HAI LẦN ĐẾN VỚI TRƯỜNG SƠN
Đặng Kim Âu
Trong đoạn đời gần 9 năm làm người lính Giải phóng quân, tôi có 2 lần đến với Trường Sơn.Và cả 2 lần ấy đều đầy ắp những kỉ niệm .
Lần thứ nhất vào cuối năm 1966, đầu năm 1967 là Chiến sỹ Đại đội 2- Tiểu đoàn 262-Trung đoàn 5- Sư đoàn 320B hành quân vào Nam. Đường Trường Sơn lúc đó là đường mòn theo đúng nghĩa và chỉ để dành riêng cho người đi bộ. Con đường nhỏ ẩn mình dưới tán cây rừng nguyên sinh. Những cung đường gập gềnh khúc khỉu băng qua suối, những cung đường chênh vênh vượt dốc, băng đèo. Những chỗ có độ dốc cao mới có bậc tam cấp bằng gỗ. Những chỗ cheo leo bên vách đá tai mèo hiểm trở có gia cố thang gỗ cố định để bảo đảm độ an toàn cho người đi lại. Bộ đội hành quân vào Nam, Thương binh, Cán bộ chuyển ra Bắc, Bộ đội vận tải của đường dây 559 gùi hàng ra tiền tuyến đều đi chung trên con đường này. Nhộn nhịp và đầy ắp niềm tin. Con đường đã đưa chúng tôi vào tới chiến trường. Thật kỳ vĩ. Tết Đinh Mùi ( 19967), chúng tôi ăn Tết trên đường dây, cả 3 ngày Tết vẫn hành quân. Tiêu chuẩn duy nhất là 3 ngày Tết, mỗi người mỗi ngày được ăn thêm một lạng gạo. Chỉ vậy thôi nhưng ai cũng phấn khởi hăng hái mong mau vào tới chiến trường để tham gia chiến đấu. Không ai kêu ca phàn nàn và không ai rơi rớt dọc đường.
Ảnh minh họa
Lần thứ 2 là vào giữa năm 1970, Sư đoàn 2 hành quân từ Quân khu 5 ra Binh trạm 32( Nam Lào) bổ sung trang thiết bị, nhận tân binh ,huấn luyện kĩ chiến thuật chuẩn bị cho đánh lớn. Lúc đó tôi là Chính trị viên Đại đội 9 Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 1. Đường Trường Sơn lúc đó không còn là con đường mòn mà đã thành một con đường chiến lược, có hệ thống đường vận tải bằng cơ giới, có đường ống dẫn xăng dầu, có đường vận chuyển đường sông( các bao hàng bọc ni nông thả trôi theo dòng sông), có đường dây tải ba, xử dụng cả cáp quang trong bảo đảm thông tin liên lạc. Con đường đã mang màu sắc hiện đại. Tại đây, đơn vị có đầy đủ điều kiện để nuôi dưỡng, huấn luyện Bộ đội, không ngừng nâng cao sức chiến đấu. Tháng 11 năm 1970, quân phản động Lào tung biệt kích, thám báo vào khu vực đóng quân hòng phát hiện lực lượng ta. Đại đội 9 / Tiểu đoàn 3 và Đại đội 6 / Tiểu đoàn 2 được lênh bao vây diệt địch . Chỉ trong vòng chưa đầ 6 tiếng đồng hồ, cả một Đại đội biệt kích thám báo của quân Ngụy Lào bị tiêu diệt và bắt sống ở khu vực Phù Cà Tồn thuộc huyện Mường Phìn tỉnh Khăm Muộn của Lào.Trận đánh không lớn nhưng đã xây dựng được lòng tin và tinh thần đoàn kết gắn bó với Bộ đội đường dây 559. Tết Tân Hợi (1971), chúng tôi được ăn một cái Tết khá tươm tất có thịt tươi, thịt hộp, có gạo nếp gói bánh chưng , có trà Hồng đào, thuốc lá Tam đảo bao bạc, có kẹo mềm từ ngoài Bắc gửi vào. Đặc biệt mỗi Cán bộ, Chiến sỹ còn được Đại tướng Võ Nguên Giáp gửi tặng một gói thuốc lào Vĩnh Bảo 50 gram. Chỉ thiếu giấy làm báo tường mừng Xuân mới, chúng tôi đã lấy mo lang ép phẳng để viết. Vậy là đầy đủ. Sau tết bước vào chiến dịch Đường 9 Nam Lào( Xuân 1971) Sư đoàn 2 đã lập nên chiến công vang dội ở điểm cao 723; 660; tiêu diệt Trung đoàn 1 , đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 2 tức là đã đánh quỵ Sư đoàn 1 của Ngụy, làm chủ chiến trường, tiêu diệt và bắt nhiều tù binh . Thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân dụng. trong đó có 13 Đại bác 105 mm ;19 súng cối hạng nặng 106,7 mm; 79 máy VTD (PRC 25); bắn rơi 86 máy bay các loại. Góp phần cùng toàn mặt trận đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ Ngụy.
Trong chiến đấu xuất hiện những tấm gương tiêu biểu của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng như: Trung sỹ Tiểu đội trưởng Phạm Ngọc Lũy đại đội 7 Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 1 dẫn đầu Tiểu đội thọc sâu đánh vào Sở chỉ huy Trung đoàn 1 Ngụy ở điểm cao 723 diệt và bắt sống hơn năm chục tên địch. Riêng Lũy bắt sống 17 tên. Trong một tình huống khó khăn, chỉ còn lại một mình, anh vẩn bám sát mục tiêu, thực hiện đúng ý định của cấp trên kiên quyết tấn công địch dành thắng lợi. Trong hội nghị mừng công của Sư đoàn anh được tuyên dương là ngọn cờ tiêu biểu “ một mình một mũi vẫn tiến công”. Chiến sỹ Nguyễn Khắc Hoàng Đại đội 5 Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 1, tân binh đoàn Hà Nội mới bổ sung vào đơn vị tháng 8 năm 1970. Ngay trận đầu đánh địch ở cao điểm 723 đã lập công xuất sắc diệt 16 tên địch. Trong trận đanh cao điểm 660, Hoàng cùng đồng đôi đánh chiếm Sở chỉ huy Tiểu đoàn 2 Ngụy và anh đã dũng cảm nhảy vào hang đá bắt sống tê Trung tá Nguyễn Xuân Huê Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 đang lẩn trốn.
Nguyễn Xuân Huê là một tên sỹ quan Ngụy rất liều lĩnh. Trước ngày bị bắt không lâu, chính hắn đã trực tiếp chỉ huy một toán lính khoảng một Trung đội, lợi dụng sơ hở của Đại đội địa phương của bạn Lào làm nhiệm vụ bảo vệ thị trấn Sê Pôn bí mật lẻn vào dãy nhà cuối thị trấn không có người ở rở trò quay phim chụp ảnh nói là đã chiếm được thị trấn Sê Pôn . Chỉ khoảng 15 phút sau, phát hiện chủ lực của ta vận động tới, chúng lại lẩn trốn vào rừng già. Nhờ có chiến công ngụy tạo ấy mà hắn được Bộ tư lệnh cuộc hành quân Lam Sơn 719 đặc cách phong quân hàm lên Trung tá khi mà hắn vẫn chỉ là Tiểu đoàn trưởng.
Đoàn tù, hàng binh rất đông được giải về nơi quy định trong đó có tên Trung tá Nguyễn Xuân Huế. Hắn luôn chăm chú nhìn những đoạn đường chiến lược vận tải ô tô còn loang lổ hố bom, hố pháo, cây cối ngổn ngang đã nhanh chóng được khắc phục cho xe chạy. Những điểm của đường ống dẫn xăng dầu trúng bom bốc cháy đang được khắc phục để vận hành tiếp. Đến giờ nghỉ ăn cơm trưa, tù hàng binh cũng được ăn tiêu chuẩn như Bộ đội: cơm nắm với mắm ruốc, nước đun sôi để nguội trong bi đông và cả lương khô 702 nữa. Chính hắn đã phải thốt lên “ Hâụ cần kỹ thuật của các ông nhất thế giới”. Người Cán bộ chỉ huy dẫn giải tù hàng binh hỏi lại “Thế “Hậu cần Huê Kỳ”. Hắn cười miệng méo xệch, giọng mỉa mai: “ Hậu cần Huê Kỳ, chỉ nói ở đâu đâu, chúng tôi mới chỉ bị các ông bao vây có 3 ngày, đường tiếp tế hàng không, đường bộ bị cắt đứt đến gạo sấy cũng chẳng có mà ăn mà nếu có cũng chẳng nuốt nổi. Nước suối uống để chống khát còn chẳng có nói gì tới nước sôi để hòa với gạo sấy”.
Tôi không có phận sự, không tham gia vào cuộc chất vấn ấy mà chỉ đứng nhìn như một chứng nhân. Nhưng được nghe lời thú nhận từ chính một Sỹ quan Chỉ huy thuộc phía bên kia chiến tuyến, trong lòng thấy rất vui và tự hào trước sự trưởng thành, lớn mạnh của Bộ đội Trường Sơn và cũng chẳng ngạc nhiên khi mà 4 năm sau, bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đã nói “ Chiến trường cần thứ gì có thứ đó, cần bao nhiêu có bấy nhiêu”
Đường Trường Sơn thật hùng tráng. Bộ đội Trường Sơn thật anh hùng đã góp phần cực lớn trong việc bảo đảm hậu cần kỹ thuật cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam Việt Nam ...
ĐẶNG KIM ÂU
SĐT: 0917366836