60 năm trước, Bác Hồ mở đầu Tết trồng cây

Ngày đăng: 10:16 26/01/2020 Lượt xem: 583


                       60 năm trước, Bác Hồ mở đầu Tết trồng cây


                                              Nguồn: Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân


Một trong những di sản tinh thần vô giá Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng ta, nhân dân ta, đó là phong trào Tết trồng cây, mà đến nay và mãi về sau, chúng ta luôn luôn ghi nhớ, học tập và phấn đấu thực hiện tốt.

 

Cách đây tròn 60 năm, ngày 11-1-1960, vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 1960, trong không khí sôi nổi mừng Đảng, mừng xuân, Bác đã trồng cây đa tại Công viên hồ Bảy Mẫu (sau này là Công viên Thống Nhất; nay là Công viên Lênin), mở đầu cho một phong trào mới tốt đẹp vào dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc-Tết trồng cây.

60 năm trước, Bác Hồ mở đầu Tết trồng cây
Bác Hồ trồng cây ở Công viên Thống Nhất, Hà Nội, ngày 11-1-1960. Ảnh: Tư liệu

Trước đó, ngày 28-11-1959, hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng và đón Tết cổ truyền của dân tộc, với bút danh Trần Lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Tết trồng cây” đăng trên Báo Nhân Dân, chính thức khởi xướng, phát động phong trào Tết trồng cây. Người mong muốn đây là một trong các hoạt động thiết thực kỷ niệm Ngày thành lập Đảng vào dịp đầu xuân mới.

Tết Nguyên đán Canh Tý 1960 là Tết đầu tiên nhân dân ta hưởng ứng lời kêu gọi thực hiện Tết trồng cây của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bác là người gương mẫu thực hiện trước. Bác cùng cán bộ, nhân dân trồng cây ở Công viên hồ Bảy Mẫu. Từ đó, Tết trồng cây luôn gắn liền với Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, trong dịp cả nước mừng Đảng, mừng xuân.

Qua theo dõi phong trào toàn dân tham gia Tết trồng cây đầu tiên, ngày 19-1-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây đã thắng lợi bước đầu” để cổ vũ, động viên phong trào trồng cây của nhân dân; tiếp đó, Người viết bài “Thêm vài ý kiến về Tết trồng cây” nhằm uốn nắn những nhận thức không đúng về phong trào... 

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng trồng cây đại ở Ấn Độ, trồng cây sồi ở nước Nga và Người gọi đó là những “cây hữu nghị”. Người mong muốn nhân dân mỗi nước đều có trách nhiệm giữ gìn, vun trồng cho “cây hữu nghị” ngày càng tươi tốt, vững bền. Khi đế quốc Mỹ và tay sai dùng chất độc hóa học và bom napan hủy diệt cây cối của đồng bào ta ở miền Nam và hàng triệu héc-ta rừng, Người kêu gọi nhân dân miền Bắc “trồng cây cho ta và cho cả đồng bào miền Nam nữa”. Người kêu gọi “tổ chức một Tết trồng cây quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”. 

Tết Kỷ Dậu 1969-Tết cuối cùng của Bác, mặc dù sức khỏe đã yếu nhiều nhưng sáng Mồng Một Tết (tức ngày 16-2-1969), Bác vẫn đi thăm bộ đội Quân chủng Phòng không-Không quân; thăm, nói chuyện với nhân dân và trồng cây đa lưu niệm tại đồi Đồng Váng, xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội). Trong Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Bác không quên căn dặn việc trồng cây: “… Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày , cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”.

Tết trồng cây thể hiện tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn vì nước, vì dân, xây dựng nước nhà giàu mạnh, phát triển bền vững đất nước, quan tâm bảo vệ thiên nhiên, môi trường; được cán bộ, nhân dân hưởng ứng và tích cực tham gia. Phong trào Tết trồng cây được duy trì và phát triển ngày càng sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực. 60 năm qua, Tết trồng cây luôn song hành cùng Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc. Và mỗi độ Tết đến, xuân về, các địa phương, đơn vị, cơ quan… trong cả nước lại sôi nổi tổ chức Tết trồng cây nhằm thực hiện mong muốn của Bác trong bài “Tết trồng cây” Người viết năm 1959, khởi đầu cho những mùa xuân, những Tết trồng cây sau này: “Mùa xuân là Tết trồng cây. Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.

NGUYỄN VĂN CÔNG, Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch 

( C. H sưu tầm )

tin tức liên quan