Bàn thờ Bác Hồ, thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp của gia đình CCB là Chiến sỹ Trường Sơn

Ngày đăng: 07:12 28/12/2019 Lượt xem: 776
BÀN THỜ BÁC, THỜ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
CỦA GIA ĐÌNH CCB LÀ CHIẾN SỸ TRƯỜNG SƠN!

Nguyễn Văn Cường
 
         Thượng tá Nguyễn Văn Dụ năm nay đã 73 tuổi đời, 53 tuổi Đảng, sinh hoạt Đảng và hội CCB tại phường 22 quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Trong kháng chiến chống Mỹ ông có 10 năm tham gia chiến tranh, được thưởng huân chương kháng chiến hạng hai; trong hòa bình ông có thành tích xây dựng và huấn luyện quân đội, được giao đảm nhiệm nhiều chức vụ, cao nhất là phó hiệu trưởng Chính trị, Bí thư Đảng ủy trường Trung cấp kỹ thuật Hải quân thuộc quân chủng Hải Quân, ông được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng 3.
         Là người lính Trường Sơn năm xưa với ông Đảng Cộng sản Việt Nam, Bác Hồ và Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp luôn trong tim, là thần tượng của mình. Đọc thơ của ông tôi nhớ mấy câu: “ Với Đảng sống trọn tấm lòng – Công ơn núi Tản, biển Đông nào bì – Ơn Người đã dắt tôi đi – Đã cho tôi có những gì hôm nay…” Những câu thơ ấy của Đức Dụ (Nguyễn Văn Dụ) đã phần nào nói lên lẽ sống và đời sống thực của ông, đã giúp tôi một đồng nghiệp của ông cùng trong quân chủng Hải quân lý giải được thắc mắc của mình trước đây là: Vì sao ông Dụ lại có thể sẵn sàng từ bỏ những cám dỗ đời thường về chức quyền như: mười lăm năm chỉ làm trợ lý chính trị của nhà máy Ba Son vẫn không chuyển ngành ra đảm nhiệm chức danh theo mời gọi của thành phố HCM,  và khi có điều kiện thăng tiến từ phó hiệu trưởng Chính trị Bí thư Đảng ủy trường Trung cấp kỹ thuật Hải quân lên các chức vụ cao hơn ông lại xin nghỉ hưu mặc dù ngày ấy ông mới năm mươi tuổi.
         Khi về đời thường ông liên tục tham gia các công tác của địa phương suốt 24 năm, ông nhận làm những chức vụ mà người ta cho là : “ Ôm rơm rặm bụng” như: Bí thư chi bộ, trưởng ban điều hành khu phố, phó chủ tịch UBMT TQ phường, phó chủ tịch rồi Chủ tịch hội CCB phường v.v…Năm nay đã 73 tuổi ông vẫn làm Chủ nhiệm câu lạc bộ truyền thống kháng chiến phường 22; Phó ban liên lạc truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh thành phố; UV BCH Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam và tham gia nhiều ban liên lạc các hội truyền thống khác, vậy mà công việc nào được giao ông cũng hoàn thành tốt, tổ chức nào có ông tham gia cũng hoạt động sôi nổi. Ông Nguyễn Văn Dụ vinh dự được Bộ Công An tặng huy chương Vì an ninh Tổ Quốc, UBND thành phố Hồ Chí Minh tặng nhiều Bằng khen và huy hiệu thành phố Hồ Chí Minh, liên tục nhiều năm ông là gương tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh của phường 22 và quận Bình Thạnh.


Thượng tá Nguyễn Văn Dụ (áo trắng) thăm Chiến sỹ Lữ đoàn Trường Sa tại Cam Ranh – Khánh Hòa.
 
         Trong khuôn khổ bài viết này và câu chuyện kể ra đây tôi không nêu những thành tích của thượng tá Nguyễn Văn Dụ mà nói lên cảm nghĩ của mình về bàn thờ Bác và Đại tướng được lập tại nhà ông, một bàn thờ rất đặc biệt, lúc nào cũng có hoa sen, hoa tươi, một “nắm đất và lọ nước thần”.
         Chuyện là: vào năm 2004 khi hội CCB phường 22 tổ chức chuyến về nguồn thăm căn cứ cách mạng tại Cao Bằng – Bắc Cạn – Lạng Sơn. Khi tới căn cứ Núi Các Mác, suối Lê Nin ở Cao Bằng ông Nguyễn Văn Dụ rủ tôi và đại tá Hà văn Chín ngược dòng suối Lê Nin tới chỗ có dòng nước từ khe núi đá chảy ra, tại đây ba chúng tôi đều vục những giọt nước trong mát lên uống và rửa mặt, lúc ấy ông Dụ lấy ra chai nước suối mang theo, đổ bỏ nước, bóc vỏ chai, súc rửa cẩn thận rồi lấy một chai nước mang lên xe, tôi cứ nghĩ là ông Dụ lấy nước suối lên xe để uống.
         Vào đến  hang Pắc Pó tôi lại bất ngờ thấy ông làm động tác quỳ xuống vái lậy linh hồn của Bác và xin Bác một nắm đất. Rút chiếc khăn mùi xoa mới từ túi áo ra, ông trải suống nền hang bọc nắm đất mang về. Tôi tuy ngạc nhiên nhưng vô tình không hỏi ông lấy những thứ ấy về để làm gì? Và rồi năm tháng cứ qua đi tôi không có dịp hỏi về chai nước và nắm đất ấy.
         Sau mười lăm năm vào một ngày gần đây tại nhà ông, sau cuộc họp của của Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến phường 22 câu chuyện được “bật mí”. Ông cho chúng tôi biết là: nắm “đất thần” và “lọ nước thần” ngày ấy đã được ông đem về bao gói cẩn thận, đặt trang trọng trên bàn thờ Bác suốt từ ngày ấy đến nay và sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời được ông thờ chung Bác Hồ và tướng Giáp. Chúng tôi tò mò hỏi về ý nghĩa việc làm của ông, được ông trả lời: “ Với Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại tướng Võ Nguyên Giáp còn có gì hơn là đất và nước. Nước của suối Lê Nin và đất của hang Pắc Pó chẳng phải là vật linh thiêng, là kỷ vật muôn đời của Bác và Đại tướng để lại cho chúng mình hay sao?”.
         Nghe ông Dụ nói, tôi vô cùng xúc động, hiểu được ý nghĩa của việc ông làm tôi ngộ ra một điều là chính cái tâm của ông, người Cộng sản chân chính và trung thành với Đảng và Bác Hồ, với đất nước đã cho ông nguồn sức mạnh và cũng chính nguồn sức mạnh ấy đã giúp ông thành công từ suy nghĩ đến việc làm, thành công trong ứng sử với công tác; thành công trong giáo dục và nuôi dạy con cháu trở thành những công dân tốt, những nhân tài của đất nước; gia đình của ông và của các con của ông đều là những gia đình văn hóa, gia đình hạnh phúc tiêu biểu.
         Xin phép ông, Thượng tá Nguyễn Văn Dụ cho tôi được kể câu chuyện này với bạn đọc của của CCB và người dân thành phố Hồ Chí Minh, thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.
 
Nguyễn Văn Cường
Uỷ viên BTV hội CCB ph. 22, Q. Bình Thạnh, tp Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0903961897.

tin tức liên quan