Không chỉ là thầy giáo đã kinh qua các cuộc chiến đấu ở chiến trường Tây nguyên, Đông Nam bộ, biên giới phía Bắc, PGS.TS Nguyễn Thế Trị còn nổi danh bởi dám nghĩ, dám làm...
Thượng tướng Nguyễn Thế Trị, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng (giữa) quay lại chiến trường Sa Thầy, Kon Tum tìm hài cốt đồng đội, năm 2010. Ảnh: Mai Thanh Hải
Trong số các tướng lĩnh nghỉ hưu hiện nay, PGS.TS Nguyễn Thế Trị, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng, nổi danh không chỉ là thầy giáo đã kinh qua các cuộc chiến đấu ở chiến trường Tây nguyên, Đông Nam bộ, biên giới phía Bắc mà còn bởi dám nghĩ, dám làm, dám đối mặt với sự hẹp hòi, lạc hậu…
Một ngày đầu tháng 11.2019, tôi bay từ TP.HCM ra Hà Nội tìm đến nhà ông ở Q.Cầu Giấy, TP. Hà Nội, rất may, ông vừa đi họp ban liên lạc tướng lĩnh Quảng Ninh về, ông thò đầu khỏi xe taxi vẫy tay: “Đợi tý, tớ chờ thối tiền” và cười: “Lương hưu thượng tướng 18 triệu đồng, thêm 1 triệu đồng chế độ dành cho thương binh. Vừa đủ nuôi 2 vợ chồng, đứa cháu giúp việc và trả tiền taxi đi lại thăm anh em đồng đội, họp ban liên lạc”…
Nhịn đói để làm gương
“Tôi sinh năm 1939 tại làng Cổ Phục (xã Kim Lượng, H.Kim Thành, Hải Dương), năm 11 tuổi tôi đã mất mẹ và phải sang nhà ngoại ở vì bố đang hoạt động trên chiến khu”, ông mở đầu câu chuyện về cuộc đời mình và nghẹn giọng: “Cứ tối đến, nhìn phía đông thấy Hải Phòng, Hòn Gai đèn điện sáng bừng là lại ước được 1 lần ra đó”.
Học viên Nguyễn Thế Trị, Trường Sĩ quan Lục quân, năm 1964. Ảnh tư liệu
Tháng 5.1958, chàng trai 19 tuổi Nguyễn Thế Trị vào bộ đội trong đợt nghĩa vụ quân sự đầu tiên của Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam. Tháng 10.1960, ông được chọn đi ôn văn hóa để thi vào Trường Sĩ quan Lục quân (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1 - Đại học Nguyễn Huệ). Tháng 4.1964, ông tốt nghiệp loại giỏi, được phong hàm trung úy và giữ lại làm giảng viên. Ngày 5.8.1964, Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra toàn miền Bắc. Tháng 5.1965, ông viết đơn xung phong đi chiến đấu và được cử làm trung đội trưởng bộ binh tại trung đoàn 209, sư đoàn 312.
Thời điểm này, Liên Xô (cũ) tập trung viện trợ cho QĐND Việt Nam xây dựng một số đơn vị cơ động và trung đoàn 209 được chọn bởi bộ đội chủ yếu là người Hà Nội có sức khỏe khá, văn hóa cao. Sau gần 1 năm huấn luyện, cuối năm 1967, cả đơn vị được trang bị mũ sắt, súng AK báng gập, chống tăng B41, súng phun lửa, mặt nạ phòng độc…
Năm 2010, cựu chiến binh trung đoàn 209 trở lại chiến trường xưa Sa Thầy, Kon Tum tìm hài cốt đồng đội đã hy sinh trong chiến đấu. Ảnh tư liệu
Ngày 4.2.1968, đúng ngày mùng 5 Tết Mậu Thân, trung đoàn 209 hành quân vào Tây nguyên. Nhiệm vụ của trung đoàn lúc đầu được giao đánh sân bay Cà Leng, cách huyện lỵ Sa Thầy (Kon Tum) 2 km. Tuy nhiên, trong 1 lần trinh sát, cán bộ trung đoàn đánh rơi 1 cây bút Trường Sơn và bao thuốc lá Điện Biên, địch phán đoán “bộ đội chính quy miền Bắc đã vào” và bung ra xung quanh 4 cao điểm mới, chặn đường ta. Trận đánh Mỹ đầu tiên của trung đoàn 209 ở cao điểm 995 ngày 26.3.1968 do tiểu đoàn 7 đảm nhiệm chính diễn ra hết sức ác liệt và gây thương vong lớn cho ta.
“Trải qua mùa hè chiến đấu ác liệt, tôi thấy sức chiến đấu của bộ đội phụ thuộc vào đời sống. Đói và thiếu thốn thì không thể mạnh và vững vàng được. Vì vậy, phải vừa gương mẫu giúp đỡ anh em chiến sĩ vừa phải tìm củ cây thay lương thực", thượng tướng Nguyễn Thế Trị nhớ lại, nhưng... lắc đầu: “Tác chiến ở cao nguyên khó nhất là việc tiếp tế. Trung đoàn 209 góp công lớn, nhưng cũng bị tổn thất. Cán bộ, chiến sĩ bị thương nhiều. Vào sâu, có lúc thiếu gạo, tư tưởng chiến sĩ cũng ít nhiều sa sút. Đó là hiện thực”.
…“Năm 1956, tôi học hết cấp 1, lúc này huyện chưa có cấp 2 nên chúng tôi mời thầy giáo ở thị trấn về dạy bổ túc văn hóa cấp 2. UBND xã ủng hộ ngay và tiện thể giao anh em tôi giúp xã làm thống kê, tính thuế nông nghiệp, đo đạc ruộng đất cho dân... Được làm việc có ích, lòng người phơi phới, nhiệt huyết dâng trào. Bây giờ tôi cứ ao ước làm sao thanh niên ta, con em tôi có được những khát khao dâng hiến, làm việc, như những ngày sau hòa bình ấy. Nghèo lắm, ai cũng nghèo mà niềm vui được làm việc lâng lâng đến thế. Thời ấy tôi tự hỏi và tự trả lời: Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc chưa hẳn đã cần sự đầy đủ, mà nằm trong một tương quan nào đó, rất cụ thể. Nó thúc giục người ta khát khao bước tới, dấn thân tự nguyện, đam mê làm việc, giúp người”…
PGS.TS, Thượng tướng Nguyễn Thế Trị, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng
|
Lập mưu chống giành đất
Sau 9 tháng chiến đấu ở Tây nguyên, cuối năm 1968, trung đoàn 209 được mang mật danh "Đoàn Hải Yến" và vào chiến trường miền Đông Nam bộ, bổ sung cho sư đoàn 7. Trận đánh đầu tiên là với trung đoàn thiết giáp 18 Việt Nam Cộng hòa trên tỉnh lộ 2, ông lúc này là chủ nhiệm chính trị trung đoàn 209, cùng trung đoàn trưởng xung phong ra mặt đường.
Cán bộ chiến sĩ trung đoàn 209 chốt chặn trên đường 13 (năm 1972). Ảnh tư liệu
Tháng 5. 1972, trung đoàn 209 chốt chặn Quốc lộ 13 ở khu vực Cống Ông Tề, Tàu Ô, xóm Ruộng (từ nam Bình Long đến bắc Chơn Thành, Bình Phước) trong suốt 5 tháng trời.
Gần 50 năm, ông Trị vẫn nhớ, vào cuối tháng 7.1972, khi Hội nghị Paris về Việt Nam đang gay go, thắng lợi ở chiến trường trong nước có tác dụng thúc đẩy Hội nghị theo hướng có lợi cho ta. Ở Quảng Trị, quân ta chốt được 82 ngày đêm. Trên quốc lộ 13, ta chốt được 150 ngày khiến chính quyền Việt Nam Cộng hòa phải giành đất bằng… mẹo vặt: Cho lính giả làm thường dân, bí mật luồn vào khoảng cách giữa các chốt của ta rồi cắm cờ, tuyên bố “đã giải tỏa trên quốc lộ 13”, mời các nhà báo đi máy bay lên thăm quan, chụp hình.
Được tin này, ông Trị và chỉ huy trung đoàn đưa súng phòng không đón lõng bắn chặn buộc máy bay chở báo chí phải nâng độ cao. Đồng thời, bộ đội giật bộc phá gây khói mù mịt. Từ trên máy bay, báo chí không thấy cờ Việt Nam Cộng hòa như báo cáo, đều thống nhất loan tin “quân đội Việt Nam Cộng hòa tạo chiến công dỏm” khiến chính quyền Sài Gòn bẽ mặt.
'Không được vứt gia đình'
“Trước khi rút chạy khỏi Bình Long, phía Việt Nam Cộng hòa đưa một số vợ con sĩ quan vờ tháo chạy qua trận địa chốt. Mục đích của họ là nếu ta nổ súng thì vu cáo quân giải phóng bắn vào dân thường. Nếu ta để họ đi qua, sẽ bị lộ trận địa chốt. Nghe chốt báo cáo, chúng tôi gấp rút điều trinh sát và trợ lý địch vận chặn trước trận địa, giải thích cho họ rằng có mìn phía trước, rất nguy hiểm và dẫn họ đi vòng qua bên sườn chốt về hậu cứ. Ta phải nuôi họ mấy ngày để xin ý kiến cấp trên”, ông Trị kể.
Vũ khí mới của Liên Xô (cũ) trang bị cho bộ đội vào chiến đấu trong chiến trường miền Nam (năm 1965). Ảnh tư liệu
Trong số “người chạy loạn”, có 1 nữ nhà báo của chính quyền Sài Gòn. Chị có con là sĩ quan Việt Nam Cộng hòa, khi chạy khỏi Bình Long, chị mang theo quyển sách ảnh gia đình, trong đó có ảnh con trai. Chắc sợ liên lụy hoặc bộ đội tra hỏi nên khi bị dẫn từ chốt vào căn cứ, chị này vứt quyển sách ảnh đó đi. Chiến sĩ trinh sát phát hiện, nhặt cuốn ảnh báo cáo ông Trị.
Sau khi xem xong, thấy đây là hình ảnh của một gia đình sĩ quan Việt Nam Cộng hòa, ông Trị tìm chị nhà báo hỏi chuyện và đưa trả cuốn ảnh: “Bao nhiêu ảnh quý của gia đình, tại sao phải bỏ đi?”. Chị này thành thật: “Vì sợ Quân giải phóng trả thù gia đình sĩ quan Việt Nam Cộng hòa” khiến ông Trị cười phá, trước hàng trăm đôi mắt tròn xoe của những người dân và tỉ mẩn giải thích về chính sách nhân đạo và tình cảm gia đình, khiến ai cũng phục lăn.
Cuối năm 1972, kết thúc chiến dịch chốt chặn ở đường 13, trung đoàn 209 theo đội hình sư đoàn 7 chuyển xuống hoạt động ở vùng ven Sài Gòn để hoạt động. Ông Nguyễn Thế Trị được chọn đi học lớp bổ túc trung, sư đoàn H14 đóng tại Kampong Thom (Campuchia).
“Lớp học có nhiều cán bộ từng trải qua chiến đấu, qua thảo luận và sinh hoạt hằng ngày, tôi càng thấy rõ: Thực tiễn rất đa dạng và là người thầy nghiêm khắc, không cho phép người chỉ huy chủ quan, tự mãn. Một mệnh lệnh thiếu cân nhắc sẽ gây tổn hại biết bao xương máu chiến sĩ. Một ý tưởng cục bộ, lợi ích hẹp hòi, không vì cái chung sẽ làm mất thời cơ quý giá. Đồng nghĩa với đó là mất chủ động chiến trường, tổn hao binh lực. Lịch sử không có sự nếu như. Nhưng qua phân tích, rút kinh nghiệm, có thể giúp người chỉ huy sáng suốt, tránh vết xe đổ”, thượng tướng Nguyễn Thế Trị đúc kết như vậy và nhớ lại: “Kết thúc khóa học, các học viên rất sợ bị giữ lại làm giáo viên. Tôi... bị giữ, không làm cách nào xin về được nên lại phải ở trường Quân chính B2”.
(Còn tiếp)
Mai Thanh Hải (Thanh Niên)
PS st Theo Gia Lai online