kia kìa. Sốt rét ở Trường Sơn thèm quả dừa, cái bánh chả có cả bát cháo hành gạo mới nữa...

       Chúng tôi nghe mà thấy rưng rưng, mát lòng.

      Chiều thay băng, vết thương đã se miệng. Được biết cô y tá mấy ngày nay chăm sóc cho chúng tôi tên là: Huỳnh Bảo Trâm. Em có người nhà trong vụ lật xe trưa qua. Nghe Trâm thủ thỉ:
- Nhân dân ca ngợi các anh hết lời đó nghen anh hai. Bữa đó bộ đội không quyết đoán, mai chắc nhiều nhà giỗ 3 ngày cho thân nhân rồi. Họ thương mấy chú, mấy anh lắm nghe. Rứa mà chính quyền ông Diệm, ông Thiệu tuyên truyền cộng sản ác lắm. Người gầy xơ bảy người đu cọng đu đủ không gãy. Em cười vui rồi trò chuyện tiếp:
- Nhìn các anh hiền khô thôi. Ai cũng thấy rắn rỏi, ưa nhìn

        Tôi vui lây góp chuyện:
- “Việt cộng” bọn anh… sốt rét da dẻ xấu hủm Trâm cứ khen...

     Trâm vừa cắt hoa quả vừa trò chuyện khiến căn phòng ấm cúng hơn. Bệnh nhân các phòng khác vì tò mò cũng kéo đến chơi đông vui. Không hiểu lấy đâu ra Trâm còn dúi cho y sỹ Kháng túi thuốc và dặn:
- Thuốc bổ, anh hai nhớ về bồi dưỡng cho mấy anh nhất là bộ đội Giao.

       Em còn đưa vào phòng chúng tôi chiếc Ra-đi-ô để anh em nghe thời sự.

       Qua Đài tiếng nói Việt Nam. Chúng tôi nằm đây điều trị mà như nằm trên đống … lửa. Phía nam mặt trận, tiếng trọng pháo vọng về ùng oàng. Bộ đội ta đang tiến về Sài Gòn. Lời hịch của Đại tướng tổng tư lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa…” Khiến chúng tôi muốn nhanh về đơn vị, để chứng kiến điều mơ được ước thấy.

       Chập chiều ngày thứ 3 Trung đoàn cho xe ra đón chúng tôi trở về đơn vị. Nguyễn Ngọc Giao vẫn chưa tỉnh. Được bệnh viện cho xe cấp cứu chở về trạm Phẩu Tiền Phương - Sư đoàn. Sau này anh hy sinh và được mai táng ở nghĩa trang thành phố Nha Trang.

      Y sỹ Kháng lo công tác hậu cần, thanh toán thuốc men với bệnh viện. Nhưng lãnh đạo bệnh viện không nhận tiền – vì khi đó cả hai phía chả biết dùng tiền gì. Đang lúng túng, ông bác sỹ bệnh viện chia sẻ:
- Chúng tôi ủng hộ quân Giải phóng. Không biết lấy gì đền ơn, đồng chí Kháng quân y nhanh tay xách nguyên thùng lương khô 702 – Lương thực đơn vị để lại cho chúng tôi mấy ngày nằm viện. Đem trao cho y tá Trâm:
- Cảm ơn em và tập thể bác sỹ. Xin gửi lại chút quà của bộ đội giải phóng.

    Chuẩn bị lên đường. Tôi thay bộ quân phục Tô Châu xanh màu lá còn mới, “đóng thùng” cẩn thận đầu đội chiếc mũ tai bèo, bắt tay mọi người tạm biệt. Trâm nắm chặt tay tôi lưu luyến:
- Anh hai không tặng Trâm cái gì à?

    Tôi bất ngờ, lúng túng và sực nhớ tới chiếc mũ tai bèo,  cởi đưa Trâm:
- Tặng em: cảm ơn em. Tôi xúc động.

     Trong buổi chia tay. Trâm chia sẻ:
- Hôm qua ba em cho biết. Gia đình em có ông bác ruột cũng là bộ đội giải phóng. Ông đi tập kết năm năm tư.

       Em đưa tôi mảnh giấy ghi sẵn rồi dặn:
- Nếu các anh gặp ai có họ tên, quê quán như ri nhờ báo để gia đình em mừng và cảm ơn anh nhiều nhiều. Tôi vui vẻ nhận “nhiệm vụ” Trâm giao. Bởi em giờ là người quen là ân nhân rồi.
Hơn bốn mươi năm chiến tranh qua đi. Lục lại “Ký ức người lính” tôi chợt nhớ về kỷ niệm ngọt ngào 3 ngày sống trong vùng địch hậu.

       Và nợ Trâm lời hứa. Bởi bao lo toan đời thường, bộn bề mưu sinh sau chiến tranh mà chưa có dịp thăm em.

       Không hồi âm được cho Trâm. Nhưng chúng tôi những người lính chiến trên chiếc xe công trình xa ngày nào. Những “bác sỹ chữa xe”, không bao giờ quên ân nghĩa của những bác sỹ chữa bệnh cứu người của bệnh viện thị xã Tuy Hòa ngày ấy./.
 
Họ tên: Nguyễn Viết Lợi
Bút danh:  Hà Sơn Tuyền
Hội VHNT thành phố Vinh, Nghệ An
ĐC: Số 99, ngõ 6A, Đ. Nguyễn Cảnh Chân
P. Quang Trung, TP. Vinh, Nghệ An
ĐT:  01668 851502
tin tức liên quan