Hộp dầu và mảnh giấy "hẹn ngày thống nhất"

Ngày đăng: 08:48 25/11/2019 Lượt xem: 568

 

                 Hộp dầu và mảnh giấy "hẹn ngày thống nhất"

                                                 
                                        Nguồn: Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân

Năm 1974, tôi làm liên lạc Ban chỉ huy Đại đội 4, Trung đoàn 53, hoạt động ở chiến trường K. Đại đội trưởng là đồng chí Nguyễn Ngọc Hùng quê ở TP Hải Phòng nhận tôi là “đồng hương”, nhưng quê tôi lại ở Quảng Bình.



Chuyện đồng hương khác quê, bởi trước đây, Nguyễn Ngọc Hùng là tiểu đội trưởng huấn luyện chiến sĩ mới cho một đơn vị thuộc Đoàn 559. Khi hành quân vào miền Nam có nghỉ lại ở thôn Mỹ Đức, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Tiểu đội anh ở trọ trong gia đình mà nhà hàng xóm bên cạnh có một cô gái đang học cấp III. Đôi bên nhìn qua, liếc lại, nhưng vì anh là tiểu đội trưởng nên phải giữ nghiêm kỷ luật cho đến lúc chia tay mà hai người vẫn chưa nói với nhau được một lời. Vào đến Binh trạm 31 (thuộc địa bàn miền Tây Quảng Ngãi), lúc soạn ba lô anh mới phát hiện trong túi cóc ba lô có một hộp dầu cao Sao Vàng, kèm theo mảnh giấy viết bằng mực tím: "Anh đi giữ gìn sức khỏe, hẹn ngày thống nhất". Anh cảm động, cất giữ hộp dầu và mảnh giấy như một kỷ vật.

Đến năm 1977, anh Hùng phục viên, trên đường về quê khi ngang qua xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy (cách thôn Mỹ Đức khoảng 15km) anh viết cho cô gái ngày đó một lá thư kèm dòng chữ ở bên ngoài: "Tôi là Nguyễn Ngọc Hùng, tên anh em thường gọi là Hùng “trắng”, nguyên là chiến sĩ Đoàn 559 gửi thư này cho cô... địa chỉ... Nếu ai nhặt được và có điều kiện xin chuyển đến tay người nhận. Tôi vô cùng biết ơn!".

Nhiều năm trôi qua, một hôm Nguyễn Ngọc Hùng tìm tôi và rủ về thôn Mỹ Đức. Tôi vui vẻ đi ngay. Cô gái “rất mặn mà” năm xưa bây giờ đã có chồng và hai người con gái, chồng cô cũng là giáo viên. Gặp nhau, anh đưa cho chị xem mẩu giấy viết bằng mực tím đã gần như không còn đọc được và hộp dầu cao Sao Vàng đã đông cứng, không còn mùi. Và thật bất ngờ, chị đưa cho anh xem bức thư anh gửi năm 1977, do một người chuyển đến tận nhà, được ép plastic cẩn thận. Hai người ngồi lặng đi rất lâu và chỉ nói mấy lời cho đến lúc chia tay.

TÔ KIỀU THẨM

Ghi theo lời kể của cựu chiến binh Nguyễn Thế Thịnh..

( C. H sưu tầm)

 

 

tin tức liên quan