Ký ức rừng Trường Sơn
Trường Sơn là hình ảnh của cả đất nước. Năm 1970, tôi được Văn nghệ quân đội cử vào chiến trường để viết văn về lính Trường Sơn.
1. Trường Sơn là hình ảnh của cả đất nước. Năm 1970, tôi được Văn nghệ quân đội cử vào chiến trường để viết văn về lính Trường Sơn.
Muốn viết thì phải đi thực tế với lính tráng. Qua một năm, tôi đi dọc Quảng Trị, Ác Tô Bơ, Sanavan, Xiêm Bảng, Strung chen, Gra chi ê, Xiêm Riệp… Đi hết tất cả các vùng đất ấy thì tôi thấy rằng Trường Sơn vĩ đại quá. Sức đi, sức hiểu của mình không thấm tháp vào đâu.
Nhà văn Lê Lựu nhiều lần khóc khi kể lại chuyện ở Trường Sơn
Có những đêm, trời không trăng sao gì cả, tối mìn mịt, tôi cứ đi lội dọc suối và nghe. Nghe thấy trên tất cả các cánh rừng những tiếng người. Đó là tiếng điện thoại chỉ huy, tiếng trao đổi suốt đêm, nhộn nhịp chẳng khác gì ngày hội. Nếu đứng im, nhắm mắt mà nghe thì cứ tưởng xung quanh là thành phố chứ không phải là Trường Sơn rừng núi âm u. Hệ thống chỉ huy của bộ đội ta ở Trường Sơn hiện đại quá. Dù ngồi một nơi nhưng Tư lệnh Trường Sơn là tướng Đồng Sỹ Nguyên có thể biết được ở ngầm nào, ở thác nào, ở chỗ nào đang xảy xa cái gì. Ví dụ như nước trôi, người bị thương, kho cháy…
Toàn chiến trường ông nắm hết. Rừng Trường Sơn nhiều hệ thống trực ban lắm. Trực ban Bộ Tư lệnh, Trực ban các binh chủng, trực ban các binh trạm, từ các binh trạm lại phân ra trực ban công binh, trực ban bộ binh, trực ban do thám, trực ban pháo cao xạ… Nói, thông tin suốt đêm với nhau, tạo thành những đêm rừng Trường Sơn không ngủ. Tôi đi thực tế cảnh chiến đấu mà cứ có cảm giác như là đi xem hội vậy. Ấn tượng nhất là chuyện bộ đội ta đánh Mỹ. Tôi được chứng kiến tướng Đồng Sỹ Nguyên đánh thắng Mỹ không chỉ một mà những hai lần.
Mỹ giở ra trò gì là bộ đội ta bẻ được trò đó. Chẳng hạn như lần thứ nhất, khi Mỹ cho thả cây nhiệt đới xuống rừng, các thiết bị thu phát sóng vướng vào những ngọn cây để nghe tiếng bộ đội ta, nghe tiếng xe ở chỗ nào. Không thấy người, không có gián điệp nhưng xe đi đường nào, bộ đội đóng quân ở đâu thì máy bay địch đều biết để đánh bom. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chống “cây nhiệt đới” bằng cách cho bộ đội ta đi nhặt hết cây nhiệt đới đêm đặt vào những chỗ ta cần phá đá, cần mở đường. Cây nhiệt đới từ chỗ theo dõi bộ đội lại trở thành công cụ phục vụ ta. Có những núi đá hàng nghìn người phá cả năm trời không được thì máy bay Mỹ chỉ oanh tạc 4 - 5 ngày là xong...
Được đi nhiều, biết nhiều nên tôi quyết định viết cuốn "Mở rừng". Mở rừng ở đây không phải là công binh đi mở đường mà là bước vào một cuộc chiến tranh vĩ đại như thế, hệ thống chỉ huy ở đây hiện đại như thế, thông minh như thế thì con người cũng phải mở lòng mình. Mỗi người một tâm trạng, có những nỗi đau của riêng mình. Rất nhiều người gặp phải những hoàn cảnh éo le trong cuộc sống nhưng khi bược vào cuộc chiến đấu giữa rừng Trường Sơn lại làm nên những điều vĩ đại. Tâm trạng của họ âm u, rối rắm như những cây rừng, quan trọng là mỗi người tự mở lấy một lối ra, có giải thoát những khúc mắc của mình trước thì mới nghĩ đến đất nước được. Từ ông chính ủy cho đến anh cận vụ. Có anh cận vụ luôn luôn mắng cấp trên của mình.
Lý do không phải vì anh ta bất mãn hay láo lếu mà vì anh coi ông chính ủy như bố của mình. Mắng ở đây là một sự quan tâm, chẳng hạn thấy ông chính ủy mặc quần đùi anh ta bảo không được, chân trần thì bắt đi tất vào, ăn ngủ đi lại… Thương yêu chính ủy như bố mình, luôn luôn nghĩ và lo cho người khác, lấy hạnh phúc người khác làm mục đích sống cho mình. Anh ta chơi với một anh tiểu đoàn trưởng tên là Trường. Người yêu anh Trường là chị Ngà, một nghệ sĩ thổi kèn Ô boa bị chồng bỏ, con chết nhưng người chồng vẫn chỉ huy cô ở dàn nhạc. Chị Ngà ở bên này sông Bến Hải còn anh Trường lại ở bờ bên kia. Đợi chờ nhau nhưng không có thư từ liên lạc gì. Nửa đêm, anh cận vệ mới bơi qua sông báo hẹn với anh Trường sẽ gặp chị Ngà khi quay ra bên này sông Bến Hải. Báo xong, đến lúc quay về, bơi đến giữa dòng thì bị pháo bay bắn chết. Cả ngày hôm sau ông Chính ủy lên mồ anh cận vệ khóc suốt như mưa.
Những nhân vật trong "Mở rừng" đều là nguyên mẫu giữa rừng Trường Sơn bước vào. Trong cái không khí ầm ã tiếng bom, mù mịt bụi khói, hối hả, vội vã, đầy căng thẳng và lo âu tưởng chừng như không có thời gian cho mối quan tâm nào khác, cuộc sống chung và cuộc sống riêng của từng con người vẫn diễn ra. Người chính ủy già và người binh trạm trưởng nói tiếng miền Trung, ngày ngày không phút ngơi nghỉ với bản đồ, vị trí bom chưa nổ, với tấn tạ hàng, với lạng gạo ăn của bộ đội, với đường dây đứt, với từng trận bom, đêm đêm vẫn lặng lẽ thở dài với suy nghĩ về những đứa con, trái ngược nhau nhưng cùng đầy trăn trở. Sống bên cạnh họ là những người trẻ tuổi như Trường, Vũ, Chí Thú, Ngà, Bình Nguyên,...mỗi người một tính cách, một số phận những cùng chung một chí hướng sống trong tình yêu thương nhau, bề ngoài khắc khổ, ồn ã, bên trong sâu lắng và ấm áp.
Khi viết "Mở rừng" tôi đặt chỉ tiêu mỗi đêm viết một trang. Suốt 6 tháng trời nằm trong màn, khổ nỗi, vẫn phải đi tất tay, tất chân, mặc quần áo kín mít dù trời đang tháng 5. Đổ mồ hôi dầm dề vẫn cứ phải mặc vào để tránh muỗi. Không có đèn dầu, phải lấy ống bơ, đổ dầu ma dút vào, đục một lỗ, một tay viết một tay bịt miệng, sáng hôm sau chỉ có chỗ bàn tay che là trắng, còn lại đen thui hết cả mặt. Rừng Trường Sơn vĩ đại đã tạo nên những con người vĩ đại.
2. Khi Hiệp định Pari được ký kết tôi đang ở Sanavan (Lào). Hôm ấy là hăm bẩy tháng Giêng, cũng là ngày tuyên bố đình chiến ở Việt Nam nhưng bên Lào chiến tranh vẫn còn rất ác liệt. Chúng tôi trở về Việt Nam, đi trong những làn bom đánh cháy cả rừng. Xe chạy qua 20 km cánh rừng cháy, về đến đất mình anh em xuống xe ôm nhau reo hét: Sống rồi, sống rồi. Về Quảng Bình được đón tết với bộ đội ta, được ăn một bữa rau sống chấm nước cà chua, ôi, sung sướng quá.
"Mở rừng" là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Lê Lựu, viết trong những năm 1972 - 1973, những năm tháng ác liệt của Trường Sơn. Bối cảnh là tại một binh trạm khi mùa mưa Trường Sơn đến, nhân vật chính là những chiến sĩ lái xe đoàn vận tải Quang Trung 559, chiến sĩ đường dây và công binh.
|
Trường Sơn trẩy hội, và tất nhiên Trường Sơn cũng vô cùng ác liệt. Có một điều đặc biệt là những ngày chiến tranh không ai sợ chết cả. Đi giữa chiến tranh cũng muốn mong là mình sống nhưng không sợ chết. Sống chết rất mong manh. Trên hành trình từ Sanavan về Quảng Bình rồi đi ra Bắc chúng tôi gặp những đơn vị kéo vào thay quân. Khi gặp một đơn vị pháo binh đang ngồi nghỉ, tôi hét to lên cho tất cả mọi người nghe thấy rằng: Chúng tôi ra Hà Nội đây, ai có thư từ thì viết nhanh bọn tôi mang ra, nếu đồng chí nào ở Hà Nội thì tôi đưa đến nhà, ở tỉnh thì chúng tôi làm phong bì dán tem gửi về cho. Tất cả lính tráng đi tìm giấy mà ngồi viết thư trắng cả rừng. Duy chỉ có một anh ngồi trên nắp ca pô xe không viết gì cả. Lấy làm lạ, tôi mới hỏi, sao đồng chí không viết thư thì anh mới đưa cho xem lá thư của cô người yêu vừa gửi. Cô ấy viết thế này: Anh ơi. Em vô cùng thương yêu anh nhưng em cũng xin lỗi anh, em không thể chờ đợi được nữa. Anh tha thứ cho em.
Chiến tranh là thế, mất mát, hi sinh, đau đớn thường xuyên. Lại có những đêm theo lính vận tải vào tiếp tế cho thành cổ Quảng Trị. Xe tắt máy đi rồi, vào gần đến nơi rồi, đang qua sông Thạch Hãn tự dưng nghe tiếng gào mẹ ơi thì không còn ai nữa, mất cả đại đội chỉ trong tích tắc.
Cuộc đời có nhiều chuyện có thể quên, nhưng với rừng Trường Sơn, tất cả những câu chuyện vẫn mồn một. Ba bốn chục năm tôi vẫn cứ nhớ như in.
VŨ QUANG
PS sưu tầm