6 phụ nữ, ngày lo 3.000 suất ăn Trong chín năm chiến tranh phá hoại, ngăn chặn hệ thống giao thông, vận tải chi viện miền Nam, ngã ba Bến Thủy nối liền Nghệ An - Hà Tĩnh, được ví như “cuống họng Khu 4”, không quân và hải quân Mỹ đã ném 25.898 quả bom các loại, bắn từ biển vào 1.371 viên đạn pháo từ 230 li đến 406 li. Trên diện tích mặt đất và mặt sông rộng khoảng 1km2, từ ngày 5.8.1964 đến trước ngày ký Hiệp định Paris, đơn vị phà Bến Thủy, lực lượng bảo đảm giao thông chủ lực là đội công trình 1-5, công nhân nhà máy điện, nhà máy gỗ, cảng Bến Thủy... phải gồng mình, đối mặt từng giờ, từng đêm với 3.498 trận đánh phá khốc liệt. Hiếm có trọng điểm nào ác liệt, dai dẳng như ngã ba Bến Thủy lại tỏa rạng chủ nghĩa anh hùng cách mạng đến thế. Ra khỏi cuộc chiến tranh phá hoại, ngã ba Bến Thủy đã có 9 tập thể, 7 cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động. Riêng tập thể phà Bến Thủy được phong 2 lần đơn vị Anh hùng và 3 cá nhân Anh hùng. Trong số những tập thể, cá nhân ngời sáng ấy, duy nhất có một phụ nữ Anh hùng. Đó là chị Hoàng Thị Liên, phụ trách cửa hàng ăn uống Bến Thủy suốt 8 năm bám trọng điểm, lo lắng, chăm sóc từng bát cơm, từng tấm bánh cho biết bao chiến sĩ, công nhân từng sống, chết với “ngã ba lửa”, cửa ngõ tiến vào mặt trận phía Nam. Những ngày tháng 9 lịch sử, tôi gặp chị, mong mỏi được ghi lại ký ức hào hùng thuở ấy mà chị là nhân chứng sinh động của lịch sử. Ở tuổi ngoài 80 nhưng phong thái “Ba đảm đang” ở chị vẫn giản dị, mộc mạc, chân chất như ngày nào. Trong mạch thời gian chắp nối, chị chậm rãi, thư thái kể. Mỹ đánh vào phà Bến Thủy, khu công nghiệp Bến Thủy ngày 5.8.1964, con chị, bé Trần Văn Quỳnh mới 8 tháng tuổi. Chị đưa cháu về quê Thanh Đồng nhờ mẹ chăm nuôi cùng với mấy đứa con lớn “trứng gà, trứng vịt”, rồi bươn bả về cơ quan đóng tại thị xã Vinh. Từ tháng 4.1965, cả thị xã sơ tán, còn chị Liên xin ở lại phục vụ chiến đấu. Hoạt động ngành thương nghiệp trải khắp thị xã đổ nát, hoang tàn. Chị như con thoi khâu nối từng bộ phận cung ứng thực phẩm, tìm mua nguyên liệu rồi sắp xếp người chế biến, người mang hàng tới trận địa pháo phòng không, binh trạm vận tải, phà Bến Thủy, cảng Bến Thủy... Những ngày ấy, không gian, mặt đất thị xã Vinh như chao đảo, vỡ vụn, khét lẹt bom đạn, chết chóc, căng thẳng. Với chiếc xe đạp Thống Nhất, chị Liên cùng chị Sĩ, chị Phúc, chị Thiều vượt bãi bom nổ chậm ra ngoại thành tìm mua lương thực, rau xanh, bầu, bí, đậu, củ quả của bà con nông dân Hưng Nguyên, Nghi Lộc. Các chị xuống tận Cửa Hội mua nước mắm, mà thời ấy nào phải yên bình như bây giờ. Phải tìm đường tránh, đường tắt vượt qua nhiều trọng điểm đánh, phá của máy bay Mỹ. Đêm về, chị và cả tổ phục vụ lại tất tả, xoay trần quay cối tay xay gạo, giã bột chế biến bánh nướng, bánh bao, cơm nắm, rồi cả phở “không người lái” để kịp chuyển ra các điểm phân phối trọng điểm vượt sông bờ Bắc Bến Thủy. Quăng quật, chao đảo đạn, bom dưới căn hầm nửa chìm, nửa nổi cách mố bắc bến phà chưa tới 800m, chị Liên cùng tổ phục vụ ăn uống vẫn đều đặn thường ngày, thường đêm bảo đảm số suất ăn ca ba cho công nhân phà Bến Thủy, nhà máy điện, cảng Bến Thủy, các đoàn xe quân sự vượt sông Lam. Làm sao thế hệ hôm nay có thể tin chỉ với 6 chị em mà lo toan mỗi ngày, đêm 3.000 suất ăn, trong đó gần 500 suất cho cảng Bến Thủy, 800 suất cho phà Bến Thủy, 1.500 suất cho nhà máy điện Vinh, 250 suất cho nhà máy sửa chữa ôtô B230. Đấy là chưa tính những thời khắc phà tắc, hàng trăm chiếc xe phải sơ tán, tổ ăn uống Bến Thủy còn phải lo đủ bữa ăn cho các đơn vị bộ đội nằm chờ vượt sông. Chị Liên bảo công việc túi bụi, chị em tranh thủ chợp mắt ngay trong căn hầm, bên bếp lửa, nhớ chồng, con cũng chỉ nhoáng về một lát rồi lại bươn bả quay về căn hầm khoét sâu vào núi Quyết chuẩn bị suất ăn cho hàng nghìn người đang bám trụ tại phà Bến Thủy. Xe quân sự qua phà Bến Thủy năm 1968. Ảnh:TL Nuôi bò, nuôi lợn dưới mưa bom Chiến tranh phá hoại làm ngưng trệ hoạt động cung cấp lương thực, thực phẩm. Chị Liên phải thu gom số gạo bị bom đạn, ngấm nước từ các kho chứa lương thực, tổ chức xay bột chế biến các loại bánh, bún, phở. Chị Liên hướng dẫn chị em xay bột đậu xanh làm nhân bánh, cốt sao bảo đảm nhu cầu “ăn no, ăn có sức mà đánh Mỹ”. Thế nhưng chị Liên vẫn thấy mình như có lỗi khi bữa ăn thiếu dinh dưỡng của bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ, công nhân từng giờ phải đối mặt cái chết khi phá bom nổ chậm, bom từ trường, những người thợ ca nô lai dắt phà đưa hàng nghìn xe quân sự vượt sông Lam và những người thợ giữ dòng điện không tắt ở tọa độ lửa Vinh - Bến Thủy. Nghĩ là quyết làm. Chị Liên đạp xe tới các hợp tác xã nông nghiệp Nghi Đức, Nghi Phong, Nam Cường xin mua lại những con bò gầy yếu, không còn sức cày kéo. Chị mua hàng trăm con bò thải loại gom về nuôi trong những căn hầm dưới chân núi Quyết. Những cánh đồng hoang, cỏ mọc tốt tươi bên hố bom, trong khuôn viên cơ quan, phường, xã, khu phố sơ tán trở thành nguồn thức ăn dồi dào cho đàn bò của chị Hoàng Thị Liên. Chị thuê người chăn dắt, quản lý chặt chẽ từng con bò mỗi ngày. Những con bò trong chiến tranh cũng quen dần với hầm hào, với tiếng gào rú của máy bay Mỹ. Nguồn thực phẩm tươi sống dồi dào ấy đã giúp chị cải thiện bữa ăn cho biết bao người lính phòng không Trung đoàn 280, Trung đoàn 233, Trung đoàn 214, công nhân phà, cảng, nhà máy điện, đoàn vận tải Hồng Hà, binh trạm 9... Chị Liên kể, có ngày cửa hàng mổ thịt tới 7 con bò đã vỗ béo. Không dừng lại, chị thuê người vỡ đất hoang dưới chân núi Quyết trồng mấy nghìn mét vuông mía, đổi mía cây lấy hàng nghìn tấn đường chế biến bánh, kẹo, nước giải khát. Chị còn tận dụng hố bom nuôi cá, xây bể thả lươn, nuôi chim bồ câu, tăng nguồn thực phẩm tươi sống, nâng chất lượng thức ăn trong những năm tháng thiếu thốn trăm bề. Được giao phụ trách 10 cửa hàng phục vụ ăn uống thị xã Vinh, mấy năm lửa đạn ngút trời, chị Liên vận động chị em nuôi lợn thịt dưới hầm, dưới hào. Chị đạp xe lên tận hợp tác xã Ba Tơ (Hưng Thái - Hưng Nguyên), gặp gỡ anh hùng nông nghiệp Cao Lục liên kết nuôi lợn nái, lợn thịt. Lãnh đạo tỉnh ngỡ ngàng, đồng nghiệp ngành thương nghiệp Nghệ An sửng sốt khi biết chị Liên có đàn lợn thịt gần 500 con và đàn lợn sinh sản gần 200 con. Có vị lãnh đạo Bộ Nội thương vào Khu 4 từng nói về sự táo bạo, năng động của chị Hoàng Thị Liên: “Chừng ấy khối lượng hàng hóa, chừng ấy công việc phải điều hành nếu trong thời bình đã là một sự thách thức lớn đối với người quản lý là nam giới. Chị ấy đã làm được trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Chị ấy quả là anh hùng”. Điều tiên đoán ấy từ năm 1971 đã trở thành hiện thực khi Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho chị Hoàng Thị Liên vào năm 1985. Sau ngày được phong Anh hùng, chị Liên được giao cương vị quản lý cao hơn và với phẩm chất, bản lĩnh trải nghiệm trong chiến tranh, chị đã vực dậy cả một công ty làm ăn thua lỗ, trả được món nợ Nhà nước gần 3 tỉ đồng vào những năm đầu đổi mới. Thương nhớ khôn nguôi Với chị, hôm nay vẫn còn đọng mãi ký ức đối với lớp chiến sĩ trẻ vào chiến trường thuở bom đạn đã được chị chăm sóc từng suất ăn, giấc ngủ trong mấy căn hầm dã chiến. Chị kể, các em còn trẻ lắm, đứa nào cũng gửi lại một vài vật kỷ niệm, hẹn ngày chiến thắng gặp chị. Sau giải phóng miền Nam, một tốp chiến sĩ đã tìm tới cửa hàng gặp chị. Chúng nó công kênh chị lên rồi hét to “Thế là sống rồi chị ơi!”. Thế nhưng phần đông trong số họ không bao giờ thực hiện được lời hứa với chị. Họ nối nhau ngã xuống ở chiến trường vì cuộc sống yên bình hôm nay. Chị xúc động, bồi hồi tìm lại từng kỷ vật có tên, quê quán của người lính. Rồi chị đóng gói, ra bưu điện, lần lượt gửi tới gia đình, người thân kỷ vật ít ỏi của người lính ra trận năm nào mà chị cất giữ. Trong chín năm bám trụ “ngã ba lửa” Bến Thủy, chứng kiến hàng trăm nghìn lượt xe quân sự vượt sông Lam, cũng từng ấy gương mặt tươi trẻ hồn nhiên, phơi phới niềm tin chiến thắng của lớp lớp những binh đoàn trai trẻ từ hậu phương lớn miền Bắc tiến vào giải phóng miền Nam, chị Hoàng Thị Liên và tổ phục vụ ăn uống Bến Thủy chưa bao giờ nguôi ngoai niềm thương nhớ những người lính hy sinh vì Tổ quốc. VĂN HIỀN PS st Theo Lao động