VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC THIẾU TƯỚNG - AHLLVTND NGUYỄN BÁ TÒNG
BBT: Hôm nay chúng ta tiễn đưa Thiếu tướng - Anh hùng Trường Sơn Nguyễn Bá Tòng, Phó Chủ tịch Hội TSVN về nơi an nghỉ cuối cùng. BBT Trường Sơn trân trọng giới thiệu hồi ức của Đại tá Nguyễn Trọng Tạo, Hội viên Hội VHNT Trường Sơn tỉnh Hà Nam về kỷ niệm sự kiện Thiếu tướng về quê dự Đại hội thành lập Hội Trường Sơn xã Tịnh xá, TP. Phủ Lý, Hà Nam. Hồi ức là một nén tâm nhang tưởng niệm về Thiếu tướng - Anh hùng Nguyễn Bá Tòng.
NGƯỜI CON CỦA QUÊ HƯƠNG
Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang ND Nguyễn Bá Tòng
Nhận lời mời của Thường trực Đảng ủy, lãnh dạo UBND xã và Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn xã Trịnh Xá- thành phố Phủ Lý, Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Bá Tòng Phó Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam đã về dự Đại hội thành lập Hội truyền thống Trường Sơn xã Trịnh Xá.
Sáng ngày 14-6-2018 khi xe chở Thiếu Tướng vừa tới cửa trụ sở Đảng ủy, UBND xã, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Phạm Hồng Dũng cùng Phó Bí Thư, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phú Độ, Phó Bí Thư Đảng ủy Mai Tiến Đạt…đã ra tận xe đón Thiếu Tướng và các đồng chí cùng đi.
Trước khi về xã, tại trụ sở Thành ủy, UBND thành phố Phủ Lý, các đồng chí đại diện cho Thường trực Thành ủy, lãnh đạo UBND thành phố cùng đại biểu của Tỉnh hội, Thành hội truyền thống Trường Sơn đã đón chào Thiếu tướng. Và rồi đồng chí Lê Văn Dũng Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố cùng các đại biểu mời Thiếu tướng về quê hương Trịnh xá.
Tại Đại hội, niềm vui của các đại biểu về dự Đại hội như được nhân lên! nhiều cựu chiến binh Trường Sơn ở độ tuổi “xưa nay hiếm” ùa tới, tay bắt mặt mừng vây quanh Thiếu tướng, họ như không có khoảng cách giữa Tướng và quân mà chỉ có tình đồng chí, đồng đội, tình cảm quê hương bao trùm cuộc gặp gỡ chí tình này, nhiều người lần đầu tiên được gặp và cũng nhiều người đã lâu không được gặp! Cũng vì thời ấu thơ Thiếu tướng chỉ ở quê một thời gian ngắn, khi học chưa hết cấp I rồi cùng cha mẹ rời quê đi làm ăn, lập nghiệp ở quê người! Tuy vậy, một số đồng đội vẫn nhớ về cái thuở cùng nhau vui đùa đánh trận giả, cùng nhau xuống tắm dưới dòng kênh của làng Tràng…xã Trịnh Xá quê ông trước đây thuộc huyện Bình Lục, gần đây do điều chỉnh địa giới, Trịnh Xá đã thuộc thành phố Phủ Lý…Nhưng như cây có gốc, nước có nguồn, Thiếu tướng và nhiều đại biểu, đặc biệt lớp người đã từng đánh Pháp, đánh Mỹ đã tự hào về chặng đường dài từ ngày có Đảng, Đảng bộ, cán bộ, nhân dân Trịnh Xá đã phát huy truyền thống tốt đẹp của mảnh đất “địa linh nhân kiệt” của quê hương Bình Lục có truyền thống văn hiến lâu đời, nơi có tiếng trống Bồ Đề đã và sẽ vang vọng mãi, âm vang của một thời chống thù trong, giặc ngoài, không chỉ là đánh giặc ngoại xâm mà còn có ý nghĩa cho sự tiến lên xây dựng quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp hơn…
Nói về đại hội thành lập Hội truyền thống Trường Sơn ở sã Trịnh Xá- lẽ ra đã được tổ chức từ giữa năm 2015 sau khi hội truyền thống Trường Sơn thành phố được thành lập và là đại hội “điểm” đầu tiên của cấp phường, xã. Tiếc rằng, khi Ban vận động, sau là Ban liên lạc đã làm xong các thủ tục để tiến hành Đại hội thì đồng chí Trưởng ban vận động và là Trưởng ban liên lạc đã lâm bệnh! Tưởng chừng qua điều trị bệnh tật sẽ thuyên giảm. Nào ngờ do ảnh hưởng sự khốc liệt của chiến tranh, khắc nghiệt của chiến trường nên thời gian điều trị đã bị kéo dài…cũng bởi ông là người tâm huyết, có tinh thần vì đồng chí, đồng đội nên ông được các hội viên trân trọng, quý mến cứ chờ đợi khi nào ông khỏi bệnh và khỏe mạnh sẽ tiến hành đại hội và bầu ông làm Chủ tịch nhưng rồi, ông đã ra đi trong sự tiếc thương của gia đình và đồng đội!
Vậy là đại hội thành lập Hội truyền thống Trường Sơn xã Trịnh xá lúc này lại là đơn vị cuối cùng của 21 phường xã ở Thành phố Phủ Lý. Với 100% xã, phường có hội, hơn 850 hội viên đã tham gia tích cực trong nhiều hoạt động và có những mặt nổi trội so với các đơn vị huyện hội trong tỉnh…Đây cũng là đơn vị hội được sự quan tâm sâu sắc của Thành ủy, UBND thành phố, của cấp ủy, chính quyền các xã, phường cùng các ban ngành, đoàn thể của thành phố. Đồng thời cũng do sự tự thân vận động của các đồng chí lãnh đạo thành hội. Đặc biệt vai trò của đồng chí Nguyễn Minh Tuấn nguyên phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố từ khi tham gia là Chủ tịch danh dự của Hội truyền thống Trường Sơn thành phố.
Phát biểu với đại hội, Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng đã nêu bật về những năm tháng hào hùng của Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, về tình đoàn kết quốc tế, Việt Nam- Lào- Căn PuChia, một huyền thoại và đã trở thành di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt! Giờ đây, chúng ta tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, tình nghĩa Trường Sơn. Quán triệt sâu sắc tư tưởng “tập hợp- đoàn kết- tổ chức vững chắc- hoạt động hiệu quả”. Làm tốt việc tri ân các gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống góp phần bảo đảm an sinh xã hội, làm tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của hội viên theo quy định của pháp luật, giúp đỡ hội viên giải quyết tồn đọng chính sách sau chiến tranh…động viên cán bộ, hội viên gương mẫu chấp hành và thực hiện tốt đường lối, nghị quyết, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh và các phong trào, các cuộc vận động do địa phương tổ chức và phát động, tiếp tục củng cố và nâng cao uy tín, vị thế xã hội của Hội…Trước mắt là đẩy mạnh các hoạt động tiến tới chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định mở đường Hồ Chí Minh và là ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn (19-5-1959/19-5-2019). Cũng trong cuộc gặp gỡ này, Thiếu tướng đã có hoa, quà tặng đại hội và chào mừng Đại hội đã thành công tốt đẹp.
Sau khi dự đại hội, Thiếu tướng đã về thăm họ hàng, thắp hương bái yết tổ tiên! Mặc dù giữa trưa hè nóng bỏng, thiếu tướng vẫn khoan thai bách bộ trên con đường làng biết mấy thân thương. Thiếu tướng kể với tôi rằng: Bố mẹ ông đã rời quê hương lên phố Kép- Bắc Giang làm ăn từ những năm 1944-1945, sau đó lại bôn ba lên xóm Đồng Bụt xã Yên Bình huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn và rồi ở đó cho tới ngày quy tiên về với trời đất! Thiếu tướng là con thứ 3 của mẹ cùng với 2 chị gái, 1 em gái và có người dì cùng sinh ra được 5 người con bốn gái, một trai…Khi ông Tòng đến tuổi đi học, năm 1958 bố ông đã cho ông về quê ở thôn Tràng xã Trịnh Xá học, chưa hết cấp I rồi người chị gái lại đón lên Hữu Lũng cho đi học ở huyện tới hết cấp II…và rồi, tháng 9-1965 ông lên đường nhập ngũ, cùng lúc đó đã có giấy gọi đi học lớp đào tạo kế toán của huyện. Nhưng ông chọn con đường binh nghiệp! Đơn vị đầu tiên sau khi nhập ngũ là đại đội Pháo Cao xạ 100 ly do tỉnh đội Lạng Sơn quản lý và rồi vừa tập luyện theo những đồng chí đi trước vừa tiếp tục chiến đấu, ngày đêm đơn vị cơ động để gây bất ngờ cho máy bay Mỹ, suốt các tỉnh Lạng Sơn- Thái Nguyên- Vĩnh Phúc- Phú Thọ…Dấu ấn đầu tiên là ngày 12 tháng 12 năm 1966 khi đơn vị ông cùng các đơn vị bạn bảo vệ khu gang thép Thái Nguyên đánh máy bay Mỹ 4-5 trận trong một ngày, cả ban ngày và ban đêm, địch đánh cả vào trận địa và ngày hôm đó 4 máy bay Mỹ đã bị bắn rơi. Trực tiếp đơn vị ông hạ gục một chiếc F105. Sau trận chiến đấu ông được Báo Nhân dân đăng hình ảnh ông cùng đồng đội dũng cảm chiến đấu. Hoặc như ngày 30-7-1967, đơn vị ông cũng cùng các đơn vị bạn bắn rơi 2 máy bay Mỹ, đơn vị ông bắn rơi 1 chiếc F4. Nhưng trong trận chiến đấu đó, 6 đồng đội đã hy sinh, 5 đồng đội bị thương! ngày 20-10-1967 đơn vị của ông lại lập công, cùng các đơn vị bạn tại thị xã Lạng Sơn đánh liên tục 3-4 trận, bắn rơi 3 máy bay Mỹ…
Vậy là những ngày tháng đó, có một sự trùng hợp, tôi cũng ở đơn vị pháo cao xạ 100 ly của Bộ Tư lệnh phòng Không Hà Nội từ ngày 30-4-1966, cũng cơ động nhiều nơi ở Hà Nội và các tỉnh lân cận của Thủ đô và đã tiêu diệt nhiều máy bay của giặc Mỹ.
Thiếu tướng kể tiếp: Cuối năm 1968 ông được chuyển đơn vị sang D24 F 304B huấn luyện và tháng 11 năm 1969 đơn vị vào Quảng Bình rồi chuyển sang Trung đoàn 98 công binh- Bộ Tư lệnh 559. Lúc này ông là Trung sỹ tiểu đội trưởng ở binh trạm 42 với nhiệm vụ mở đường trọng điểm. Trong khi mở 16 km để thông xe gấp, ngày đầu tiên ra quân đã bị địch đánh vào đội hình tiểu đội, một đồng chí hy sinh, anh là Vi Văn Hán, một người bị thương là Hoàng Văn Dũng và đêm đó được nếm mùi B52, cả trung đội Trưởng, trung đội Phó đã bị thương, đây là địa điểm gần sát Trị Thiên- Huế và khu 5. Từ sau thắng lợi Mậu Thân 1968 khi Mỹ phải ném bom hạn chế miền Bắc nhưng chúng lại tập trung đánh phá từ vĩ tuyến 19 trở vào. Đặc biệt ở khu vực Trường Sơn. Và cuộc hành quân Lam Sơn 719 Gian Sơn CiTy mà Mỹ hí hửng sẽ chặn đứng sự chi viện của miền Bắc với miền Nam đã thất bại! Làm cho Lầu Năm Góc đau đầu, chúng càng điên cuồng hơn. Vậy là một sự trùng hợp nữa, lúc này, tôi cũng đang có mặt ở Trường Sơn, đơn vị pháo cao xạ 37ly và 23ly: C38 D14 E232 Binh trạm 14 Đoàn 559: Trực tiếp đánh địch ở khu vực trọng điểm ATP: Có Cua Chữ A; Lùm Bùn- Ka tốc, Ngầm TaLê,đèo Phu LaNhích…
Khi tôi nhắc đến những kỷ niệm ở Trường Sơn, Thiếu tướng cũng xúc động và nói về việc mở đường lúc đó rất khó khăn vì vướng đá, Choòng và cuốc chim không thể đục được năng xuất cao. Đêm nằm nghe B52 gầm xé ghê rợn không sao ngủ được. Ông đã nghĩ ra cách tháo bom của địch lấy thuốc nổ để phá đá mở đường. Ông rủ một đồng đội tên là Tụ, một thanh niên cao to người của dân tộc ra trọng điểm tìm bom, moi thuốc về cho đơn vị tổ chức nổ mìn phá đá góp phần mở đường và sớm hơn kế hoạch 7 ngày- Ông đã được cấp trên biểu dương, khen thưởng. Đây là những việc làm thật hiếm hoi.
Càng nghe Thiếu tướng kể tôi càng cuốn hút và đề nghị ông tâm sự tiếp về những dấu ấn của thời gian. Ông kể trong chiến dịch Đường 9 Nam Lào, ở giai đoạn tổng tiến công kết thúc chiến dịch, lúc đó là 23 giờ ngày 12-3-1971, cấp trên lệnh cho Bộ Tư lệnh 559 đưa gấp 150 xe chở vũ khí và hàng vào tiếp viện cho chiến dịch, Thê đội đầu tiên của tiểu đoàn 62 đến đỉnh U Bò, ngã ba La Hạp, chiếc đi đầu bị trúng đạn 25 ly ngay ở nơi cua gấp, một bên là vực, một bên là núi, không có một phương án nào khắc phục. Tổ chốt ở trọng điểm tất cả đều bị thương, trong khi địch vẫn đánh quyết liệt. Lúc này ông ở cách đó 2 cây số, ông đã nhanh chóng gùi bộc phá vừa chạy, vừa tránh từng đợt bom đạn và tiếp cận mục tiêu, ông nhanh chóng thao tác. Không có dây, ông cắt áo may ô đang mặc nối lại làm dây buộc bộc phá, cắt ngắn dây cháy chậm chỉ còn 20cm, châm lửa dây cháy chậm, lao vào xe đặt ở cầu sau xe đang cháy rừng rực rồi nhanh chóng thoát ra, mới chạy được gần chục bước chân thì bộc phá nổ và cả bom của máy bay địch cũng nổ, ông bị hất xuống Taluy đường, đất đá vùi lấp khắp người, ông bất tỉnh! Sáng hôm sau khi tỉnh, biết mình đang nằm ở bệnh xá trung đoàn. Ông hỏi đồng đội khi tới thăm, mọi người cho biết, việc làm của ông là rất tốt, đã giải cứu được đoàn xe, cấp trên điện biểu dương và đề nghị tặng huân chương chiến công hạng Nhì! Ông thực sự phấn khởi và xúc động. Nghĩ lại, không hiểu sao mình lại hành động giải cứu được tình huống như vậy?
…Còn nữa, ngày 19-10-1974, khi ở thời điểm Bộ Tư lệnh Trường Sơn cùng toàn quân chuẩn bị cho tổng tiến công. Lúc này, ông là chính trị viên đại đội. Vào lúc 12 giờ đêm, ông nhận được lệnh của trung đoàn trưởng Đoàn Ngọc Lập: “ngày mai đồng chí đón Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đi kiểm tra nhiệm vụ và sẽ ăn cơm trưa tại đơn vị”. Ông vừa mừng lại vừa lo. Nhưng vì lần đầu tiên được gặp Trung tướng Tư lệnh, lo là báo cáo thế nào? Rồi ăn trưa ra sao? Từ khi nhận lệnh cho tới sáng ông không ngủ được, ông ngồi viết báo cáo, đọc lại thấy hơi dài, không ổn! “ông quyết định sẽ báo cáo miệng”. Vậy là ông gạch đầu dòng vào sổ tay. 6h 30 sáng ông đã triệu tập họp cán bộ để triển khai công việc. Khoảng 9h ông và 2 cán bộ trung đội cùng y tá và công vụ ra đầu cung đường đơn vị phụ trách đón Tư lệnh. Đến 10h 15 Tư lệnh cùng một số cán bộ đi trên chiếc xe con tới, Tư lệnh bước xuống xe, ông Tòng chào theo tác phong quân đội, nhìn Tư lệnh cao to, đi đôi ủng, mặc quân phục có cầu vai, đội mũ mềm có ngôi sao, trông thật oai vệ…(chưa bao giờ ông Tòng thấy như thế!). Tư lệnh hỏi “đơn vị đồng chí đảm bảo bao nhiêu km đường?”. Ông báo cáo: Đơn vị chúng tôi đảm nhiệm 20 km đường và một bến phà vượt sông Bung, công việc chúng tôi làm là nâng cấp, mở rộng đường và đảm bảo phà thông suốt…Tư kệnh gật đầu và nói: Đồng chí lên xe về đơn vị. Lần đầu tiên được đi xe con cùng Tư lệnh- Sao mà sướng thế!
Về đơn vị, ông báo cáo thêm với Tư lệnh về tư tưởng cán bộ chiến sỹ, sức khỏe và đời sống…Mong muốn của anh em là được về thăm gia đình…Tư lệnh nói một số tình hình về các đơn vị của Bộ Tư lệnh, trong đó có một ý là “tình hình cách mạng sẽ có bước đột phá lớn…” và cũng sẽ nghiên cứu để đáp ứng nguyện vọng của anh em. Đồng thời cần động viên tốt cán bộ chiến sỹ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Sau khi gặp gỡ đơn vị, Tư lệnh đã cùng ăn cơm với đơn vị. Cơm có trứng tráng, cá rán, nấu diêu chua, rau cải sào. Tư lệnh vừa ăn vừa khen, nếu các đồng chí tổ chức ăn thường xuyên được thế này thì tốt, cần chăm lo sức khỏe cho anh em. Một bữa cơm ấm tình đồng chí, đồng đội để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho ông và cán bộ tiếp Tư lệnh. Cơm nước xong, đơn vị mời Tư lệnh nghỉ trưa, nhưng Tư lệnh nói cần đi ConTum để làm việc với tỉnh. Ông và cán bộ chiến sỹ tiễn Tư lệnh qua sông bằng phà. Nước sông Bung dâng cao, đục ngầu vì ảnh hưởng cơn bão số 12 năm đó, cách bến vượt 70m hạ lưu là con thác chảy xiết phát ra tiếng ầm ầm suốt ngày đêm, tung ra những dòng bọt và nước trắng xóa. Tiễn Tư lệnh qua sông an toàn, ông nhắc anh em chú ý neo phà vì lũ đang về, nhưng khi đưa Tư lệnh lên khỏi dốc hơn chục mét thì có tiếng “phựt”, nhìn lại, thấy dây neo phà bị đứt, phà trôi dần ra giữa dòng, ông hô anh em cứu phà, nhưng không ai thao tác kịp, ông cứ như thế cả quần áo lao ra bơi bám lấy phà và leo lên phà. phà cứ trôi băng băng, mọi người trên bờ gọi to “bỏ phà bơi vào thôi! sắp tới thác rồi đấy!” lúc này một số dân bản cùng chạy theo hô! “Này bơi vào đi, nguy hiểm lắm!”. Lúc đó ông thực sự như bất lực. Nhưng nghĩ “đây là vũ khí, là phương tiện” nếu không có phà tối đó xe qua thế nào? và Tư lênh cũng đã nhắc nhở về nhiệm vụ quan trọng đã đến gần. Vậy là ông lần cởi hết quần áo dài xem lại đoạn dây neo phà còn lại, dự tính tình huống cuối cùng…khi Phà trôi cách thác khoảng 20m, thì có một xoáy nước xoay phà một vòng tròn để trước khi lao xuống thác. Bỗng nhiên phà liệng đến một cây cổ thụ có cành xòe sát xuống mặt nước, bởi nước dâng cao. Ông nhanh chóng nhảy khỏi Phà và cầm đoạn dây neo phà quấn chặt vào một ngọn cây, phà bị đẩy ra nhưng được giữ lại, ông thở phào biết là thoát chết “cả người và phà”. Nếu phà lao xuống thác thì cả phà và người sẽ tan xác. Ông đã kịp thời kêu mọi người mang dây, bơi ra buộc và kéo phà vào bờ. Đêm đó đơn vị tiếp tục đưa các đoàn xe qua sông an toàn…
Vậy là cuộc gặp gỡ chí tình, thắm đượm tình đồng chí, đồng đội, đồng hương giữa Thiếu tướng và các đại biểu về dự Đại hội- Hội truyền thống Trường Sơn xã Trịnh Xá đã thật sự ấn tượng! Những kỹ ức thuở ấu thơ và thời trận mạc của ông là những kỷ niệm, những dấu mốc vinh quang, là những sự tích anh hùng của một người lính trên con đường binh nghiệp! Và cũng thật trùng hợp, trong chặng đường ông hành tiến thì tôi và ông gần như cùng đồng hành từ trong những năm tháng chiến đấu ở miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ cho tới những năm tháng ở Trường Sơn. Cho dù nhiệm vụ của từng quân binh chủng có khác nhau nhưng cùng chung một mục tiêu là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào!”- vì nền độc lập tự do, thống nhất bờ cõi non sông của Tổ quốc.
Đại tá: NGUYỄN TRỌNG TẠO
Phó chủ tịch Thường trực Hội Trường sơn Hà Nam
ĐT: 0913067471