“Người trực tiếp điều hành khôi phục hang Cốc Bó*” - Bút ký của Nhà văn Phạm Trọng Thanh

Ngày đăng: 06:19 29/06/2019 Lượt xem: 1.100
NGƯỜI TRỰC TIẾP ĐIỀU HÀNH KHÔI PHỤC HANG CỐC BÓ *
Bút ký của Phạm Trọng Thanh
 
         Trong Hội thảo Khoa học Quốc Gia “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Văn hóa Dân tộc” (Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc – Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam – Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam – Tạp chí Văn hiến Việt Nam  phối hợp tổ chức, ngày 21 tháng 12 năm 2018, tại Nhà khách Bộ Quốc Phòng, 266, Thụy Khuê, Hà Nội), chúng tôi chú ý lắng nghe bài viết “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với hang Cốc Bó” do Thiếu tướng Hoàng Kiền, anh hùng LLVTND, nguyên Tư lệnh Công binh trình bày. Ông là diễn giả thứ ba bước lên diễn đàn Hội thảo Khoa học với các Nhà sử học, Giáo sư, Tướng lĩnh, Sĩ quan trung, cao cấp, Chuyên viên; các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc, Văn nghệ sĩ, Nhà báo ba miền Trung - Nam - Bắc về dự trong dịp kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12 / 2018); 5 năm ngày Đại tướng Tổng Tư lệnh qua đời (4/10/2013 - 4/10/2018). Không khí trang trọng và thiêng liêng.
 

Thiếu tướng Hoàng Kiền tại Hội thảo Khoa học Quốc Gia 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Văn hóa Dân tộc”

 
         Chúng ta đều biết, khu di tích lịch sử Pác Bó thuộc bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, cách thành phố Cao Bằng 52 km về phiá bắc, nằm sát Biên giới Việt Trung. Nơi đây có vinh dự lớn đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước.
        Tháng 2 năm 1979, trong cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc, quân lính Trung Quốc tàn phá thị xã Cao Bằng. Trước ngày phải rút quân về nước, lính  Trung Quốc đã đem bộc phá vào hang Cốc Bó, đánh sập trần hang. Vụ việc này gây phẫn nộ cho tất thảy chúng ta, đặc biệt, với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã có thời gian được sống và làm việc với Bác Hồ tại hang Cốc Bó những ngày có ý nghĩa trọng đại của lịch sử Cách mạng Việt Nam.
         Đã gần ba mươi năm trôi qua, bước sang tuổi 90, người Anh Cả của quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn không quên vụ việc hang Cốc Bó bị lính bành trướng đánh sập. Đại tướng hai lần yêu cầu kiểm tra mức độ thiệt hại tại hang này nhưng đều nhận được báo cáo là “hang Cốc Bó không việc gì”.
         Vào một buổi sáng tháng 7 năm 2004, Hoàng Kiền đang trong phòng làm việc. Ông nhận được cuộc gọi từ đại tá Nguyễn Huyên, thư ký của Đại tướng:
-  Anh Văn giao cho đồng chí Tư lệnh Công binh lên kiểm tra lại hang Cốc Bó về báo cáo.
         Một thoáng băn khoăn trong suy nghĩ của Tư lệnh Hoàng Kiền, bởi “đã hai lần hai đồng chí lên kiểm tra hang Cốc Bó không việc gì”... Chấp hành chỉ thị của Đại tướng, ông gọi điện triệu tập đại tá Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm tư vấn Khảo sát Thiết kế Công trình Quốc phòng Bộ Công binh vào trao đổi rồi giao nhiệm vụ: “Đưa ngay một tổ công tác mang theo máy quay camera lên đo đạc, khảo sát toàn bộ khu vực Pác Bó và trọng tâm là hang Cốc Bó, kết hợp quay phim về báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
       Đại tá Nguyễn Thanh Sơn cùng tổ công tác đi trước; Tư lệnh Hoàng Kiền lên sau. Khi công việc khảo sát hoàn thành, trở về xem băng hình, cũng không ai hiện ra điều gì lạ trong hang...
         Tư lệnh Hoàng Kiền gọi điện qua thư ký Nguyễn Huyên để báo cáo với Đại tướng là “công việc khảo sát đã xong”. Và buổi báo cáo với Đại tướng tại phòng khách gia đình đã diễn ra theo chỉ thị của Đại tướng.
         Trong bài “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với hang Cốc Bó”, Tư lệnh Hoàng Kiền viết: “Đại tướng dành cả một buổi sáng nghe báo cáo, xem trên màn hình toàn cảnh khu vực Pác Bó, và chi tiết trong hang Cốc Bó. Cùng ngồi dự có Phu nhân Đại tướng, đại tá Nguyễn Huyên thư ký của Đại tướng, anh Võ Hồng Nam, con trai Đại tướng.
         Đại tướng chăm chú theo dõi màn hình, rồi nói: “ Khối đá to ở giữa hang kia là đã bị đánh sập từ nóc xuống”.
Ông trầm ngâm suy nghĩ rồi gõ tay xuống mặt bàn, nói:
“Tại sao họ lại đánh sập cái hang này?”
“Tại sao họ lại đánh sập cái hang này?”
“Tại sao họ lại đánh sập cái hang này?”
        Vòm hang Cốc Bó bị quân lính Trung quốc dùng bộc phá đánh sập từ  năm 1979. Sau gần ba chục năm, nhiều du khách tham quan sờ vào làm nhẵn mòn mặt tảng đá. Nếu không có camera quay lại để Đại tướng xem và chỉ ra thì cũng không ai biết là hang bị sập.
         Đại tướng giảng giải cho mọi người cùng nghe: “Ngày 28 tháng 1 năm 1941, Bác Hồ sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, qua Trung Quốc trở về Việt Nam. Tôi đón Bác và Pác Bó là điạ điểm dùng chân đầu tiên. Hai Bác cháu nằm trong hang này tâm sự bảy đêm. Bác nằm trên chiếc phản gỗ, còn tôi nằm trên cái chiếu dưới đất, bên cạnh. Chính hòn đá họ đánh sập đè lên chỗ Bác và tôi nằm”.
         “Bác nói: Chú Văn ạ, người làm Cách mạng trước hết phải biết “dĩ công vi thượng” (có nghĩa là phải đặt lợi ích cách mạng lên trên hết). Cách mạng Việt Nam là phải tiến hành vũ trang khởi nghĩa cướp chính quyền”.
            “Đại tướng nhìn mọi người  rồi chậm rãi nói tiếp: Suốt đời tôi không bao giờ quên lời căn dặn này. Cả đời tôi luôn cống hiến cho sự nghiệp Cách mạng theo lời dặn của Bác”.
“ Cũng tại nơi đây, từ ngày 10 đến ngày 19 tháng 6 năm 1941, Hội nghị Trung ương 8 do Bác chủ trì đã bàn về chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền. Sau đó Bác quay lại Trung Quốc,  bị Tưởng Giới Thạch bắt giam 3 năm. Năm 1944, Bác được thả tự do về nước lại cùng nằm trong cái hang này. Hai Bác cháu tâm sự, Bác giao cho tôi thành lập lực lượng vũ trang nhân dân, lấy tên là “Đội Tuyên truyền Việt Nam Giải phóng quân”.
 Đại tướng khẳng định:
“Đây là Di tích Lịch sử hàng đầu của nước ta. Không có cái hang này thì không có Cách mạng Tháng  Tám, không có Quốc khánh mồng 2 tháng 9, không có Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời”. “Cần phải khôi phục lại nguyên trạng hang này. Tôi đã có ý kiến nhiều lần với Thủ tướng Chính phủ mà chưa ai làm”.
“Bộ TL Công binh rất giỏi, là Binh chủng Kỹ thuật, các đồng chí đã làm rất nhiều công trình quan trọng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, và trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu đất nước, cũng như trong sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Giao cho đồng chí Tư lệnh Công binh thực hiện, cố gắng làm cho nhanh, khôi phục lại hang như nguyên trạng ban đầu”.
         Tư lệnh Hoàng Kiền thưa với Đại tướng: “Binh chủng Công binh luôn luôn nhớ, quán triệt sâu sắc lời chỉ đạo của Đại tướng khi về thăm Binh chủng trong những  năm chiến tranh ác liệt nhất. Đại tướng đã nói: “Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta đã đưa cả mặt trận xuống lòng đất để đánh Pháp và thắng Pháp; trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng ta phải đưa cả dân tộc xuống lòng đất để đánh Mỹ và thắng Mỹ”. Bộ đội Công binh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ  theo sự chỉ đạo của Đại tướng, được tuyên dương đơn vị Anh hùng LLVTND trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, Bộ Tư lệnh Công binh xin chấp hành nghiêm chỉ thị của Đại tướng”.
        Tư lệnh Hoàng Kiền về họp Bộ  Tư lệnh và cơ quan, đơn vị triển khai nhiệm vụ khôi phục hang Cốc Bó. Công tác khảo sát thiết kế do Trung tâm tư vấn Khảo sát Thiết kế Công trình Quốc phòng Binh chủng Công binh thực hiện. Nhiệm vụ “Khôi phục lại nguyên trạng hang này” là công việc không dễ dàng. Điều khó nhất đối với các kỹ sư  là không có ảnh trần hang ban đầu để thiết kế. Với những suy nghĩ sáng tạo vượt khó,  anh em khảo sát phải nghiên cứu, tìm hiểu thu thập qua đồng bào trong khu vực. Tư lệnh Hoàng Kiền cùng các đồng chí trong đơn vị do ông chỉ huy đã tìm và may mắn gặp được ông cụ Hoàng Văn Lục, người trực tiếp nấu cơm phục vụ Bác tại hang Cốc Bó và bà cụ Nông Thị Khìn kết hợp nấu cơm từ bản Pác Bó mang lên cho Bác Hồ trong thời gian Người ở đây. Hai cụ tuổi đã ngoài chín mươi nhưng vẫn nhớ rất kỹ hình dáng của vòm hang khi xưa, giúp cho các nhà khảo sát thiết kế ghi chép và hình dung được di tích trần hang cần phải khôi phục. Tổ công tác đặc biệt này kết hợp dùng phương pháp 3D, tổ chức hội thảo, tranh thủ ý kiến của các chuyên gia. Đại tá kỹ sư Nguyễn Thanh Sơn chủ nhiệm đồ án. Đại úy Thạc sĩ Nguyễn Thanh Quang trực tiếp thiết kế cùng một số cán bộ, kỹ sư của Binh chủng Công binh cùng tham gia lập phương án. Tư lệnh Hoàng Kiền trực tiếp chỉ đạo, đi lên hang nhiều lần. Ông làm việc với lãnh đạo các cấp của địa phương và với Sở Văn hóa Thể thao & Du Lịch tỉnh Cao Bằng trao đổi để cùng thống nhất các vấn đề có liên quan phải giải quyết. Nhưng do nguồn vốn của Nhà nước, thủ tục đầu  tư kéo dài nên đến tháng 11 năm 2006 mới khởi công được.
      Đảm nhiệm công việc thi công là Công ty Xây dựng Lũng Lô, Binh chủng Công binh. Máy khoan đá ép hơi được huy động “để chẻ nhỏ tảng đá sập và đưa ra ngoài hang. Một khung thép ghép chống lên vòm hang, bơm vữa bê tông bù lại chỗ tảng đá đã sập”. Bộ Tư lệnh Công binh do Tư lệnh Hoàng Kiền chủ trì, phối hợp với Sở Văn hoá Thể thao & Du lịch tỉnh Cao Bằng do Phó giám đốc Đàm Quang Giống phụ trách làm lễ khởi công. “Đông đảo  đại diện các cơ quan của tỉnh, huyện, xã, bản và đồng bào trong khu vực đến dự với niềm vui mừng, phấn khởi, cùng quyết tâm sớm khôi phục lại hang đá có ý nghĩa lịch sử quan trọng đặc biệt này”.
         Sau lễ  khởi công, “Bộ đội công binh đã tích cực lao động suốt ngày đêm để sớm hoàn thành Công trình theo sự chỉ đạo, mong đợi của Đại tướng và cũng là niềm mong đợi, tự hào của cán bộ chiến sĩ Công binh chúng tôi” – Tư lệnh Hàng  Kiền trực tiếp điều hành công việc khôi phục hang Cốc Bó chia sẻ những điều tâm huyết trong bài viết.
        Còn lại phần việc phun nhũ đỉnh hang, do tầm quan trọng và ý nghĩa của Công trình nên Bộ Tư lệnh Công binh và Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Cao Bằng thống nhất chọn một Công ty Mỹ thuật hàng đầu của nước ta thực hiện. Đây là một quyết định đúng đắn của những người chịu trách nhiệm trước Công trình mang tính “phục nguyên” một di tích lịch sử hàng đầu của Cách mạng Việt Nam.
         Bộ Tư lệnh Công binh cử Đại tá Phan Đức Tuấn – Phó Tư lệnh đi làm việc với một Công ty Mỹ thuật của Trung ương. Cuộc đàm phán kéo dài, bên B đòi giá quá cao so với dự toán. Cuối cùng, đồng chí Tuấn nói: “Đây là di tích hàng đầu của Quốc gia, đền thờ của cả nước, tiền chi chỉ có thế thôi, các anh có làm không?...”.Mãi đến năm 2009 , Công trình mới được hoàn thành. Trung tướng Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội lên thăm, kiểm tra và phê bình Bộ Tư lệnh Công binh làm chậm. Bộ Tư lệnh Công binh nhận khuyết điểm là lập dự toán phần mỹ thuật thấp quá so với yêu cầu của các nhà mỹ thuật nên làm chậm tiến độ hoàn thành Công trình.
Sau khi hoàn thành Công trình, Tư lệnh Hoàng Kiền, lúc Đại tướng gọi lên, ông đang đi công tác vắng. Đại tá Nguyễn Thanh Sơn đã lên báo cáo và chiếu phim hình ảnh trong hang đã khôi phục để Đại tướng xem. Đại tướng rất hài lòng khen ngợi Bộ đội Công binh làm rất giỏi, hang giống như ban đầu. Bộ đội Công binh Việt Nam thật tự hào đã góp phần tôn tạo Di tích hàng đầu của nước Việt Nam.

 

Hang Cốc Bó sau ngày được khôi phục ( theo Wikipedia)
 
          Thiếu tướng Hoàng Kiền tâm sự: “Đại rướng Võ Nguyên Giáp bao giờ cũng nói Bác trước, Đảng sau vì Bác lập ra Đảng. Bác là lãnh tụ vĩ đại mãi mãi”... Việc hang Cốc Bó được khôi phục vào lúc Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước vào tuổi 98 càng thêm ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đáp ứng được niềm mong đợi bấy lâu của Đại tướng.
Với Thiếu tướng Hoàng Kiền, câu hỏi 3 lần của Đại tướng: “Tại sao họ lại đánh sập cái hang này?” khi Đại tướng gõ tay xuống bàn và nói trong buổi sáng tháng 7 năm 2004, tại Hà Nội là một vấn đề cần được giải đáp. Đại tướng để ngỏ câu trả lời về tội trạng này cho lịch sử văn minh nhân loại lên tiếng. Từng là giảng viên dạy sử ở Hà Nội trước Cách mạng tháng Tám, thầy Võ Nguyên Giáp đâu quên tội ác cướp đoạt, hủy hoại nền văn hóa - văn minh Đại Việt đầu thế kỷ XV do các đạo quân tàn bạo nhà Minh xâm lược gây nên trên đất nước ta.
          Nhớ Đại tướng, nhớ hang Cốc Bó, ngày 22 tháng 12 năm 2012, Thiếu tướng Hoàng Kiền lên Hà Nội, vào Bệnh viện 108 thăm Người. Hoàng Kiền mang theo bài thơ dài ông đã thức trắng đêm để hoàn thành. Thật tiếc, đó là ngày Đại tướng yếu mệt, các bác sĩ Bệnh viện 108 không cho khách vào thăm.
         Bài thơ “Kính dâng Võ Đại Tướng” của Thiếu tướng Hoàng Kiền, lời thơ tha thiết, chân thành, tôn kính, vinh danh vị Đại tướng văn võ toàn tài, người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong suốt hai cuộc trường kỳ kháng chiến đánh đuổi thực dân, đế quốc xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc. Đại tướng đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Bác Hồ, được Đảng tin tưởng giao phó. Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trở thành vị danh tướng bậc nhất của thời đại Hồ Chí Minh để “Năm châu bốn biển  tìm về tới thăm”.
          Bài thơ được Phu nhân Đại tướng cùng gia đình khen ngợi. Phu nhân Đại tướng góp ý với tác giả, bổ sung thêm hai điểm để bài thơ hoàn chỉnh hơn. Tác giả Hoàng Kiền tiếp thu và sửa ngay. Một giờ chiều, anh Võ Hồng Nam vào Bệnh viện đọc cho Đại tướng nghe. Anh Nam điện cho Thiếu tướng Hoàng Kiền, bảo: “Nghe xong bài thơ, Đại tướng cười, giơ tay vẫy vẫy (hoan nghênh)”. Đó là những kỷ niệm thật sâu sắc trong đời quân ngũ của Thiếu tướng Hoàng Kiền.
         Thiếu tướng Hoàng Kiền tâm sự: “Nghe tin Đại tướng mất, nỗi đau buồn thương tiếc của tôi cũng như bao đồng chí đồng bào trong cả nước thật là sâu đậm. Tôi viếng Đại tướng hai lần tại nhà riêng và tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng. Tôi viết ngay bài thơ viếng Đại tướng với lòng tiếc thương vô hạn. Với những gì đã biết và trực tiếp gặp, nghe Đại tướng nói, thực hiện nhiệm vụ do Đại tướng giao, tôi đã có nhận thức sâu sắc rằng: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương sáng ngời về Tư tưởng, Đạo đức Hồ Chí Minh”. Trọn đời Đại tướng học tập và noi theo gương Bác.
        Tôi cùng anh em văn nghệ sĩ Nam Định đã lên Cao Bằng, vào thăm hang Cốc Bó; lại được nghe diễn giả Hoàng Kiền thuyết trình trên diễn đàn Hội thảo Khoa học Quốc gia tại Hà Nội rồi được gặp ông ở quê nhà Giao Thịnh, Giao Thủy, Nam Định trong một buổi tiếp xúc thân mật. Chúng tôi càng thêm quý mến Thiếu tướng Tư lệnh Công binh Hoàng Kiền “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”, giữ trọn niềm tin theo lời dạy của Bác Hồ. Công trình “Phục hồi nguyên trạng hang Cốc Bó”, Thiếu tướng Hoàng Kiền cùng các đồng chí của ông hoàn thành theo chỉ thị của Đại tướng là dấu son lịch sử trong bản trường ca xây dựng đất nước, Bộ đội Công  binh Việt Nam dâng lên Bác muôn vàn kính yêu.
Nam Định, ngày 17 tháng 6 năm 2019
                       P.T.T
---------------------------------------------------------------------
* Tài liệu tham khảoKỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VỚI VĂN HÓA DÂN TỘC ( Trung tâm NCBT & PH Văn hóa Dân tộc- Hội khoa học Lịch sử Việt Nam – Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN –Tạp chí Văn hiến VN, ngày 21/ 12/ 2018).
Tài liệu chính ( lược thuật và trích dẫn): Bài “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với hang Cốc Bó” của Thiểu tướng Hoàng Kiền ( trang 21- 30) trong  tập Kỷ yếu Hội thảo  đã dẫn ở trên).
tin tức liên quan