Nhớ Tổng Bí thư Lê Duẩn, hồi ức của nhà báo Dương Đức Quảng

Ngày đăng: 02:36 10/07/2019 Lượt xem: 2.532

                           NHỚ TỔNG BÍ THƯ LÊ DUẨN


Nguồn: FB nhà báo Dương Đức Quảng ( Nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí Văn phòng Chính phủ)

Ngày 10-7 năm nay là ngày kỷ niệm lần thứ 33 Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời (10/7/1986 - 10/7/2019).
Tôi hân hạnh có hơn ba năm được TTXVN cử làm phóng viên đặc biệt, chuyên trách đưa tin về hoạt động của Tổng Bí thư Lê Duẩn (1981-1984) trước khi được cử đi học tập trung tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) rồi đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài.
Trong hơn ba năm được tháp tùng và đưa tin về hoạt động của Tổng Bí thư Lê Duẩn, tôi được trực tiếp cảm nhận và hiểu biết về tầm cao trí tuệ của vị Tổng bí thư từng được nhiều người đánh giá là người "có bộ óc 200 nến" từ những năm ông là Bí thư Trung ương cục miền Nam thời kỳ chống Pháp. Tôi được nghe Tổng Bí thư nói chuyện nhiều lần về những điều thuộc loại "thâm cung bí sử" mà đến bây giờ chắc còn nhiều người chưa biết. Tôi được thấy rõ thái độ thẳng thắn và khẳng khái của Tổng Bí thư Lê Duẩn, không bao giờ bị khuất phục trước sức ép của hai nước "đàn anh" là Liên Xô và Trung Quốc, những nước từng giúp đỡ to lớn công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. 
Trên fb này tôi đã đưa bài viết về thái độ của Tổng Bí thư Lê Duẩn đối với Trung Quốc. Hôm nay, nhân kỷ niệm 33 năm ngày ông mất, tôi xin đưa lên đây một đoạn trích trong cuốn Hồi ký "Từ hè phố đến cung đình" của tôi về thái độ của Tổng Bí thư Lê Duẩn đối với Liên Xô khi tôi được trực tiếp nghe những điều Tổng Bí thư nói với các chuyên gia Liên Xô trong chuyến được tháp tùng ông lên thăm Công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình vào tháng 9-1983. 
Dưới đây là đoạn trích trong cuốn Hồi ký đó:

"...Một trong những chuyến đi ấy của ông Lê Duẩn là ngày 28-9-1983 lên thăm công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Lần ấy ông mới đi Liên Xô để mổ khối u tuyến tiền liệt trở về. Thường đoàn xe của ông Lê Duẩn đi thăm các nơi có khoảng chục chiếc. Đi đầu là xe dẫn đường có trang bị đèn tín hiệu và loa tay cho chiến sĩ mặc sắc phục cảnh sát giao thông để báo hiệu các xe đi cùng chiều dẹp vào bên đường dừng lại và các xe đi ngược chiều đi chậm, nép vào bên đường hoặc dừng lại để nhường đường cho đoàn xe ưu tiên. Sau đó là xe của lãnh đạo Cục cảnh sát bảo vệ rồi mới đến xe chở đoàn của Tổng Bí thư. Khi đoàn xe gần đến Hòa Bình thì xảy ra một tình huống bất ngờ. Khi chiếc xe cảnh sát giao thông đi đầu báo hiệu các xe hai bên đường phải nhường đường cho đoàn xe ưu tiên, tất cả dừng lại thì thấy một xe Vonga trong đoàn cũng dừng lại. Một chiến sĩ bảo vệ mặc thường phục mở cửa sau của xe, Tổng bí thư bước ra. Nhìn thấy Tổng Bí thư ra khỏi xe, có một vài chiến sĩ bảo vệ mặc thường phục đi sau, cùng đi xuống một bụi tre ven đường rồi dừng lại bảo vệ vòng ngoài, mọi người mới hiểu ra điều gì. Lập tức. chiến sĩ cảnh sát giao thông trên chiếc xe đi đầu vẫy tay ra hiệu tất cả các xe ô tô không dừng lại nữa mà chạy ngay qua khỏi khu vực. Sau này, khi Tổng Bí thư đến thăm Nhà máy khăn mặt khăn tay ở Hà Nội hay thăm Nhà máy xi măng ở Hòn Khói, Phú Khánh cũng xảy ra trường hợp tương tự. Khi Tổng Bí thư rẽ vào khu nhà vệ sinh, nhiều phóng viên báo chí không biết, vác máy ảnh, máy quay phim chạy theo, bị các chiến sĩ bảo vệ ngăn lại! Còn tôi, hỏi bác sĩ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho Tổng Bí thư được biết, sau ca mổ từ Liên Xô về, mặc dù có ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra nhưng Tổng Bí thư vẫn đi tiểu bình thường được, có điều đi nhiều lần hơn mức bình thường. Vì thế mới xảy ra các trường hợp tạm gọi là “sự cố” như trên! Với tình trạng sức khỏe như thế mà Tổng Bí thư Lê Duẩn vẫn dành nhiều thời gian đến các địa phương, công trình xây dưng, nhà máy, xí nghiệp...để thăm hỏi và động viên nhân dân, cán bộ, công nhân lao động, sản xuất vượt qua các khó khăn rất to lớn trong đời sống và xã hội lúc đó thật là điều đáng trân trọng.
Đến thăm công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đúng vào thời gian thi công gấp rút, Tổng Bí thư Lê Duẩn xuống tận hiện trường để thăm và động viên anh chị em công nhân, gặp gỡ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của công trường và gặp một số chuyên gia Liên Xô đang làm việc tại công trường. Khi ấy, ông Ngô Xuân Lộc mới được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc công trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình thay ông Phan Ngọc Tường, Tổng Giám đốc trước đó mới được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Còn ông Đinh La Thăng sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, bị kỷ luật mất cả Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Thành ủy, còn bị đi tù về một số sai phạm khác, lúc đó mới chỉ là cán bộ Đoàn của Công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện này. Sau này ông Ngô Xuân Lộc được bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ nhưng rồi ông bị kỷ luật mất chức vì liên đới trách nhiệm trong vụ xét duyệt Dự án xây dựng Thủy cung Thăng Long.
Trong khi nói chuyện với lãnh đạo Công trình xây dựng nhà máy Thủy điện Hòa Bình, có cả Tổng chuyên gia Liên Xô A.V. Xcô-li-a-nốp và nhiều chuyên gia khác tại công trình cùng dự, Tổng Bí thư Lê Duẩn quay sang nhìn các chuyên gia Liên Xô, nói:
- Hôm nay có các đồng chí chuyên gia Liên Xô ở đây tôi thay mặt Đảng và Nhà nước Việt Nam gửi lời cảm ơn Đảng và Chính phủ Liên Xô đã ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ và trong công cuộc xây dựng đất nước chúng tôi trong hòa bình hiện nay. Song phải nói rằng không phải người Liên Xô nào cũng ủng hộ và giúp đỡ chúng tôi. Trong số những người Liên Xô sang Việt Nam có những người không những không ủng hộ và giúp đỡ mà còn chống phá chúng tôi. Séc-ba-cốp là một người như thế. Ông ta là Đại sứ Liên Xô ở Việt Nam nhưng không hiểu Việt Nam, ủng hộ và giúp đỡ một số kẻ chống phá Việt Nam, muốn làm cho đất nước chúng tôi mất ổn định…
Nghe Tổng Bí thư Lê Duẩn nói như thế quả thật tôi bị bất ngờ. Không ngờ Tổng Bí thư lại thẳng thắn và "huỵch toẹt" ra như vậy, chẳng cần ý tứ ngoại giao gì cả! Sau này, đọc các thông tin trên mạng internet tôi được biết Tổng Bí thư Lê Duẩn nhắc đến Đại sứ Liên Xô Séc-ba-cốp ở Việt Nam vào thời điểm xảy ra “Vụ án Xét lại, chống Đảng” năm 1967 do Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn trực tiếp chỉ đạo phá án. Vụ án này có tên chính thức là "Vụ án Tổ chức chống Ðảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài", đưa đến việc cách chức hoặc bắt giữ khoảng 30 nhân vật quan trọng trong Đảng và Chính phủ, như các ông Hoàng Minh Chính, Viện trưởng Viện Triết học, Vũ Đình Huỳnh, Vụ trưởng Vụ Lễ tân, Bộ Ngoại giao, từng là Thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lê Trọng Nghĩa, Cục trưởng Cục 2 (Cục Quân báo, sau này đổi tên thành Cục Tình báo, Bộ Quốc phòng (Cục 2, nay là Tổng cục 2), Đặng Kim Giang, Thiếu tướng, Bùi Công Trừng và Lê Liêm, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng …Họ bị cáo buộc đi theo Chủ nghĩa Xét lại, đến năm 1973 lần lượt những người này mới được thả ra..."

Chú thích ảnh: Nhà báo Dương Đức Quảng, ngoài cùng, bên trái, trong chuyến tháp tùng để đưa tin về hoạt động của Tổng Bí thư Lê Duẩn (ngoài cùng, bên phải) tại tỉnh Quảng Nam năm 1984.

Trong hình ảnh có thể có: 4 người, mọi người đang ngồi và trong nhà
 
 
 

tin tức liên quan