Linh thiêng Trường Sơn - Hồi ức của Phạm Tiến Đặng

Ngày đăng: 09:13 31/01/2020 Lượt xem: 609
       
  LINH THIÊNG TRƯỜNG SƠN

                           Hồi ức của Phạm Tiến Đặng
                         CTV báo Điện tử Trường Sơn. 

 

 
     Đã lâu, tôi muốn kể một sự thật - thật đến vô cùng khó tin. Sự thật 100%.  Nó rất khó giải thích trên góc độ khoa học. Chuyện này tôi mới chỉ dám kể cho một số bạn bè thân thiết. Bởi tôi là người thứ 35 trong chuyến đi ấy được tai nghe, mắt thấy. Tôi không dám kể vì số người trực tiếp mục sở thị chỉ có 35, trong đó hầu như toàn bộ là chư tăng, Đại đức, Thượng tọa chỉ có tôi và tài xế là 2 phật tử theo đoàn. Nên sợ nói ra, những người không hiểu, không tin. Lại cho tôi là tuyên truyền "mê tín, dị đoan". 
      Hôm nay, ngày đầu xuân Canh Tý. Trên báo Điện tử Trường Sơn tôi đọc bài viết: “ANH LINH LIỆT SỸ TRƯỜNG SƠN” của nhà báo - nhà văn Phạm Thành Long. Tôi mạnh dạn kể ra đây để độc giả chúng ta nghe và cùng chiêm nghiệm.
     Năm 2000. Tôi được vị Thượng tọa - Trụ trì một ngôi chùa ở tỉnh Đồng Nai mời cùng đoàn chư tăng ra thăm quê và chủ trì lễ cải táng cho bà cô ruột. Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu không xảy ra một việc mà 33 vị sư, tôi và người tài xế trực tiếp mục sở thị - tai nghe, mắt thấy. Trước khi vào câu chuyện tôi xin nói qua đôi nét về vị Sư trụ trì ngôi chùa tịnh xá này. Ông sinh ra tại huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Năm 1954 khi đó ông mới 6,7 tuổi, theo người chú làm hỏa xa vào làm ở cung đường Khánh Hòa. Lớn lên, ông chỉ còn nhớ được láng máng qua lời chú ruột kể: Quê mình ở phủ Duy Tiên, nhưng lại nhầm là tỉnh Hưng Yên. Miền Nam giải phóng. Nam Bắc xum họp một nhà. Vị sư đã lớn tuổi cứ luôn đau đáu một nỗi nhớ quê hương, muốn tìm ra nơi chôn nhau, cắt rốn của mình. Được một lần được ra thăm quê hương, vào viếng Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh là ông mãn nguyện. Tôi thì đề suất thêm với ông nếu tìm được quê hương, nhân chuyến đi này, mình nên đi thêm 3 điểm nữa gồm: Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, Chùa Đậu (Thường Tín, Hà Tây) nơi có hai vị cao tăng đắc đạo trở thành tượng Phật và động Phong Nha - Kẻ Bàng ở Quảng Bình. Nhà sư nhất trí với dự kiến của chúng tôi. Trước đó, trong một lần ông nhập thất, tịnh thiền 49 ngày không ăn bất cứ thứ gì. Hôm ông vừa xả thiền, tôi tới thăm.  Là người gần gũi và thân thiết với ông nên ông đã mang điều trăn trở, ước muốn đó ra tâm sự và nhắc lại với tôi. Tôi hứa với ông: Bằng mọi giá sẽ tìm ra quê hương giúp nhà sư. Tôi lúc trò chuyện tôi gợi ông nhớ lại những gì qua lời ông chú kể về bà con dòng tộc, kể về điểm đặc biệt của quê hương mà ông có thể nhớ được... Tôi nhờ bạn bè, người thân tích cực tìm hiểu, thăm dò... Suốt cả 3 tháng sau đó vẫn chưa đạt kết quả. Tôi ngồi nghiền ngẫm, xâu chuỗi và khoanh vùng được ba điểm cần tập trung tìm hiểu. Có lẽ nhờ Bồ Tát dẫn đường mà chỉ qua tháng thứ 4, tôi đã tìm được đúng quê hương ông. Sau khi nối cầu cho hai bên liên lạc với nhau qua điện thoại. Họ đã nhận ra nhau bằng tình thâm, máu mủ ruột rà. Và đó chính là lý do và sự việc thiêng liêng tôi sắp kể ra đây để độc giả chúng ta cùng chiêm nghiệm.
      Về thăm quê ông, đoàn chúng tôi gồm 33 vị sư tăng, 1 tài xế và tôi. Ngay buổi đầu thăm quê, theo nguyện vọng của bà con dòng tộc. Mặc dù ông đã nói rõ: Vùng đất ngôi mộ bà cô ruột đã kết, nếu cải táng sẽ thấy xương cốt còn nguyên vẹn và tỏa ra mùi hương thơm nhẹ. Nhưng số đông bà con không tin vì họ muốn tìm cho được ngôi mộ bà cô lâu nay bị coi là mất tích. Mà các gia đình mỗi khi gặp điều gì xui xẻo, đi coi thày, thì thày bói đều phán một câu: Để mộ bà cô lưu lạc, mất tích không cải táng, nên bà cô về trừng phạt vì tội bất hiếu. Buộc lòng chiều hôm đó ông phải đi cùng bà con ra cánh đồng lúa nước bên chùa rộng ước chừng trên một mẫu. Theo lời các vị bô lão dòng tộc thời gian chiến tranh ác liệt, chỗ thì đào hầm trú ẩn, nơi thì làm công sự, trận địa cho dân quân du kích và đặt các khẩu đội pháo 37 ly để đánh trả máy bay định. Nên sau này họ chỉ nhớ phần mộ bà cô nằm ở trong vùng đất ấy. Sau một hồi quan sát, tay lần tràng hạt, miệng lâm râm niệm chú. Vị Thượng tọa đã chỉ chính xác nơi mộ bà cô ruột đã mất rất lâu an tang. Chẳng ai trong đám con cháu của bà nhớ ra vị trí của ngôi mộ. Trước khi để bà con họ hang cải táng ngôi mộ này, ông vẫn khẳng định ngôi mộ đã kết. Khi ngôi mộ được cất bốc thì mọi người vô cùng ngạc nhiên vì mùi thơm dìu dịu tỏa ra từ bộ hài cốt. Và họ càng kinh ngạc hơn khi ông chỉ cho họ vị trí đất để đặt mộ sau khi cải tang và mô tả rành rọt đặc điểm của đất cát nơi sẽ an tang bộ hài cốt của bà cô. Khi đám trai tráng con cháu trong làng đào hết một lớp xẻng thì đụng ngay một vùng đất sét vàng ươm, dẻo quánh. Dân làng ở đó đã từng chôn biết bao ngôi mộ người thân khi đào đất chỉ gặp toàn đất bùn đen nhão nhoẹt. Sau khi giúp bà con trì niệm kinh chú Phật, đoàn chúng tôi về Hà Nội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm ngôi chùa Đậu ở huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Trên đường trở vào chúng tôi đi theo tuyến đường Hồ Chí Minh vừa mới mở. Tham quan động Phong Nha - Kẻ Bàng xong thì đã xế chiều. Một vị Sư bàn: “Mình vào tới Quảng Trị trời đã tối, sao ghé kịp Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn để viếng vong linh các Anh hùng - Liệt sỹ. Nếu ở lại thì về sao kịp để ngày mốt tham dự buổi lễ trọng đại của Giáo đoàn? Thật là tiến thoái lưỡng nan! Các vị chư tăng nghe ra cũng xuôi theo ý kiến của vị Sư này. Riêng tôi và Thượng tọa đều im lặng. Lên xe, thay vì chạy vào hướng Quảng Trị theo biển chỉ đường mà tài xế đã quan sát, không hiểu sao chiếc xe lại chạy ngược chiều ra phía Bắc. Đường đèo dốc quanh co, cua hẹp mà chiếc xe cứ lao đi vun vút, mặc dù tài xế đã không đạp ga, rà phanh liên tục. Xe chạy cứ như là trong phim trinh thám, hình sự. Không những thế gầm xe còn kêu roàn roạt, leng keng như một vài bộ phận nào đó của chiếc xe mới cứng chạy chưa được năm ngàn cây số sắp rớt ra ngoài. Khi đó tài xế chỉ còn cách dùng hết sức bình sinh bẻ cua, đánh lái cho khỏi đâm vào vách núi hoặc lao xuống vực. Các vị chư tăng trên xe đã vô cùng hoảng hốt. Tôi và Thượng Tọa ngồi ở hàng ghế đầu đã nhận ra điều bất thường này. Hai huynh đệ chúng tôi chẳng ai bảo ai đều nhắm mắt, tập trung tâm trí trì niệm kinh chú Phật. Từ động Phong Nha xe chạy lúc 15g20. Tới ngã tư đường bằng gặp một thị trấn lúc đó là 17 giờ kém 16 phút. Tôi gọi giật tài xế bảo như ra lệnh: Thắng xe lại. Tài xế như bừng tỉnh, đạp thắng, chiếc xe dừng ngay lại. Tôi nhìn mặt người tài xế thấy ướt đẫm mồ hôi, gương mặt đỏ bừng chuyển dần sang tái mét. Khuôn mặt anh ta vẫn còn nguyên nét căng thẳng tột độ. Hỏi thăm đường, mới biết đó là một thị tứ thuộc huyện Can Lộc. Trời ơi! Chúng tôi đã lạc đường quay ra phía Bắc một chặng đường hơn một trăm cây số! Thượng Tọa bảo quý chư tăng xuống nghỉ uống nước cho đỡ phần căng thẳng và tranh thủ hội ý để thống nhất về kế hoạch hành trình. Sau khi mọi người nghe Thượng Tọa giải thích và nói rõ những vị Anh hùng - Liệt sỹ Trường Sơn đã ngã xuống vì độc lập - tự do cho đất nước. Trong đó rất nhiều, rất nhiều vị khi ngã xuống hòa vào lòng đất mẹ tuổi đời còn rất trẻ...Và tôi kể, giải thích thêm một số vấn đề rồi kết luận: Phẩm chất người chiến sỹ QĐND chúng tôi đã hứa thì phải hoàn thành, dù gặp bất kỳ khó khăn, gian khổ, hy sinh đến mức nào. Nghe xong ai nấy đều hiểu ra, thống nhất và hoan hỷ. Chúng tôi là tiếp tục hành quân quay trở vào Quảng Trị. Đêm đó đoàn về nghỉ lại nhà của một phật tử ở Quảng Trị. Sáng sớm sẽ ra Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn viếng vong linh Anh hùng - Liệt sỹ. Cùng nhất tâm đọc kinh cầu nguyện để vong linh những người đã ngã xuống cho Tổ quốc thanh bình được siêu thoát, thanh nhàn, tiêu diêu nơi miền cực lạc. Trong lúc đoàn hội ý, chú tài xế tranh thủ kiểm tra lại toàn bộ các hệ số an toàn. Tìm tới, tìm lui. Ngồi lên xe chạy thử thì tất cả đều như ý ! Một Đại đức trong đoàn người có bằng và tay lái lụa, đã làm tài thay cho tài xế để anh này nghỉ ngơi cho định thần, lại sức. Chúng tôi quay đầu xe chạy về hướng Quảng Trị. Tự nhiên chiếc xe chạy êm, đánh lái, tốc độ và phanh thắng bình thường.   
      Về tới nhà phật tử ở Quảng Trị đã khuya. Sau mươi phút rửa ráy qua loa, dùng chút bánh chay và nước suối đoàn mang theo, tất cả chư tăng theo vị Thượng tọa trưởng đoàn lên đèn, lên nhang cùng ngồi trì niệm kinh chú cầu siêu cho vong linh các Anh hùng - Liệt sỹ Trường Sơn trước bàn thờ Phật. Buổi thỉnh kinh, cầu nguyện kết thúc lúc hơn 2 giờ sáng. Mọi người tranh thủ nghỉ ngơi để 4 giờ 30 dậy tắm rửa, dùng điểm tâm sáng và kịp khởi hành ra viếng Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn.
  Sáng mùa thu tháng tám. Trời Quảng Trị mưa nặng hạt. Phật tử chủ nhà xin phép đi mượn dù và mua áo mưa để chư tăng dùng khi đến Nghĩa trang kẻo mưa ướt. Nhưng đoàn chúng tôi không chịu. Cả đoàn chẳng ai bảo ai, ai cũng khước từ. Bởi tự tâm ai nấy đều xác định: Đã đến viếng chư vị Liệt sỹ - Anh hùng thì chỉ có tâm thành, trí cảm mới linh ứng tới vong linh những người nằm xuống. Xe chạy qua thị xã Đông Hà trời vẫn mưa nặng hạt, khi rẽ vào con đường từ QL1 lên Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn thì mưa ngớt dần. Xe dừng tại nơi đỗ để chư tăng xuống vào tượng đài trung tâm thắp nhang cầu nguyện. Vì còn sớm, nên Nghĩa trang lúc đó chưa có đoàn nào vào thăm viếng. Mặc cho những hạt mưa vẫn rơi đều lên đầu và vai áo, 33 vị chư tăng xếp thành 3 hàng. Vị Thượng Tọa dâng hương khấn niệm. Sau đó mọi người cùng ngồi xuống theo thế kiết già lầm rầm đọc kinh cầu nguyện, dưới sự dẫn dắt của Thượng Tọa trưởng đoàn. Điều lạ lùng - thật lạ đã xuất hiện. Đó là khi - câu kinh đầu tiên vừa mới vang lên. Trời đang mưa, mây đen u ám, bỗng hửng nắng và mưa tạnh hẳn. Sau gần một giờ cầu nguyện, mọi người tản ra trên tay ai cũng mang theo một bó nhang đế cắm từng nén nhang vào từng phần mộ. Tuy đã chuẩn bị mang theo cả chục bó nhang to, nhưng vẫn không thấm vào đâu so với các khu mộ của Liệt sỹ trong nghĩa trang Trường Sơn rộng lớn. Hết nhang toàn thể chư tăng lại cùng Thượng Tọa quay về Tượng đài Trung tâm xếp hàng ngay ngắn, cúi đầu. Để vị Thượng tọa dâng 3 nén nhang thơm lên vong linh những Anh hùng - Liệt sỹ và thành tâm cáo lỗi vì không đi hết được toàn bộ nghĩa trang để dâng những nén nhang thơm lên vong linh từng Liệt sỹ. Trước khi bước lên xe, ai cũng hướng về tượng đài vái ba vái, kính chào những người lính Trường Sơn đang nằm yên nghỉ thanh bình trong Nghĩa trang vì sự bình yên và trường tồn cho dân tộc Việt nam - con Lạc, cháu hồng !
       Chiếc xe đưa đoàn chúng tôi quay về phía Nam chạy bon bon trên QL1. Đôi đoạn chạy quá tốc độ quy định, gặp các tổ cảnh sát giao thông, ai cũng nghĩ chắc chắn bị thổi dừng và nộp phạt. Nhưng ngược lại chỉ thấy các anh cảnh sát mỉm cười và họ còn vẫy tay chào đoàn. Thật là một kỷ niệm đẹp và để lại trong mỗi một thành viên trong đoàn chúng tôi hành hương lần ấy một kỷ niệm và sự chứng nghiệm hiển hiện thực tế khó phai. Đã 20 năm trôi qua. Các vị chư tăng đi cùng tôi đợt ấy, nay đã thành các vị chức sắc trụ trì ở các ngôi chùa khắp các tỉnh thành từ Bắc Trung Nam. Mỗi dịp gặp lại tôi, dù một mình hay chốn đông chư tăng, phật tử ai cũng nhắc mãi một câu: Vong linh các vị Anh hùng - Liệt sỹ Trường Sơn các chú quả là Linh thiêng thật !
 
    P.T.Đ
 

 

tin tức liên quan