Kỷ niệm 60 năm đường Trường Sơn và hành trình của một bức ảnh.

Ngày đăng: 09:10 30/05/2019 Lượt xem: 594
Kỷ niệm 60 năm đường Trường Sơn
và hành trình của một bức ảnh.
 
     Hai người phụ nữ, hai Cựu Chiến Binh, hai hội viên nừ Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh. Chỉ khác là con người trong 2 bức ảnh cách xa nhau gần nửa thế kỷ. Điều đặc biệt hơn nữa về người chụp bức ảnh cách đây gần nửa thế kỷ là cố nhà thơ Phạm Tiến Duật.
     Nhân dịp dự lễ kỷ niệm 60 năm Bộ đội Trường Sơn tại xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh; tôi may mắn được chứng kiến phút giây sung sướng, cảm động của 2 người phụ nữ ôm chầm lấy nhau khi nhìn thấy bức ảnh từ những ngày phục vụ chiến đấu trên đường Trường Sơn huyền thoại. Đó là chị Nguyễn Thị Thành ( xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà ) và chị Nguyễn Thị Tường ( xã Thạch Đồng, tp Hà Tĩnh ). Bức ảnh cũ thì chị Tường đứng bên trái, còn nhìn rõ mặt; bức ảnh mới thì chị Tường đứng ở bên phải. Đứng trước rất đông các hội viên Trường Sơn xã Thạch Đài, hai chị cho biết: đây là kỷ niệm và kỷ vật thiêng liêng trong những ngày ở Trường Sơn, chị Thành là người có công lưu giữ, điều hết sức đặc biệt là bức ảnh do chính cố nhà thơ Phạm Tiến Duật chụp cho 2 chị.
      Với vẻ mặt xúc động, chị Thành kể lại: năm 1972, thời điểm chiến tranh đang ở giai đoạn ác liệt, chiến trường đang ngày đêm phải đối mặt với bom đạn, hy sinh, nhưng anh chị em luôn tự tin, ước mơ cho ngày giải phóng. Trong một lần có đoàn làm phim “ Mấy nhịp cầu Trường Sơn “ từ ngoài Hà Nội vào, thấy chị em rỉ tai nhau có nhà thơ " thạch nhọn " viết về chị em ta đấy, đó là nhà thơ Phạm Tiến Duật với bài thơ nổi tiếng " Gửi em - cô thanh niên xung phong " được lực lượng Bộ đội, Thanh niên xung phong rất ưa thích. Lần đầu tiên được gặp nhà thơ bằng xương, bằng thịt ngay trên chiến trường lửa đạn nên thật xúc động. Nhà thơ bảo hai chị em đứng bên nhau để anh chụp ảnh rồi anh gửi vào tặng. Do yêu cầu nhiệm vụ nên tụi em cũng chẳng nhớ đến chuyện chụp ảnh, mà cũng chẳng hy vọng gì có ảnh vì một lá thư nhà vào đến đây hàng mấy tháng trời, có khi là cả năm trời, nét chữ đã bị nhoà.
      Vậy mà… trời ơi, một hôm bọn em nhận được gói bưu kiện từ Hà Nội gửi vào, trong đó có mấy tấm hình của chị em, mừng hết nói, mà ảnh lại rất đẹp. Em lấy bút ghi vào sau ảnh dòng chữ " Ảnh chụp tại AT4, chiến trường 559, tháng 2 năm 1972, ai chị em trên một trận tuyến, lấy ngày 10.10.72 ".
      Sau hành trình gần nửa thế kỷ, bức ảnh đã bị mốc, nhưng khuôn mặt thì rất dễ nhận ra, những dòng chữ lưu bút sau ảnh vẫn còn nguyên vẹn. Chị Tường, một nhân vật trong ảnh cho biết: Hồi đó bọn em còn trẻ lắm, cống hiến tuổi xuân cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tôi và Thành đều là những y tá, vì vậy có dịp tiếp xúc với Bộ đội nhiều hơn. Thành rất quý tình cảm chị em, đồng đội, trân trọng những kỷ vật thiêng liêng ngay từ những bức ảnh. Thành còn giữ mãi cho đến bây giờ, thật cảm động…
       Được biết, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chị Tường và chị Thành được trở lại miền Bắc, chị Thành vẫn tiếp tục nghề y cho đến ngày về nghỉ hưu, chị Tường đi học và chuyển sang ngành kiểm sát. Cả hai chị đều có gia đình hạnh phúc, các cháu lớn lên học hành, có việc làm cống hiến cho xã hội. Riêng chị Tường hiện nay là Thường vụ BCH Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh Hà Tĩnh và là Trưởng ban liên lạc nữ Trường Sơn Hà Tĩnh. Cả hai chị đều là những tấm gương sáng, phát huy tốt phẩm chất của người lính Trường Sơn anh hùng, giáo dục con cháu ngoan hiền, chăm lo xây dựng Hội và sẵn sàng chia sẽ, giúp đỡ các đồng chí có hoàn cảnh khó khăn.
Hành trình của bức ảnh càng cho ta thêm niềm tự hào về những người lính Trường Sơn anh hùng nhân kỷ niệm 60 năm đường Trường Sơn huyền thoại.

 
Bức ảnh cách đây nửa thế kỷ

Chị Tường và Chị Thành sau 50 năm.

Bài và ảnh: Lê Anh Thi

tin tức liên quan