"Một trận đánh đầy ý nghĩa" - Bài của Đinh Thanh Niên Trưởng ban liên lạc CCB Sư đoàn 968 – tỉnh Quảng Trị

Ngày đăng: 09:38 03/04/2019 Lượt xem: 641
MỘT TRẬN ĐÁNH NHIỀU Ý NGHĨA
Viết theo lời kể của Đại tá Đinh Ngọc Ánh
Nguyên chủ nhiệm chính trị - Sư đoàn 968

 
          Khu vực Nha Hớn (Hạ Lào) gồm bản Nậm Liêng, Nậm Tiếng và một số bản nhỏ thuộc Lào Ngam, tỉnh Xa La Van,cách thị xã Pắk Xoòng 13km về phía Đông Nam, khu vực này là nơi sinh sống của người dân tộc Nha Hớn, Tà Ôi và La Ven. Đây  là khu vực hẻo lánh, địa hình vô cùng phức tạp, bốn phía đều là rừng già rậm rạp: phía Tây khoảng 25km là đường 23 từ Pắk Xoòng đi Tha Teng; Phía Nam là dãy cao điểm 1.327, có điểm cao Phông Sết 1.569m án ngữ như mộ bức tường thành; phía Đông là con suối Huội Ngua bắt nguồn từ dãy cao điểm 1.327 chảy về Pắk Xoòng. Từ Pắk Xoòng đi Nha Hớn chỉ có duy nhất một con đường đất, rộng khoảng 3m, chỉ vừa đủ cho xe bò bánh gỗ của dân đi lại. Vào mùa mưa khi nước suối Huội Ngua và nhiều con suối khác dâng lên, muốn vào được 2 bản Nậm Liêng và Nậm Tiếng, chỉ có cách đi qua những chiếc cầu làm bằng thân cây rừng to bắc qua.
          Với địa hình này, khu vực Nha Hớn rất cô lập và hiểm trở, gây nhiều khó khăn cho ta khi cơ động lực lượng và ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo đảm đời sống, sức khỏe cho bộ đội vào trú quân trong rừng.
          Sau thất bại trong mùa khô 1970, nhất là sau khi mất hai thị xã quan trọng là Át Ta Pư và Xa La Van, địch ở Nam Lào càng lâm vào thế phòng ngự bị động. Để tăng cường lực lượng cho khu vực này,chúng điều động Tiểu đoàn B81 (Quân khu 1), Tiểu đoàn Mẹo ở vùng 2,Tiểu đoàn BS82 và BS5 thuộc vùng 3 xuống phòng thủ Nha Hớn – Phù Luông. Đặc biệt, bằng chính sách cưỡng bức và lừa gạt chúng đã bắt thanh niên ở hai bản Nậm Liêng, Nậm Tiếng và các bản trong vùng để tổ chức thành tiểu đoàn BS3 gồm 2 đại đội: 1 đại đội là người dân tộc Nha Hớn, đại đội còn lại là người dân tộc Tà Ôi, La Ven. Sĩ quan chỉ huy đại đội, tiểu đoàn đều là người Lào Lum, bên cạnh có cố vấn Mỹ.
          Ngày 5-6-1971, ta giải phóng cao nguyên Bô Lô Ven. Toàn bộ sĩ quan của tiểu đoàn BS3 bỏ chạy khỏi cao nguyên; 2 đại đội địch mang theo toàn bộ vũ khí, trang bị chạy về ẩn náu tại chính làng bản của họ; đại đội người dân tộc Nha Hớn ẩn náu ở bản Nậm Liêng; đại đội người dân tộc Tà Ôi, La Ven ẩn náu ở bản Nậm Tiếng. Để đảm bảo an toàn và bí mật chúng tổ chức chặt cây dựng hàng rào quanh bản cao từ 1,5m đến 2m, đặt các chòi canh gác liên hoàn trên những đỉnh cây cao, thông báo cho nhau bằng những ký tín ám hiệu  đã định, nhanh chóng rút vào rừng sâu phía dãy Cao điểm 1.327 khi có động và sẵn sàng nổ súng chống trả khi ta tiến công. Hàng ngày chỉ có người già, phụ nữ và trẻ em ra khỏi bản đi làm rẩy,làm na (ruộng) và khi ra khỏi bản bao giờ họ cũng dùng cành lá rấp đường, ra ký hiệu cấm người lạ vào bản. Với cách ẩn náu này,địch gây cho ta rất nhiều khó khăn trong việc nắm chắc tổ chức, quân số, trang bị và thái độ của chúng. Nhưng chúng cũng có những điểm yếu: tinh thần quân lính bạc nhược, mất lòng tin khi bị sĩ quan bỏ rơi, rất sợ giao chiến với bộ đội ta vì lo sợ ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình, vợ con . Mọi sinh hoạt hàng ngày chủ yếu dựa vào gia đình cung cấp nhưng ngày càng khó khăn.
          Phát hiện địch ẩn náu tại khu vực Nha Hớn, Bộ Tư lệnh Mặt trận Y đã chỉ thị cho Tiểu đoàn 2 tổ chức bao vây chặt kết hợp với tiến hành công tác dân, địch vận, kêu gọi quân địch ra đầu thú, giao nộp vũ khí, chỉ khi có lệnh của Mặt trận mới được nổ súng tiến công.
          Ban chỉ huy Tiểu đoàn 2 lúc này gồm có đồng chí Trần Văn Can – chính trị viên, đồng chí Nguyễn Văn Dài – Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Thái Đình Duyệt – chính trị viên phó, đồng chí Đinh Ngọc Ánh – cán bộ phòng chính trị mặt trận tăng cường.
          Đúng 7 giờ ngày 30-6-1971, Tiểu đoàn xuất phát. Sau 2 ngày đêm trèo đèo lội suối, đơn vị đã đến vị trí triển khai theo quy định.
          Đại đội 6 triển khai ở Nam dãy Cao điểm 1.327 kéo dài đến đường 23, có nhiệm vụ ngăn chặn không cho địch từ phía Tha Teng xâm nhập, móc nối, chi viện cho đồng bọn ở khu vực Nha Hớn; đồng thời kiên quyết không cho địch ở khu vực Nha Hớn vượt dãy cao điểm 1.327 sang phía Tha Teng. Đồng chí Thái Đình Duyệt – chính trị viên phó, trực tiếp chỉ  huy trên hướng Đại đội 6.
          Đại đội 7 triển khai dọc đường 23 từ Nam Pắk Xoòng 10km đến giáp vị trí triển khai của đại đội 6 có nhiệm vụ ngăn chặn không cho địch ở khu vực Nha Hớn vượt qua đường 23 chạy về hướng Pắk Xế,Thái Lan.
          Đại đội 5, đội công tác cơ sở triển khai ở phía Đông bản Nậm Liêng,Nậm Tiếng, kiểm soát chặt con đường từ Pắk Xoòng vào 2 bản Nậm Liêng, Nậm Tiếng. Sở chỉ huy Tiểu đoàn đặt tại khu vực triển khai của Đại đội 5 và đội công tác cơ sở. Việc nắm tình hình hàng ngày và chỉ huy các đại đội 6, 7 thông qua mạng vô tuyến điện sóng cực ngắn bằng máy 71 xilíc.
          Ngay sau khi hành quân cơ động đến vị trí, các đơn vị khẩn trưởng tổ chức xây dựng lán trại, hầm, hào, đường cơ động theo phương châm: cơ bản, lâu dài, tiện lợi.
          Phát hiện Tiểu đoàn triển khai xây dựng lán trại, người dân hai bản Nậm Liêng, Nậm Tiếng đi làm ruộng, làm rẩy để ý quan sát mọi động thái của bộ đội ta. Còn địch trên các chòi canh thì nổ súng bắn chỉ thiên.
          Ngày 5-7, Đảng ủy, chỉ huy Tiểu đoàn cùng cán bộ các cấp  họp đánh giá tình hình và bổ sung kế hoạch tác chiến. Trong cuộc họp này, chỉ huy Tiểu đoàn nhận định: về dân ở 2 bản Nậm Liêng, Nậm Tiếng vốn rất trung thành với cách mạng, bước đầu họ không có biểu hiện hoảng sợ hay phản ứng tiêu cực về sự có mặt của bộ đội Việt Nam; về địch chúng chạy về đây chỉ với mục đích là được an toàn, về quân số, trang bị của địch, ta chưa nắm được chính xác. Từ nhận định trên, chỉ huy tiểu đoàn chỉ thị cho các đơn vị.
          1. Tuyệt đối chấp hành nghiêm kỷ luật dân vận,không được lấy bất cứ thứ gì của dân từ rau quả, gà, vịt đến cá ở những đoạn suối đã được đánh dấu.
          2. Bằng mọi biện pháp tích cực tìm cách tiếp cận với dân, tuyên truyền để họ biết được sự có mặt của bộ đội Việt Nam là một việc tốt, đồng thời qua họ để nắm tình hình địch, vận động họ thuyết phục con em mình ra đầu thú.
          3. Nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng nổ súng khi có lệnh của trên.
          Chấp hành chỉ thị của Tiểu đoàn, đội công tác cơ sở và các đơn vị liên tục cử các đồng chí giỏi tiếng Lào trực tiếp đến ruộng rẫy, đón đường chào hỏi tiếp xúc với dân. Tuy vậy việc làm này không có mấy hiệu quả vì dân ở đây rất ít người biết tiếng Lào phổ thông.
          Để thăm dò đánh giá bộ đội ta, nhân dân ở 2 bản đã chủ động để rau, quả, gà, thịt thú rừng ... gần nơi bộ đội ta ở và cử người theo dõi, sau nhiều ngày không thấy mất gì thì họ lại thu đi. Nhờ giữ nghiêm kỷ luật dân vận và sự kiên trì của đội công tác cơ sở, sau 2 tuần chúng ta đã  thu được những kết quả ban đầu: tổ công tác của đồng chí Lê Văn Mạo (người nói tiếng Lào tốt nhất của đội) đã tiếp xúc và nói chuyện được với một cụ già người bảnNậm Liêng, trên đường cụ đi làm rẩy . Từ kết quả này, chỉ huy Tiểu đoàn đã vạch kế hoạch cho tổ phải tiếp xúc và mời bằng được cụ vào nơi ở của đơn vị để nói chuyện.
          Thật bất ngờ, ngay ngày hôm sau tổ công tác đã mời được cụ cùng một cháu nhỏ vào lán của chỉ huy Tiểu đoàn. Thấy bộ đội Việt Nam ăn ở sạch sẽ, ngăn nắp và rất lễ phép, cụ tỏ ra tất tin và hứa hôm sau sẽ đưa phò bản (Trưởng bản) đến gặp bộ đội. Khi cụ già trở về chỉ huy Tiểu đoàn không quên gửi cụ một ít thuốc bổ, đường sữa cho người già, lương khô cho trẻ em và muối ăn cho dân bản. Như đã hứa ngày hôm sau cụ già đưa theo 2 phò bản Nậm Liêng, Nậm Tiếng đến gặp chỉ huy Tiểu đoàn. Trong buổi gặp mặt này chỉ huy Tiểu đoàn khẳng định với các trưởng bản: Bộ đội Việt Nam đến đây là để giúp dân và đề nghị bà con dân bản cho phép bộ đội được vào bản giúp bà con dọn vệ sinh, làm đường, làm cầu qua suối, chữa bệnh cho người ốm, cùng với bà con vận động con em của họ ra đầu thú. Các trưởng bản nói rằng “Bộ đội Việt Nam là người tốt, không phải là người xấu,nhưng để bộ đội vào bản thì không được”. Các cụ cho biết số lượng đại đội người La Hớn là 70, đại đội lính Tà Ôi – La Ven là 80 và tất cả đều là con em của họ. Họ yêu cầu chỉ khi nào có cán bộ Xu Pha Nu Vông của cụ Hồ (ý họ là cán bộ kháng chiến) đến bản thì họ sẽ bảo chúng ra hàng và nộp vũ khí. Đặc biệt trong lần gặp này, cù già bản Nâm Liêng đã cho chúng ta biết con em của bản có Thạo Bun Chơn là “cán bộ to” đi theo Su Pha Nu Vông, nếu có Thạo Bun Chơn về đây thì tốt lắm.
          Sau cuộc gặp với các trưởng bản, chỉ huy Tiểu doàn họp và nhất trí đánh giá tình hình địch không có gì khác với đánh giá trong phiên họp Đảng ủy ngày 5-7. Vấn đề đặt ra lúc này là một mặt nhanh chóng báo cáo với Mặt trận, với Bộ  Tư lệnh 559 về nguyện vọng của dân bản có được con em người dân tộc Nha Hớn là cán bộ cách mạng Lào về giúp dân bản, mặt khác phải nêu cao cảnh giác, kiên quyết không cho địch ở ngoài móc nối với địch ở khu vực Nha Hớn; tuyệt đối chấp hành nghiêm kỷ luật dân vận; tích cực chủ động gặp gỡ làm quen với nhiều người dân, giúp dân làm rẩy, ủng hộ đồng bào lương thực, muối ăn, thuốc chữa bệnh, củng cố lòng tin vững chắc của đồng bào đối với bộ đội Việt Nam.
          Ngày 25-7, Tiểu đoàn nhận được điện của Mặt trận “Bộ đồng ý với phương án của Tiểu đoàn và đã làm việc với các bạn Lào, sẽ có cán bộ bạn về công tác cùng với Tiểu đoàn”. Trong lúc này, người dân ở 2 bản Nậm Liêng, Nậm Tiếng ngày càng tỏ ra thân mật hơn với bộ đội. Nhiều người dân đi làm ruộng, làm rẩy ghé thăm bộ đội ở tất cả các đơn vị. Họ chủ động mang rau, quả, gà, vịt, thịt thú rừng cho bộ đội, đưa người ốm đau ra chỗ bộ đội xin thuốc. Đặc biệt, bọn địch trên chòi canh không còn bắn chỉ thiên như trước nữa.
          Ngày 10-8, Tiểu đoàn nhận được điện: cử cán bộ và lực lượng bảo vệ về Sở chỉ huy Mặt trận đón cán bộ của bạn về công tác. Thật bất ngờ, đồng chí cán bộ mà Tiểu đoàn được đón về  lại chính là Thạo Bun Chơn – cháu của trưởng Bản Nậm Liêng, anh đang học tập tại trường chính trị Nguyễn Ái Quốc. Sau nhiều năm xa gia đình, quê hương, ngay sau khi về đến Sở chỉ huy Tiểu đoàn 2, tối 12-8, Thạo Bun Chơn đề nghị được vào bản gặp gỡ bà con ngay. Nhưng để bảo đảm an toàn, chỉ huy Tiểu đoàn đề nghị đồng chí nghỉ lại sáng hôm sau cùng Ban chỉ huy Tiểu đoàn và đội công tác cơ sở cùng vào bản.
          7 giờ ngày 13-8, đi cùng Bun Chơn có đồng chí Trần Văn Can – chính trị viên Tiểu đoàn, đồng chí Đinh Ngọc Ánh – cán bộ phòng chính trị Mặt trận và 5 đồng chí đội công tác cơ sở mang theo 1 máy 2W, 5 khẩu súng K54, 10 quả lựu đạn, tất cả được giấu kín trong người và cặp công tác. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Dài ở lại sở chỉ huy Tiểu đoàn sẵn sàng xử trí tình huống khi có bất trắc xảy ra.
          Sau khi vượt qua suối Huội Ngua, tổ công tác gặp một thanh niên bản Nậm Liêng đi bẫy thú rừng. Thạo Bun Chơn đã nói với người thanh niên về báo với dân bản có Thạo Bun Chơn về. Người thanh niên lập tức chạy ngay về bản, sau 15 phút đã có rất nhiều người từ bản Nậm Liêng chạy về phía tổ công tác, trong đó có trưởng bản Nậm Liêng. Gặp lại Bun Chơn, tay bắt mặt mừng, họ rất cảm động, Thạo Bun Chơn hỏi:
          - Bây giờ có cho Bun Chơn và bộ đội vào bản không?
          Trưởng bản và mọi người đồng thanh.
          Cho chứ, đều là con em cả mà, vào uống rượu mừng thôi.
          Trên đường vào bản, tổ công tác quan sát thấy tất cả các chòi canh đều bỏ trống, chứng tỏ địch đã rút vào rừng phía dãy điểm cao 1.327. Vảo đến bản Nậm Liêng, tổ công tác đã thấy rất đông bà con hai bản Nậm Liêng, Nậm Tiếng tập trung trước sân nhà trưởng bản. Người thì con gà, người thì chai rượu, thậm chí có người còn ôm cả một con lợn nhỏ, thái độ rất chân thành vui vẻ. Sau khi chào hỏi và nhận quà, tổ công tác và Thạo Bun Chơn mời các trưởng bản, già làng lên nhà để nói chuyện. Qua trao đổi, tất cả các già làng, trưởng bản đều nói bộ đội Việt Nam là người người rất tốt, giúp đỡ dân nhiều lắm; bộ đội về đây không phải để bắt, để giết con em của bản, nhưng cái bụng thì chưa yên. Bây giờ có Thạo Bun Chơn về, chúng nó muốn được nghe lời nói tốt của bộ đội Việt Nam, của Bun Chơn để dân bản vào rừng gọi chúng nó về mang súng trả cho bộ đội.
          Biết được nguyện vọng của dân bản và tình hình cụ thể của địch, chỉ huy Tiểu đoàn bàn và thống nhất với Thạo Bun Chơn:
          - Đề nghị dân bản cho bộ đội vào bản dọn vệ sinh, làm đẹp bản vừa để đón mừng con em trở về, vừa sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu  nhất.
          - Các gia đình có con em theo địch phải cùng vào rừng đưa con em về tập trung tại bản Nậm Liêng, như vậy sẽ hạn chế được việc địch nổ súng tiến công ta.
          Ý kiến của tổ công tác được chấp thuận. Đồng chí Can điện ngay về cho Tiểu đoàn trưởng thông báo tình hình để kịp thời báo cáo mặt trận và điều động lực lượng vào ngay bản Nậm Liêng nhận nhiệm vụ.
          Đúng như kế hoạch, 12 giờ 30 phút, Trung đội 3 (đại đội 5) gồm 46 đồng chí, có 1 y sĩ đã có mặt tại bản Nậm Liêng. Chính trị viên tiểu đoàn trực tiếp giao nhiệm vụ và thống nhất phương án với Trung đội:
          - Một tiểu đội dưới sự chỉ huy trực tiếp của trung đội trưởng “dọn vệ sinh” và kiểm soát con đường từ Nậm Liêng vào khu vực địch đang ẩn náu (đây là hướng chủ yếu).
          - Một tiểu đội còn lại “dọn vệ sinh” phía sau bản, kiểm soát con đường từ bản Nậm Liêng đi Pắk Xoòng và sẵn sàng cơ động trên các hướng.
          Đội công tác cơ sở giúp bà con mổ lợn, giết gà ... đồng thời cùng với chỉ huy tiểu đoàn làm công tác vận động khi có tình huống xấu.
          16 giờ, từ hướng chủ yếu và thứ yếu có rất nhiều tên địch mang theo vũ khí cùng với gia đình đi vào bản Nậm Liêng. Nhìn nét mặt bình thản không một chút lo sợ của họ, chính trị viên Tiểu đoàn Trần Văn Can nói với Thạo Bun Chơn: Thắng lợi rồi.
          18 giờ ngày 13-8-1971, toàn bộ 150 tên ngụy Lào mang theo vũ khí trang bị về đầu hàng Tiểu đoàn 2 tại bản Nậm Liêng. Sau khi thu nhận toàn bộ vũ khí, trang bị của địch và chuyển về khu vực chỉ huy Tiểu doàn, tiểu đoàn trưởng điện báo cáo với Mặt trận xin chỉ thị.
          Ngày 14-8-1971, Mặt trận điện cho Tiểu đoàn truyền đạt chỉ thị của Bộ Tư lẹnh 559 và Mặt trận:
          1. Biểu dương cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
          2. Tổ chức lực lượng đưa đồng chí Thạo Bun Chơn về Bộ Tư lệnh Mặt trận.
          3. Để lại một số bộ phận gồm cán bộ đại đội, trung đội và đội công  tác cơ sở cùng với cán bộ Bạn giáo dục, huấn luyện xây dựng tiểu đoàn ngụy Lào thành tiểu đoàn địa phương của tỉnh Xa La Van. Toàn bộ Tiểu đoàn cơ động về Phu Luông nhận nhiệm vụ.
          Ngày 15-8-1971, Tiểu đoàn hành quân về Phu luông, kết thúc thắng lợi nhiệm vụ bao vây, kết hợp với công tác dân vận, địch vận gọi hàng, thu phục tiểu đoàn lính ngụy Lào của Tiểu đoàn bộ binh 2.
          Đây không chỉ là thắng lợi về quân sự, thể hiện rõ ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, kiên trì bền bỉ của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn bộ binh 2 mà còn là thắng lợi có ý nghĩa về chính trị và công tác dân vận, địch vận, giúp đỡ Bạn Lào xây dựng lực lượng và trưởng thành trong chiến đấu, góp phần củng cố mối quan hệ đặc biệt Việt – Lào.
 
Đinh Thanh Niên
Trưởng ban liên lạc CCB Sư đoàn 968 – tỉnh Quảng Trị
----------------------------------------------------------------
         Tiểu đoàn bộ binh 2 nguyên là Tiểu đoàn công binh, sau được chuyển thành tiểu đoàn bộ binh huấn luyện đặc công ở hậu phương thuộc Quân khu Việt Bắc. Tháng 7-1963, Bộ tổng tham mưu điều động Tiểu đoàn từ Đáp cầu – Bắc Ninh vào Mặt trận Hạ Lào, mang phiên hiệu Đoàn 763. Tháng 6-1968, Tiểu đoàn 2 được chuyển về chiến đấu, công tác trong đội hình Đoàn 968 Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Năm 1971, Mặt trận 968 (trước đó mang tên là Đoàn 968 đổi tên thành Mặt trận Y.

tin tức liên quan