"Nồi súp đêm ba mươi tết" - Truyện ngắn của Nguyễn Đại Duẫn

Ngày đăng: 07:20 24/01/2020 Lượt xem: 583

----------------------------------------------------------------------

NỒI SÚP ĐÊM BA MƯƠI TẾT 
Truyện ngắn
 
         Ba chúng tôi là lính kho. Không phải kho súng đạn, kho lương mà là kho…xi măng. Đơn vị chúng tôi thuộc binh chủng Công binh, làm cầu trên đất nước bạn Lào. Công việc của chúng tôi là xuất nhập kho và gác bảo vệ kho.
         Chúng tôi sinh cùng năm, vào lính cùng ngày, cùng về làm thủ kho, tuy mỗi đứa mỗi quê nhưng quí nhau lắm. Ngoài việc giữ kho chúng tôi còn tăng gia cải thiện bếp ăn. Nào trồng rau, trồng sắn, nuôi gà…Đất vùng này tốt nên rau, sắn lên nhanh lắm. Gà cũng chóng lớn, cơ man nào là mối, giun chúng ăn không xuể. Cứ chiều thứ bảy, cậu Thắng vào bản kiếm xị “cay” về làm một con gà nhậu chơi. Đêm đến, ba cái đầu chụm trên bao gạo miên man trò chuyện. Thắng nói:
- Xong nghĩa vụ mình sẽ thi vào Đại học Bách khoa, rồi nghiên cứu cái máy phát điện, không cần cắm dây, có hệ tự động làm bóng sáng. Không như chúng mình ở đây, chỉ có điện ở Tiểu đoàn bộ chứ nơi mình tối om.
         Cậu Quảng mơ ước:
- Sau này mình sẽ thi Đại học Y, làm Bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ kẻo mẹ đau dạ dày thấy thương lắm.
          Còn tôi, tôi sẽ thi vào Sư phạm. Bố tôi bảo làm nghề dạy học nghèo nhưng thanh cao, được cái đức, cái tâm. Rồi một lúc, cả ba đứa “phì phò” như bệ lò rèn bên đống bát chén chưa dọn.
         Vậy mà đã sắp tết. Đơn vị cho anh em về quê ăn tết gần một nửa quân sô. Lính kho chúng tôi không được về. Mùa này là mùa khô, thuận lợi cho việc thi công nên kho đầy ắp xi măng, sắt thép.
          Hằng, cô bạn gái của Quảng cũng  được về quê ăn tết trong dịp này. Tội cho Quảng, mấy hôm nay cứ thẩn thơ. Hỏi ra mới biết, cậu ta muốn mua món quà làm kỷ niệm cho Hằng mà không có tiền. Chúng tôi đóng quân ở Lào, đơn vị lo cái ăn, cái mặc không phát phụ cấp. Phụ cấp chiến sĩ được Tài vụ Sư đoàn gửi tiết kiệm trên đất Việt, khi ra quân mới được nhận nên muốn mua thứ gì cũng khó khăn. Tôi gợi ý với Quảng:
- Hay là ta vào bản bán hai con gà trống, mua tấm vải váy Lào làm quà cho Hằng!
         Nghe thế  Quảng thích lắm, nhưng vẫn lưỡng lự:
-  Cậu Thắng không đồng ý thì sao? Cậu ấy cứ chọn mãi hai con gà trống này để chuẩn bị cho đêm ba mươi tết đấy!
         Tôi trấn an:
- Không sao đâu, mọi việc để tớ lo!
Tôi và Quảng đưa hai con gà vào bản. Đến một cửa hàng nhỏ bên đường, tôi nói:
- Phò (bố) ơi! Mua giúp cho chúng con hai con cầy phụ (gà trống) này!
         Ông cụ nhìn chúng tôi và nói:
- Đồng bào không mua bán, đổi chác với Bộ đội mô! Nghe vậy chúng tôi thất vọng quá, nhưng phò nói tiếp:  - Cán bộ “hắn” nói, đồng bào với Bộ đội là anh em nên chỉ giúp nhau thôi. Bộ đội giúp đồng bào cái con gà thì đồng bào giúp lại Bộ đội cái vải này !
         Thế là có tấm vải, hai đứa mừng lắm.  Chúng tôi về doanh trại của Hằng để Quảng có dịp tặng quà. Tôi giả vờ đi có việc, còn lại Quảng và Hằng…
         Chia tay Hằng ra về, chúng tôi không quên gửi lời chúc tết gia đình. Nhìn sắc thái, tôi biết Quảng đang vui lắm, vừa đi vừa huýt sáo rất kêu.
         Đêm thượng tuần, trời mờ đục. Ba đứa kê tấm ván bên gốc cây ngồi uống nước. Chuyện về những kỉ niệm tết quê, chuyện về mẹ đang cấy vội mấy sào ruộng khoán cho kịp tết, bố đang chuẩn bị gói bánh chưng…Đang chuyện trò say sưa, bỗng Thắng hỏi:
 - Hôm nay tớ không thấy hai con gà trống đâu, hay chồn nó bắt mất rồi? Tớ mới về Sư đoàn một ngày ở nhà các cậu làm thịt rồi chắc? Chết với tớ đấy! Để tớ xuống chuồng xem sao?
         Quang chột dạ, tôi chen vào:
- Cậu không cần xuống chuồng đâu! Gà, tớ đã om rồi. Ông nội tớ bảo, gà tết phải nuôi om mới tốt.
        Rồi tết cũng đã đến. Tối 30, chúng tôi chuẩn bị mâm cỗ đón giao thừa. Mâm cỗ đơn sơ nhưng cũng tươm tất. Nào thịt lợn, giò nạc, cá hộp, bánh kẹo đơn vị mới cấp, chỉ thiếu dưa hành và phong pháo. Mâm cỗ được bày lên, tôi bảo Thắng về đơn vị lấy tiêu chuẩn rượu, trà, thuốc còn tôi với Quảng làm thịt gà.
         Thắng đi rồi, chúng tôi ra suối, không phải làm thịt gà mà làm thịt nhái, nhái hai đứa bắt sẵn mấy hôm trước. Hai đứa làm xong cho ít sắn đã nạo nhỏ, ít mỡ và gia vị vào nấu súp.
         Đêm giao thừa, mâm cỗ được soạn lên. Chúng tôi cùng ngồi cầu nguyện năm mới đến những điều tốt lành. Nhìn mâm cỗ, Thắng hỏi: 
- Sao không thấy thịt gà đâu?
Tôi nháy mắt với Quảng và nói:
 - Chúng tớ đổi món gà luộc thành gà súp rồi. Chốc nữa thưởng thức thì biết. Món mới học lỏm được từ các nọng (em) trong bản đó!
         Cả ba chúng tôi ăn uống vui vẻ. Món súp “gà” thế mà ngon đáo để. Cậu Thắng múc đến bát thứ ba mà còn thấy thèm. Đến bát thứ tư, cậu ta ăn phải cái xương. Đưa cái xương ra xem, cậu ta nói:
- Không phải xương gà! Xương gì đây? Rồi hốt hoảng hét lên: - Ôi! xương nhái.
          Thế là nó bỏ bát đũa, nôn ọe. Vào bếp múc nước súc miệng, nhổ nước bọt liên tục. Nhưng than ôi! Tất cả đã vào dạ dày rồi làm sao mà nhái chạy ra được. Thế là nó ọe khan. Rồi nó nổi đóa lên. Nó là đứa “dị ứng” với thịt nhái. Đó là do một buổi đi công tác dân vận về việc an toàn kho cho Bộ đội khi đồng bào đốt rẫy. Chúng tôi được dân bản chiêu đãi một món ăn địa phương là nhái om măng. Từng con nhái sống thả vào nồi măng chua, nóng quá chúng chui vào ống măng. Con nào không chui được thì ôm lấy khúc măng, mắt trợn trừng trong gớm giếc. Nhưng chỉ khách đặc biệt mới được mời đó. Lúc đầu chúng tôi thấy sợ  không dám ăn, sau đói quá, có tý rượu vào rồi ăn cũng thấy ngon. Chỉ có Thắng là không thể nào ăn được. Nó nhìn bát canh rồi chạy ra vườn nôn thốc nôn tháo. Về nhà hai ngày sau mới ăn cơm được. Từ đó hễ thấy nhái là nó “dị ứng”.
         Chúng tôi dọn “chiến trường”. Quảng sợ Thắng biết chuyện  nên cứ lấm la lấm lét. Chờ cho Thắng đỡ cơn “dị ứng”, tôi đến nói sự thật mọi chuyện với nó, nghe ra nó mới chịu im lặng và thông cảm.
      Sáng mồng một tết. Mới tinh mơ, Thắng dậy sớm gọi chúng tôi, rồi nói to:
- Chà! Hôm qua nhờ nồi súp mà mình đỡ say rượu thì phải! Mọi hôm liên hoan,  nếu uống chừng ấy thì say mèm. Thế mà hay.  Nghĩ lại, tớ thấy món súp “gà - nhái” thế mà ngon. Lâu nay mình dị ứng nên không biết chế biến… Giá như bây giờ có một bát mà ăn!
          Tôi với Quảng cùng bật cười:
 - Mồng một tết mà ăn súp nhái thì ăn cả năm. Ai mà chịu thấu! Thôi đi ông bạn! Chuẩn bị mặc áo quần chỉnh tề về Tiểu đoàn bộ đón năm mới.
          Ra tết, Hằng đến thăm chúng tôi, mang theo bao nhiêu là quà tết. Nhưng thấy Hằng buồn buồn. Tôi đánh bạo hỏi. Hằng phàn nàn với chúng tôi về việc bán gà tết mua quà tặng. Hằng buồn vì lẽ đó. Tôi xin lỗi, do tôi chủ mưu chứ không phải Quảng. Rồi chúng tôi bày quà tết cùng ăn. Hằng vui trở lại huyên thuyên chuyện tết quê nhà.
Trời tối dần, chúng tôi cùng nhau ngồi dưới gốc cây uống trà, đếm sao, nói chuyện ước mơ sau này xuất ngũ. Ngoài bìa rừng, từng đợt gió ùa về lao xao cành lá, tiếng con suối rì rào như bản nhạc du dương đang xen vào những cảm xúc mùa xuân.
 
Nguyễn Đại Duẫn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
DĐ: 0977194533


tin tức liên quan