NHỚ MÙA XUÂN KỶ DẬU
Lê Đình Tâm
238 Vũ Trọng Phụng – P. Lê Lợi - Thành phố Hưng Yên - tỉnh Hưng Yên
– Điện thoại: 0985020199
Trong bài thơ : “Nhớ lời Di chúc theo chân Bác” nhà thơ Tố Hữu viết:
“Còn những ai chưa được một lần
Trong đời gặp Bác, hãy nhanh chân…
Tiến lên phía trước trên cao ấy
Bác vẫn đưa tay đón lại gần…”
Vâng! Nhà thơ đã nói hộ cho chúng tôi, những người một thời coi Chủ tịch Hồ Chí Minh như vị cha già dân tộc: “Người là cha, là Bác, là anh... Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ...”
Có lẽ rằng, hầu hết người dân Việt Nam ta từ khi nước nhà độc lập (1945) cho đến năm Kỷ Dậu (1969) trở về trước, thì ai cũng mong ước trong đời mình có một lần được gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh kính mến.
Với tôi, từ khi còn niên thiếu, tôi đã có một niềm cảm mến Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những mẩu chuyện kể của cha tôi và những người khác về Bác. Lòng kính yêu ấy đã trở thành tiềm thức trong tôi qua những tháng năm đầu đời. Và tôi, từ lúc nào đó, thầm ao ước được gặp Người một lần, để chiêm ngưỡng vị cha già dân tộc.
Năm 1965, theo tiếng gọi của Đảng, thanh niên chúng tôi hăng hái tòng quân chống Mỹ cứu nước. Bấy giờ chúng tôi, những thanh niên sức dài, vai rộng mà không một lần đối mặt với kẻ thù xâm lược, hoặc đi thanh niên xung phong bảo đảm giao thông nơi tuyến lửa… thì sẽ là những người vừa thiệt thòi, vừa xấu hổ. Với tâm trạng của tuổi trai mười bẩy, tôi bước vào quân ngũ cùng niềm khát vọng lập công. Và quả thật, nỗi niềm mong mỏi được gặp Bác trong tôi là vậy, nhưng tôi không bao giờ nghĩ tới việc mình sẽ có dịp được gặp Người.
Rồi một mùa xuân đã đến. Đó là tết Kỷ Dậu (1969). Lúc ấy, đơn vị tôi, một Trung đoàn tên lửa bảo vệ Thủ Đô (Đoàn 2057). Đóng quân trên địa bàn Hà Nội.
Vào tối hôm ba mươi Tết, sau khi đơn vị tổ chức đón giao thừa, đồng chí Chính trị viên đại đội thông báo cho tôi: “Sáng mai (tức Mồng một Tết), đồng chí (là tôi) ăn mặc chỉnh tề, quân hàm, quân hiệu đầy đủ lên Trung đoàn tập trung để đi gặp thượng cấp chúc Tết. Đồng chí là người được đại đội lựa chọn cử đi...”. Mệnh lệnh chỉ có thế.
Sau khi nghe lời truyền đạt của Chính trị viên, tôi bỗng cảm thấy một niềm vui xen lẫn nỗi tự hào nho nhỏ. Tôi đoán già, đoán non: “Thượng cấp chắc là Thủ trưởng Sư đoàn, nhiều lắm thì đến tướng lĩnh cấp Quân chủng là cùng. Dù gì thì đấy không chỉ là vinh dự mà còn là nhiệm vụ trên giao, đối với người chiến sỹ phải nghiêm chỉnh chấp hành”.
Đúng bẩy giờ sáng ngày 16 tháng 2 năm 1969 (tức mồng một tết Kỷ Dậu), tôi cùng năm đồng chí cán bộ, chiến sỹ khác, đại diện cho Trung đoàn đi làm nhiệm vụ. Chiếc xe con đưa chúng tôi tới hội trường Quân chủng Phòng không - Không quân ở gần sân bay Bạch Mai – Hà Nội. Khi chúng tôi đến nơi, hội trường đã khá đông đủ. Một lát sau, thủ trưởng Quân chủng lên nói chuyện và căn dặn mọi người: khi cấp trên đến chúc Tết thì làm gì, đi lại thế nào, nhất nhất phải tuân theo sự hướng dẫn của ban tổ chức. Tuy vậy chúng tôi phải tiếp tục chờ đợi.
Năm phút, mười phút rồi hai mươi phút… Lúc đầu cả hội trường khá trật tự, sau đó tiếng ồn ào nổi dần lên. Đang khi có ý sốt ruột vì sự chậm trễ “Có lẽ thủ trưởng Quân chủng triệu tập anh em sớm quá? ” - Tôi thoáng nghĩ trong đầu như thế, thì …bỗng nhiên ánh điện loé sáng từ những chiếc máy ảnh như những tia chớp loang loáng nơi cánh gà sân khấu hội trường. Tiếp ngay sau đó là tiếng hô: “Bác Hồ đến, Bác Hồ muôn năm! Hồ Chủ Tịch muôn năm!”. Cả hội trường như bừng tỉnh. Mọi người đứng lên vỗ tay chào đón Bác. Dưới ánh sáng của những tia chớp điện liên hồi, tôi đã nhìn thấy đoàn người đi vào sân khấu từ phía cánh gà. Đi đầu là một cụ già râu tóc bạc, mình khoác tấm áo ấm, cổ quàng khăn len. “Thôi đúng Bác Hồ rồi. Bác Hồ đấy. Trên thông báo là thượng cấp về thăm và chúc Tết đơn vị. Thượng cấp chính là Bác Hồ. Chao ôi! Thật sung sướng và vinh dự quá!” . Hồ Chí Minh kính yêu mà tôi hằng mơ ước được gặp - Người đang hiển hiện trên sân khấu bằng xương, bằng thịt chứ không phải trên phim ảnh nữa. Dưới hội trường, lúc đầu quy củ, trật tự là thế, giờ đây mọi người đứng lên các điểm cao, cho dù là mặt bàn hay ghế đang ngồi, mong được nhìn cho rõ Bác. “Không lẽ cứ như thế này, chẳng ai có ý nhường ai…tất cả đều mất trật tự - Tôi thoáng nghĩ vậy”. Nhưng kia, trên lễ đài, Bác giơ hai tay lên cao rồi từ từ hạ xuống. Cụ không nói gì, chỉ ra hiệu mà cả hội trường ai lại về chỗ nấy và trở lại trật tự. Không đợi các đồng chí lãnh đạo Quân chủng giới thiệu, giọng Bác trầm ấm cất lên: “Hôm nay, nhân dịp đầu xuân Kỷ Dậu, Bác cùng các chú Nguyễn Lương Bằng (lúc đó là Phó Chủ tịch nước), chú Văn Tiến Dũng (lúc đó là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam), các chú ở Trung ương và Bộ Quốc phòng đến thăm và chúc Tết Bộ đội Phòng không - Không quân. Chúc các cô, các chú năm mới thắng lợi mới”.
Lập tức một tiếng hô rất to “Bác Hồ muôn năm! Chúc Bác mạnh khoẻ sống lâu”. Cả hội trường vỗ tay ràn rạt.
Bác lại ra hiệu cho hội trường im lặng rồi nói: “Bây giờ các cô, các chú cử người lên đây cho Bác bắt tay” . Đương nhiên, những người lên bắt tay Bác đã có danh sách dự kiến trước, trong đó có cả nữ chiến sỹ nuôi quân, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Cốc…Hội trường lúc ấy càng thêm ồn ào náo nhiệt hơn. Tôi chỉ nghe được loáng thoáng mấy tiếng Cốc…Cốc. Đúng ra là “Chú Cốc đâu, chú Cốc lên gặp Bác”. Bấy giờ đồng chí Nguyễn Văn Cốc mới khiêm tốn bước lên sân khấu. Bác hỏi: “Chú bắn được mấy máy bay Mỹ rồi?” .Đồng chí Cốc trả lời: “Thưa Bác, cháu bắn được chín chiếc ạ”. Bác hỏi tiếp: “Thế chú đã được thưởng mấy Huy hiệu của Bác?” Đồng chí Cốc thưa: “Dạ chín chiếc ạ”. Bác cầm tay Đại uý Cốc giơ cao và quay xuống hội trường: “Năm mới, Bác chúc cho quân chủng Phòng không - Không quân có nhiều Cốc hơn nữa” * .Tiếng Bác như bị chìm đi trong sự phấn khích của cán bộ chiến sỹ có mặt tại hội trường. Ngay sau đó đồng chí Chính uỷ quân chủng Đặng Tính báo cáo với Bác: Có hai đơn vị mang về đây món quà xuân mừng tuổi Bác. Đó là chiếc dù màu đỏ rực của máy bay không giặc lái Mỹ, bị đơn vị tên lửa phòng không bắn rơi trước đó ít lâu và một con lợn được mệnh danh là “lợn B52” của Trung đoàn 238. Con lợn to, trông như một con bò, đang nhốt ở cũi tre để ở phía ngoài hành lang hội trường, ngay phía chúng tôi ngồi. Chú lợn lai kinh tế nặng tới 270 kg đã thấy lạ mắt. Tuy nhiên món quà này làm Bác quan tâm chính là do thành tích chiến đấu và xây dựng đặc biệt xuất sắc của đơn vị. Vâng! Chính Trung đoàn tên lưả Hạ Long này đã cùng với quân và dân Vĩnh Linh anh hùng, chấp hành nghiêm chỉ chị của Bác, vượt qua muôn vàn gian khổ hy sinh. Ròng rã suốt tám tháng trời hành quân chiến đấu (có tới hàng trăm bộ đội, thanh niên xung phong thuộc tuyến đường Trường Sơn và nhân dân đổ máu, hy sinh). Đơn vị đã đưa cả một khối binh khí kỹ thuật khổng lồ vào chiến trường, rồi lại dấu khí tài xuồng lòng đất, triển khai chiến đấu. Ngày 17/ 9Tinhsc, họ đã mưu trí dũng cảm, sáng tạo bắn rơi 2 máy bay B52 của Mỹ, làm nức lòng quân và dân đôi bờ sông Bến Hải. Có thể gọi đó là một huyền thoại.** Trung đoàn 238 đã được Bác gửi thư khen, là đơn vị đầu tiên bắn rơi máy bay B52 Mỹ. Trong chiến đấu gian khổ, đơn vị vẫn tích cực tăng gia sản xuất, nuôi lợn dưới hầm trú ẩn và ngay cả trên xe khi cơ động đánh địch. Món quà “lợn B52” mang theo cả một huyền thoại về một đơn vị Anh hùng. Chính do việc đúc kết được kinh nghiệm đánh B52 từ đoàn 238 ấy, đã tạo tiền đề cho quân và dân ta làm nên Điện Biên Phủ trên không vào tháng 12 năm 1972 lịch sử, tại Thủ đô Hà Nội.
Trở lại chuyện món quà “Lợn B52” biếu Bác tết Kỷ Dậu. Sau khi nghe Chính uỷ Quân chủng báo cáo, Bác hỏi: Lợn đâu? Theo hướng tay chỉ của đồng chí Chính uỷ, Bác đi về phía hè, nơi để con lợn. Chớp lấy cơ hội ngàn vàng ấy, tôi cùng với các cán bộ chiến sỹ trong Quân chủng vây tròn quanh Bác. Lúc âý tôi vô cùng xúc động: Bác Hồ đây! Tôi sung sướng đến ngỡ ngàng vì được đứng ngay bên Bác. Trên phim ảnh, tôi đã nhiều lần thấy Bác. Đây là lần đầu tiên tôi ở sát cạnh Người. Đứng gần Bác, tôi mới thấy Bác của chúng ta cao lớn, hơn hẳn chúng tôi một tầm đầu. Tuy nhiên trên khuôn mặt tinh anh và phúc hậu của Bác đã lấm tấm những vết tàn nhang, như thường thấy ở người già. Duy đôi mắt Người thì vẫn ngời sáng. Tôi thấy Bác vẫn nhanh nhẹn (thực ra lúc ấy Người đang bệnh nặng). Trong lúc Bác ngắm “Thành quả tăng gia xuất sắc của đơn vị” chú “Hợi - B52” thì tôi được ngắm nhìn Người không chớp mắt. Khi quay trở lại sân khấu, Bác nói: “Các cô các chú tặng quà cho Bác, nhưng Bác đề nghị thế này: Đơn vị có lợn sẽ bán cho đơn vị ở ngoài này, mang số tiền ấy về tăng gia tiếp. Các cô, các chú có tán thành không?”. (Được biết sau đấy con lợn B52 đã được đoàn Sông Đuống, pháo cao xạ bảo vệ Hà Nội mua lại đúng như ý Bác). Lúc ấy đồng chí Đặng Tính, Chính uỷ Quân chủng thưa: “Ý của Bác là tiếp tục chăn nuôi thêm nhiều lợn hơn nữa phải không ạ? Thưa Bác, các đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng gia, chăn nuôi để cải thiện đời sống bộ đội, để bộ đội có sức khoẻ tốt ngày càng đánh thắng và sẽ đánh thắng cả B52 của Mỹ như lời Bác dạy: Sớm muộn gì nó cũng mò ra đánh Hà Nội”. *** Bác gật đầu vui vẻ. Bác ân cần dặn dò chúng tôi những điều thiết thực trong đó có những lời tôi nghe trực tiếp, rất rõ: Các cô các chú phải hết sức cảnh giác với địch. Vì trong không khí có vẻ hoà bình (Bác nói vậy vì lúc đó Mỹ tuyên bố ném bom hạn chế miền Bác, từ vĩ tuyến 20 trở ra thì có vẻ hoà bình) chúng ta dễ lơ là. Bác có nói một câu mà tôi đinh ninh mãi: “ Mỹ rất xỏ lá…”. Câu này sau báo chí đăng là “Mỹ rất xảo quyệt”. Chính tai tôi nghe rõ Bác dùng từ “xỏ lá”. Theo tôi từ này rất chính xác với bản chất của tên đế quốc đầu sỏ, cáo già, ngoan cố. Với cái vẻ tử tế bên ngoài, nhưng chúng sẽ không từ bất cứ thủ đoạn thâm độc và đê hèn nào để chống lại nhân dân ta. Và với chúng ta, hai từ đó thật gần gũi, dễ hiểu.
Tôi bồi hồi nhớ lại, hơn 3 năm sau lần gặp Bác ấy, tình hình chiến sự của đất nước ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, quả đúng như lời dặn dò của Người. Đế quốc Mỹ cực kỳ xảo quyệt: Chúng tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra Bắc, nhưng lại tập trung đánh phá ác liệt tuyến giao thông của ta từ vĩ tuyến 20 vào Nam. Đó chính là những trọng điểm của con đường Trường Sơn “Hồ Chí Minh”, huyết mạch chi viện cho chiến trường. Trên bàn hội nghị chúng yêu cầu hoãn việc ký kết Hiệp định Pa-ri, lật lọng đòi sửa đổi một số điều, sau đó lại tuyên bố bỏ họp hội nghị vô thời hạn. Đến ngày 18/12/1972, Mỹ gửi công hàm cho Chính phủ ta đề nghị họp lại Hội nghị Pa-ri bất cứ lúc nào. Và chính ngày hôm đó: 21giờ 15, Tổng thống Mỹ đã lệnh cho toàn bộ máy bay chiến lược B52 và các máy bay chiến thuật hiện có của chúng ở Đông Nam Á (khoảng 50% máy bay B52 toàn nước Mỹ) mở cuộc tập kích chiến lược đường không với quy mô lớn để hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng và các mục tiêu quan trọng khác của miền Bắc. Thật vô cùng dã man. Trận “Điện Biên Phủ trên không” diễn ra ở Hà Nội lúc 21h15 đêm 18 rạng ngày 19 tháng 12 năm 1972, Mỹ đã huy động 87 lần chiếc B52 và 135 lần các loại máy bay khác xâm phạm bầu trời Thủ Đô và chúng thả hàng trăm tấn bom, đạn xuống nhiều nơi trong Thành phố. Song, ghi nhớ lời dạy của Bác, quân và dân ta đã kiên cường đánh trả. Hà Nội đẫ chủ động, bình tĩnh, sẵn sàng, một lần nữa “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Chưa bao giờ đêm Hà Nội lại đỏ rực lửa các tia chớp của tất cả các cỡ súng của lực lượng phòng không ở khắp 36 phố phường, cùng với đó là những con rồng Thăng Long (tên lửa) đuổi diệt pháo đài bay và đàn “quạ sắt” của giặc Mỹ trên bầu trời Thủ đô. Trong những ngày rực lửa căm thự này, chúng tôi đã góp phần xứng đáng vào chiến công chung của quân và dân ta, trong đó có một đơn vị của chúng tôi lập công xuất sắc, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Đó là tiểu đoàn 77 tên lửa phòng không Hà Nội, đã bắn rơi 4 máy bay B52 của Mỹ, trong đó có 3 chiếc rơi tại chỗ vào các đêm 19 và 20 tháng 12 năm 1972. Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, đã giáng đòn quyết định vào cố gắng cuối cùng của Mỹ, buộc chúng phải ký Hiệp định Pa-ri về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo bước ngoặt lịch sử làm tiền đề để đi đến thắng lợi trọn vẹn của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. **** (Tôi muốn nhắc lại những điều đó để chứng tỏ nhận định của Bác là cực kỳ đúng đắn và chính xác. Đồng thời cùng với quân dân cả nước, Thủ Đô Hà Nội đã thực hiện đúng lời dạy bảo của Người).
Hôm ấy …Bác đã chào tạm biệt chúng tôi để ra về, nhưng ai cũng muốn nhìn thấy Bác cho tới lúc Người lên xe. Song Bác đi lối nào, lên xe thứ mấy thì không ai thấy. Buổi chúc Tết của Bác đã kết thúc. Trong tôi, dư âm của một ngày đầu năm mới đầy ắp những nỗi niềm và sự cổ vũ lớn lao từ Người. Tôi đâu có ngờ rằng, đấy là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng mình được gặp Bác. Mùa thu năm ấy, Đảng ta, nhân dân và quân đội ta phải vĩnh biệt Người trong niềm tiếc thương vô hạn. Đến xuân nay, thấm thoắt đã chẵn 50 năm trôi qua, tôi ngồi viết những dòng này mà không cầm được nước mắt vì cảm động. Trong ký ức của tôi tất cả những hình ảnh về Bác và mùa xuân năm ấy còn nóng hổi như mới hôm qua. Tôi xin chia sẻ niềm tự hào khi được làm người chiến sỹ Quân đội NDVN thời kỳ chống Mỹ, đã từng có mặt trong những đêm hành quân trên đường Trường Sơn đáng nhớ. Xin gửi tới các đồng chí của tôi một thời, những dòng ký ức này, để nhớ về một mùa xuân đầy kỷ niệm.
1969 - 2019
LĐT
--------------------------------------------------------------
Ghi Chú :
* Theo tin tức : lịch sử chủ nhật 24/9/2006
** Báo điện tử Biên phòng 16/12/2007
*** Báo Quân đội nhân dân 16/ 02/ 2007
**** Theo Ban Tuyên giáo trung ương và nguồn báo quân đội.
Xuân Kỷ Hợi – 2019