" Chờ sương nhả ngọc" - Tức cảnh và hoài niệm với ký ức một thời - Thiếu tướng Hoàng Kiền

Ngày đăng: 06:12 02/12/2018 Lượt xem: 747
CHỜ SƯƠNG NHẢ NGỌC
(Tức cảnh và hoài niệm với ký ức một thời)
Thiếu tướng Hoàng Kiền

         Lâu lắm rồi, từ khi về vui cảnh điền viên đến nay đã hơn bốn năm, đêm nay lại ngủ trên núi cao rừng thẳm vùng cao Yên Bái bên dãy Hoàng Liên Sơn, nằm trong nhà tầng kín đáo, ấm áp giữa mùa đông. Bồi hồi nhớ lại những năm tháng cùng đồng đội trên công trường thi công Đường tuần tra biên giới, bao kỉ niệm bừng lên trong lòng. Sáng dậy sớm, dạo quanh núi rừng, màn sương bao phủ mà nhớ những đêm sương trên đỉnh Trường Sơn hùng vĩ thuở thi công đường tuần tra biên giới.
Nhìn rừng ướt đẫm hơi sương
Nhớ về một thuở công trường đường biên
Nhớ bao đồng đội mọi miền 
Bừng lên kỉ niệm viết nên chuyện đời
         Đường Tuần tra Biên giới kéo dài từ Móng Cái đến Hà Tiên, phần lớn đi qua vùng núi cao trừ bốn tỉnh đồng bằng Tây nam bộ. Tuyến bám theo sống núi, không có nguồn nước. Nhiều nơi nước sinh hoạt và thi công phải bơm chuyền từ dưới chân núi lên hoặc dùng xe chở đến, vô cùng khó khăn. 
         Do thiếu nước nên ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình. Trong dự toán các cơ quan thiết kế và thẩm định không đưa chi phí nước vào vì chưa có tiền lệ. Tôi đã có 10 năm chỉ đạo, chỉ huy xây dựng công trình chiến đấu ở Trường Sa nên hiểu rõ vấn đề này. Nước đều phải chở từ đất liền ra để sinh hoạt và thi công. Tôi đã đưa Thủ trưởng Bộ Tổng TM lên tuyến kiểm tra để kết luận là tính chi phí nước vào dự toán và đã có quyết định của chủ đầu tư chấp nhận.
         Tôi nghĩ đến cách lọc sương. Cây thông lá đỏ và các loại cây gỗ thân đỏ sống trên núi cao khô cằn, lá của nó biết thu sương đọng lại thành nước để tự nuôi dưỡng mình. Con người cũng thế, ở sa mạc Tây Xahara khô cằn người ta đã làm các tấm lưới lọc sương, điển hình là Maroco. Các nước vùng nam Mỹ như Chi Lê, Pê Ru độ cao trên mặt nước biển rất lớn, Pê Ru trung bình cao trên 3000 m, lượng mưa hàng năm rất thấp, thiếu nước nghiêm trọng nhưng độ ẩm rất cao, họ đã làm lưới lọc sương lấy nước sinh hoạt.
         Ở nước ta chưa có kỹ thuật và thiết bị lọc sương, tôi hướng dẫn cho anh em nơi nào lấy nước khó quá thì làm nhà mái lợp tôn lạnh, xây bể hoặc đào hố lót ni lon mùa mưa hứng nước mà sinh hoạt. Mùa khô lọc sương trên mái tôn hứng nước tận dụng mà dùng. Một hôm ngủ đêm ở lán công ttrường trên đỉnh Trường Sơn Tây Nguyên vào giũa mùa khô, nằm nghe tiếng nước nhỏ vào xô đều đều lanh canh thánh thót ngân nga suốt đêm. Tôi dậy ra xem, chính là nước hứng từ sương đọng trên mái tôn đầy bốn cái xô. Tôi nâng chân dạo bước trên đỉnh Trường Sơn dưới ánh trăng suông xuyên màn sương se lạnh. Nhìn ra Biển đông trào dâng kỷ niệm một thời, gần mười sáu năm cưỡi tầu vượt sóng xây dựng nên những công trình trên đảo Bạch Long Vỹ, những pháo đài sừng sững trên các đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa, bao kỷ niệm trào ra:
Mười năm Trường Sa
Chia nhau ca nước
Thắm tình đồng đội
In đậm đời tôi..
         Hôm nay tôi cùng đồng đội lại xẻ núi bạt đồi dệt nên dải lụa hồng vắt trên đỉnh đại ngàn Trường Sơn nơi biên cương Tổ quốc. Ngắm nhìn Tổ quốc bao la hùng vỹ bầu trời cao xanh vời vợi hoà với màu rừng xanh bao la bất tận, những vì sao lấp lánh trên đầu, những ngôi sao băng chiếu sáng rực rỡ thi nhau lao xuống như tiếp thêm ánh lửa cho công trường, bao điều kỳ diệu diễn ra, lòng tôi trào dâng niềm tự hào nâng bước, tâm hồn tôi cũng mênh mông trong sáng như đại ngàn Trường Sơn, tôi đã bật lên mấy câu thơ:
Ngủ rừng ăn sống nằm sương
Quyết tâm xẻ núi mở đường tuần tra
Non cao trùng điệp bao la
Chung nhau ca nước nở hoa tình đời
         Thấy ánh lửa bập bùng trong nhà bếp, tôi ghé vào thăm, thật bất ngờ, một cô giáo cấp hai ở miền Bắc có chồng là Cán bộ chỉ huy thi công công trường Đường tuần tra Biên giới. Nơi đây không có sóng điện thoại, không có Bưu điện, suốt mấy tháng không nhận được tin chồng, nghi ngờ nên nhân dịp hè cô quyết tâm đưa con hỏi dò đường vào Nam lên đỉnh Trường Sơn thăm chồng, thế là đơn vị giữ lại công trường làm nuôi quân một tháng luôn. Chị đã dùng mấy cái xô hứng nước từ sương trên mái tôn đọng lại chảy xuống để nấu ăn. Tôi đã viết ngay bài thơ:
CHỜ SƯƠNG NHẢ NGỌC
Rừng xanh xào xạc đêm thanh
Lắng nghe giọt nhũ long lanh sau nhà
Lanh canh thánh thót ngân nga
Nâng dần xô nước tinh hoa nắng hè
Bình minh chiếu lọt qua khe
Đón ngày rực lửa vàng hoe núi đồi
Đất khô suối cạn đá trồi
Cheo leo đỉnh núi " giếng trời em khơi "
Mùi thơm cơm đã chín rồi
Nâng niu ca nước chêm nồi canh ngon
Công trường thao thức đỉnh non
Chờ sương nhả NGỌC, Em bòn nấu ăn
         Nước có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc đời và cuộc sống. Với con người nước quan trọng hơn chúng ta tưởng. Con người có thể nhịn ăn được một vài tháng, nhưng không thể nhịn uống được quá hai ngày, nước cũng là thức ăn và còn quan trọng hơn thức ăn. Trong cuộc sống nước có vai trò quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Hãy quan tâm đúng mức đến nước trong mọi lúc, mọi nơi.
Đã đi mọi nẻo đất trời
Dấu chân để lại dấu đời mở ra
Mưa nguồn, nắng lửa sương sa
Bên nhau đồng đội nở hoa lòng người 
Sáng nay nhìn hạt sương rơi
Bồi hồi nhớ lại một thời Biên cương
Chung tay đi mở con đường
Chờ sương nhả ngọc mà thương bao người.
 
Núi rừng Yên Bái sáng 2/12/2018
tin tức liên quan