Sống mãi ký ức Trường Sơn

Ngày đăng: 05:28 27/12/2018 Lượt xem: 840
SỐNG MÃI KÝ ỨC TRƯỜNG SƠN


Khởi điểm từ Tân Kỳ (Nghệ An) đến Chơn Thành, đường Hồ Chí Minh dài 4.000 km gồm 5 hệ thống đường trục dọc, 21 hệ thống đường trục ngang. Một tuyến đường cơ giới dài 3.100 km, hệ thống sông vận tải dài 500 km; một hệ thống đường ống dẫn dầu dài 5.000 km (từ Bắc vào tới Lộc Ninh - Bình Phước).
 
Trước những cái tên huyền thoại
 
Theo con đường Hồ Chí Minh của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi trong cuộc hành trình này là Ngã ba Đồng Lộc - một địa danh đã đi vào lịch sử dân tộc, gắn liền với những chiến công của các đơn vị thanh niên xung phong (TNXP) trong kháng chiến chống Mỹ. Đây cũng là nơi yên nghỉ của 10 cô gái TNXP - mười cái tên đã đi vào huyền thoại, vào trang sử vàng của dân tộc. Xin được dâng nén tấm nhang trước các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
 
Cũng là nghĩa trang liệt sĩ - mảnh đất chở che phần cốt nhục của những người con đã hy sinh vì Tổ quốc thân yêu - nhưng với Nghĩa trang Đồng Lộc thì thật khác. Đây là nơi yên nghỉ của 10 liệt sĩ, và tất cả đều là thiếu nữ tuổi đời còn rất trẻ. Công trình được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng năm 1998, khắc tên 1.950 Anh hùng, liệt sĩ TNXP cả nước và các Anh hùng, liệt sĩ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc.
 
Khu mộ của Mười Cô, chỉ cách nhà bia hơn 30m,  nằm trên đồi Trọ Voi. Ngay bên cạnh đường, phía ngoài là dấu tích hố bom năm xưa đã vùi lấp những cô gái tươi trẻ, thanh xuân, để giờ đây mỗi người con đất Việt hay ở một quốc gia nào khi đến đây đều chùng bước chân và cúi đầu lặng lẽ.
 
Tại ngã ba huyết mạch Bắc - Nam thời ấy, họ chung chiến hào khốc liệt, lấp hố bom của Mỹ dội xuống để không đứt mạch giao thông nối hậu phương với tiền tuyến miền Nam. Để rồi, họ cùng bất tử nằm lại trong lòng đất vào một buổi chiều nghiệt ngã và khốc liệt, lúc 16 giờ ngày 24/7/1968. 
Tĩnh tâm niệm tưởng, hình như đâu đó làn khói thuốc nổ của 40 năm trước còn vảng vất quanh mấy ngọn cỏ dại mọc dưới lòng hố sâu kia, có thể là khói hương từ phần mộ của 10 cô?  Thân xác trinh nguyên của các cô đã hòa vào đất nhưng anh linh thì quảnh quất trong sợi khói. Không biết nữa...! Nhưng hàng vạn người đến đây đều trỗi lên trong ký ức những năm tháng khốc liệt.
 
Chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc là quyết tâm và ý chí của tất thảy những thanh niên sinh ra trong chiến tranh cứu nước. Cùng với cả nước, lớp lớp thanh niên Thái Nguyên đã tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng. Đứng ở nơi này, những người con của Thái Nguyên bỗng thấy cồn cào nhớ đến buổi chiều tối ngày 24/12/1972, tại ga Lưu Xá (T.P Thái Nguyên),  hơn 60 TNXP mà hầu hết là nữ và tuổi đời còn trẻ của Đại đội 915 đã anh dũng hy sinh. Sự hy sinh của các anh, các chị đã góp phần mang lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Sự hy sinh ấy thật oanh liệt nhưng hình như chưa được tôn vinh xứng đáng, câu hỏi ấy còn lơ lửng trong đầu chúng ta!
 
Ngày thứ 2 trong hành trình về chiến trường xưa, đoàn chúng tôi qua Ngầm Khe Ve. Ngầm Khe Ve tại ngã ba đường Hồ Chí Minh và đường 12, nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn, từ năm 1965 - 1973 là trọng điểm bị không quân Mỹ đánh phá ngăn chặn khốc liệt, là điểm đầu tiên của đường dẫn xăng dầu, đường dây thông tin tải ba và đường giao liên hành quân bộ.
“Nếu mọi người gọi đường Hồ Chí Minh vượt Trường Sơn là một huyền thoại thì đường ống dẫn xăng dầu vượt Trường Sơn là huyền thoại trong huyền thoại đó” (Lời của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Đoàn 559). Tính đến Mùa Xuân năm 1975, trải qua 7 năm xây dựng và phát triển, hệ thống đường ống xăng dầu đã có tổng chiều dài của ống dẫn là hơn 5.000km, bắt đầu từ biên giới Việt - Trung và các cảng biển của miền Bắc kéo dài qua miền Trung đến tận Nam Bộ. Nếu chỉ xét về chiều dài thì có lẽ đây là hệ thống đường ống dẫn dầu dài nhất thế giới. Trên toàn bộ hệ thống này đã có tới 114 trạm bơm, hơn 100 kho có sức chứa trên 300.000m3 xăng dầu.
 
Chúng tôi bắt đầu đi vào nhánh Tây Trường Sơn, từ địa danh một thời khói lửa ngút trời Khe Sanh đến ''hang Tám Cô'' linh thiêng trên ''Đường 20 quyết thắng'' thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình. Gần 200km đường lúc ẩn trong sương mù Trường Sơn, lúc hiện ra ven đường biên giới với nước bạn Lào.
 
Bến phà Xuân Sơn được xây dựng tại bến đò Xuân Sơn ngay khi đường 15 được khởi công xây dựng. Bến phà ấy không những đưa xe qua đường 15 lên đường 12A, mà còn qua đường 20 vượt sang tỉnh Khăm Muộn (Lào). Vì vậy, bến phà Xuân Sơn đã bị giặc Mỹ tập trung bắn phá liên tục ngày đêm bằng các loại bom phá, bom sát thương, có cả bom từ trường dày đặc trên sông.  Để bảo vệ và bảo đảm thông phà, thông tuyến, nhiều đơn vị bộ đội phòng không chủ lực, bộ đội, dân quân địa phương đã kiên cường, dũng cảm bám trận địa, chiến đấu và đã bắn rơi nhiều máy bay của giặc Mỹ.
 
Từng tham gia chiến đấu mở đường, ông Nguyễn Bá Chư, hiện nay là Trưởng ban liên lạc bộ đội Trường Sơn, cho biết: Đường 20 Quyết thắng là một trong 4 tuyến đường nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn, có tầm quan trọng đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là con đường huyết mạch phá thế độc đạo xuất phát từ Xuân Sơn đến ngã ba Lùm Bùm. Do lực lượng thi công đều ở lứa tuổi 20 nên con đường được đặt tên là “Đường 20”. Trộn trong đất đá của con đường là mồ hôi và máu của hàng vạn chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong tuổi 20 với tinh thần quyết thắng, vì thế nên con đường được gắn thêm 2 chữ “Quyết thắng”...
 
Qua cầu Trạ Ang khoảng vài cây số là tới Di tích lịch sử Hang Tám Cô, nơi ghi dấu một khúc tráng ca bất tử trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Vào buổi chiều ngày 14-11-1972, Đại đội 217 TNXP tỉnh Thanh Hóa đang san lấp hố bom tại Km16+200 thì một trận bom B52 rải thảm trút xuống như mưa, kèm theo những tiếng nổ sấm sét làm cả núi rừng rung chuyển. 8 TNXP gồm 4 nữ, 4 nam và 5 chiến sĩ bộ đội cùng chạy vào một hang đá. Bất ngờ một khối đá khổng lồ sập xuống, lấp kín cửa hang và họ đã mãi mãi không trở về. Hang đá ở Km16 trên đường 20 Quyết Thắng cùng với nhà bia tưởng niệm các anh, các chị đã trở thành điểm di tích lịch sử quan trọng trên con đường Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn.   
 
Sự hy sinh của các anh, các chị đã trở nên bất tử, như lời điếu của Giáo sư Vũ Khiêu đã khắc trên tấm bia tại Đền thờ 8 liệt sĩ TNXP Đường 20 Quyết thắng: "Tuổi chẳng thọ mà huân công mãi mãi trường tồn. Thân dù tan mà khí phách đời đời bất diệt".
 
Hữu Minh-Ngọc Vân
PS sưu tầm
tin tức liên quan