Y sĩ Sư đoàn bộ 471 Hoàng Thị Lực - Ghi chép của Phạm Thành Long
Ngày đăng:
11:30 26/03/2020
Lượt xem:
2.345
Y SĨ SƯ ĐOÀN BỘ 471 HOÀNG THỊ LỰC
Ghi chép của Phạm Thành Long
Một hôm đang đưa tin bài trên trang báo điện tử Trường Sơn, thì tôi có điện thoại.
-Thành Long ơi, em có nhớ Hoàng Thị Lực, y sĩ Sư đoàn bộ không? Từ đầu dây bên kia anh Nguyễn Kim Chúc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 đột ngột hỏi tôi.
-Em nhớ chứ, quên làm sao được cô bé y sĩ xinh xắn lại có chuyên môn khá và rất nhiệt tình với đồng đội nữa. Em nhớ Lực quê ở Thanh Hóa.
-Đúng rồi. Nhà Lực bây giờ đang ở gần cổng sư đoàn 23 ngụy ngày xưa - nơi Sư đoàn mình vào tiếp quản ở Buôn Ma Thuột ấy. Cậu ấy vừa chuyển cho mình mười triệu đồng để ủng hộ Hội Trường Sơn Sư đoàn in cuốn sách “Ký ức Sư đoàn” nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Sư đoàn. Mình chuyển luôn tiền cho Thành Long nhé?
-Thế ạ? - tôi bất ngờ về thông tin này từ anh Chúc – Anh cứ giữ tiền đi. Đã in sách đâu anh. Khoảng tháng 7 mới in mà. Tốt quá! Được một nửa kinh phí in sách rồi đấy anh. Hoan hô bác vận động tài trợ tốt quá! Chắc Lực có trang trại cà phê ở Buôn Ma Thuột hả anh?
-Có trang trại hay không thì mình không biết. Nhưng Lực hiện chữa bệnh đông y tại nhà, kinh tế cũng khá. Mình nhắn số điện thoại của Lực để Thành Long liên hệ nhé.
-Cám ơn anh. Thế thì tốt quá!
Sau cuộc đàm thoại hôm ấy với anh Nguyễn Kim Chúc, ký ức cứ ùa về trong tôi.
Tôi nhớ, sau những trận mưa như trút nước của tháng tám năm bảy hai ở Phù Trường thì tôi lên cơn sốt rét. Đây là trận sốt rét thứ hai kể từ khi vào Trường Sơn của tôi. Trận sốt rét đầu tiên nó quật tôi là tháng hai năm bảy mốt. Tôi cầm cự được sau nửa năm vào Trường Sơn thì bị mỗi anophen quật ngã. Ngày ấy, Sở chỉ huy Sư đoàn đóng tại Keng Nhang - Phù Trường. Khu rừng ở đây đầy phân voi và muỗi. Những cánh rừng đại ngàn ở đây chưa một vết chân người. Những con muỗi to đến nỗi chúng tôi ví chúng như những chiếc OV10 bay lượn quanh người. Giữa lòng suối đoạn chảy qua khu vực Phòng Chính trị trình ình một chiếc xương đầu một con voi rất lớn. Cái đầu voi lớn tới mức, mùa mưa, nước suối chảy cuồn cuộn như thác mà cái đầu con voi vẫn không hề suy suyển…
Hôm ấy, Lực đã khám cho tôi. Thấy bệnh tình của tôi có chiều hướng xấu, Lực quyết định đưa tôi đi Bệnh xá của Sư đoàn để điều trị. Ngay hôm sau tôi bị sốt rét ác tính mê man không biết gì gần một ngày một đêm. Cũng may, nhờ được cứu chữa kịp thời mà tôi đã qua khỏi cơn sốt ác tính ngày ấy. Tôi biết ơn Lực từ ngày ấy.
Khi Sư đoàn chuyển Sở Chỉ huy về Bến Giằng, huyện Nam Giang, Quảng Đà (nay là Quảng Nam, tháng 8 năm 1973) thì chúng tôi thường xuyên gặp Lực. Gần như hằng tuần, Lực đều đặn khoác túi thuốc đi đến từng nhà các ban của 5 phòng cơ quan Sư đoàn bộ. Lúc thì cô kiểm tra công tác phòng dịch (việc vệ sinh, ăn ở…), lúc thì kết hợp khám bệnh, phát thuốc hoặc tiêm cho cán bộ, nhân viên trong cơ quan. Chỉ huy sở Bến Giằng của chúng tôi ở khá rộng. Từ vị trí của Phòng Tham mưu Vận chuyển, qua Phòng Tham mưu tác chiến, khu vực Bộ Tư lệnh đến Phòng Chính trị, Phòng Hậu cần và cuối cùng là Phòng Công binh trải dài khoảng một cây số rưỡi. Cô y sĩ nhỏ nhắn Hoàng Thị Lực ngày ấy cứ thoăn thoắt đi qua những triền đồi xục vào từng nhà của các ban… Bao giờ đến thăm khám cho Ban Tuyên huấn bọn tôi, Lực cũng ưu tiên ngồi hơi lâu hơn các ban khác. Vì ban chúng tôi vừa đông lại khá nhiều lính trẻ và hay tếu táo, vui vẻ. Chuyên môn của Lực khá giỏi nên được anh em trong sư đoàn bộ rất tín nhiệm trong thăm khám và điều trị. Bị sốt rét, lính Trường Sơn anh nào chả phải một vài lần tiêm mông. Tiêm quinine đau buốt đến tận óc. Riêng Lực tiêm mông thì “rất ngọt”, ít đau buốt. Vì thế, anh nào bị sốt cũng mong được Lực trực tiếp tiêm mông…
Tôi dời Sư đoàn cuối tháng 2 năm 1976 vào nằm Viện Quân y 175 ở Sài Gòn, rồi chuyển ra Hà Nội điều trị bệnh… Từ ngày ấy tôi không có thông tin về Hoàng Thị Lực…
Tôi bốc máy gọi số 0328567564 cho Lực. Chúng tôi vẫn nhận ra nhau. Thế là bao thông tin về nhau cứ tuôn trào…
Hoàng Thị Lực chào đời ngày mồng chín tháng tư năm Kỷ Sửu tại thôn Canh Hoạch, xã Xuân Lai, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Ngày Lực chào đời, gia đình đông anh chị em nên Lực được cha mẹ gửi nhờ ông bà ngoại nuôi. Vì thế ngày đi học, ông bà ngoại khai cô sinh năm Dần -1950. Từ đấy tuổi Dần cứ “bám theo” Lực vào trong lý lịch và cả cuộc đời.
Gia đình Lực có sáu anh chị em. Lực là thứ năm. Tốt nghiệp lớp mười năm sáu tám, Lực vào học lớp Y sĩ của Sở Y tế Thanh Hóa. Tốt nghiệp Y sĩ, tháng 10/1971 Lực nhập ngũ. Đầu năm 1972, Lực vào Trường Sơn. Chị được Quân y Trường Sơn trưng dụng làm giáo viên dạy lớp đào tạo y tá cấp tốc tại Binh trạm 35. Tháng 5 năm 1972, Lực được biên chế về quân y Binh trạm bộ 35. Tháng 8 năm ấy chị được điều về quân y Sư đoàn bộ 471… Công tác tại quân y Sư đoàn bộ 471 cho tới tháng 4 năm 1976, Hoàng Thị Lực chuyển ngành về công tác tại Bệnh viện quê hương Thọ Xuân, Thanh Hóa. Cũng năm này chị kết hôn với chàng Thượng úy Hoàng Viết Vụ, người cùng quê. Chồng chị tiếp tục vào Quân khu 7 công tác. Lực làm việc tại khoa Nội – Đông y của bệnh viện huyện. Năm 1979, chị được cử đi học lớp đào tạo cán bộ Đông y tại Trường Đông y Tuệ Tĩnh của Bộ Y tế tại Hà Nội. Mang thai đứa con thứ hai, Lực đã vượt qua mọi khó khan của cuộc sống khốn khó của cả nước thời kỳ đó. Tốt nghiệp khóa đào tạo loại giỏi năm 1980 chị về làm Phó Chủ nhiệm khoa Đông y bệnh viện Thọ Xuân. Cũng năm này, chị sinh đứa bé trai thứ hai trong khi chồng chị vẫn công tác ở miền Nam. Lực một nách hai con khi chồng xa nhà, chị vẫn vượt lên khó khăn trăm bề để nuôi dạy hai con khôn lớn, trưởng thành…
Năm 1985 anh Vụ, chồng chị được chuyển ngành về làm việc tại Sở Nội vụ tỉnh Đắc Lắc. Để hợp lý hóa gia đình sau bao năm một mình bươn chải nuôi 2 con trai khôn lớn, năm 1988, chị xin chuyển vùng vào công tác tại Bệnh viện Y học Dân tộc tỉnh Đắc Lắc. Năm 2004, chị được nghỉ hưu. Với kinh nghiệm và chuyên môn đông y, tây y vững vàng, nghỉ hưu chị nhận khám chữa bệnh tại nhà. Dù không mở “Phòng khám chữa bệnh” hoàng tráng nhưng bệnh nhân đến với chị rất đông. Chị kết hợp châm cứu và chữa bệnh bằng đông y rất có uy tín. Ngôi nhà số 109/28 đường Mai Hắc Đế, phường Tân Thành, TP. Buôn Mê Thuột của chị không lúc nào vắng người bệnh tới khám và điều trị…
Nhưng rồi, tai ách bất ngờ ập đến với chị. Tháng 3 năm 2017, chị phát hiện mình bị ung thư vú. Do phát hiện sớm, chị nhanh chóng làm phẫu thuật mà không phải xạ trị. Từ đấy chị tự chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho mình bằng đủ loại thuốc đông y đặc trị. Đến nay, sức khỏe của chị ổn định tốt. Tai ách liên tiếp dáng xuống gia đình chị. Năm 2018, chồng chị - anh Hoàng Đình Vũ mắc ung thư thực quản. Cả hai vợ chồng chị đều mắc ung thư – hậu quả của những năm tháng lăn lộn trên chiến trường. Anh Vụ bệnh nặng nên sức khỏe yếu. Được chị hướng dẫn tập luyện và hỗ trợ chữa bệnh bằng phương pháp đông y… Vừa chăm sóc, chữa bệnh cho chồng, cho mình, chị vừa khám chữa bệnh cho bà con. Cuộc sống tuy vất vả nhưng Hoàng Thị Lực đã vượt qua tất cả.
Có một điều mà người ta luôn thấy ở Hoàng Thị Lực là sự lạc quan, yêu đời. Dù mắc bệnh tật nhưng chị không để bệnh tật ám ảnh mình. Chị cũng khuyên chồng và động viên các bệnh nhân của mình sống lạc quan, yêu đời, không nghĩ về bệnh tật…
Hiện nay, Hoàng Thị Lực có một gia đình hạnh phúc. Chị có hai con trai. Cháu đầu là Hoàng Viết Nam hiện là Chánh Văn phòng Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đắc Nông. Cháu trai thứ là Hoàng Viết Việt, Chánh Văn phòng Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Đắc Lắc. Anh chị đã có bốn cháu nội…
Người đồng đội Hoàng Thị Lực của chúng tôi ngày xưa yêu đời và tận tình với sức khỏe của đồng đội. Rời Trường Sơn, trở về với cuộc sống đời thường, chị vẫn tiếp tục mang miền vui về sức khỏe cho nhiều người.
-“Lẽ ra ở cái tuổi 71, 72 của mình, em đã nghỉ hẳn rồi anh ạ. Nhưng trước sự tín nhiệm và yêu cầu của bà con, vì sức khỏe của cộng đồng mà em không thể nghỉ việc khám chữa bệnh, anh ạ”…
Lực chia sẻ với tôi như thế. Tôi tin tâm sự của chị là thật lòng. Trái tim của một chiến sĩ áo trắng trong chị thật chân quí. Tôi thầm cảm phục người đồng đội ngày nào ở Trường Sơn – Hoàng Thị Lực đang âm thầm vượt qua bệnh tật để tỏa sáng giữa đời thường.
PTL.
Hoàng Thị Lực ở Trường Sơn.
Gia đình chị Hoàng Thị Lực hôm nay.
tin tức liên quan