--------------------------------------------------------------------------------
HỌ ĐÃ RA ĐI NƠI ĐẤT THÉP
Ghi chép của Nguyễn Huấn
( Dựa theo lời kể của Cựu chiến binh Đinh Văn Long ) .
Sắp đến 27.7, Ngày Thương binh Liệt sĩ. Bỗng dưng tôi nhớ về câu chuyện của anh hàng xóm tên Long (nguyên Chiến sĩ Tiểu đoàn 372- E97- F35 - Bộ Tư lệnh Pháo binh) quê gốc khu 4. Câu chuyện kể về một lần anh qua xứ sở chè búp thời đạn bom khốc liệt, khi ấy anh mới ngoài 20, là một Bí thư Đoàn năng nổ trong Quân đội …
Khoảng cuối tháng 12 năm 1972. Hồi đó, Báo chí trong nước và Quốc tế suốt ngày nói ra rả về cái gọi là Chiến dịch Linebacker II - Chiến dịch quân sự cuối cùng của Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam . Căn nguyên chắc là do sự bất đồng về các điều khoản trong hiệp định tại Hội nghị Paris, dẫn đến những bế tắc và đổ vỡ từ hai phía …
Tôi còn nhớ rất rành rẽ những phân tích của các Bình luận viên chiến sự trên chương trình phát thanh Quân đội của Đài TNVN hồi đó. Các thông tin tin cậy cho rằng chiến dịch này là sự nối tiếp của chiến dịch ném bom Linebacker diễn ra từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1972. Tuy nhiên, có điểm khác biệt rất rõ là lần này Hoa Kỳ tấn công dồn dập bằng máy bay ném bom chiến lược B-52 thay vì các máy bay ném bom chiến thuật trước đó.
Chiến dịch mang tính hủy diệt của đế quốc Mĩ hẳn nhiên đã gây những tổn thất nặng về cơ sở vật chất cho phía Việt Nam. Thế nhưng, vẫn không làm thay đổi được lập trường của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam về nội dung cơ bản của hiệp định hoà bình.
Cuộc chống trả kiên cường của quân và dân Việt Nam hồi đó được báo chí trong nước gọi là cuộc chiến "12 ngày đêm" gắn với hình tượng "Điện Biên Phủ trên không" để nhấn mạnh ý nghĩa thắng lợi cuối cùng và to lớn của sự kiện. Và chính trong những ngày tháng hào hùng đó, anh Long đã có dịp về với Đất Thép kiên cường .
Trong câu chuyện ngoài ban công sáng ấy, bên li Cà phê sữa nóng, anh Long hào hứng kể về kí ức không bao giờ quên được. Anh nhớ rành rọt từng chi tiết, dù đã gần nửa thế kỉ trôi qua. Thời điểm khốc liệt âý, đơn vị anh được giao làm nhiệm vụ chi viện cho quân đội nước bạn Lào, hành quân từ Ba Vì, Hà Tây (cũ), qua miền đất Trung du Phú Thọ sang Bắc Thái (Thái Nguyên bây giờ) bằng xe ô tô 957 của Liên Xô ( cũ ) trang bị. Các khẩu pháo được chuyển qua cửa khẩu Mường Xén sang nước bạn Lào.. Mỗi khẩu pháo được một Tiểu đội trưởng và một chiến sĩ bảo vệ an toàn. Các anh không làm nhiệm vụ chiến đấu.
Sau khi nhận hết số lượng pháo được giao từ khu rừng tuyệt mật, đoàn xe chực chỉ điểm tập kết vũ khí ga Lưu Xá A. Ngay đêm đó, các khẩu pháo lần lượt được tụ về khoảng sân rộng lớn của kho hóa trường để chuẩn bị đưa lên toa tàu bằng đường Boong ke, lát bởi các thanh tà vẹt kiểu triền dốc .
Ngay trong đêm đoàn người và xe pháo có mặt tại ga Lưu Xá, một trận bom B. 52 kinh hoàng đã dội xuống. Lúc ấy chưa qua 12 giờ đêm, một tốp B.52 ào ào kéo đến. Toàn thể Tiểu đoàn của anh Long được lệnh nhanh chóng trú ẩn trong các căn hầm cá nhân quanh khu vực, các anh không được làm nhiệm vụ chiến đấu. Những khẩu pháo cũng được di chuyển nằm dọc các bờ tre, song song với đường sắt sau khi đã được tăng cường ngụy trang thêm cành cây hòng che mắt phi công địch .
Ngồi trong những căn hầm trú ẩn, các anh thấy rõ ánh chớp nhì nhằng, những tiếng nổ chát chúa của cuộc không chiến, khói lửa mịt mù, khét lẹt, sáng rực màn đêm buốt giá cuối năm – thời điểm trứơc Giáng sinh chỉ vài giờ đồng hồ. Đất đá rơi trên nắp hầm rào rào…Và các anh không hề biết rằng chính và những giây phút định mệnh ấy, 60 Thanh niên xung phong Bắc Thái đã hi sinh vì trúng bom Mĩ khi đang làm nhiệm vụ giải tỏa hàng quân sự tại ga Lưu Xá. Sự ra đi mãi mãi của họ đã gây chấn động đau lòng. Vào dịp kỉ niệm sau hơn 35 năm ngày họ ra đi, một bài báo đã viết :
“…Đội 91 TNXP Bắc Thái gồm các đại đội 911, 912, 913, 914 và 915, biên chế 3.000 đội viên được thành lập tháng 1-1966 với nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải, phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đội 91 TNXP luôn là điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua của tỉnh Bắc Thái, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba và hai Bằng khen của Chính phủ ” …
Đại đội 915 là đơn vị trẻ nhất, được thành lập tháng 6-1972, biên chế 102 cán bộ đội viên, do Đại đội trưởng Triệu Đức Việt chỉ huy. Chỉ trong vòng gần 6 tháng sau khi thành lập, đại đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm giao thông ở các trọng điểm thường xuyên bị máy bay Mỹ ném bom bắn phá như tuyến đường lB Lạng Sơn - Thái Nguyên, đường 16A trên tuyến Lạng Sơn - Bắc Giang; cầu Đa Phúc, cầu Gia Bảy, cầu Trà Vường, ngầm Sơn Cẩm, phà Bến Oánh. Những tháng cuối năm 1972, đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Cảng Hải Phòng bị địch phong tỏa, các kho trung chuyển hàng hóa trên tuyến giao thông từ Lạng Sơn về Hà Nội bị máy bay Mỹ đánh phá hết sức ác liệt. Tuyến Lạng Sơn - Thái Nguyên - Hà Nội đã trở thành tuyến giao thông huyết mạch trung chuyển hàng hóa viện trợ của các nước bạn tiếp tế cho mặt trận miền Nam đánh Mỹ .
Và qua các tư liệu lịch sử hào hùng của lực lượng TNXP, tôi biết thêm nhiều dữ kiện. Khi đó, tại ga Lưu Xá còn tồn đọng tới gần 20.000 tấn lương thực và hàng hóa các loại. Nhiệm vụ cấp bách của quân và dân Thái Nguyên là nhanh chóng giải tỏa hàng quân sự, chi viện cho chiến trường. Chiều 23-12-1972, Ủy ban hành chính tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Đội 91 TNXP cử cán bộ, đội viên tham gia giải tỏa lương thực tại ga Lưu Xá. Biết rõ đây là địa bàn trọng điểm đánh phá của máy bay địch, rất có thể sẽ bị hy sinh, nhưng 66 đội viên Đại đội 915 vẫn hăng hái xung phong nhận nhiệm vụ, vượt quân số được giao.
Đại đội 915 với quá 3/4 đội viên nữ ở lứa tuổi 15-18 đã thực sự có một ngày lao động cật lực, vật lộn với những bao gạo, bao ngô nặng 50-100kg. Đến 19h - thời điểm theo kế hoạch phải rút quân về địa điểm tập kết tại Trường Đại học Cơ điện. Nhưng không kịp rồi. Lũ B.52 đã ập đến như cơn lốc. Mệnh lệnh chiến trường đã không cho phép họ dừng lại vì hàng hóa phải bốc dỡ còn quá nhiều. Đội phó Nguyễn Thế Cường quyết định chỉ huy đơn vị di chuyển đến hầm trú ẩn của khu nhà trẻ ga Lưu Xá gần đó, chuẩn bị ăn tối rồi tiếp tục công việc. Nhưng khi cô cấp dưỡng Phùng Thị Tấm vừa đặt gánh cơm đầu tiên xuống cửa hầm thì cũng là lúc loạt bom B.52 rải thảm trúng vị trí hầm trú ẩn. 60 cán bộ đội viên TNXP đã anh dũng hy sinh. Chỉ còn 7 đội viên trú tại một ngách giao thông hào may mắn sống sót. Họ chính là những nhân chứng quý giá của một khúc tráng ca anh hùng mang tên những Đoàn viên thanh niên của thời đại Hồ Chí Mính rực rỡ tên vàng, cánh tay phải đắc lực, đội hậu bị đáng tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Chính họ, đã tô thắm thêm lịch sử lấp lánh của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, những người trẻ luôn đi tiên phong qua các giai thời lịch sử hào hùng của dân tộc và đất nước bốn ngàn năm bất khuất. Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân mà Đảng và Nhà nước truy tặng Đội 915 TNXP Bắc Thái là sự tôn vinh xứng đáng mà thiết nghĩ, không chỉ dành riêng cho 60 TNXP đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, mà đó còn là sự ghi nhận thiêng liêng cho một thế hệ, một bài học lịch sử, quý báu dành cho thế hệ trẻ hôm qua và hôm nay. Còn tôi cũng đã thắp cho họ nén tâm nhang bằng những câu thơ bình dị của mình từ 20 năm trước, trong một lần về thăm bạn bè Đất Thép thời hoa đỏ :
Kỷ niệm xưa đốt cháy lòng
Một thời bom đạn trùng trùng quân đi
Căn hầm địa đạo ngoài kia
Bao nhiêu tuổi trẻ xanh rì hôm nay
Di ảnh các Anh hùng Liệt sĩ
Lễ cầu siêu các Anh hùng Liệt sĩ
Li Cà phê đã cạn. Anh Long nói rằng trận bom đó anh và đồng đội nguyên vẹn, không khẩu pháo và xe xích hạng nặng nào hư hỏng. Và cuộc hành quân tiếp tục trong mưa bom, bão đạn để đến đích an toàn
Sau câu chuyện, tôi và người Cựu chiến binh già ngồi lặng phắc ngoài ban công đầy hoa và gió. Tôi rưng rưng nhớ về những người bạn thủa thanh niên sôi nổi ở Thái Nguyên yêu dấu, nơi tôi coi là quê hương thứ hai, nơi tuổi trẻ rực rỡ tôi đã sống và cống hiến một phần nhỏ bé cho Đất Thép kiên cường bằng cả tình yêu cháy bỏng và sức lực sung mãn của mình. Thương lắm ngày xưa...nơi Thủ đô gió ngàn, căn cứ địa cách mạng trong chín năm trường kì kháng chiến thủa nào ./.
Đêm Ban Mê 2019
Nguyễn Huấn
ĐT 0865175608