Qua chốt Beng Viêng - Nguyễn Kim Chúc

Ngày đăng: 10:14 12/06/2019 Lượt xem: 646
          Qua chốt Beng Viêng
 
                                                  NGUYỄN KIM CHÚC
 
    Cuối tháng 5 năm 1973, Bộ Tư lệnh khu vực 471 lật cánh về Đông Trường Sơn. Bộ Tư lệnh được giao quản lý khu vực rộng lớn trải dài từ Trao (Tây Thừa Thiên Huế) theo trục đường 14 tới Sa Thầy (Kon Tum). Để phù hợp với tác chiến hợp đồng, Bộ Tư lệnh khu vực không còn các Binh trạm mà thay vào đó là các Trung đoàn binh chủng như: Công binh, cao xạ, xe vận tải … Các trạm giao liên bộ không còn nữa thay vào đó là các Trung đoàn giao liên cơ giới với những xe chở người mới cứng được nhận từ miền Bắc vào. Bộ Tư lệnh khu vực 471 Trường Sơn lúc này gồm sáu Trung đoàn trong biên chế: Trung đoàn 10 công binh, Trung đoàn 35 công binh, Trung đoàn 99 công binh cầu phà, Trung đoàn 529 công binh, Trung đoàn 536 xe vận tải và Trung đoàn 545 pháo cao xạ. Lực lượng công binh có mặt trên toàn tuyến cải tạo nâng cấp cầu đường, chốt giữ đất. Riêng Trung đoàn 10 công binh được giao mở đường vòng tránh qua Đakpét; Nơi đường 14 chạy qua hiện vẫn do Tiểu đoàn 88 Biệt động quân Biên phòng ngụy chốt giữ cùng với dinh Quận trưởng o ép hơn 3.000 dân sống trong các ấp chiến lược.
    Đường tránh Đakpét ở phía tây căn cứ, địa hình đồi núi chia cắt. Tìm mọi cách để tránh càng xa căn cứ địch càng tốt. Song địa hình vô cùng hiểm trở nên tuyến vẫn phải đi qua sườn dốc đối diện với cao điểm 910 - chốt Beng Viêng của địch. Chốt Beng Viêng cao điểm 910 nằm trong hệ thống phòng ngự liên hoàn của Đakpét. Nó làm nhiệm vụ bảo vệ sườn tây nam căn cứ và là nơi xa nhất trong hệ thống phòng thủ. Bọn ngụy quân làm công sự kiên cố quanh cao điểm, có nhiều lớp rào thép gai, chông mìn bảo vệ. Sườn tây cao điểm tiếp giáp với đường tránh của ta rất dốc, nhưng về hướng đông thoải dần ra tới đường 14. Đứng ở đường tránh cũng nhìn rõ những lỗ bắn đen ngòm nơi có những họng súng sẵn sàng nhả đạn. Chốt Beng Viêng của địch do một trung đội tăng cường chốt giữ. Đường tránh nằm trong tầm súng bắn thẳng của địch. Trước khi mở đường tránh, Trung đoàn 10 công binh đã bố trí 3 khẩu 12,7 ly ở một cao điểm đối diện với chốt Beng Viêng của địch để bảo vệ bộ đội thi công đường tránh. Ba tháng mùa mưa năm 1973 Trung đoàn 10 công binh đã mở thông 15km đường tránh sẵn sàng cho mùa vận chuyển mới.
    Đường thông là một tin rất vui với chúng tôi, có đường cho xe qua lại. Song mặt đường từ 6m đoạn ngoài, đoạn phía trong chỉ mở 4m nên lưu lượng qua lại hạn chế. Chủ yếu để phục vụ cho việc di chuyển lực lượng. Cơ quan tác chiến Bộ Tư lệnh 471 đứng đầu là Tham mưu phó Đỗ Hữu Tần cùng với nhóm trợ lý tác chiến chúng tôi lại thêm nhiệm vụ mới: quan trọng và phải tuyệt đối giữ bí mật đưa đón và đảm bảo an toàn cho các đoàn đặc biệt, những cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước qua lại trên tuyến.
     Việc đầu tiên của chúng tôi là nắm chắc tình hình địch đồn trú trong Đakpét. Tiểu đoàn 88 Biệt động quân Biên phòng Ngụy chiếm giữ các cao điểm phía tây đường 14 chạy dài theo tuyến hàng cây số. Những cao điểm này đều được bố phòng cẩn mật với nhiều lớp rào thép gai, tre nứa, bùng nhùng, cũi lợn … Khi ta chiếm được căn cứ, chúng tôi vào tiếp quản còn phát hiện những lớp rào thép gai chăng cách mặt đất chừng hai mươi phân kết hợp với chông nứa để chống đặc công. Gần sở chỉ huy tiểu đoàn có trận địa pháo 105ly, súng cối 106,7, có bãi đỗ trực thăng và sân bay dã chiến để máy bay vận tải lên xuống. Phía đông đường 14 là dinh Quận trưởng với những ấp chiến lược - nơi o ép hơn 3.000 dân. Tầm bắn của pháo 105ly và cối 106,7 với tới tuyến đường tránh. Song khả năng gây hấn bằng pháo binh hay nói một cách khác là trực tiếp đối đầu với ta thì rất thấp. Vì hàng ngàn binh lính và dân sống trong Đakpét chỉ trông vào tiếp vận hàng không mỗi ngày. Điều lo lắng của chúng tôi là gần nghìn binh lính người Thượng trong căn cứ, họ rất giỏi luồn rừng, vượt dốc, thông thuộc địa hình. Nếu họ được sử dụng thành những toán biệt kích nhỏ cùng với tai mắt của chúng ở cao điểm 910 chốt Beng Viêng thì rất nguy hiểm với các đoàn xe hoạt động trên đường …
    Tham mưu phó Đỗ Hữu Tần làm việc với Tham mưu phó Tỉnh đội Kon Tum Phan Thanh Vỵ, lập văn bản ghi nhớ tới từng chi tiết để đảm bảo an toàn tuyến vận tải. Các đồng chí bộ đội địa phương Kon Tum tăng cường công tác nắm chắc tình hình trong dân, tuần tra cảnh giới những khu vực tình nghi. Trung đoàn 10 công binh thi công xong đường tránh đang làm nhiệm vụ thông tuyến tới Sa Thầy khu vực Bộ Tư lệnh 470 quản lý. Đại đội 7 bộ binh của Bộ Tư lệnh 471 vẫn làm nhiệm vụ theo dõi tình hình địch trong Đakpét và bảo vệ tuyến đường tránh. Các lực lượng khác như thông tin, xăng dầu, các lực lượng đóng quân dọc tuyến cũng được chúng tôi làm việc hợp đồng cụ thể khi có tình huống xảy ra.
     Mùa khô tới. Xe hàng hóa chạy trên tuyến không có gì khó khăn. Cũng là lúc chúng tôi phải dẫn các đoàn khách đặc biệt qua tuyến đường tránh Đakpét này. Cánh trợ lý chúng tôi phải ngồi xe nhiều lần qua lại chốt Beng Viêng nghiên cứu động tĩnh trên chốt địch. Dù lúc này việc duy trì 3 khẩu 12,7 ly ở điểm cao đối diện vẫn được duy trì, song chúng tôi vẫn đề phòng tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Nhiều lần trên đài quan sát của Đại đội 7 bộ binh nghiên cứu sử lý các tình huống nếu xảy ra. Xác định đấy là nhiệm vụ chiến đấu quan trọng, không được để ra sai sót. Các đoàn khách đặc biệt còn phải đi xa, nên đều có xe riêng. Trông là thấy khác xe thường hoạt động trên tuyến và thường là xe Uoát. Có đoàn tới 3, 4 chiếc Uoát. Nhìn những đoàn như thế chúng tôi đầy lo lắng. Trong cái khó, ló cái khôn. Chúng tôi dùng xe tải vẫn chạy trên tuyến đưa gọn cả xe Uoát lên thùng xe. Căng bạt kín như xe chở hàng. Rồi mời các thủ trưởng lên ca bin xe tải hoặc ngồi xe GAT69 đít vuông của bọn tôi vọt qua chốt địch ở cao điểm 910 Beng Viêng theo kế hoạch định trước.
     Việc dẫn các Tư lệnh chiến trường, các tướng lĩnh, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua chốt địch nhất thiết không được để sai sót. Tham mưu phó Đỗ Hữu Tần - một cán bộ cao cấp đầy bản lĩnh và trách nhiệm luôn chỉ bảo cánh trợ lý tác chiến chúng tôi lập kế hoạch đưa đón các đoàn khách đặc biệt. Quản lý chắc số lượng phương tiện, cự ly gián cách xe, thời gian, tốc độ chạy xe qua chốt địch. Điều quan trọng nhất vẫn là giữ bí mật danh tính, lộ trình, thời gian đi của các đoàn đặc biệt. Không được dùng điện thoại đàm thoại thông thường mà phải dùng mật ngữ hoặc tiếng lóng để trao đổi với nhau. Cuối cùng là mọi thành viên dẫn đoàn, các lực lượng trên tuyến luôn sẵn sàng chiến đấu, nắm chắc tay súng, tay xẻng cuốc và xe trực cứu hộ trên tuyến …
     Từ những kế hoạch tỉ mỉ, chu đáo, trách nhiệm cao của những cán bộ chiến sỹ Bộ Tư lệnh khu vực 471 Trường Sơn chúng tôi đã đảm bảo an toàn cho tất cả các đoàn khách trong đó có các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước như: Đồng chí Võ Chí Công, Trần Kiên; các tướng lĩnh cao cấp như Phó tư lệnh miền Lê Đức Anh, Tướng Hoàng Minh Thảo … qua lại tuyến an toàn được các đồng chí đánh giá rất cao và khen ngợi, chúng tôi luôn coi đó là nhiệm vụ chiến đấu đặc biệt. Khi dẫn đoàn khách đặc biệt: Đưa các đồng chí cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội qua chốt Beng Viêng, chúng tôi đều nắm chắc tay súng ngồi xe dẫn đầu. Qua chốt địch chiếm giữ, giữ an toàn cho các đoàn khách, chúng tôi coi đó cũng là những chiến công./.
 

tin tức liên quan