NHỚ MÙA MƯA NĂM ẤY !
Hồi ký của Bùi Cộng Hòa
Phó Trưởng ban thường trực BLL D965 xe
Trời miền Trung ỉu sìu vì những đám mây đen kịt báo hiệu năm nay sẽ mưa nhiều, nước các con suối đổ vào sông Don chảy cuồn cuộn, mang theo lá rừng, đoạn cành nhỏ còn mùi hăng vì bom tọa độ. Tiểu đoàn có lệnh điều B trưởng Lê Trung Khiêm trực tiếp tổ chức một phân đội, gồm 5 xe đầu tời 2, 3 cầu thay nhau túc trực kích kéo xe, phà ở bến phà Xuân Sơn, Ngầm Bùng trên đường 15. Phục vụ vận chuyển hàng vào Binh Trạm 16 của 2 tiểu đoàn xe 781 và 965.
Nhớ những mùa mưa trước đoàn xe đi trong đêm mưa đánh vật với những ổ gà, tránh những trận bom tọa độ có đêm chỉ chạy được 30km. Các xe gát 51, giải phóng một cầu cần mẫn như những chú ong thợ chuyển hàng về xây tổ, vượt các trọng điểm rất khó khăn vì đường trơn, dốc đứng, ngầm sâu, đêm nào cũng có xe dệ, đổ ở ngầm Bùng, có xe còn trúng bom tọa độ nơi cửa tử này. Những lái xe trực ở các trọng điểm đều là đoàn viên ưu tú, Đảng viên trẻ, cán bộ nguồn được cấp trên thử thách.
Xe Zil 157 ba cầu đầu tời do B trưởng Lê Trung Khiêm và Hà lái chính được chỉ định trực chiến tại bờ bắc phà Xuân Sơn. Mùa mưa nước sông Son đục ngầu, chảy xiết, anh Chiến lái ca nô lai dắt phà rất vất vả khi có xe từ bờ nam sang còn đỡ, lúc phà không cập bến bờ bắc thật khó khăn vì phà nhẹ, nước chảy đẩy phà không vuông góc với bến. Bến bờ bắc lại nằm bên cạnh sườn dốc núi đá, xe không hàng từ phà lên mang nước ướt nên nền đường càng trơn. Lúc này xe kích kéo đầu tời phải hỗ trợ. Hà phải lôi cáp móc vào ba đờ xốc xe từ phà lên để máy tời cuốn cáp hỗ trợ xe lên. Nếu là thời bình thì quá đơn giản nhưng phà Xuân Sơn nơi máy bay Mỹ đổ hàng trăm tấn bom đạn, thi thoảng mới có vài chục phút tĩnh lặng. Ban đêm pháo sáng thả gối nhau hết đợt này đến đợt khác, dưới sông bom từ trường, thủy lôi trôi lơ lửng, ca nô, phà vướng vào là đi đứt. Lái xe mỗi lần qua phà là thót tim, nhưng cán bộ chiến sĩ Công binh, cầu phà, lái ca nô, lái xe kích kéo 12/24 giờ trong ngày có mặt thường trực ở trọng điểm nơi cửa tử Xuân Sơn này, thần kinh cũng bị chùng xuống. Nhiều mưu mẹo, kế hay đánh lừa bom Mỹ để hàng đêm vẫn đón từng đợt xe vận tải qua phà an toàn.
Bộ phận trinh sát nắm vững quy luật bắn phá của máy bay, theo dõi chúng thả pháo sáng, ném bom hàng giờ. Ban ngày chúng hoạt động ra sao, ban đêm chu kỳ thế nào ta đều nắm rõ. Các thông tin này được báo về trực ban Binh Trạm. Binh Trạm trưởng Đại úy Hoàng Trá – Chính ủy Thiếu tá Nguyễn Dân và Trung úy Phạm Thọ trợ lý tham mưu Công binh nắm rõ, có phương án tác chiến cụ thể từng giờ. Điều động các lực lượng TNXP, Công binh, cầu phà, sửa chữa đường xá để đến đêm cửa tử Xuân Sơn lại nhộn nhịp xe vào xe ra kịp đưa hàng cho tiền tuyến. Là chiến sỹ lái xe đội kích kéo thường trực tại phà nhiều lần trong năm, tôi nhớ lại cách làm của cánh lái xe để vô hiệu hóa máy bay Mỹ bắn phá, tránh thương vong cho người và xe. Xe được làm giàn mướp, xung quanh ca bin, máy, két nước được bọc các giá nứa dày 30cm để tránh bom bi, mảnh bom sát thương. Xe được các chiến sĩ Công binh đào hầm trú ẩn sâu 1 mét dài vừa chiều dài của xe và lối vào. Chỉ có ba đờ xốc và hộp tời nằm trên mặt đất, phần xe nhô lên trên đều có các giá nứa bao bọc, nhìn từ xa khó nhận đó là ô tô vận tải.
Phía móc kéo hậu đuôi xe lại cố định bằng một dây cáp lớn quàng vào mố đá hoặc gốc cây cổ thụ để đối trọng cho xe tời không tiến về phía trước được. Gầm xe được dải tăng cho lái dự phòng nghỉ ngơi. Hầm xe sát vào vách núi, máy bay không ném bom vào được. Sau này có tình báo máy bay bắn đạn 20 ly, rốc két vào hầm xe nhưng đều không trúng vì có pháo cao xạ canh chừng máy bay không bổ nhào và rà thấp được. Rốc két và đạn 20 ly cầy nát vách núi, đá vỡ nham nhở, đổ xuống thùng xe rào rào. Càng hay, đỡ công lái xe và công binh vận chuyển nứa gỗ làm nắp hầm di động. Ở Ngầm Bùng trước kia là đập tràn xây đá hộc kiên cố, là nơi cửa sông sình lầy của nhánh suối từ dẫy đá vôi Phong Nha Kẻ Bàng,tận Trà Ang chảy về vùng đồng bằng Khương Hà đổ ra sông Son, sau hơn một năm bắn phá của may bay Mỹ. Ngầm Bùng bây giờ chi chít hố bom diện tích trải rộng một km vuông. Xe đi qua Ngầm Bùng ối bác tài rúc đầu xe xuống hố bom không lên được, lúc đó lại phải bắn súng cấp cứu để trinh sát công binh, TNXP đến kiểm tra, báo cáo trực ban cho xe 3 cầu hoặc máy húc đến kích kéo. Do Ngầm Bùng bị bom Mỹ phát nát chu vi rộng nên Bờ Bắc và Bờ Nam đều có 2 đơn vị công binh, TNXP trực chiến, mỗi bờ một xe húc một xe 3 cầu thay nhau giải cứu các xe dê, rệ và làm đường tạm khi bom tọa độ đánh trúng đường. Mùa khô xe luồn qua các hố bom nham nhở có đoạn đường xình lầy lực lượng công binh phải rải cây làm đường (rong đanh) vòng vèo uốn lượn, ra khỏi trọng điểm Ngầm Bùng lái xe toát mồ hôi vì phải vượt qua trận đồ bát quái, thời gian qua Ngầm Bùng mất mấy chục phút mà chỉ đi một chiều vì đường hẹp, xe vào, xe ra chờ ở hai đầu phía xa, khi có hiệu lệnh của tổ trực chiến xe mới được xuất phát. Mùa mưa thì khỏi phải nói, nước mênh mông nhiều đoạn bom mới bỏ TNXP, công binh phải trực làm cọc tiêu, đứng ở mép bia buồng lái dẫn đường cho lái xe yên tâm vượt trọng điểm.
Nhiều đêm trực ở hai trọng điểm này, tôi thường gặp Binh trạm trưởng Hoàng Trá ([1]), trợ lý tham mưu công binh Phạm Thọ ([2]) có mặt những lúc tắc đường, xe dệ hố bom hoặc mưa to nước ngập hết đường... Các anh thăm hỏi động viên lực lượng công binh, lái xe, lái máy, lái ca nô, TNXP thường trực ở trọng điểm. Thăm và động viên các đơn vị xe có mặt chờ vượt trọng điểm. Khi đường bị tắc nhiều ngày, cánh lái xe lại ra bến Khương Hà cạnh sông Son nhận hàng từ đường thủy, mang vào kho Cự Nẫm, Thọ Lộc tiếp chuyển cho các hướng chiến trường.
Khi gió mùa đông bắc tràn về, Đường 15 nhão nhoét vì mưa dầm hàng tuần, các trọng điểm bị máy bay ném bom tọa độ lại càng tan hoang lở loét. Lúc này lực lượng công binh, TNXP lại càng vất vả, quần áo chẳng lúc nào khô, hôi xì vì xông khói, mưa thối đất thối cát, nhiều đơn vị bị cô lập, thiếu gạo, anh chị nuôi lại ngược rừng đào củ, hái hoa chuối rừng, hái rau tàu bay, môn thục về chống đói, các đơn vị tổ chức học tập chính trị, sinh hoạt văn hóa, nâng cao trình độ hiểu biết về địch tình - phát động những đợt thi đua, không khí các đơn vị tưng bừng hướng về mùa khô sắp đến.
Sau 40 năm kết thúc chiến tranh chống Mỹ các đơn vị tổ chức họp mặt kỷ niệm 50 – 60 – 70 năm ngày truyền thống. Khi viết những dòng này không khỏi bồi hồi thương nhớ đồng đội, đồng chí đã anh dũng hy sinh dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, những người bị sốt rét rừng hành hạ hoặc bị lũ cuốn trôi, trên đường ra mặt trận. Tất cả vì tiền tuyến vì Miền Nam ruột thịt, xin dâng lên các anh, các chị một nén tâm nhang kính viếng các linh hồn đời đời bất diệt, về cuộc đời của B trưởng Lê Trung Khiêm thật thiệt thòi so với bạn đồng ngũ. Mùa khô 1968 – 1969 máy bay Mỹ ném nhiều loại bom ngăn chặn ở liên hoàn trọng điểm ATP. Đảng viên Lê Trung Khiêm cùng các anh Nguyễn Văn Ba, Khúc Văn Lượng được binh trạm 14 cử lái xe phóng từ phá bom nổ chậm, từ trường tại km 68 đường 20 Quyết Thắng các anh phá được nhiều bom nhưng cũng bị sức ép nhiều lần - anh Ba, anh Lượng lái xe Zil 157 chạy nhanh kéo theo vật kích nổ - bị sức ép ù tai ngất xỉu. Riêng anh Lê Trung Khiêm lái xe phóng từ chạy tốc độ chậm (xe phóng từ vỏ bằng thép có một máy xung kích đặt trong ô tô chính là xe gaz 63 hai cầu cải tiến) bị sức ép nặng hơn – máu mắt máu mũi trào ra ngất lịm hàng giờ. Năm 1970 anh Khiêm đi viện nhiều lần nhưng sức khỏe không khá lên được, anh được đơn vị cho chuyển ngành về làm giáo viên trường làng, sau này được Phòng Giáo dục huyện Thanh Liêm bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng Trường cấp I. Mỗi khi trái nắng trở trời vết thường ngầm (sức ép) tái phát lại nằm bẹp vì mất máu (thời tiết thay đổi máu mũi, máu tai tự chảy ra). Môi trường sống bao cấp, khó khăn chồng chất – chế độ thương binh không làm được, anh chị chống chọi với thời gian, với thương tật. Hòa bình được 30 năm anh Khiêm vĩnh biệt đồng đội, đồng chí về cõi vĩnh hằng với tổ tiên. Đồng đội D965 ở tỉnh Hà Nam về đưa tiễn anh trong tiếng kèn đồng bài vĩnh biệt người lái xe quả cảm./.
CÁN BỘ D965 CÁC THỜI KỲ
* 1968 – 1969:
1. D trưởng Đặng Hồng Nhật
2. D phó Nguyễn Văn Lực |
3. Chính trị viên trưởng Lưu Xuân Hợp
4. Chính trị viên phó Vũ Văn Giản |
* 1969 – 1970:
1. Nguyễn Văn Lực (DT)
2. Nguyễn Xuân Quảng (DP)
3. Nguyễn Văn Đủ (DP)
4. Nguyễn Văn Dự (DP) |
5. Vũ Văn Giản (DVT)
6. Nguyễn Trọng Hiền (DVP)
7. Nguyễn Văn Thẩm (DVP) |
* 1970 – 1971:
1. Nguyễn Xuân Quảng (DT)
2. Nguyễn Văn Đủ (DP)
3. Vi Văn Thính (DP) |
4. Nguyễn Trọng Hiền (DVT)
5. Hà Đạt Trung (DVT)
6. Phạm Xuân Sử (DVP) |
* 1971 – 1972:
1. Nguyễn Văn Đủ (DT)
2. Vi Văn Thính (DT)
3. Trần Công Tốn (DVP) |
4. Hà Đạt Trung (DVT)
5. Nguyễn Văn Bốn (DVP) |
* 1972 – 1973:
1. Vi Văn Thính (DT)
2. Đào Như Kim (DP)
3. Trần Văn Phí (DP) |
4. Nguyễn Văn Bốn (DVT)
5. Nguyễn Văn Bá (DVP) |
* 1973 – 1974:
1. Vi Văn Thính (DT)
2. Đào Như Kim (DP)
3. Nguyễn Văn Khẩn (DP) |
4. Nguyễn Văn Bốn (DVT)
5. Vũ Văn Luyện (DVP)
6. Nguyễn Văn Bá (DVP) |
* 1974 – 1975:
1. Vi Văn Thính (DT)
2. Đào Như Kim (DP)
3. Nguyễn Văn Khẩn (DP) |
4. Nguyễn Văn Bốn (DVT)
5. Vũ Văn Luyện (DVP)
6. Nguyễn Văn Sử (DVP) |
* 1975 – 1976:
1. Vi Văn Thính (DT)
2. Đào Như Kim (DP) |
3. Nguyễn Văn Bốn (DVT)
5. Vũ Văn Luyện (DVP) |
([1]) Binh trạm trưởng Hoàng Trá sau này là Sư trưởng Sư đoàn công binh 472 Bộ đội Trường Sơn, Phó tư lệnh Binh đoàn 11 về hưu với quân hàm Đại tá.
([2]) Trợ lý TMCB Binh trạm 14 sau này là Cục phó Cục Tham mưu công binh bộ đội Trường Sơn phó tư lệnh Bộ Tư lệnh công binh Bộ Quốc phòng về hưu với quân hàm Đại tá.