Tiếc thương người thầy thông tuệ Hà Văn Tấn

Ngày đăng: 09:32 05/12/2019 Lượt xem: 491


           Tiếc thương người thầy thông tuệ Hà Văn Tấn


                                         Nguồn: Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân


Vậy là nhà sử học danh tiếng, người thầy yêu nghề, yêu người rất mực-Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Văn Tấn của chúng tôi đã ra đi. Ông là người cuối cùng của “bộ tứ trụ sử học” Lâm-Lê-Tấn-Vượng (các Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng) lên đường về cõi vĩnh hằng. Mỗi thầy một sở trường đặc sắc. Mỗi thầy một sức cuốn hút riêng.


 

Vì yêu thầy mà yêu nghề-không biết bao nhiêu sinh viên ngành sử được học, được làm việc với các thầy mà trở thành người nghiên cứu sử, truyền bá khoa học lịch sử hoặc lấy sử học làm “giấy thông hành vào đời”, vào nhiều loại ngành nghề khác nhau.

Riêng với thầy Tấn, không chỉ giới khoa học xã hội nhân văn, mà cả nhiều người nghiên cứu khoa học tự nhiên ngay từ thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước đã truyền nhau danh tiếng “nhà bác học”, “Lê Quý Đôn thế kỷ 20” ngay trước khi ông được Nhà nước phong hàm giáo sư năm 1980.

Giáo sư Hà Văn Tấn nguyên giảng viên Khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay), sau đó ông kế nhiệm Giáo sư Phạm Huy Thông làm Viện trưởng Viện Khảo cổ học thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia. Ông là chuyên gia, là người thầy trên nhiều lĩnh vực khảo cổ học, sử học, dân tộc học, văn hóa học, phật học, nhân chủng học, ngôn ngữ học… lĩnh vực nào ông cũng để lại những công trình xuất sắc.

Tiếc thương người thầy thông tuệ Hà Văn Tấn
Các Giáo sư trong "tứ trụ sử học" (hàng sau, từ trái sang: Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê) chụp ảnh cùng Giáo sư Trần Văn Giàu và phu nhân. Ảnh: Đình Toán.

Riêng với chúng tôi, lứa sinh viên Khoa Sử khóa 1968-1972, thầy Tấn là người thầy gần gũi đặc biệt với nhiều điều cả trong truyền dạy lẫn cuộc sống. Lần đầu tiên chúng tôi gặp ông là một bất ngờ. Đó là một sáng sớm cuối đông, nhóm sinh viên năm thứ nhất thực tập khảo cổ học chúng tôi tại khu vực xóm Dền (Phù Ninh, Phú Thọ) đang ăn sáng thì có bóng người nhỏ nhắn thư sinh từ đồi sắn đi đến. Ông tự giới thiệu trước: “Mình là Hà Văn Tấn”. Tất cả chúng tôi đều đứng dậy, chào thầy với vẻ ngạc nhiên. Thầy Tấn đây ư? Một tác giả của bộ sách sử dày cộp “Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam” mà chúng tôi đến thư viện chỉ mới nâng lên đặt xuống chứ chưa dám, chưa thể đọc là đây ư? Sao thầy trẻ thế so với nhiều thầy cô trong khoa? Lúc đó, thầy Tấn chưa đến 30 tuổi nhưng thầy đã có đến gần 10 năm làm cán bộ giảng dạy Khoa Sử. Nghĩa là làm thầy từ năm 19 tuổi. Sau này được gần thầy nhiều, chúng tôi được biết thầy vốn là học trò từ đất Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du ra Hà Nội học đại học. Thầy ở trọ tại làng Kim Liên ven nội đô Hà Nội. Buổi sáng thầy theo học ngành khoa học tự nhiên; buổi chiều thầy học sử thuộc ngành Văn-Sử-Địa. “Có hoa tay” nên buổi tối thầy nhận kẻ vẽ biển quảng cáo kiếm sống…

Đáng lẽ trò phải tìm đến chào thầy trước, vậy mà thầy lại đến tận nơi chúng tôi ở trọ. Người thầy trẻ tuổi nhưng đã có vài chục công trình nghiên cứu, vài bộ sách, ngồi xuống bên chúng tôi: “Mình cũng vừa ăn sáng. Cũng sắn luộc thôi. Thứ sắn dù vùng này ăn vừa thôi. Dễ say lắm. Nếu say thì ở xóm bên có lò nấu mật mía, ăn mật hoặc mấy khẩu mía là đỡ say đấy”. Hóa ra thầy dễ gần song trong giảng dạy, trong chuyên môn thầy nghiêm khắc lắm, yêu cầu ở học trò cao lắm. Buổi học đầu tiên ngay trên mặt bằng chuẩn bị khai quật, thầy hỏi chúng tôi: “Tầng văn hóa khảo cổ học là gì?”. Rồi: “Đây nhé, cách vận dụng hình học, nguyên lý tam giác cân vào xác định góc vuông trên thực địa”… Chúng tôi vừa háo hức, vừa lúng túng. Thầy bảo: “Cậu nói trong tầng văn hóa có thể có cả quần áo vải vóc người cổ ư? Hay đấy”.

Thầy Tấn, một kho kiến thức, một trí tuệ sáng láng lại vừa gần gũi, vừa nghiêm đã cuốn hút chúng tôi. Từ ngày chuyển trường khỏi nơi sơ tán ở Đại Từ, Thái Nguyên về lại Hà Nội, chúng tôi càng có điều kiện tiếp xúc với thầy. Nhóm chúng tôi: Nguyễn Việt, Vũ Minh Giang và Nguyễn Mạnh Hùng thường tranh thủ buổi tối đến với thầy ở phố Phan Huy Chú. Một căn phòng đầy sách. Một bàn làm việc, một chiếc giường và bao câu chuyện, bao câu hỏi thầy trò.

Ngoài học tiếng Việt và Pháp văn ở trường, thầy Tấn biết chữ Hán từ nhỏ. Một hôm thầy kể chuyện Hồng Lâu Mộng cho em trai, bố thầy hỏi: “Ai dạy con học chữ Hán? Mà chữ này cũ rồi giờ có ai dùng”. Cậu con mới lớp 6 chỉ vào tủ sách của bố thưa: “Con lục sách của bố tự học thôi. Con thích được đọc”.

Chính người thầy rất mực thông minh ấy đã tự học chữ Phạn, rồi chữ Phạn cổ để đọc và giải nghĩa những dòng chữ Phạn cổ trên những chiếc cột khắc kinh Phật từ thế kỷ 8-9 còn sót lại ở cố đô Hoa Lư. Khi thầy Tấn tặng chúng tôi cuốn sách “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên-Mông thế kỷ XIII”, thầy cũng giảng giải cho chúng tôi tại sao thầy phải tìm tòi để chuyển ngữ chuẩn tên gọi của các tướng người Mông Cổ xưa theo đúng âm Mông Cổ. Thầy bảo “Mình không làm thì ai làm”… Thầy cũng giảng giải lý do thầy đi sâu vào nghiên cứu khảo cổ học bởi mọi tư liệu thành văn sớm muộn gì rồi giới nghiên cứu cũng sẽ vét cạn. Chỉ có tư liệu lịch sử từ lòng đất là sẽ có thể cho chúng ta cái mới. Từ Khoa Sử, từ thầy Tấn, chúng tôi được học các phương pháp luận sử học, học phương pháp nghiên cứu liên ngành. Khảo cổ học không thể tách rời dân tộc học, văn hóa dân gian, địa chất… Thầy còn dạy chúng tôi cả các môn về nhân chủng học, ứng dụng toán thống kê trong nghiên cứu sử học… Thầy trò chúng tôi còn có những buổi đi xem phim cùng nhau. Rõ ràng tướng Napoléon trong phim giúp chúng tôi hình dung thêm rõ hơn trong sách.

Một ngày thầy ốm, chúng tôi đến thăm. Thấy cuốn sách chữ Tây Ban Nha bên đầu giường, chúng tôi hỏi, thầy bảo: “Cả tuần ốm chẳng làm được việc gì, thử học tiếng Tây Ban Nha. Xong rồi, chẳng khó đâu”. Chuyện thầy trò đang sôi nổi thì có người đến. Chị Nga, con họa sĩ Mạnh Quỳnh đem cháo nóng đến cho thầy. Chúng tôi biết ý, xin ra về. Ít lâu sau, thầy mời chúng tôi đến dự bữa tiệc ngọt mừng thầy cưới vợ. Tiệc chỉ riêng thầy và trò để còn nói chuyện. Thầy mong ở học trò nhiều lắm. Những lần đi giảng bài ở Pháp, ở Nhật… trở về thầy cũng gọi sinh viên đến nhà để kể chuyện. Thầy muốn luôn được mở mang cách nhìn. Và thầy cũng biết chăm lo cho nhiều cán bộ của Viện Khảo cổ học và Khoa Sử đi học nghiên cứu sinh, dự các hội thảo khoa học ở nước ngoài. Với lứa chúng tôi, Nguyễn Việt, Vũ Minh Giang trò cưng của thầy đều làm luận án tiến sĩ và tiến sĩ khoa học. Mơ ước phục dựng được gương mặt người xưa đã được Tiến sĩ Nguyễn Việt thực hiện thành công. Câu chuyện “quần áo còn lại trong di chỉ khảo cổ” cùng những tục lệ ăn đất của một số vùng trên đất nước ta... cũng được Nguyễn Việt giải mã. Và nhiều nữa, nhiều nữa, những bạn tôi, những học trò lớp trước, lớp sau của thầy Tấn và “tứ trụ sử học" đã trưởng thành, đã thành những trụ cột mới, những giáo sư, phó giáo sư.

Với riêng tôi, sau khi “xếp bút nghiên ra trận” năm 1972, tôi không thể trở về với khảo cổ học. Nhưng sau ngày Đại thắng mùa Xuân 1975 tôi về Hà Nội đến thăm thầy, thầy kể: “Ngày ngày mình vẫn theo dõi từng bước tiến của quân ta và cả từng bước trên chiến trường của cậu qua các bài cậu viết trên Báo Quân đội nhân dân”. Với một học trò, có gì hạnh phúc, tự hào hơn thế.

Với chúng tôi, các thầy “tứ trụ sử học” đều đã trọn vẹn dâng hiến cho khoa học, cho sự nghiệp đào tạo. Và không chỉ các công trình nghiên cứu mà đức độ, sự quyết liệt trong tìm tòi và bảo vệ chân lý của những người làm sử nơi các thầy đã truyền lại thì mãi sinh sôi trong các thế hệ hôm nay và mai sau.

MẠNH HÙNG
( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan