Người chiến sĩ Điện Biên đã đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ rồi chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng ký ức những ngày tháng ấy vẫn vẹn nguyên trong tâm trí ông.
Ngày trở về không quên
Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước ở xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, Huỳnh Thúc Cẩn tham gia cách mạng từ rất sớm. Nhờ tích cực công tác nên ông được bồi dưỡng kết nạp Đảng sau đó cấp trên cử đi học tại Trường Quân chính Quân khu 4. Kết thúc khóa học, ông được biên chế về Đoàn Ninh Bình (mật danh của Trung đoàn 9, Đại đoàn 304).
Khi chiến sĩ bộ binh Huỳnh Thúc Cẩn đang cùng đồng đội ngày đêm luyện rèn, chuẩn bị sẵn sàng bước vào chiến dịch lớn thì một ngày đầu năm 1952, ông được thủ trưởng trung đoàn gọi lên gặp, thông báo lệnh đi “chuyển loại pháo binh” với lý do: “Tổ chức đã theo dõi một thời gian, thấy đồng chí hội đủ tố chất nên trên quyết định rồi, đồng chí lập tức chấp hành mệnh lệnh ngay”.
|
Đại tá Huỳnh Thúc Cẩn (thứ 3, từ trái sang) trong lần trở lại chiến trường xưa trên đất bạn Lào. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Vậy là ngay sau đó, Huỳnh Thúc Cẩn chuyển sang chuyên ngành mới đầy bất ngờ, mới mẻ nhưng lại gắn bó gần hết đời binh nghiệp, cho đến ngày ông về công tác tại Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị. “Có lẽ chính nhờ đó mà tôi vinh dự có mặt trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử cùng các anh em ruột của mình trên các hướng chiến trường, đấu tranh giải phóng đất nước. Từ ngày thoát ly, anh em tôi chưa một lần gặp mặt”, Đại tá Huỳnh Thúc Cẩn nhớ lại.
Nghe ông kể, chúng tôi nhớ đến bài viết của một đồng nghiệp về một gia đình đặc biệt có 4 anh em ruột cùng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và ở các chiến trường chia lửa với Điện Biên năm 1954, hội ngộ sau nhiều năm xa cách khi cùng đơn vị về tham gia tiếp quản Thủ đô. Nghi vấn này ngay lập tức được ông Cẩn chứng thực. Tháng 9-1954, đang đóng quân ở thị xã Cao Bằng thì đơn vị ông nhận được lệnh chuẩn bị lực lượng, hành quân lớn về tiếp quản Thủ đô. Đại đội ông Cẩn với 4 khẩu pháo theo đại quân về tiếp quản sân bay Gia Lâm-vốn là căn cứ không quân lớn của địch. Sau khi ổn định tình hình, ông Cẩn nghe nói hầu hết các cơ quan của ta ở chiến khu đã về Hà Nội và một số địa phương lân cận. “Lúc này tôi nghĩ cứ truyền tin, biết đâu các anh em nhận được mà chúng tôi có cơ hội gặp nhau sau nhiều năm bặt vô âm tín. Hồi ấy không có thông tin liên lạc hiện đại như bây giờ, nên trên đường hành quân gặp đơn vị nào đi qua tôi đều nhắn gửi: Ai họ Huỳnh quê ở Quảng Minh, Quảng Trạch, Quảng Bình thì ngày X đến cầu Thê Húc gặp người nhà”, ông Cẩn kể.
Ngày đêm mong mỏi, hy vọng mong manh nhưng đến ngày hẹn, Huỳnh Thúc Cẩn vẫn báo cáo thủ trưởng đơn vị và có mặt ở điểm hẹn từ sáng sớm. Hôm đầu tiên gặp được em kế ông là Huỳnh Thúc Tấn-chiến sĩ thông tin, chiến đấu trên chiến trường Liên khu 3-4, rồi anh hai Hoàng Thúc Tuệ-chiến sĩ của Trung đoàn 57, Đại đoàn 304. Niềm vui vỡ òa khi anh cả Hoàng Thúc Cảnh-người thư ký cho cụ Hồ Tùng Mậu-Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến kiêm Hành chính Liên khu 4 xuất hiện. Lúc này anh em hỏi nhau thì biết thêm em út Hoàng Quý Thân còn đang là học sinh Trường Huỳnh Thúc Kháng ở Vinh. “Cho đến giờ tôi vẫn không sao quên được cuộc đoàn tụ như trong mơ ấy. Nó khiến cho ngày về giải phóng Thủ đô càng ý gấp bội phần với những người con đến từ mảnh đất miền Trung gian lao mà anh dũng chúng tôi”, Đại tá Huỳnh Thúc Cẩn nói trong ánh mắt rưng rưng.
Lập công trên đất bạn
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô, đơn vị của Huỳnh Thúc Cẩn bàn giao cho lực lượng khác sau đó cơ động về vị trí đóng quân mới. Huỳnh Thúc Cẩn được điều động về Trung đoàn 82 (Binh chúng Pháo binh). Sau đó ông được lựa chọn vào đội tuyển của trung đoàn tham gia hội thi bắn pháo toàn quân năm 1959 và giành giải nhất, được đích thân Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh trao cờ và tặng phẩm. Cũng chính nhờ thành tích này ông được điều về công tác tại cơ quan Bộ tư lệnh Pháo binh. Ông kể: “Bước sang năm mới 1961, tôi được lệnh dẫn đầu đoàn chuyên gia của binh chủng sang làm cố vấn cho pháo binh Lào. Ngày 20-1-1961 (tức Mồng 4 tháng Chạp năm Canh Tý), đơn vị pháo binh chúng tôi đổ bộ đường không xuống Cánh Đồng Chum”.
Theo lời Đại tá Huỳnh Thúc Cẩn, đoàn chuyên gia của ta do Thiếu tướng Chu Huy Mân-trưởng đoàn cố vấn của ta tại Lào đến, trực tiếp giao nhiệm vụ. Huỳnh Thúc Cẩn là chỉ huy Cụm pháo binh Phonsavan kiêm cố vấn cho pháo binh Pathet Lào và pháo binh thanh niên vương quốc Lào, bố trí lực lượng trên một địa bàn từ Vangvieng, Xieng Khouang, Mường Sủi, Cánh Đồng Chum tới bản Ban. Đơn vị có nhiệm vụ vừa chiến đấu vừa huấn luyện cho bạn bảo vệ bầu trời và địa bàn của thủ đô kháng chiến cùng các cơ quan đầu não của chính phủ bạn, đề phòng địch tập kích.
Cụm pháo binh Phonsavan gồm 10 đại đội pháo các loại, luân phiên đi chiến đấu và tổ chức huấn luyện cho bạn kịp thời thay thế được cho ta trong các tình huống. “Giờ đây đã ở tuổi ngoài 90, sức khỏe yếu nhưng trí nhớ của tôi hoàn toàn minh mẫn, vẫn nhớ như in những ngày tháng ấy. Kỷ niệm thì nhiều nhưng xin kể về chiến công của liên quân hai nước diễn ra đúng dịp đón năm mới Tân Sửu 1961”-Đại tá Huỳnh Thúc Cẩn nói.
Sự kiện diễn ra đúng lúc ta đang tổ chức lớp tập huấn tập trung dành riêng cho cán bộ và tướng lĩnh của bạn vào các ngày chủ nhật trong tuần để giới thiệu về cách đánh của binh chủng hợp thành, của pháo binh, về tính năng kỹ chiến thuật các loại pháo mặt đất và cao xạ.
Một hôm, ta phát hiện một chiếc máy bay F101 của Mỹ bay qua Cánh Đồng Chum về phía biên giới Việt Nam. Thông tin cho biết, chiếc máy bay này bay hộ tống đoàn đi họp khối SEATO ở Bangkok (Thái Lan). Mỹ và đồng minh đang bàn tính mở rộng chiến tranh. Phán đoán khả năng nó sẽ quay lại, Chỉ huy trưởng Cụm pháo binh Phonsavan Huỳnh Thúc Cẩn hạ lệnh cho các đại đội pháo cao xạ 37mm của Pathet Lào ở Phonsavan và cao xạ pháo của thanh niên vương quốc Lào ở Khangkhai, được phép bắn hạ khi máy bay trở lại. Và đúng như dự đoán, do chủ quan coi thường đối phương, khi quay lại chiếc F101 này bay với tốc độ chậm hơn. Vì vậy, với số đạn ít nhất các đại đội cao xạ đã bắn rơi máy bay ngay ở bản Len. Viên phi công bị tiêu diệt, ta bắt sống một tên nhảy dù bị thương đem về bệnh viện Hồng thập tự. Hắn khai là phó đoàn MAAG (Military Assistance Advisory Group-Phái bộ cố vấn quân sự Mỹ) ở Sài Gòn. Qua hắn, ta khai thác được nhiều tài liệu, thông tin quan trọng.
“Sau này, tôi mới được cho biết đây là chiếc máy bay phản lực đầu tiên bị bắn rơi trên chiến trường Đông Dương và tên tù binh Mỹ đầu tiên bị bắt ở Lào do liên quân Lào-Việt thực hiện”- Đại tá Huỳnh Thúc Cẩn chia sẻ. Một điều đặc biệt là, chiến công diễn ra đúng vào dịp đón Tết cổ truyền Việt Nam, cũng là cái Tết đầu tiên của Huỳnh Thúc Cẩn trên đất bạn. Ông nhớ mãi buổi lễ ăn mừng chiến thắng và tổng kết lớp tập huấn do Chính phủ Lào tổ chức đúng chiều Ba mươi Tết ta. Tại buổi lễ, Hoàng thân Souphanouvong đã tặng ông chiếc đồng hồ hiệu wyler (Đại tá Huỳnh Thúc Cẩn đã tặng kỷ vật này cho Bảo tàng Pháo binh làm hiện vật-PV). Còn mảnh vỡ chiếc máy bay F101 của Mỹ bị bắt rơi hôm ấy sau đó đã được gửi về lưu giữ tại Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam).
HƯỚNG NAM
PS st Theo QĐND Online