"Chính ủy Trung đoàn và những vần thơ ấm lòng Chiến sỹ" - Bài của Nguyễn Viết Lợi, Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

Ngày đăng: 06:40 11/07/2019 Lượt xem: 728
CHÍNH ỦY TRUNG ĐOÀN
VÀ NHỮNG VẦN THƠ ẤM LÒNG CHIẾN SỸ
 
            Chính ủy E13 - Trung đoàn thép, ô tô vận tải chiến lược quân sự chúng tôi. Tuy cũ người, nhưng bù lại ông rất hoạt ngôn và vui tính. Nghe lính tráng đồn, ông là huyện ủy viên, của huyện lúa vùng đồng bằng Bắc bộ. Nơi có những làn điệu dân ca chèo, chầu văn, xẩm chợ…mượt mà, thiết tha, sâu lắng. Ông được điều chuyển sang quân sự, làm công tác chính trị từ ngày tổng động viên.
          Người cao to, chắc đậm. Về Trung đoàn, ông giữ chức Chính ủy. Ông mặn chuyện, hài hước, trào lộng đầy hóm hỉnh. Diễm phúc đơn vị nào được Chính ủy Trang đi theo xe chỉ huy chiến dịch. Là Tiểu đoàn ấy từ Cán bộ, đến Chiến sỹ đều vui như hội. Bởi ở ông, vừa chân chất quê kiễng, vừa gẫn gũi như cha con.
          Trên đường hành quân, những lúc dừng xe ở bếp quay đầu hay Binh trạm tiền phương. Những vần thơ, những câu chuyện tiếu lâm được ông lượm nhặt từ những giai thoại: “Ở quê tớ” hay của Bộ đội Trường Sơn được ông “gia vị” thêm mắm muối, trở nên hấp dẫn người nghe. Khiến cánh lái xe chúng tôi cười tít mắt như “địa chủ được mùa”, lòng thêm phấn chấn, đường thêm gần, tay lái thêm “lụa”, chân ga thêm “mát”.
          Ngoài bản lĩnh của Bộ đội cụ Hồ. Những vần thơ lục bát truyền thống, dí dỏm của Chính ủy Nguyễn Văn Trang. Tăng thêm tiếng cười lạc quan, vót sắc thêm ý chí khiến bom thù không thể chuyển lay tuổi 20 của lính xế Trường Sơn chúng tôi.
          Ngày đơn vị, làm nhiệm vụ trên đường 20 Quyết Thắng. Những trọng điểm Xengfan, Pa Nốp, Cổng Trời, cua chữ A là những cửa tử của đường dây 559. Khi mùa khô đến, Bộ đội nhấp tuyến, địch đánh phá dữ dội, hòng cắt đứt tuyến vận tải chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam.
          Trung đoàn 13 được mệnh danh là: Những cánh đại bàng vượt khắp đông, tây Trường Sơn, đầy kinh nghiệm mà vẫn dính bom đạn. Máy bay địch đánh phá đội hình xe đơn vị.
          Để động viên Cán bộ, Chiến sỹ. Chính ủy Trang trực tiếp theo xe chỉ huy hành quân với khẩu hiệu hành động: “Tim còn đập xe ta còn đi lên”. Ông tức cảnh mấy câu thơ:
“Chống gậy hèo theo xe vận tải
Mùa nối mùa suốt giải Trường Sơn”.
          Lằng Khằng, xóm Béng là những trọng điểm ác liệt. Trên đường 20. Lái xe qua đây, anh nào cũng cảnh giác cao độ, lọc trong tiếng xe reo ra tiếng máy bay trinh sát OV10, máy bay ném bom cường lích để tìm phương trú tránh. Biết được khó khăn nguy hiểm đó của đơn vị, Chính ủy Trung đoàn tôi có ngay mấy câu thơ nhắc nhở:
“Tài già, dép rọ kính cong
Đi qua xóm Béng mắt trong mắt ngoài…”
          Thơ ông thật mộc ngôn mà sâu sắc, như lời nhắc nhở, nhắn nhủ thường nhật của ông với Bộ đội của mình:
“Xeng Fan, Fa Nốp, Lằng Khằng
Nếu không cẩn thận có thằng mất xe”
          Lời dặn Bộ đội của Thủ trưởng đơn vị thật đúng và trúng lại gần gũi thân mật với các bác tài đầy nghịch ngợm, tinh quái. Hợp với tính phóng khoáng của lính xế. Nên chẳng mấy chốc, thơ ông bay đi khắp tuyến đường, binh trạm.

          Năm 1973 đường 24 kéo dài thông tuyến, là sáng tạo của Bộ đội Trường Sơn. Đối phương và các Nhà báo phương Tây gọi là: “con đường kỳ lạ”. Đường được mở dưới lòng suối cạn, luồn lách trong rừng già. Rộng chỉ vừa đủ một làn xe đi. Cây cối hai bên không được chặt hạ vì để ngụy trang đường, ngụy trang xe, máy. Để điều tiết xe vào, ra các chốt Công binh mở thêm “xương cá” thuận tiện việc tránh nhau. Đường mang mật danh đường K - hay đường kín.
          Chuyện tắc đường chắc nhiều người biết. Bức xúc vì chờ đợi, mà trên đầu là lũ OV10 cứ lè nhè tìm kiếm mục tiêu để tiêu diệt. Nên ai cũng sốt ruột, lo âu đâm ra nóng nảy. Thủ trưởng chúng tôi nhắc khéo cánh tài xế trung đoàn:
“Mười ba lại gặp mười ba
Gặp nhau không tránh c…ra đầy đường”
Hoặc:
“Anh hùng lại gặp anh hùng
Gặp nhau không tránh nổi khùng đánh nhau”
          Có lần bị thương đi viện điều trị ở Bệnh viện tuyến sau cụ Trang xin phép tranh thủ về thăm nhà mấy hôm. Gặp vợ con, cả nhà mừng rơn nhưng các con ông ngạc nhiên trố mắt nhìn bố rồi hỏi:
- Răng bố đâu? Ông kể chuyện chiến trường ác liệt cho cả nhà nghe. Rồi mấy câu thơ:
“…Về nhà con hỏi làm sao?
Bố đi đánh Mỹ xe lao vào rừng
Cho nên răng gãy nửa chừng…”.
          Trở về đơn vị, Chính ủy kể chuyện hậu phương cho chúng tôi nghe. Tụi tôi cười lăn, khen thơ hay, nên ai cũng quý, cũng thương người lính già và coi ông như bố. Thân mật gọi ông là “bố Trang”. 
          Còn nhớ những năm 70 của thời chống Mỹ. Mùa mưa về là các đơn vị vận tải rút quân ra hậu phương an dưỡng, học tập chính trị, luyện quân.
          Để động viên Bộ đội, trước ngày nhập tuyến vào Trường Sơn. Đơn vị thường cho Cán bộ, Chiến sỹ tranh thủ về thăm nhà. Nhưng cũng có mùa vì nhiệm vụ đột xuất, Bộ đội chưa được về phép đâm ra tư tưởng. Trong buổi học tập chính trị để xác định nhiệm vụ trước khi nhập tuyến. Đả thông tư tưởng cho Bộ đội. Như đã sắp sẵn, chính ủy Nguyễn Văn Trang sau khi thuyết trình, lên lớp bài học chính trị. Ông chia sẻ nỗi niềm cùng chiến sỹ mình bằng thể thơ tự do:
“Trung đoàn mười ba là Trung đoàn thép
Không cho về phép là Trung đoàn…nhôm
Cho về mấy hôm lại là Trung đoàn thép”.
          Thơ nghĩ sao viết vậy, phê phán tư tưởng thu dung của một số người.
          Lời thơ, ý nhị mà sâu cay ấy khiến không khí đơn vị khí thế hẳn lên. Bởi ai cũng biết, cũng tự liên hệ coi có mình trong đó không?!
          Những vần thơ của Chính ủy, hòa nhịp với những hành khúc viết về Trung đoàn, về lái xe Trường Sơn như: Tiểu đội xe không kính, Bác cùng chúng cháu hành quân, Thợ gầm, Hành khúc Trung đoàn 13 anh hùng.v.v…
          Như nhắc nhở chúng tôi viết tiếp trang sử vàng truyền thống trên mọi nẻo đường chiến dịch. Hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên mặt trận vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn./.

Nguyễn Viết Lợi
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
ĐC: Số 11, Dương Vân Nga
P.Hưng Phúc, TP. Vinh, Nghệ An
ĐT:  0368 851502

tin tức liên quan