Người đứng trên bom nổ chậm, Hồi ký của Bùi Cộng Hòa

Ngày đăng: 07:10 09/11/2018 Lượt xem: 645



                                       NGƯỜI ĐỨNG TRÊN BOM NỔ CHẬM

                                                              Hồi ký  Bùi Cộng Hòa
 
          Binh trạm 14 Bộ đội Trường Sơn  kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (4/1966 – 4/2016).

          Thấm thoắt đã 50 năm rồi Binh trạm trưởng Đại tá Hoàng Trá cũng ngoài 90 tuổi. Những năm cuối đời ông mắc phải nhiều cơn bạo bệnh nào là hẹp mạch vành phải đặt ống nong tim, nào là đột quỵ thần kinh…. Nhưng trong tâm khảm ông vẫn  thương yêu đồng đội , quan tâm đến từng bước trưởng thành của lớp cán bộ chiến sĩ trong Binh trạm. Nhớ lại những năm 90 của thế kỉ trước ông cùng Chính ủy Đại tá Bùi Thế Tâm dựng lên hội tình nghĩa Binh trạm 14 anh hùng đường 20 Quyết Thắng. Từ ngày gặp mặt đầu tiên 1996 đến nay cũng đã trên 20 năm. Từ số ít hội viên đến nay đã đầy đủ các Ban liên lạc  từ Đại đội Thông tin đến các Tiểu đoàn xe, công binh, giao liên, kho tàng, cao xạ… Đơn vị nào cũng hoạt động nhịp nhàng, tình nghĩa trước sau. Lúc còn khỏe ông chỉ đạo, đến dự hầu hết các buổi gặp mặt  các Chi hội cơ sở. Đã từng tổ chức nhiều buổi gặp mặt toàn Binh trạm, toàn sư đoàn công binh 472 Bộ đội Trường Sơn, thậm chí còn tham gia Ủy viên Thường trực Ban Liên lạc Toàn quốc Bộ đội  Trường Sơn nhiều thập kỷ.  Nhắc đến Đại tá Hoàng Trá người con quê hương Võ Ninh huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình chín năm trụ vững trên đường 20 quyết thắng xây dựng đơn vị từ buổi sơ khai sau 7 năm trở thành  đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nguyên Tư lệnh Sư đoàn công binh 472 anh hùng năm xưa trực thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Khi về hưu ông đảm nhận chức vụ Phó tư lệnh Binh đoàn 11 Bộ Quốc phòng.

          Trong Binh trạm anh hùng có gần một chục đơn vị  và nhiều cá nhân anh hùng.

Đó là các Đại đội, Tiểu đoàn như:

C5 TNXP – Đội cầu 10, Tiểu đoàn 781xe, Tiểu đoàn 33 CB,  N25 TNXP Hà Nam.  Các anh hùng Nguyễn Phong Lưu. Vũ Tiến Đề, Khúc Văn Lượng, Nguyễn Thị Vân Liệu, Nguyễn Thị Nhạ là những bông hoa xuất sắc tô thắm trang sử truyền thống Binh trạm 14. Ông không được đeo quân hàm tướng vì quá tuổi, nhưng lớp cán bộ chiến sĩ chúng tôi vẫn coi ông là một vị tướng tài ba lỗi lạc đã dẫn dắt Binh trạm Binh chủng hợp thành vượt mọi khó khăn, bom  đạn ngăn chặn của kẻ thù, giành  giật từng mét đường. Đưa nhiều hàng vào chiến trường vượt qua một cửa khẩu ác liệt nhất có trọng điểm  liên hoàn ATP đã đi vào huyền thoại…. Có nhiều gương mặt dũng cảm lập nên trang sử hào hùng, trong đó có  một gương dũng cảm cũng vượt mốc 50 năm từ những năm đầu của cuộc chiến tranh phá hoại của Đế Quốc Mỹ trên đường 15, con đường huyết mạch đông Trường Sơn nối liền hậu phương lớn đến tuyến lớn, còn in đậm trong   trí nhớ của tôi, người bạn, người đồng chí, người chiến sĩ cộng sản kiên trung đã coi thường hiểm nguy làm yên lòng đồng đội. Anh đã dũng cảm đứng bên 2 quả bom nổ chậm để bạn bè đồng chí yên tâm vận chuyển vật tư “máu” ra khỏi khu vực nguy hiểm.Xe vận tải của Binh trạm 12 và Binh trạm 14 không cầu thì đi ngầm, nhưng hôm nay ngầm cũng bị  đánh tan hoang. Những đơn vị bảo vệ ngầm Ca Tang trên đường 15 đều có thương vong. Từ thanh niên xung phong, pháo cao xạ, công binh, kho hàng đều lao đao vì trận bom ngày hôm đó.

Ngớt tiếng máy bay đội phó kỹ thuật Đội Cầu 10 Bộ Giao thông vận tải, Bùi Đức  Nhuận, chàng cán bộ Trung cấp cầu đường 23 tuổi, người thủ đô Hà Nội trắng trẻo đẹp trai ăn nói có duyên ra kiểm tra kho hàng vật tư của Đội cầu 10. Kho hàng bị bom sát thương nổ gần làm bay hết mái để lộ nào cuốc xẻng, xà beng, choòng búa, các cuộn thép và những bao xi măng Hải Phòng mới lĩnh từ Miền Bắc vào chuẩn bị xây cầu tràn ở thượng lưu cầu Ca Tang. Án ngữ cửa kho là hai quả bom chưa nổ dài chừng 2 mét, 2 phần 2 quả bom  cắm ngập xuống đất, không biết là bom điếc hay chưa đến lúc nổ. Nhuận về đơn vị gọi điện báo cáo Tổng cục  Tiền phương cho công binh xuống kiểm tra, giải quyết.

Bác Hồ đã dậy bộ đội lái xe “ Yên xe như con, quý xăng như máu” Người chiến sĩ cầu đường coi xi măng còn quý hơn máu, vì không có xi măng thì mố cầu, đập tràn không bền chắc được. Trong lúc đội trưởng ra Hà Nội  họp, kết hợp nhận vật tư, là đội  phó nhưng lại kiêm Bí thư Đoàn của Đội, Nhuận triệu tập Ban chấp hành và  đội  viên lại đề ra  phương án  phải chuyển kho ngay, để đảm bảo an toàn 20 tấn xi măng trong kế hoạch xây dựng  đập tràn Ca Tang vì mùa mưa sắp đến. Hôm nay đã là thượng tuần tháng 3, lũ tiểu mãn sẽ xuất hiện vào  thượng tuần tháng 5. Chúng ta dốc toàn lực lượng vận chuyển  kho xi măng đến nơi an toàn. Nhìn hai quả bom nằm ở cửa kho, các ánh mắt lo lắng nhìn nhau, ai cũng sợ nhỡ nó nổ thì sao, công binh ở Binh trạm chưa đến được. Sau một hồi suy tính: Là Đoàn viên ưu tú đang phấn đấu vào Đảng  lại là Bí thư Chi đoàn, Đội phó kỹ thuật.  Nhuận phát biểu “ Các đồng chí dốc toàn lực chuyển 20 tấn xi măng ra  nơi an toàn trước, xong xi măng rồi chúng ta chuyển vật tư khác, càng nhanh càng tốt. Tôi xung phong đứng canh 2 quả bom, nếu nó cựa mình tôi sẽ hô mọi người nằm xuống. Đề nghị các đồng chí thanh niên vào kho chuyển ra, các anh chị nhiều tuổi đứng ngoài ta chuyền tay để nhỡ bom nổ giảm bớt thương vong. Nhuận trấn an đồng đội: “Theo kinh nghiệm được phổ biến khi bom chuẩn bị nổ thân bom sẽ tỏa nhiệt, tôi đặt tay vào thân bom nếu nó nóng, tôi sẽ thông báo cho các đồng chí biết để đối phó”. Cả đơn vị thở phào, nhưng vẫn còn lo lắng. Đứng bên hai quả bom chưa nổ Nhuận thi thoảng lại đưa tay sờ lên thân bom, mắt dõi theo đồng đội vận chuyển xi măng, anh nghĩ không có xi măng  thì đập tràn Ca Tang không xây được, từ nay đến lũ tiểu mãn còn có hai tháng, chờ xi măng từ Hà Nội chuyển vào cũng phải hơn tháng. Cầu Tràn không xây, đường tắc vì ngầm Ka Tang dưới hạ lưu sẽ ngập trên 1 mét, nước chảy xiết không xe pháo nào qua được, mà cầu cáp cũng chưa bắt đầu xây dựng nên anh phải quyết tâm động viên đồng đội chuyển kho kịp thời.

Anh cũng lo lắng suy nghĩ về quê hương Thịnh  Liệt, Thanh Trì nơi bố mẹ anh chị và các em anh sinh sống, có nhà thờ họ Bùi, có cụ tổ Bùi Xương Trạch, Bùi Huy Bích  đỗ đạt thời xưa, anh nhớ lại người bạn gái thân thiết cùng học ở trường Cầu đường nay cũng đang công tác ngoài Hà Tĩnh – Hai người vẫn thư từ  đi lại động viên nhau  sống làm việc xứng đáng với truyền thống  gia đình, phấn đấu sớm được kết nạp Đảng, thực hiện ước mơ hoài bão “ Chết xanh cỏ, sống đỏ ngực”. Trong hai tiếng đồng hồ chiều hôm đó, kho hàng vật tư của đội cầu 10 chuyển xong, mọi người mặt mày hoan hỉ cũng vừa lúc Phân đội công binh theo lệnh điều động của Tổng cục Tiền phương cũng đến hiện trường. Bùi Đức Nhuận bàn giao hiện trường để công binh giải quyết.

Sau mấy tháng thử thách của Chi bộ Đội cầu 10, người bí thư Đoàn, Đoàn viên ưu tú Bùi Đức Nhuận được vinh dự kết nạp Đảng tại mặt trận. Anh đã mang hết kiến thức  học được, phối hợp với thực tế từng cầu, ngầm trên đường 15. Từ  đập tràn Ca Tang đơn vị tiến dần về phía Nam. Anh nhớ nhất những năm tháng gian khổ được sống và chiến đấu cùng cán bộ chiến sỹ Binh trạm 14 nào là ngầm Xuân Sơn, ngầm Bùng. Đá mài, Lệ Kỳ…  Từ  1964 sau 8 năm phấn đấu gian khổ vượt qua bom đạn của kẻ thù Đội cầu 10 được nhà nước phong tặng  Anh hùng  lao động năm 1972.

Sau 8 năm đạt chiến sĩ thi đua, chiến sĩ quyết thắng Bùi Đức Nhuận được suy tôn  gửi hồ sơ lên Bộ GTVT đề nghị phong anh hùng lao động cùng đơn vị Đội cầu 10, Lãnh đạo Bộ cử người về xác minh tại địa phương thì được biết em ruột anh Trung đội trưởng công binh Bùi Ngọc Dương năm 1968 cùng quân giải phóng tấn công giải phóng cứ điểm Làng Vây trên đường  số 9 đã anh dũng hy sinh được Truy tặng Liệt sỹ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân 1969. Thật là một gia đình có nhiều cá nhân anh hùng. Hiện tại tên anh hùng Bùi Ngọc Dương được HĐND thủ đô Hà Nội đặt cho một con đường ở quận Hai Bà Trưng.

Là chiến sĩ lái xe, mùa khô vận chuyển  hàng, mùa mưa được biệt phái trực kích kéo tại các trọng điểm hoặc chở đá làm cầu, làm đường cho TNXP, công binh đội  cầu, gắn bó với Đội cầu 10 nhiều năm ở nhiều trọng điểm trên đường 15, 20 quyết thắng và năm 1972 trên đường số 9 tôi chứng kiến tập thể anh hùng Đội cầu 10 nói chung, cá nhân người Đội trưởng, Bí thư Chi bộ, Bí thư Đảng bộ Bùi Đức Nhuận nói riêng, trong tình cảm thiêng liêng đồng đội đồng chí sen lẫn tình cảm anh em đồng tộc “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” không vì danh hiệu cá nhân anh hùng Bùi Đức Nhuận vẫn kiên cường vượt qua thử thách cam go đưa đơn vị Đội cầu 10 gặt hái nhiều thành công. Riêng anh được đi học Đại học chuyên tu, được  nâng cao trình độ Cao cấp chính trị. Được Bộ trưởng và Đảng ủy Bộ giao thông vận tải bổ nhiệm chức vụ Cục phó Cục hàng hải Việt Nam.

Năm 2002 Bùi Đức Nhuận về hưu anh lại cùng những người bạn cũ lập ra Hội tình nghĩa Đội cầu 10 Anh hùng. Hàng năm  Ban liên lạc tổ chức thăm chiến trường xưa, thăm lại các nghĩa trang liệt sỹ trên đường 15, nơi có đồng đội Đội cầu 10 yên nghỉ, kết nối với đơn vị kế thừa đội cầu 10 nay là Công ty cổ phần 510 thuộc Tổng Công ty Cencô 5, uống nước nhớ nguồn, giúp đỡ các gia đình liệt sĩ, các thương bệnh binh có hoàn cảnh neo đơn. Đóng góp nhiều kinh phí khuyến học khuyến tài động viên những người chủ tương lai của đất nước.

Ngôi Từ đường dòng họ ở Giáp Nhị Thịnh Liệt Hoàng Mai thờ tổ tiên họ Bùi hàng năm lại đón tiếp đồng đội Đội cầu 10 từ mọi miền đất nước về hội tụ gặp gỡ, kỷ niệm ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Từ đây các ký ức hiện về chắp nối các dòng hồi ký để bạn đọc hiểu được những năm tháng chiến tranh kháng chiến chống Mỹ thần thánh của dân tộc.
 
Viết xong 30/4/2016
Sửa chữa 30/4/2017
 







 
tin tức liên quan