Tôi chụp ảnh “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”

Ngày đăng: 02:22 25/03/2019 Lượt xem: 4.926

            Tôi chụp ảnh “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”

 

                                            Nguồn:Báo Điện tử Sài Gòn Giải Phóng


Có nhiều nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, phóng viên chiến trường làm nên tên tuổi bằng tác phẩm của họ. Song với những ai từng “đi B”-vượt Trường Sơn hay hiểu biết ít nhiều về con đường huyền thoại này, bức ảnh “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của một nhà báo chụp vào năm 1966 đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật và ý nghĩa lịch sử. Tác giả bức ảnh, nhà báo Lê Minh Trường nhớ lại…

 

  • Một cái tết-một nỗi đau

Sau 4 ngày đạp xe từ cơ quan (Thông tấn xã Việt Nam tại Hà Nội) vào Trường Sơn, tôi tiếp tục đi bộ đến bờ sông Xê Băng Hiên. Gói máy ảnh, quần áo, giấy tờ, ba lô vào tấm nylon lớn, tôi rẽ dòng nước trong xanh nhưng lạnh cắt da để bơi qua bờ bên kia, tìm đường đến K75.

Ở đó, Chính trị viên Đặng Trung đang chờ tôi vào đón tết. Vừa lập cập lên bờ, một tiếng hét và tiếng lên đạn AK lách cách: “Ai, đứng lại”. Gặp đồng đội, tôi trình giấy tờ cho người con gái mặc áo xanh lá cây, đầu đội mũ tai bèo xem. Đọc qua, gương mặt thanh tú ấy bừng lên nụ cười, khoe hàm răng trắng hạt bắp và vành môi xinh tươi, nói: “Úi, anh nhà báo đi đâu mà không có giao liên, gan thế. Đợi một tí chúng em sẽ đưa anh đi”.

 

 

Nhà báo Lê Minh Trường và bức ảnh “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của ông. Ảnh: MINH ANH

Bỗng một hồi kẻng báo động vang lên phía đầu sông, cô gái ấn đầu tôi xuống hầm rồi thoăn thoắt khoác súng lên vai, trèo lên một ngọn cây cao trụi lá, miệng đếm: “Báo động, có máy bay…. 1 quả, 2 quả, 3 quả bom nổ chậm rơi phía bên kia sông rồi”.

Tôi chui lên móc máy ảnh ra ngắm hình dáng em nổi bật trên nền trời lồng lộng, tóc tung bay trong gió. Thì ra Hà (tên cô gái) đang đếm-xác định vị trí bom rơi để kịp thời rà phá. Lòng tôi trào dâng niềm cảm phục người con gái Hà Nội quả cảm. Hôm ấy đã là 28 Tết, cái tết đầu tiên tôi có mặt trên tuyến lửa trong khi Hà đã qua mấy mùa Trường Sơn.

Mâm cỗ đón giao thừa đã dọn xong dưới ánh đèn bão tù mù. Một chén sành con đựng mấy mẫu gỗ thơm đang đốt cháy thay cho nhang trầm làm không khí càng trang nghiêm. Hà, tôi và nhiều đồng chí chắp tay khấn vái. Cô trung đội trưởng TNXP kiêm chuyên gia phá bom nổ chậm ấy thi thoảng lại lấy tay quệt nước mắt rồi bắt đầu cắm cúi biên thư gửi tôi mang về cho mẹ mình…

Bữa cơm giao thừa kéo dài thật khuya và lời Bác Hồ chúc tết qua chiếc đài bán dẫn càng làm chúng tôi thêm ấm lòng. Ai đó còn ghẹo: “Cái Hà chưa chịu ngủ làm sao mai đưa nhà báo đi thực tế. Hết chiến tranh thì theo… nhà báo về Hà Nội nhé”.

Rồi những ngày được Hà dẫn đường đi sáng tác cũng qua nhanh. Tôi chụp được rất nhiều ảnh TNXP tắm giặt bên suối, ảnh chiến đấu, chụp cảnh vườn rau, cảnh chăn nuôi lợn gà và cả tấm ảnh của Hà bên nhánh lan rừng… Vậy mà sau 1 tuần đi sáng tác ở một đơn vị khác trở về K75, Chính trị viên Đặng Trung, sau khi đợi tôi hút hết một hơi thuốc lào, mới báo tin: “Cái Hà hy sinh sau khi phá được 2 quả bom. Đến quả thứ 3 thì…”. Tôi vật vã hỏi Đặng Trung rằng “Mộ ở đâu?”, anh ấy bảo “Tan nát hết, còn gì nữa đâu…!”.

  • Một bức ảnh - một cuộc đời

Cái chết của Hà khiến tôi đau đớn vô cùng. Tôi mang bức thư em gửi cho mẹ trong ba lô và lúc nào cũng nghĩ Hà và nhiều liệt sĩ khác luôn mỉm cười nơi chín suối, bởi họ đã hy sinh cho Tổ quốc và lý tưởng cao cả. Tôi nghĩ là một phóng viên ảnh thì kho ảnh Trường Sơn chính là một đề tài bi hùng vô tận, chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Và chúng tôi phải ghi lại cho được hình ảnh về những con người anh hùng như Hà.

Tôi lại ngược đường số 7 lên đồn biên phòng Cha Lo nằm dưới chân đèo Mụ Giạ (Quảng Bình). Tình cờ đồng chí đồn trưởng biên phòng cho biết trong vài ngày nữa sẽ có bộ đội hành quân vào Nam và đi ngang. Thế là tôi bám theo biên phòng để dò đường. Khi trèo qua một ngọn đồi cao, tôi thấy một con đường mới mở len giữa hai vách núi hiểm trở dựng đứng. Ý tưởng cho bức ảnh vụt sáng lên: Một đoàn quân đang leo dốc.

Sáng hôm sau khi trời còn mù sương, tôi leo 2 giờ để đến con đường mòn độc đạo ấy rồi ngồi canh đến… 11 giờ trưa. Đang nản chí thì chiến sĩ biên phòng đi cùng reo: “Kìa, bộ đội đến rồi”. Tôi phóng tầm mắt bao quát cảnh núi rừng hùng vĩ, nắng chiếu rực rỡ vào đoàn quân leo dốc. Nắng xuyên qua những đám mây nên từng tia nắng đậm, nhạt tạo thành vệt chiếu xiên xuống trông như tấm màn vàng ruộm mật ong trên cái nền màu sẫm của vách núi. Tôi bấm máy 4 kiểu liên tục bằng cuộn phim mà cơ quan đã loại bỏ.

Mãi đến năm 1969, tức là 3 năm sau, tôi mới trình làng bức ảnh ấy và được đồng chí Tố Hữu gật gù xem rồi se sẻ ngâm lại câu thơ của ông “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước / Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Nhân đó tôi xin phép Tố Hữu cho lấy câu thơ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” để đặt tên cho bức ảnh của mình!

Hà Nội đã sang xuân. Tôi đạp xe trong mưa bay lất phất đi tìm địa chỉ X, phố Hàng Than. Một bà cụ đi ra chào hỏi tôi và nhận bức thư, bức ảnh người nữ TNXP bên nhánh lan rừng. Tôi gửi tặng thêm bức ảnh “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của mình rồi quày quả chạy trốn ánh mắt của bà cụ. Cuộc đời tôi chưa hề biết run sợ nhưng sáng hôm ấy, tôi không có đủ can đảm để nhìn gương mặt hân hoan của bà cụ khi nhận thư và hình của con gái “đang ở chiến trường xa” gửi về!

 

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Minh Trường sinh năm 1930 tại Thừa Thiên-Huế. Ông từng là Ủy viên BCH Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam các khóa II, III; Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam khóa IV.

Các tác phẩm nổi tiếng của Lê Minh Trường như: Đạp lên đồn thù, Đánh chiếm Quảng Trị, Cố thủ, Trận đánh trên đồi không tên, Hoa lửa chiến trường, Em bé học dưới chiến hào, Những bước chân vạn dặm, Qua vùng trọng điểm, Đường ngầm theo lòng suối, Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…

Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. 

Nhà báo LÊ MINH TRƯỜNG kể
MINH ANH ghi

tin tức liên quan