Cà Mau mảnh đất tình người - Phạm Tiến Đặng

Ngày đăng: 09:38 02/07/2019 Lượt xem: 793
CÀ MAU MIỀN ĐẤT TÌNH NGƯỜI 
                     (Tiếp theo kỳ trước)

                      Ký của Phạm Tiến Đặng.
 

          -Trận đó...đến giờ đã hơn năm mươi năm trôi qua. Nhưng nhiều lúc ngay trong bữa ăn và giấc ngủ tôi cũng không thể nào quên được. Tư Quý kể: -Do thằng Nhất bị tụi tâm lý chiến địch chiêu hàng, phản bội. Nó đã báo cho địch biết rõ thời gian và nơi con tầu không số chúng tôi vẫn thường neo đậu khi chuyển hàng vào trong con rạch. Lần đó sau khi đã vào sâu qua cửa biển Vàm Lũng. Rất may chỉ huy đã nắm được tên Nhất đầu hàng (do nội tuyến ta hoạt động trong lòng địch thông báo). Vì thế đã kịp thời chỉ thị cho tầu chúng tôi rẽ vào con rạch nhỏ, cách nơi giao hàng lần trước chừng hơn 300m. Những cành lá ngụy trang và rừng Đước rậm rạp, um tùm đã che kín con tầu. Cách chừng vài chục mét chưa chắc gì thấy được. Đó là vào đầu năm 1969, sau khi ta mở chiến dịch Mậu Thân vào năm 1968. Lúc này địch đang tập trung quân và rất nhiều tầu chiến càn quyét khắp vùng U Minh, sông Rạch Gốc, Năm Căn, Bồ Đề, cửa Vàm Lũng và tất cả kênh rạch trong vùng. Với tên gọi "Kiềm lửa trên sông". Chúng mở chiến dịch "Nhổ cỏ U Minh". Trận đó tôi giữ khẩu B40 cùng anh em đồng đội phục kích trong công sự ven sông. Tầu địch dàn hàng đôi tiến vào trận địa trên hai mươi chiếc. Nhắm thẳng mũi chiếc đi đầu, tôi quất luôn một phát. Tầu địch khựng lại chúi đầu chìm ngay xuống nước. Tôi nhắm luôn chiếc thứ 5 đang vãi đạn sang bên, đi sát gần bờ. Cột lửa sáng lóe bùng lên, hơi nóng từ chiếc tầu địch đang bốc cháy phả vào mặt, vào ngực chúng tôi rát rạt. Tôi phải ngụp đầu xuống công sự tránh bớt sức nóng tung ra từ con tầu đang chìm dần, mang theo trong nó số lính cùng sỹ quan xuống âm tào trình diện Diêm Vương,  Hà Bá. Tiếp đó còn 3 quả B40 tôi nhấn chìm thêm 2 chiếc nữa. Trận này, ngoài số lính trên con tầu không số tụi tôi đã tiêu diệt được hàng chục tên sỹ quan và binh lính Mỹ, thu nhiều đạn cối 81 và M79. Phía ta có hai đồng chí Thật và Kiểu hy sinh. Phía địch có thêm một tiểu đoàn quân chính quy tham chiến nên chúng đã tổn thất nặng nề cả về xe lội nước, tầu chiến cũng như số lượng sỹ quan và binh lính địch. Buộc chúng phải co cụm, không còn dám hênh hoang xua tầu chiến và binh lính đi càn quyét lung tung như trước.
          Lại nói về chuyện tên Nhất ra đầu hàng, nó đã hiến kế cho địch cách đổ quân, nghi binh, mai phục...Với quân số hơn một Tiểu đoàn gồm biệt động quân và lính Thủy quân lục chiến. Chúng quyết tâm chiếm bằng được con tầu 69 của chúng tôi. Khi vừa giao hàng xong, ngay trong đêm du kích cùng nhân dân địa phương đã chặt cây giúp chúng tôi ngụy trang cẩn thận. Tổ lính thủy của tôi lúc này gồm 4 người. Tôi, Bằng, Nhật do đồng chí Hoàng Thanh Loan chỉ huy. Tụi tôi nghi binh, dụ địch ra xa con tầu và chiến đấu quyết liệt. Sau hơn một tiếng đồng hồ thì súng AK của tôi hết đạn. Nghe tôi báo cáo đồng chí Loan ra lệnh cho anh em chia làm hai tổ rút lui. Tôi và Bằng rút theo kênh. Loan và Nhật rút vào sâu hơn. Nhật vừa qua khỏi, đồng chí Loan đang rút sau chừng 30 m thì gặp ngay tổ biệt động quân, bị chúng bắt sống. Ba đứa tôi đến nơi hẹn. Chờ Loan gần ba tiếng đồng hồ không thấy anh về. Chúng tôi cùng nhau đi theo hàng dọc quay lại để tìm. Tôi vừa qua khúc quẹo trong rừng đước, đã thấy Bằng đi trước đang nấp dưới một gốc cây đước lớn, lấy tay ra hiệu cho tôi nhìn về phía khoảng đất trống trước mặt. Trước mắt chúng tôi chừng bốn mươi mét là một tốp biệt động ngụy, đang vây quanh một "ngư phủ" của chúng tôi - đồng chí Hoàng Thanh Loan. Lúc này chúng đã hành hạ, tra tấn dã man nhằm khai thác nhanh, đến mức anh Loan không còn sức để ngồi lên được. Sau khi ba tên sỹ quan chỉ huy chụm đầu hội ý. Một tên tiến lại gần đồng chí Loan ra hiệu cho hai tên lính to cao, lực lưỡng ngồi đè lên hai chân và ngang hông Loan rồi nhẹ nhàng rút con dao găm ra liếc đi liếc lại vào ống đôi dày cao cổ. Hắn hỏi Loan mấy câu gì đấy... Vì ấp ở xa nên chúng tôi không nghe rõ. Chỉ thấy đồng chí Hoàng Thanh Loan lắc, lắc đầu. Đến câu cuối mà tụi tôi nghe được có lẽ được phát ra bằng hết sức lực từ miệng người đồng đội của mình là một câu chửi lớn “Mày về mà kêu ông cố nội mày hàng. Còn tao - người chiến sỹ Hải quân nhân dân - chúng mày muốn chém, muốn giết, muốn làm gì tùy ý. Tao thà chết, không bao giờ đi chung con đường với bè lũ tay sai bán nước”. Tên sỹ quan khoát tay ra lệnh. Hai tên lính nữa lập tức xông vào mỗi tên túm lấy một tay đồng chí Loan ghì chặt. Tên sỹ quan biệt động khoan thai cởi từng chiếc khuy áo bà ba của người lính biển. Mầu da nâu sậm với bộ ngực vạm vỡ từng dãi dầu mưa nắng, phong ba, muối mặn và hương biển quê hương từ từ lộ ra tới bụng. Nhát dao găm của kẻ ác vung lên, rạch một đường sắc lẹm từ ức xuống bụng người chiến sỹ. Dòng máu đỏ của người đồng đội chúng tôi tràn ra lai láng. Tên quỷ dữ đội lốt người cười ằng ặc, thò tay vào ngực Hoàng Thanh Loan móc ra quả tim và lá gan đang dòng dòng máu đỏ. Nó đứng dậy, đi tới bỏ vào chiếc khay Inox ra hiệu cho tên lính cần vụ bê đi. Có lẽ chúng sẽ xào nấu làm mồi nhậu. Ăn lá gan Việt cộng - để được bổ xung "thêm lòng dũng cảm"!. Tôi hết chịu nổi, rê khẩu AK với băng đạn vừa được bổ xung đầy. Quyết bắt tên ác ôn đền tội. Còn bao nhiêu đạn, tôi sẽ ăn thua đủ với tụi biệt động này. Anh Bằng đã đoán được tính khí của tôi từ trước, nên cầm ngay đầu nòng súng AK của tôi ghì chặt xuống đất. Mắt đỏ hoe và nói nhỏ dành dọt vào tai tôi: “Chúng ta phải bình an trở về để tiếp tục những chuyến tầu không số. Đừng để Thuyền trưởng, Chính trị viên và các đồng chí của chúng ta phải hy sinh vô ích”.
          Chờ đến chiều, sau khi quân địch đã rút hết, anh Bằng, tôi và Nhật băng qua rừng đước đến khoảng đất trống, nơi xác người đồng đội chúng tôi (Hoàng Thanh Loan) bị địch mổ bụng, moi gan buổi sáng còn nằm đó. Nhìn Loan hai bàn tay dang ra, nắm chặt, mắt mở trừng trừng. Chúng tôi biết người đồng đội, người tổ trưởng của mình đã kiên gan chịu đựng bao đòn thù và dũng cảm chấp nhận hy sinh để bảo vệ tổ chức, bảo vệ đồng đội, bảo vệ bí mật của những con tàu không số. Những tiếng nấc uất nghẹn, những giọt nước mắt khó rơi, trong những phút giây sinh tử khi đối mặt với kẻ thù tàn độc, của ba thằng lính Hải quân chúng tôi bỗng đổ tràn trên mặt. Tôi vừa vuốt mắt cho Loan vừa nói:   
-Đồng chí hãy yên lòng nhắm mắt, chúng tôi sẽ bắt bọn ác phải đền tội gấp mười, gấp trăm lần. Sau đó ba đứa tụi tôi thay nhau khênh Loan vượt qua rừng đước, về bàn giao cho chính quyền địa phương của ta mai táng.
          Tôi nhìn ba người lính già cựu HQND nét mặt ai cũng trầm tư. Hình như trong họ những chuyến tầu cảm tử, những trận chiến một mất, một còn trong quá khứ đang hiện về như những thước phim quay chậm. Trong ba người cựu lính đồng đội của tôi hôm nay ngồi đây, Tư Quý là người to, cao vạm vỡ nhất. Gương mặt anh phẳng phất nỗi khắc khổ, đượm buồn. Ba Phong thì vẫn rất sôi nổi, vô tư nhưng nghèo nhất trong đám, nên mới vừa được xét cấp xây cho căn nhà tình nghĩa. Hàng ngày vẫn lao động miệt mài chăm sóc hơn sào bòn bòn để phụ vợ trang trải cuộc sống. Tư Việt thì đỡ hơn. Hai vợ chồng anh có lương hưu hơn mười triệu, đất rộng nên tự túc được một phần rau xanh, thực phẩm. Nhưng phải "cõng" thêm đứa cháu ngoại, vì mẹ cháu thần kinh không được bình thường. Không biết có phải đó là do di chứng chiến tranh để lại ?
          Khuya. Mấy chú gà trống trong chuồng nhà Tư Việt, sau khi đánh một giấc ngon lành bắt đầu khoe tiếng gáy. Trước lúc chúng tôi chia tay, anh Tư Việt hẹn - trưa mai anh em mình cùng qua đây tớ bao mồi nhậu. Gà, vịt, cá khỏi lo. Ba Phong hái lấy ký bòn bòn mang qua làm nồi lẩu vừa để đãi đồng đội lính TS trên bộ, vừa quảng cáo luôn đặc sản quê hương. 
Tư Quý chọc tôi:
-Theo tôi, anh Tư khỏi cần lo đồ nhậu. Để ông phóng viên báo TS bao hết anh em mình tại nhà hàng là hợp lý. Tôi thấy mấy ông phóng viên, nhà báo thời nay thu nhập từ nhuận bút các bài viết cũng khá lắm !
Tôi cười:
-Bao anh em đồng đội một bữa bằng tiền túi đâu có gì quá lớn. Nhưng là đồng đội tôi cũng phải nói để các anh rõ mà cảm thông cho tụi tôi chút chút nhé: Trang Thông tin và Bản tin TS của mình không có phóng viên. Chỉ có Tổng, Phó Tổng Biên tập, biên tập viên và cộng tác viên thôi. Không chỉ riêng chúng tôi mà tất cả từ đồng chí Chủ tịch, các đồng chí Thường vụ, UVBCH từ Trung ương đến các tỉnh, huyện trong cả nước đều không ai có lương đâu. Tất cả tham gia công tác đều tự nguyện nhằm BẢO VỆ, GIỮ GÌN, PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG và NGHĨA TÌNH ĐỒNG ĐỘI. Nói nôm na là "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" đấy các đồng chí ạ ! Riêng Báo TS mình, tôi cũng xin thông báo để các đồng chí mừng: mới qua vài năm thành lập, những người lính trước đây ôm vô lăng, giao liên, công binh... hầu hết chưa bao giờ cầm bút. Trở về đời thường, họ đã cầm bút, có những người viết rất hay, rất chuẩn. Có những bài còn hay hơn cả nhà báo, nhà văn chuyên nghiệp đấy ! Bởi vì, họ là người đã trực tiếp sống trong cuộc chiến. Báo TS mình không có những dòng tít giật gân. Tất cả bài viết được đăng, đều là những thông tin sống động và trung thực. Nếu tôi không nhầm thì đến cuối tháng 5/2019, báo mình đã cán mốc 25 triệu lượt độc giả truy cập đấy !
          Nghe tôi nói vậy, cả ba người lính cựu binh đoàn tầu không số đều đồng loạt ồ lên một tiếng.
          Ba Phong bảo:
-Thôi ta cứ nhất trí như ý kiến anh Tư. Mai tôi dậy sớm hái bòn bòn mang qua, rồi phụ anh Tư làm mồi nhậu.
          Không để Ba Phong nói hết, tôi tiếp:
-Thôi xin các anh cho hẹn dịp khác, để tôi về viết xong những bài báo về những đoàn tầu không số, tôi sẽ trực tiếp trích trong báo in ra, xong tôi sẽ sắp xếp thời gian về đây tặng các anh và sẽ cùng các anh tâm tư, lai rai rồi cùng nhau đờn ca tài tử nhé !
          Cà Mau thành phố an bình ! Những dãy đèn hai bên dọc theo các tuyến đường tỏa sáng. Tôi không gọi taxi về khách sạn mà quyết định đi bộ để tận hưởng không khí trong lành, dịu mát của thành phố biển. Thành phố này được mệnh danh là thành phố sinh thái với rừng U minh rộng lớn, nơi UNEXCO đã công nhận là: “Vùng sinh quyển cần được bảo tồn và phát triển” vì có nhiều giống, loài quý hiếm trên thế giới. Tôi ngước nhìn trời, trăng cuối tháng cong như lưỡi liềm gặt lúa. Từ muôn dải ngân hà xa xa hàng vạn, hàng triệu vì sao đang lung linh, nhấp nháy. Phải chăng? Phải chăng đó là ánh mắt từ linh hồn bất diệt của những người lính trên hai tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển đang dõi theo nhắc nhở và khuyến khích chúng tôi - những người còn lại sau cuộc chiến: Hãy sống sao cho xứng với truyền thống Anh hùng - đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Buổi gặp những cựu lính đường Hồ Chí Minh trên biển đêm nay, đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc... Bất giác tôi vừa đi, vừa khe khẽ hát "Tôi đang nghe, Tổ quốc gọi tên mình. Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa, dội vào ghềnh đá. Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả. Bão tố dập dồn, chăng lưới bủa vây..." 
Đường phố đã thưa thớt người qua lại, một vài con phố bán đồ ăn đêm vẫn đông thực khách ra vào. Nhìn cách ăn mặc cũng biết hầu hết họ là những cán bộ, công nhân có lẽ vừa tan ca. Tôi không thấy những cậu ấm, cô chiêu, những "bướm đêm" trưng diện, lòe loẹt phấn son như một số thành phố khác.
          Tôi về đến khách sạn đã gần 1 giờ sáng. Cô nhân viên trực khách sạn Cà Mau vui vẻ chào và hỏi tôi có cần giúp đỡ ? 
Tôi ngỏ lời muốn xin một bình thủy nước sôi để pha trà. Tôi lên tới phòng vừa cởi xong đôi giày, đang định thay quần áo thì cô nhân viên phục vụ đã mang bình thủy nước sôi lên tới. Tôi cảm ơn người nhân viên phục vụ. Cô cười và nói:
 - Dạ ! Không có chi, trách nhiệm tụi cháu là phải phục vụ khách đến cho thật chu đáo chú ạ !
          Nhấp ngụm trà Bắc thơm lựng, cái chát qua mau, vị ngọt bắt đầu lan tỏa trong cuống họng. Trà do anh Phạm Thành Long, Tổng biên tập tặng tôi trước chuyến đi. Anh bảo: “Trà sạch của cháu anh trồng và tự tay sao đấy” ! Ly trà làm cho đầu óc tôi thật sảng khoái, không còn thấy muốn lên giường đi ngủ. Hình ảnh của những người bạn tôi - cựu tướng lĩnh, sỹ quan công an, quân đội nhân dân đã được nghỉ hưu nhưng vẫn hàng ngày lăn lộn khắp nơi vận động, quyên góp để mang về quê hương Đất Mũi xây thêm những cây cầu, những mái nhà, những chiếc xe đạp, xe lăn để giúp cho bà con vùng sâu, vùng xa, tiếp bước cho các cháu đến trường và giúp cho những mảnh đời bất hạnh. Và nữa - những con người Đất Mũi mà trong chuyến đi này tôi đã gặp. Từ anh Phạm Thạnh Trị, nguyên Chủ tịch tỉnh Minh Hải, sau là Chủ tịch tỉnh Cà Mau, chị Trương Minh Phượng hiện là Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, những cán bộ, doanh nhân đang công tác đến cháu Út Hồng Phúc lái xe Phòng Hậu cần Sở Công an tỉnh Cà Mau. Rồi người thanh niên "ngư phủ" chở đoàn chúng tôi đi dọc dòng Rạch Gốc ra cửa biển Vàm Lũng đều rất nhiệt tình, đầy trách nhiệm. Còn nữa các bác nông dân, những chị bán tạp hóa, cá tôm, đặc sản chuột đồng ngoài chợ...Tất cả những người quê hương Đất Mũi mà tôi gặp, tất cả, tất cả từ họ đều toát nên vẻ mộc mạc, sảng khoái, chân thành ! Tất cả đều đồng lòng cống hiến, chung tay, góp sức xây dựng Cà Mau, mừng vui vì quê hương đang từng ngày đổi mới.
          Tiếng bài hát “Áo cưới Cà Mau”, không biết từ máy điện thoại của vị khách nào ở phòng bên bỗng văng vẳng vang lên "...Ngại chi đường xa không tới, về để nói với nhau mấy lời... Xuồng ghe ngày đêm không ngớt, người Cà Mau dễ thương vô cùng...".
       Tôi nhìn ra cửa sổ. Những tia nắng hồng ban mai từ phía biển đã len lỏi vô phòng.

          Bài: Phạm Tiến Đặng - Ảnh: Hồng Phúc
 


Đồng chí Tư Việt giới thiệu khu tưởng niệm Đoàn tàu không số.



Đồng chí Tư Việt trong khuôn viên của gia đình anh.




Ban Liên lạc Hội CS Đường Hồ Chí Minh trên biển thăm một bến tàu năm xưa chở vũ khí đạn dược cấp bến ở Cà Mau.



Những chiến sĩ đoàn tàu không số năm xưa.



Một cái chợ nhỏ ở TP. Cà Mau



Bến tàu ở Cà Mau



Chợ cá Cà Mau
































































 

tin tức liên quan