Kỳ 4: Cả nước cùng xin thề sẽ làm tròn sứ mạng mà Bác Hồ giao phó
Nguồn: Báo Điện tử Dân Việt
Cả nước chìm trong những tiếng khóc nghẹn ngào nức nở của những em bé, những bà mẹ già, người chiến sĩ đang chiến đấu trên chiến trường miền Nam... khi Bác Hồ đã đi xa. Trong nỗi đau vô hạn đó, những thành viên trong Tổ y tế đặc biệt vẫn âm thầm nén đau thương, gắng hết sức chăm sóc Bác để đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế có thể mãi thấy hình ảnh Người đang thanh thản trong giấc ngủ nghìn thu.
Biến đau thương thành trách nhiệm
Trước tình hình sức khỏe của Bác Hồ ngày một yếu đi, ngày 28/8/1969, Tổ y tế đặc biệt do bác sĩ Nguyễn Gia Quyền làm Tổ trưởng đã được lệnh sẵn sàng làm nhiệm vụ quan trọng trong bất kỳ thời điểm nào. Mọi người trong tổ dù rất buồn đau, nhưng vẫn quyết tâm nghiên cứu và tỉ mỉ chuẩn bị những công việc trong chuyên môn của mình.
Nhân dân để tang Bác Hồ.
Đúng 11h ngày 2/9/1969, đồng chí Kính Chi chỉ huy đoàn xe xuất phát từ công trình 75A đến trước Phủ Chủ tịch thì được lệnh dừng lại. Riêng chiếc xe mang biển số FH1468 do chiến sĩ Nguyễn Văn Hợp lái được lệnh đi tiếp. Xe dừng lại trước ngôi nhà sàn của Bác, đồng chí Trần Quốc Hoàn bước ra đón và căn dặn: “Sự việc đã xảy ra rồi, các đồng chí cứ bình tĩnh làm cho thật tốt”. Đồng chí Nguyễn Gia Quyền cảm động hứa “sẽ biến đau thương thành trách nhiệm”.
Đoàn xe được sự bảo vệ của các chiến sĩ cảnh vệ Lữ đoàn 144 quay lại mật danh 75A an toàn đưa Bác vào buồng đặc biệt. Gần 2 năm chuẩn bị, bây giờ nhiệm vụ đã đến với Tổ y tế. Mọi người bỏ mũ đứng lặng trước linh cữu Người hồi lâu rồi khẩn trương bắt tay vào làm nhiệm vụ.
Nửa giờ sau, biên bản khám nghiệm được hoàn thành do Giáo sư - Viện sĩ Liên Xô Iuri Mikhailovich trực tiếp làm công tác y tế. Sau này, ông nhớ lại trong cuốn hồi ký: “Tôi ngắm nhìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, một cơ thể hơi gầy, tầm thước, cơ bắp nở nang. Thi hài còn ấm (do trong những ngày này thời tiết nóng, và còn là vì thời gian Người mất chưa lâu). Cơ chân tay phát triển không quá lớn, da nhẵn màu bánh mật, cơ thành bụng nổi rõ; bàn tay nhỏ với những ngón tay dài và móng tay hình oval thanh tao. Khuôn mặt với hai gò má cao điển hình của người châu Á và của nhà trí thức. Trên da mặt ở một số nơi, đặc biệt là vùng trán, thái dương có những nốt sắc tố sẫm màu không lớn do sắc tố hóa ở người già. Ổ mắt hơi sập, môi khép lại, có đường viền ngoài rõ như mỉm cười, biểu hiện sự bình yên vĩnh cửu. Trán cao rộng, tóc thưa chải về phía sau, râu dài hơi uốn cong, xen lẫn những sợi bạc và sẫm màu…".
Để giữ chân dung Bác được nguyên vẹn, các chuyên gia và Tổ y tế đã nâng niu từng sợi tóc, sợi râu, từng tế bào trên khuôn mặt và đôi bàn tay Bác, đặc biệt là các chi tiết ở mắt và miệng đòi hỏi phải làm hết sức tỉ mỉ và công phu.
Mỗi mũi kim, mỗi đường đưa thuốc phải cân nhắc tính toán trước khi tiến hành nhằm đạt kết quả cao nhất. Công việc ban đầu này không chỉ nhằm chuẩn bị cho những ngày tang lễ mà còn liên quan trực tiếp trong suốt quãng thời gian giữ gìn thi hài Bác lâu dài mai sau.
Lễ Quốc tang
6h sáng 4/9/1969, trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam đã truyền đi bản tin thông báo đặc biệt: Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Quốc hội, Hội đồng Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo tin cho đồng bào và chiến sĩ cả nước biết Bác Hồ đã từ trần.
Nhân dân dự tang lễ Bác Hồ.
Giọng đọc của nữ phát thanh viên đã nhiều lần dừng lại vì nghẹn ngào. Bản tin truyền đi làm cho các hoạt động của cả nước gần như ngừng lại, các cơ quan đoàn thể và nhân dân cả nước âm thầm treo cờ tang, chít khăn tang và không ai có thể ngủ được.
Đúng 20h ngày 5/9/1969, đèn điện quanh khu vực Ba Đình phụt tắt. Đoàn xe đặc biệt chuyển thi hài Bác từ công trình 75A tại Bệnh viện 108 về 75B tại Hội trường Ba Đình. Bác mặc bộ quần áo kaki màu vàng thường ngày, nằm thanh thản yên giấc trong hòm kính được các đồng chí thay phiên túc trực.
Những ngày tang lễ của Bác, trời Hà Nội mưa sầm sập, nhưng không ngăn nổi dòng người vô tận từ khắp nơi đổ về Quảng trường Ba Đình tiễn đưa Người. Đứng trước linh cữu Bác, những đồng chí cán bộ lãnh đạo, lão thành, những cụ già và cả những em nhỏ, những người dân, người lính…, không ai cầm được nước mắt. Nhiều người đội mưa đứng hàng giờ trước khu vực Hội trường Ba Đình để tỏ lòng tiếc thương Người cha già của dân tộc.
Trung tâm Bưu điện Quốc tế của nước ta phải hoạt động hết công suất. Mỗi ngày nhận hàng chục nghìn cuộc điện thoại, bức điện chia buồn của bạn bè năm châu.
Chiều 9/9/1969, lễ truy điệu Bác được cử hành trọng thể và nghiêm trang. Đồng chí Lê Duẩn nghẹn ngào đọc Di chúc của Bác và điếu văn. Cả quảng trường òa khóc.
Các cháu thiếu niên, nhi đồng gục đầu vào lòng đồng chí Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp khóc nức nở. Cả nước đã giơ cánh tay, cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng xin thề với Bác sẽ làm tròn sứ mạng mà Bác đã tin cậy giao phó, xin đi trọn con đường mà Người đã vạch ra và dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tới thắng lợi cuối cùng.
Lễ truy điệu kết thúc, Tổ y tế và các bộ phận phục vụ tang lễ đã chuẩn bị xong phương án để đưa Người trở lại công trình 75A, bắt đầu bước vào giai đoạn bảo vệ, giữ gìn an toàn tuyệt đối thi hài Bác.
Đúng 20h ngày 5/9/1969, đèn điện quanh khu vực Ba Đình phụt tắt. Đoàn xe đặc biệt chuyển thi hài Bác từ công trình 75A tại Bệnh viện 108 về 75B tại Hội trường Ba Đình. Bác mặc bộ quần áo kaki màu vàng thường ngày, nằm thanh thản yên giấc trong hòm kính được các đồng chí thay phiên túc trực.
|
(Còn nữa)