Ngày ấy chúng tôi ở Tà Oọc - Nguyễn Kim Chúc

Ngày đăng: 09:46 23/10/2018 Lượt xem: 741
Ngày ấy chúng tôi
                   ở Tà Oọc

                                                      
                         NGUYỄN KIM CHÚC

 
 
     Tôi nhận ra anh, ngay từ khi anh bước xuống xe. Mặc dù gần 50 năm mới gặp lại nhau. Anh vẫn thế, vẫn khuôn mặt vuông chữ điền, miệng rộng sang như lúc nào cũng cười. Anh là Nguyễn Ngọc Quý, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 56 ô tô vận tải Binh trạm 44 Trường Sơn.
     Nguyễn Sơn Hải - Trưởng ban liên lạc Sư đoàn 471 Xứ Đoài điện cho tôi: “Anh đến nhé! Rất nhiều anh em ở Binh trạm 44 Trường Sơn, sẽ có nhiều bất ngờ với anh …”.
     Trời Hà Nội mưa nặng hạt. Phố xá lênh láng nước. Đường 32 Hà Nội - Sơn Tây đoạn qua Trôi ngập sâu. Cảnh sát giao thông đứng giữa tim đường hướng dẫn xe qua. Xe thận trọng vượt qua làn nước. Tới được trụ sở UBND xã Võng Xuyên - nơi tổ chức gặp mặt đã thấy đông đủ hội viên đang làm thủ tục nhận tài liệu. Xã Võng Xuyên huyện Phúc Thọ cùng với xã Đông Hội huyện Đông Anh - Thành phố Hà Nội là hai xã được Thành phố chọn để xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu.
     Đúng như lời Nguyễn Sơn Hải: Hội Sư đoàn 471 Xứ Đoài phần lớn là lính Binh trạm 44 Trường Sơn. Họ là lính lái xe Tiểu đoàn 56 anh hùng; Tiểu đoàn giao liên 17 anh hùng; Tiểu đoàn 21 Công binh; lính Bệnh viện 46 …
Tôi và anh Nguyễn Ngọc Quý đang hàn huyên với các bạn thì Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn  - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Trường Sơn Việt Nam bước tới. Nắm chặt tay bọn tôi, nhìn sang tôi anh bảo:
    - Năm 1961 tôi và anh Quý đây cùng nhập ngũ, cùng tập trung về xã Võng Xuyên này nhận quân trang, rồi cùng về trường 255 học lái xe và cùng vào Trường Sơn …
    - Thưa anh! Tôi và anh Quý cũng đã từng ở với nhau ở Binh trạm 44. Cùng thử thách với những hút bom, với cây nhiệt đới của Mỹ … Tôi vội cướp lời anh. Anh Tuấn cười rất tươi và đưa ra kết luận:
- Chúng ta là lính Trường Sơn cả mà !!!
    Những năm 1968 đến 1972 chúng tôi trong đội hình của Binh trạm 44 Trường Sơn. Binh trạm 44 phụ trách tuyến ngang B46 từ Chà Vằn - thuộc tỉnh Tà ven ọc (Lào) vượt qua dãy Trường Sơn và chịu tác động của khí hậu cả Tây Trường Sơn lẫn Đông Trường Sơn.
    Đã là lính Binh trạm 44 Trường Sơn thì không ai xa lạ với địa danh bản Tà Oọc. Bởi vì ở đây, tuyến B46 đi qua. Và cũng nơi đây là nơi đóng quân của Binh trạm bộ Binh trạm 44, kho trung chuyển lớn O2, nơi đóng quân của Tiểu đoàn 56 ô tô vận tải, Tiểu đoàn bộ, Tiểu đoàn giao liên 17 … Nghĩa là khu vực Tà Oọc trở thành con tim, khối óc, dạ dày … của toàn tuyến B46 Binh trạm 44 Trường Sơn. Tà Oọc là khu rừng nguyên sinh nằm trên biên giới Lào - Việt. Nơi đây rừng già bao phủ trải dài theo dãy Trường Sơn và thoải dần theo hướng đông về huyện Nam Giang - Quảng Nam. Đi vào muốn qua Tà Oọc phải qua ngầm Sê Ka mán, km58, đi khỏi Tà Oọc vào chiến trường khu V phải qua đèo km68 - km70. Đây là hai trọng điểm cực kỳ ác liệt trên tuyến ngang B46. Mỹ - ngụy tìm mọi thủ đoạn nhằm gây tắc đường ở hai trọng điểm này. Chúng đánh phá ngầm và đèo này, đường bay của lũ giặc trời luôn ngang trên bầu trời Tà Oọc. Vì vậy suốt ngày bầu trời Tà Oọc không hề ngớt tiếng gầm rú của lũ máy bay Mỹ và phải hứng chịu những loạt bom rơi “sai sót” của chúng.
    Phía bắc tuyến B46 đoạn qua Tà Oọc từ km64, km65, km66 đều có những đường ô tô rẽ vào được ngụy trang kín đáo. Hai bên đường vào đầy ắp những kho hàng: Đạn dược, vũ khí, lương thực thực phẩm … Để từ đây, hàng ngày hàng trăm chị em thuộc Tiểu đoàn 2 quân giải phóng gùi thồ về Quảng Đà. Đêm đến, xe của Tiểu đoàn 56 chuyển tải vào phía trong. Thiên nhiên ban tặng cho những người lính Binh trạm 44 chúng tôi khu rừng Tà Oọc với những cây cổ thụ khép tán. Dưới những tán cây là những con đường ngang dọc, đủ bố trí cho cả Tiểu đoàn 56 xe, kho O2 … Có đường giao liên với trạm khách bố trí được hàng tiểu đoàn quân qua trạm.            Binh trạm bộ với các cơ quan: Tham mưu tác chiến hành quân; Tham mưu vận chuyển; Tham mưu công binh, chính trị, hậu cần … cũng đóng quân trong khu vực Tà Oọc. Những đoàn quân vào khu V, những đoàn văn công, văn nghệ sỹ theo đường giao liên qua đây cũng đều ghé làm khách ở Binh trạm bộ 44. Vì vậy ở Tà Oọc lính ta thường được thưởng thức những tiết mục văn nghệ hấp dẫn, những trích đoạn chèo cổ, những lời ca tiếng hát lay động lòng người. Điều hấp dẫn nhất với những chàng lính trẻ khi ấy là tới Tà Oọc còn được nghe tiếng cười, tiếng nói của các cô quân y, thông tin, hậu cần binh trạm. Và cũng chính ở nơi đây có những cuộc hẹn hò, tình yêu trai gái nảy nở.
     Những ngày tháng ấy ở khu vực Tà Oọc không ngày nào được bình yên dù mùa khô hay là mùa mưa. Kẻ địch biết rõ dưới những tán cây rừng của khu vực rộng lớn này là những binh đoàn, những đoàn quân nắm chắc tay súng ra trận. Chúng biết rõ nơi đây có hàng ngàn người đang ngày đêm đem sức trẻ cống hiến cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Địch tăng cường hoạt động thăm dò trên không và biệt kích thám báo thâm nhập. Máy bay trinh sát cánh quạt OV10, L19 bay dọc ngang soi mói. Bọn RF4 chụp ảnh ngày đêm. Nghi ngờ chỗ nào là bọn chúng chỉ điểm cho bọn F4 tới cắt bom. Bọn biệt kích thám báo được trực thăng chở, bất ngờ đổ xuống các bãi trống lùng sục thăm dò ta. Trên đường giao liên: Từ Quảng Nam ra hay từ Quảng Đà ngược lên đều có những toán biệt kích bí mật lẩn vào giả là quân giải phóng để chỉ điểm đánh phá …
    Tất cả những hoạt động đánh phá của địch không qua được mắt ta. Các đài quan sát hoạt động ngày đêm nắm địch. Đại đội bộ binh 293 chốt giữ những nơi trọng yếu. Các đơn vị đóng quân trong khu vực Tà Oọc: Kho O2, Tiểu đoàn xe 56, Tiểu đoàn giao liên 17, Đội điều trị I, công binh, cao xạ, Binh trạm bộ luôn đề cao cảnh giác, tổ chức truy lùng biệt kích, thám báo khi chúng mới tiếp đất. Đại đội pháo 85 dùng cối 82 lập trận địa bắn. Cho phép bắn thử vào những bãi trống để đề phòng địch đổ bộ …
    Tôi là trợ lý tác chiến Binh trạm. Ba giờ chiều một ngày tháng 12 năm 1970. Địch cho nhiều tốp cắt bom đánh phá ngầm Sê ka mán và đèo km70. Cao xạ 37 ly của Tiểu đoàn 28 bắn trả mãnh liệt. Bọn F4 không dám bổ nhào xuống thấp. Vì vậy bom tản mát lớn. Nhiều trái rơi vào khu Tà Oọc. Binh trạm trưởng Vũ Xuân Phương lệnh cho Ban Tác chiến xem xét địch cắt bom vào khu vực Tiểu đoàn 56. Tìm biện pháp khắc phục để Tiểu đoàn 56 hoạt động bình thường. Tôi được cử đi. Tiểu đoàn trưởng 56 Nguyễn Ngọc Quý dẫn tôi đi xem xét. Một loạt bom trúng nơi trú quân của tiểu đoàn. Còn một quả chưa nổ, cách chái nhà của Ban chỉ huy tiểu đoàn khoảng 50m. Nhìn hút bom đen ngòm sâu hun hút người chui lọt mà lạnh gáy. Mọi người tản đi cả, chỉ còn tôi và anh Quý xem xét hút bom. Tôi đưa ra nhận xét:
    - Đây là quả bom cỡ lớn, cắm vào lòng đất một góc gần như nghiêng 45o mà lại vào đất mềm như thế này có thể nó ở rất sâu trong lòng đất.
     Anh Quý tỏ rõ lo lắng. Rất may là loạt bom vừa nổ không gây khó khăn gì cho Tiểu đoàn 56. Những loạt bom rơi “sai sót” vào khu vực Tà Oọc như thế này không hiếm. Hứng chịu nhiều hơn cả là khu vực Kho O2. Đây là một khu kho trung chuyển rộng lớn với nhiều mặt hàng. Hàng ngày nhiều người tới nhận hàng, gùi thồ đi các hướng. Vì vậy công tác phòng gian bảo mật, ngụy trang phòng tránh được thực hiện rất tốt. Nhiều lần kho bị bom. Song kết luận của chúng tôi là địch chỉ đánh thăm dò và cắt bom “sai sót” chứ tuyệt nhiên không bị lộ vị trí đóng quân. Khu vực Tiểu đoàn 56 cũng vậy.
     Sau loạt bom vào khu trú quân của Tiểu đoàn xe 56. Bọn trinh sát cánh quạt OV10 vẫn bay lượn vè vè trên đầu. Nhưng mọi hoạt động ở khu vực Tà Oọc vẫn nhộn nhịp như thường. Tôi thống nhất với anh Quý: Cần kiểm tra khâu ngụy trang, không để cho chúng phát hiện từ trên cao. Cẩn thận khói lửa, nếu có khói phải tổ chức sử lý ngay. Chú ý khu bếp, trạm tiểu trú. Về quả bom chưa nổ, tôi sẽ báo cáo lại với Binh trạm trưởng và đề nghị cán bộ sử lý bom mìn bên tham mưu công binh giúp đỡ. Trước mắt cần tránh xa hút bom và không cho ô tô chạy gần nó … Anh Quý đồng ý với tôi.
     Tôi vẫn theo dõi quả bom chưa nổ ấy và cũng lo lắng cho các đồng chí ở đó. Tôi giữ liên lạc thường xuyên với anh Quý. Một ngày rồi hai ngày, ba ngày … chẳng thấy nó nổ? Rồi mọi người quên nó. Mùa mưa đến. Mưa xối xả ngày đêm. Ngầm Xê Ka mán ngập sâu. Đường xá sụt lở nghiêm trọng. Hàng hóa nằm im trong kho. Khẩu phần ăn bị cắt giảm. Xe không có xăng để chạy. Cả Binh trạm lo lắng. Giữa lúc khó khăn đó tin vui từ Tiểu đoàn 56: Tiểu đoàn 56 cải tiến thành công xe ô tô chạy bằng than. Việc vận chuyển nội bộ được giải quyết. Tin vui dồn dập báo về: Đội tăng gia của Binh trạm đã thu hoạch được lứa rau đầu tiên từ hạt giống miền Bắc gửi vào. Các đội săn bắn đã gùi thịt nai rừng về cho bếp ăn. Các rẫy cách mạng đã được dân chỉ dẫn. Tuy chỉ là những củ sắn, nhưng cũng đỡ đói lòng. Tinh thần no đói chia sẻ lẫn nhau lan rộng trong khu Tà Oọc. Từ cơ quan Binh trạm bộ đến Tiểu đoàn xe 56, Kho O2 … đều dành lương thực, thực phẩm tốt nhất cho Đội điều trị I và Tiểu đoàn 17 giao liên phục vụ thương bệnh binh. Mùa mưa, nước suối dâng cao, đường giao liên trơn trượt. Nhưng các chiến sỹ giao liên vẫn dầm mình trong mưa để khiêng cáng thương binh. Thương lắm những chiến sỹ giao liên Trường Sơn.
     Địch vẫn tăng cường đánh phá, trinh sát thăm dò. Trọng tâm đánh phá trong mùa mưa là những khu rừng nghi ngờ ta đóng quân. Nghe tiếng bọn RF4 bay trinh sát khí tượng khu nào là y như khu ấy bị cắt bom tọa độ. Nhẹ thì B57 cắt chùm bom. Nặng thì B52 bay 3 chiếc một cắt bom rải thảm và sau khoảng 15 phút chúng lại vòng lại cắt bom đợt hai. Quy luật đánh phá của địch ta hiểu cả. Vì vậy khu Tà Oọc cũng bị cả B57 lẫn B52 cắt bom rải thảm. Nhưng ta chẳng có thiệt hại gì đáng kể. Một buổi chiều muộn, từ đài quan sát báo về: Máy bay thả vật không xác định xuống khu Tà Oọc không thấy nổ? Nhận định: Có thể chúng thả “cây nhiệt đới” vào khu vực. Mệnh lệnh được phát ra: Tạm dừng mọi hoạt động khu Tà Oọc, tránh phát ra tiếng động; các đơn vị tổ chức tìm kiếm “cây nhiệt đới”. Mệnh lệnh được chấp hành:  Xe Tiểu đoàn 56 không nổ máy. Các chú gà trống được đưa xuống hầm, cho vào rọ không cho gáy … Đại đội bộ binh 293 được giao truy tìm “cây nhiệt đới”. Anh Quý lại báo về: Tiểu đoàn 56 tìm được một “cây nhiệt đới”. Tôi lại xuống gặp anh Quý. “Cây nhiệt đới” trông giống như một thân cây cụt có đường kính chừng 10cm được sơn ngụy trang, mới trông giống như một gốc cây cụt. Bên trong nó là hệ thống định vị xác định tọa độ và máy thu phát tín hiệu âm thanh. Phía trên tỏa ra những nhánh, chính là ăng ten thu phát. Thân “cây nhiệt đới” cắm xuống đất. Chúng tôi nhẹ nhàng tiến đến dùng dao tách lớp nhựa rồi đấu nối những nhánh ăng ten thu phát với nhau. “Cây nhiệt đới” thành vô dụng. Các đơn vị còn tìm thêm được 2 “cây nhiệt đới” nữa và nhanh chóng làm vô hiệu nó. Cả khu vực Tà Oọc lại hoạt động bình thường, xe lại nổ, gà lại gáy, đêm đêm tiếng hát của các chiến sỹ lại vang xa …
     Hết mùa mưa lại đến mùa khô. Cả vùng Tà Oọc của những người lính Binh trạm 44 Trường Sơn lại nhộn nhịp, lại âm vang tiếng máy, tiếng người đưa hàng ra mặt trận. Những đoàn quân tăng cường nhập tuyến. Những binh khí kỹ thuật, những cỗ đại bác lăn bánh ra mặt trận. Ngầm thông báo: ngày toàn thắng ắt về ta. Chúng tôi vào trận mới đầy hứng khởi.
      Tháng 5 năm 1971, tôi được điều động về Ban Tác chiến - Bộ Tư lệnh khu vực 471 phải xa Tà Oọc và những bạn chiến đấu cùng Binh trạm 44 Trường Sơn. Gần 50 năm mới gặp lại Thiếu tá Nguyễn Ngọc Quý nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 56 ô tô vận tải anh hùng và các bạn chiến đấu thuộc Binh trạm 44. Ai cũng muốn nói, cũng muốn kể về những năm tháng sống và chiến đấu ở Trường Sơn. Dược sỹ Phạm Chúc nắm chặt tay tôi thân tình cởi mở:
    - Anh còn nhớ chúng tôi không? Biệt kích đổ quân gần vị trí bệnh viện. Anh và anh Giao Tham mưu trưởng Trung đoàn thuộc Sư đoàn 2 đang nằm điều trị tại bệnh viện, chỉ huy cánh lính quân y chúng tôi truy lùng bọn nó mà. Mới đấy mà đã 50 năm. Tôi bắt chặt tay Phạm Chúc.
     - Nhớ mà! Quên sao được.
    Thiếu tá Nguyễn Ngọc Quý phát biểu cảm tưởng trong buổi gặp mặt:  Thưa các anh, các chị. Tôi rất vinh dự và tự hào được làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 56 anh hùng. Sau đó tôi còn làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn xe máy Trung đoàn 10 công binh và làm Tiểu đoàn trưởng ở biên giới phía Bắc trong cuộc chiến tranh biên giới … Song những ngày tháng sống và chiến đấu ở Tà Oọc thuộc Binh trạm 44 Trường Sơn là những ngày tháng đáng nhớ nhất trong cuộc đời quân ngũ của tôi. Ở đó, trong những ngày khó khăn ác liệt nhất trong cuộc chiến đã làm cho những người lính chúng ta trưởng thành. Để từ đó chúng ta vững vàng hơn lập những chiến công xứng đáng với danh hiệu: “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhà nước trao tặng” - Sau cùng nhắn gửi lời mời chúng tôi về Ao Vua hàn huyên cùng anh. Ở đó anh đang làm quản lý khu du lịch này … Những người lính Trường Sơn năm xưa nắm chặt tay nhau nói lời tạm biệt. Hẹn gặp lại ngày này năm sau. Anh Quý nhắc tôi: Nhớ về Ao Vua cùng anh để nói tiếp chuyện hút bom và “cây nhiệt đới” ở Tà Oọc. Nhìn anh Quý và đồng đội lưu luyến lúc chia tay lại nhớ những ngày chúng tôi ở Tà Oọc.
 
tin tức liên quan