Viết thêm về Tổng Bí thư Lê Duẩn

Ngày đăng: 09:10 23/02/2019 Lượt xem: 987


               VIẾT THÊM VỀ TỔNG BÍ THƯ LÊ DUẨN

Nguồn:FB Nhà báo Dương Đức Quảng (Nguyên  Vụ trưởng Vụ Báo chí, Văn phòng Chính phủ)

 

                                                                                                               

Chuyến đi để lại nhiều cảm xúc và ấn tượng sâu sắc trong tôi là lần Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm quê ở Quảng Trị. Đó là vào mùa thu năm 1983, khi sức khỏe của Tổng Bí thư đã sa sút nhiều sau chuyến sang Liên Xô mổ khối u ở tuyến tiền liệt trở về. Không ai nói nhưng tôi có cảm giác qua những lần Tổng Bí thư nói chuyện, chuyến đi ấy như là chuyến đi cuối cùng của Tổng Bí thư về thăm quê nhà vì sức khỏe không cho phép sẽ còn những chuyến đi tiếp.

Trên đường về quê, Tổng Bí thư ghé thăm tỉnh Nghệ Tĩnh, thăm và nói chuyện với cán bộ lãnh đạo Quảng Bình, nhưng chưa bộc bạch tâm tư gì nhiều. Vào tới Quảng Trị, Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm quê đầu tiên. Làng Bích La Đông, huyện Triệu Phong, quê Tổng Bí thư ngày ấy còn rất nghèo, không nhà ngói san sát như bây giờ. Làng không có nhà khách để anh em phóng viên đi theo Tổng Bí thư và một số cán bộ, chiến sỹ đi cùng nghỉ lại. Chúng tôi phải trở về huyện để nghỉ. Trời nóng, điện yếu, quạt điện không có, chúng tôi ngả lưng trên những chiếc giường gỗ trong ngôi nhà ngói dùng làm nhà khách của huyện, tay phe phẩy chiếc quạt nan đuổi muỗi, cứ trằn trọc mãi. Gần sáng, tôi nghe thấy bước chân người đi vòng trong sân của nhà khách nên đẩy cửa bước ra, thì thấy Tổng Bí thư Lê Duẩn trong bộ quần áo pi-za-ma đang đi bộ trong sân. Tôi cất tiếng chào, Tổng Bí thư hỏi tôi:
-Trời nóng quá, đồng chí có ngủ được không?
-Dạ, cũng hơi khó ngủ ạ!
Lần đầu tiên tôi nhìn thấy chiếc túi nhựa trắng buộc bên hông của Tổng Bí thư dùng để đựng nước tiểu dẫn từ trong bàng quang ra sau khi Tổng Bí thư được mổ khối u ở tuyến tiền liệt. Sau này, khi tôi mổ cắt bỏ túi mật ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, nằm điều trị cùng phòng với anh Nguyễn Văn Sơn, nguyên Tổng Biên tập báo Bắc Giang, tôi cũng thấy một chiếc túi và đường ống dẫn tương tự như thế vì anh Sơn cũng mổ cắt khối u ở tuyến tiền liệt như Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Sau khi về thăm quê một ngày, Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ thuộc huyện Đông Hà, Quảng Trị. Hội trường của huyện hôm đó chật cứng người, ai cũng muốn được gặp Tổng Bí thư, nhất là sau khi nghe tin Tổng Bí thư mới đi chữa bệnh ở Liên Xô về. Trong câu chuyện thân mật và vui vẻ với đồng bào và cán bộ chiến sĩ nơi đây, Tổng Bí thư Lê Duẩn hỏi mọi người có mặt trong hội trường:
-Bây giờ các đồng chí có muốn hỏi tôi điều gì không?
Tôi thấy một chị phụ nữ đứng lên:
-Thưa đồng chí Tổng Bí thư, chúng tôi và bà con tỉnh nhà rất lo lắng cho sức khỏe của Tổng Bí thư. Xin Tổng Bí thư cho biết sức khỏe của Tổng Bí thư hiện nay ra sao?
Tổng Bí thư Lê Duẩn cười vui, nói:
-Đồng chí hỏi tôi về tình hình sức khỏe, tôi có thể trả lời đồng chí thế này: Tôi mới đi Liên Xô mổ về. Tôi không được khỏe so với trước nhưng hiện nay sức khỏe vẫn ổn định. Sở dĩ như vậy là vì được các bác sĩ và các cháu y tá ở Bệnh viện 108 chăm sóc chu đáo. Đi cùng tôi hôm nay có cả các bác sĩ ở Ban bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Trung ương và các cháu y tá chăm lo thuốc thang và vết mổ cho tôi. Trong những năm hoạt động cách mạng, bị địch bắt, đánh đập, tra tấn dã man rồi bỏ tù ở Hà Nội, Sơn La và Côn Đảo, cái chết luôn rình rập bên mình, tôi nghĩ mình sống được đến 50 tuổi là tốt lắm rồi. Thế mà năm nay tôi đã trên 70 tuổi, sống quá điều mong muốn đến hơn 20 năm. Thế là tốt quá rồi, phải không các đồng chí?...
Nghe Tổng Bí thư Lê Duẩn nói vậy, cả hội trường vỗ tay và rộ lên tiếng cười vui vẻ.
Rời Đông Hà, Tổng Bí Thư vào thăm Thừa Thiên Huế. Thời gian này Thừa Thiên Huế chưa tách riêng ra như bây giờ mà vẫn còn chung một tỉnh với Quảng Trị, Quảng Bình thành tỉnh Bình Trị Thiên.

Hôm thăm thành phố Huế, Bí thư Tỉnh ủy Bình Trị Thiên Vũ Thắng và nhiều vị lãnh đạo khác của tỉnh mời Tổng Bí thư thăm Thành nội rồi dẫn Tổng Bí thư lên thăm Đàn đá Nam Giao, nơi các vua nhà Nguyễn tổ chức lễ tế trời đất vào mùa xuân hàng năm. Đứng trên khu Đàn Đá Nam Giao nhìn về thành phố Tổng Bí thư Lê Duẩn kể chuyện những ngày đầu hoạt động cách mạng tại đây. Tổng Bí thư cho biết, năm 1925 sau khi thi vào trường Quốc học Huế không đỗ, Tổng bí thư xin đi làm trong ngành hỏa xa (xe lửa) ở Đà Nẵng và bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Những ngày ra Huế hoạt động ông thường gặp ông Phan Đăng Lưu và bà Hoàng Thị Ái. Lúc đó bà Hoàng Thị Ái, người đồng hương Triệu Phong, Quảng Trị với Tổng Bí thư Lê Duẩn, mở một quán sách báo nhỏ để che mắt địch hoạt động. Nơi đây cũng là nơi ông Phan Đăng Lưu khi đó phụ trách quán sách báo “Quan hải tùng thư” của Hội Hưng Nam, một tổ chức yêu nước ở Huế và Tổng Bí thư Lê Duẩn hay lui tới, gặp gỡ để trao đổi công việc. Gần chục năm sau, sau khi ra tù, cả ba người là ông Phan Đăng Lưu, ông Lê Duẩn và bà Hoàng Thị Ái cùng tham gia vào ban lãnh đạo Xứ ủy Trung kỳ của Đảng. Năm 1937 ông Phan Đăng Lưu là Ủy viên Trung ương Đảng sau đó chuyển vào hoạt động tại Nam Bộ, năm 1941 bị thực dân Pháp bắt, bị buộc tội tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và bị chúng kết án tử hình, xử bắn cùng một ngày với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Còn ông Lê Duẩn năm 1937 là Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, năm 1939 là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, năm 1940 bị thực dân Pháp bắt lần thứ 2, bị chúng đầy ra Côn Đảo…


 


Có thể nói trong cuộc gặp thân mật với lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Trị Thiên vào buổi tối trước khi kết thúc chuyến về thăm quê để trở ra Hà Nội tại Nhà khách của tỉnh ở số 2 Lê Lợi, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã thực sự dốc bầu tâm sự với đồng bào, đồng chí nhiều chuyện. Tổng Bí thư kể lại quãng đời hoạt động cách mạng của mình trong những năm đầu tại Huế, kể lại những năm tháng bị địch bắt, bị đánh đập, tra tấn dã man, bị đầy ải khắp các nhà tù trong nước, từ Hỏa Lò đến Sơn La rồi bị đầy ra Côn Đảo…Tổng Bí thư kể lại tình nghĩa đồng bào, đồng chí đối với mình, nhất là câu chuyện đồng chí Nguyễn Chí Hiếu, người thanh niên cùng bị tù Côn Đảo với Tổng Bí thư bị địch tra tấn dã man đã nhường lại cho mình chiếc áo còn lành trước khi anh hy sinh ở nhà tù Côn Đảo…Tổng Bí thư phân tích nguyên nhân thắng lợi của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong đó đề cập tới đường lối độc lập, tự chủ của Đảng ta, vượt qua sự can thiệp và những sức ép của Liên Xô và Trung Quốc vào cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta và nhiều chuyện khác. Tổng Bí thư nhắc lại câu chuyện về Hiệp định Giơ-ne-vơ mà nhiều lần ông đã nói với cán bộ và nhân dân các địa phương khi ông tới thăm. Ông nói cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bắt đầu ngay từ sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 được ký kết, chia cắt hai miền Nam Bắc nước ta. Ông cho biết Trung Quốc và Liên Xô đã ép chúng ta ký Hiệp định trong đó có những điều khoản bất lợi cho ta. Ngay từ ngày đó ông không tin là sau hai năm sẽ có tổng tuyển cử thống nhất đất nước như trong Hiệp định Giơ-ne-vơ quy định vì Mỹ sẽ nhảy vào miền Nam Việt Nam, dựng lên chính quyền tay sai chống lại cuộc tổng tuyển cử đó. Ông dự đoán cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sẽ gian khổ, ác liệt và kéo dài hàng chục năm…Ông nói, sau này có dịp gặp Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, người đại diện cho Trung Quốc tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ ông đã nói thẳng với ông Chu về việc Trung Quốc đã ký vào một Hiệp định bất lợi cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ông cho biết, trước đó, từ những năm đầu thập niên 1960, trên cương vị Bí thư Thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam, trong một chuyến đi thăm Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã tiếp ông. Mao Trạch Đông hỏi Việt Nam có bao nhiêu dân, ông Lê Duẩn trả lời là 30 triệu. Sau đó, Mao Trạch Đông hỏi dân số của Lào, Campuchia, Thái Lan, sau khi nghe ông Lê Duẩn trả lời, Mao Trạch Đông nói:
-Thế thì ít quá! Tôi sẽ dẫn 400 triệu bần nông của chúng tôi xuống làm cách mạng ở Đông Nam Á!.
Hồi đó dân số Trung Quốc vào khoảng 700 triệu.

Sau này có lúc Trung Quốc muốn đưa 200 xe ô tô tải giúp chúng ta chở hàng vào chiến trường miền Nam với điều kiện lái xe là lính Trung Quốc. Ông Lê Duẩn kiên quyết không nhận điều kiện đó. Ông báo cáo với Bác Hồ: "Trung Quốc giúp ta vũ khí, quân trang, quân dụng…thì ta nhận nhưng không để họ cho người vào sâu trong nước ta. Nợ gì cũng trả được nhưng nợ xương máu thì không trả được". Sau đó Trung Quốc đề nghị cho quân của họ vào giúp ta làm đường và bảo vệ kho tàng có chứa hàng hóa của họ viện trợ cho ta, ông thưa với Bác là không để quân của họ vào sâu quá tuyến phòng thủ sông Cầu ở phía Bắc Hà Nội…

Hôm ông Lê Duẩn trở ra Hà Nội xảy ra một chuyện khá thú vị. Năm 1983 đó cuộc sống rất khó khăn, anh em phóng viên chúng tôi đi theo Tổng Bí thư đều được dặn rất kỹ rằng không được làm gì phiền phức đến địa phương và nhất là không được nhận quà cáp gì của địa phương. Tôi nhớ trước đó, trong một chuyến đi theo Tổng Bí thư vào thăm tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, một vị lãnh đạo địa phương là chỗ tôi quen biết, thân tình từ trước giải phóng hỏi tôi là địa phương muốn biếu anh em đi theo Tổng Bí thư mỗi người một cân đường, một cân cá khô và một đôi dép nhựa do địa phương sản xuất từ nhựa tái sinh không biết có được không? Ông nhờ tôi thăm dò ý kiến ông Đống Ngạc, Trợ lý của Tổng Bí thư. Ông Đống Ngạc gạt ngay:
- Ban Bí thư mới có chỉ thị là các địa phương không được biếu quà cho các đồng chí lãnh đạo mỗi khi các đồng chí về thăm địa phương. Nay anh Ba (tức ông Lê Duẩn) về mà anh em đi theo lại nhận quà là không được!

Vì thế lần này về thăm Bình Trị Thiên chẳng ai trong chúng tôi lại nghĩ đến quà cáp, dù chỉ là mấy món quà quê. Ấy vậy mà trước khi rời Huế ra Hà Nội, tôi và mấy phóng viên đi theo Tổng Bí thư được nhận mỗi người một cân đường vàng do địa phương sản xuất, một chai nước mắm ngon, nửa cân tôm khô và một chiếc nón Huế! Một cán bộ của Cục Quản trị, Văn phòng Trung ương Đảng nói rằng đây là quà quê của Tổng Bí thư nên được nhận (lúc đó Bình Trị Thiên là một tỉnh, chưa tách thành ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế như bây giờ). Một điều thật thú vị là chiều hôm trước khi Đoàn bay ra Hà Nội, Thiếu tá Nguyễn Văn Giáo, cận vệ của Tổng Bí thư nói nhỏ với mấy anh em phóng viên chúng tôi: “Địa phương bán cho mỗi người 20 quả trứng vịt lộn. Nếu ai mua thì nộp tiền". Tôi nộp ngay tiền vì đâu dễ mua được trứng vịt lộn với số lượng nhiều như thế trong thời bao cấp đem về làm quà !

Sáng hôm sau, tôi có tên trong danh sách 14 người được đi cùng chuyến máy bay chuyên cơ của Tổng Bí thư Lê Duẩn từ sân bay Phú Bài ra Hà Nội, còn một số anh em khác đi ô tô. Ăn sáng xong chúng tôi tập trung trước sảnh Nhà khách của tỉnh ở số 2 Lê Lợi, Huế để chờ ra sân bay. Theo dự tính máy bay xuất phát sớm, nhưng hôm đó trời mưa, thời tiết xấu nên máy bay không thể cất cánh được. Chờ hơn hai tiếng đồng hồ, có lúc được báo chuẩn bị ra sân bay nhưng rồi lại hoãn, cuối cùng chúng tôi còn ở lại ăn trưa xong đầu giờ chiều khi trời tạnh mưa, hửng nắng mới ra sân bay tháp tùng Tổng Bí thư về Hà Nội.

Hành lý mang theo của tôi ra Hà Nội có thêm 20 quả trứng vịt lộn, hơn hẳn 10 quả lần tôi “rinh” trứng vịt lộn khi còn làm phóng viên của TTXVN thường trú tại Quảng Bình năm 1967 về thăm nhà một bạn gái ở huyện Lệ Thuỷ được mẹ bạn bọc cẩn thận 10 quả trứng vịt lộn cho tôi đạp xe về huyện Bố Trạch xa hàng chục cây số để làm quà cho các bạn từ 15 năm trước! 20 quả trứng vịt lộn được “cưỡi” chuyên cơ ấy trở thành món ăn “đặc sản” chiêu đãi bố tôi và bố vợ tôi vừa từ Lạng Sơn về thăm con rể ở Hà Nội và cũng là để hỏi thực hư về tin đồn “Ông Lê Duẩn mất rồi” mà dư luận ồn lên đúng vào thời điểm đó! Để rồi ngay sáng hôm sau, tôi lại có mặt tại gian hàng triển lãm đồ gỗ xuất khẩu trong Trung tâm triển lãm Giảng Võ, tuy đã đóng cửa nhưng vẫn đón Tổng Bí thư Lê Duẩn đến thăm để quay phim, chụp ảnh, đưa tin, khẳng định tin đồn ông mất chỉ là …tin vịt!"

 
tin tức liên quan