Ba lần được gặp Bác Hồ
Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh với điển hình của các LLVT nhân dân toàn miền Bắc dự Đại hội thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, ngày 7-8-1965. Ảnh tư liệu

Bà Nguyễn Thị Hằng sinh năm 1944 trong một gia đình thuần nông tại làng Nam Ngạn, xã Đông Giang, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa (nay là phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Trưởng thành nơi làng quê, Nguyễn Thị Hằng sớm tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, được bầu làm Chi đoàn trưởng, Tiểu đội trưởng dân quân rồi tham gia Ban quản trị Hợp tác xã phụ trách về kỹ thuật. Chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ nổ ra, thanh niên của làng người lên phía Bắc làm đường, người được điều vào Nam chiến đấu, Nguyễn Thị Hằng được cử làm Trung đội trưởng rồi Khu đội trưởng dân quân Nam Ngạn ở tuổi 20. Tuy là phụ nữ nhưng chị đã vững vàng chỉ huy đơn vị đánh trả máy bay Mỹ, bảo vệ cầu Hàm Rồng-con đường huyết mạch vận chuyển chi viện từ miền Bắc vào miền Nam.

Ngày 3 và 4-4-1965, không quân Mỹ đã sử dụng nhiều máy bay, ném hàng nghìn tấn bom đạn xuống khu vực Nam Ngạn-Hàm Rồng. Ngoài việc ngày đêm bảo vệ dân, tổ chức cho dân quân hợp đồng chiến đấu, dân quân Nam Ngạn-Hàm Rồng còn tham gia tải đạn, thay thế pháo thủ, bổ sung lực lượng chiến đấu cho hải quân, pháo cao xạ, đồng thời tham gia cứu thương, tải thương. Nhờ sự giúp sức của dân quân Nam Ngạn-Hàm Rồng, các LLVT cùng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã hợp đồng tác chiến, lập nên kỷ lục bắn rơi 47 máy bay Mỹ.

Sau chiến thắng, ngày 7-8-1965, Khu đội trưởng dân quân Nam Ngạn-Hàm Rồng Nguyễn Thị Hằng đại diện cho dân quân Nam Ngạn được ra Hà Nội dự Đại hội thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” tổ chức tại hội trường Câu lạc bộ Quân nhân. Bà Hằng cho biết: “Hôm đó, gần đến giờ khai mạc đại hội, chúng tôi đứng xếp hàng chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau tiếng vỗ tay vang dội, vào đến hội trường, Người lần lượt bắt tay, thăm hỏi từng người đại diện cho 21 đơn vị. Đến lượt tôi, Bác đặt tay lên vai, rồi ân cần hỏi: “Cháu tên gì? Cháu ở đâu?”. Mừng rỡ và cảm động, tôi liền thưa: “Thưa Bác, cháu là Nguyễn Thị Hằng, cháu là Khu đội trưởng Khu dân quân Nam Ngạn-Hàm Rồng ạ!”.

Cũng tại đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Cờ quyết thắng 21 đơn vị, Khu đội trưởng dân quân Nguyễn Thị Hằng vinh dự thay mặt đơn vị Nam Ngạn lên nhận cờ. Ngày hôm sau, đại diện 21 đơn vị lại vinh dự được gặp Bác tại hội trường Câu lạc bộ Quân nhân lần thứ hai. Lần gặp này, Bác căn dặn đại diện các đơn vị sau khi trở về địa phương phải tiếp tục chiến đấu ngoan cường hơn nữa và cố gắng học tập để sau này phục vụ công cuộc xây dựng đất nước.

Cũng trong năm 1965, bà Nguyễn Thị Hằng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần thứ ba (và cũng là lần cuối cùng) sau khi bà từ Liên Xô về nước. Bà Hằng nghẹn ngào nhớ lại khoảnh khắc khó quên: "Khi đó, tôi nghỉ ở nhà khách Bộ Quốc phòng thì nhận được thông báo “6 giờ tối hôm nay đi công tác”. Hồi hộp xen lẫn sự lo âu, đúng hẹn tôi ra cổng Trạm 66 Bộ Quốc phòng thì có người đón và dẫn tới Phủ Chủ tịch. Đến nơi, bất ngờ tôi nhìn thấy Bác Hồ đã đứng đợi ở ngoài sân. Tại buổi tiếp, Bác đã hỏi thăm sức khỏe của tôi sau khi về nước, rồi hỏi về cách đánh và bố trí trận địa cũng như kinh nghiệm vừa sản xuất, vừa chiến đấu của quân dân Nam Ngạn-Hàm Rồng... Tôi lần lượt trả lời các câu hỏi của Bác, rồi Người mời tôi ở lại xem phim cùng. Đến phòng chiếu phim, Bác liền hỏi các chú bộ đội cảnh vệ: "Các chú có biết ai đây không? Mọi người đang ngơ ngác, Bác giới thiệu luôn: Cô Nguyễn Thị Hằng là con cháu của bà Triệu đây!"...

Trước khi ra về, Người dặn Khu đội trưởng dân quân Nguyễn Thị Hằng: “Ngày mai cháu về, cho Bác gửi lời hỏi thăm Đảng bộ và bà con nhân dân Nam Ngạn, nhất định chúng ta sẽ thắng Mỹ, nhưng còn phải hy sinh gian khổ. Cháu báo cáo với Đảng bộ và bà con phải phòng tránh và bảo vệ lực lượng cho tốt để còn chiến đấu lâu dài. Cho Bác gửi lời hỏi thăm bố mẹ và gia đình. Chiến tranh sẽ kết thúc nhưng các cháu phải học tập để xây dựng lại đất nước”...

Ba lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, được nghe những lời căn dặn và cử chỉ ân cần của Người, thời gian dù có lùi xa nhưng sự quan tâm đó luôn in đậm trong tâm khảm của bà Nguyễn Thị Hằng, đó là nguồn động lực để bà cố gắng vươn lên trong cuộc sống và công tác. Bà Nguyễn Thị Hằng tâm sự: “Tôi tự hào đã thực hiện được những lời căn dặn của Bác, luôn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.