"Anh đã đi rồi sao anh ơi, bằng lòng trọn vẹn cả cuộc đời/ Tất cả ra về anh nằm lại, âm thầm lạnh lẽo quá anh ơi"... Vần thơ bà Quảng viết cho chồng ngày ông đi xa khiến bao người xúc động.
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất nghìn năm văn hiến, bà Phạm Thị Quảng (SN1926 - Hoàn Kiếm, Hà Nội) luôn giữ phong thái lịch thiệp của người Hà Nội thuở nào.
Nhắc lại ký ức xưa cũ, đôi mắt bà ánh lên niềm vui: “Con gái Hà Nội xưa được dạy rất nề nếp. Tác phong nghiêm chỉnh, bước đi khoan thai".
“Khi lấy chồng, mỗi lần có khách đến nhà, con dâu thường mặc áo dài chỉn chu ra tiếp. Pha nước mời khách xong lui vào phía sau mẹ chồng. Khi mời người lớn tuổi uống nước, ăn cơm phải khoanh tay: “Con mời cụ/bà… Và đi đâu cũng phải xin phép: Mẹ ở nhà, con xin phép ra ngoài ạ”.
Trong trí nhớ của bà, con gái Hà Nội luôn có cách nói dịu dàng, từ tốn. Bất cứ trong hoàn cảnh nào họ cũng không bao giờ lớn tiếng, văng tục.
Mỗi lời nói với người lớn tuổi đều được đệm từ ‘ạ’ vào, vừa thể hiện sự trân trọng, vừa tỏ thái độ cung kính”, bà Quảng chậm rãi nói.
Đám cưới 3 ‘không’ giữa núi rừng
Quãng đời thiếu nữ của bà Quảng trôi qua êm đềm trong sự bao bọc của bố mẹ. Năm 18 tuổi bà được người đàn ông tên Nguyễn Ngọc Đinh (SN 1925) ở Ba Đình- Hà Nội để ý nhưng bà từ chối.
1 năm sau, kháng chiến bùng nổ, bà theo gia đình lên vùng tản cư Việt Bắc. Tại đây, bà gặp lại ông Đinh - người đàn ông từng bị bà cự tuyệt.
Sau cuộc gặp gỡ, những lá thư tay với lời lẽ mộc mạc đã trở thành cầu nối giúp họ xích lại gần nhau hơn. Đến năm tròn 20 tuổi, bà quyết định tổ chức đám cưới.
Bà kể, hôn lễ giữa núi rừng Việt Bắc diễn ra vô cùng đơn giản. “Đó là hôn lễ 3 ‘không’, không có gia đình chú rể, không tiệc cưới, không sính lễ’, người phụ nữ lớn tuổi hài hước nhớ lại.
Theo lời bà Quảng, đám cưới được tổ chức theo phong trào nếp sống mới. Sân khấu tổ chức có lá cờ Tổ quốc và câu khẩu hiệu: ‘Vui duyên mới không quên nhiệm vụ’.
Sau lễ chào cờ, hai vợ chồng đọc lời thề son sắt, ký vào giấy chứng nhận kết hôn trước sự chứng kiến của cấp trên và mọi người.
"Do tản cư, gia đình chú rể không thể tham dự, chỉ có bố mẹ và họ hàng bên vợ. Bù lại dân bản đến dự rất đông, tặng chúng tôi những cánh hoa rừng rực rỡ", bà Quảng nhớ lại.
Vẫn lời bà Quảng, trong đám cưới, trẻ con trong bản còn lấy trống gõ một hồi dài, góp vui. Một số người quen biết thì mừng tiền, gói vào phong bao lì xì đỏ.
“Vợ chồng tôi vẫn gọi đó là đám cưới ‘để dành’. Vì kết thúc hôn lễ, ông Đinh vội đi làm nhiệm vụ nên chúng tôi không có đêm tân hôn. Nửa năm sau, tôi được bố trí một gian nhà nhỏ, hai vợ chồng mới chính thức chung sống. Đêm đầu tiên bên nhau, cả tôi và ông ấy đều thẹn thùng…”, bà Quảng bồi hồi nhớ lại.
Giải phóng thủ đô, vợ chồng bà Quảng hân hoan, hòa vào dòng người trở lại cố hương.
Bài thơ ứa nước mắt ngày chia xa
Cuộc sống tưởng chừng như viên mãn. Thế nhưng, nhiều năm trôi qua, bà Quảng không có dấu hiệu ốm nghén. Ông Đinh cũng đành chờ đợi chứ chưa một lần than vãn, trách móc đối phương.
“70 năm làm vợ chồng, tôi và ông ấy chưa bao giờ cãi vã. Ông Đinh là người lịch sự, ăn nói dễ nghe.
Ngày lễ kỷ niệm nào trong năm, ông cũng chu đáo mua quà tặng vợ. Khi thì mảnh vải may áo dài, lúc đôi guốc hay chiếc khăn quàng cổ…”, bà Quảng kể.
|
Bài thơ xúc động bà viết ngày ông vĩnh viễn đi xa. |
Tiết lộ bí quyết giữ lửa hôn nhân, bà bày tỏ: “Chồng đi làm về mệt mỏi mình nên tươi tỉnh, chăm sóc vồn vã. Bên ngoài có bực bội, cáu gắt với ai nhưng về nhà hai vợ chồng phải gạt bỏ hết. Như vậy gia đình mới hòa thuận, êm ấm”.
Cuộc hôn nhân mặn nồng của họ khép lại cách đây 3 năm khi ông qua đời. Sự ra đi của ông để lại trong tim bà một khoảng lặng, day dứt khôn nguôi.
Những ngày ông nằm cấp cứu trong bệnh viện, bà xót xa viết vần thơ:
“Anh dặn em rằng tuổi 90, năm nay ăn Tết thật là vui
Mà sao anh cứ nằm trong viện, lỡ hẹn em rồi anh Đinh ơi
Anh cứ nằm im chẳng biết gì, ngờ đâu đến lúc phải chia ly
Anh đã đi rồi sao anh ơi, bằng lòng trọn vẹn cả cuộc đời
Tất cả ra về anh nằm lại, âm thầm lạnh lẽo quá anh ơi".
Đến nay, ở tuổi xưa nay hiếm, bà Quảng vẫn ngồi bán hàng nước, trò chuyện với hàng xóm láng giềng cho khuây khỏa.
“Mọi thứ tôi có thể quên nhưng hình bóng ông ấy thì mãi mãi tôi không quên”, bà Quảng nghẹn ngào.