Chúng tôi được tháp tùng Thủ trưởng đi thăm lại Đường Trường Sơn – Trần Văn Phúc

Ngày đăng: 03:16 01/04/2020 Lượt xem: 467
Nhân ngày giỗ đầu Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ( 4/4/2019 - 4/4/2020 )
 
CHÚNG TÔI ĐƯỢC THÁP TÙNG THỦ TRƯỞNG
ĐI THĂM LẠI ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN
 
            Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ  Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, nguyên Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ... mất ngày 4 tháng 4 năm 2019 , đến nay vừa tròn một năm. Đảng, Nhà nước và Quân đội đánh giá đồng chí Đồng Sỹ Nguyên là vị Tướng tài ba gắn liền với sự nghiệp Cách mạng của Đảng của Dân tộc và của Quân đội. Tên tuổi của đồng chí gắn liền với chiến trường Trường Sơn huyền thoại.
          Ngày 10 tháng 4 năm 2019 trong dòng người vào dâng hương bái biệt lần cuối người đồng chí, người Thủ trưởng kính yêu tại Công viên Vĩnh Hằng (Ba Vì, Hà Nội) tôi bất ngờ gặp lại một số anh em đã từng được tháp tùng Thủ trưởng Đồng Sỹ Nguyên đi thăm lại đường Trường Sơn cách đây 21 năm. Chúng tôi nắm chặt tay nhau, không ngăn được những giọt lệ của những người lính già và bùi ngùi nhắc lại biết bao kỷ niệm... Chuyến tháp tùng ấy có tôi cùng anh Trần Kỳ Vân, nguyên Thư ký của Thủ trưởng công tác tại Văn phòng Chính phủ, anh Nguyễn Ngọc Du Bác sỹ, anh Nguyễn Văn Ly Cán bộ Bảo vệ, anh Phan Hải nguyên Cán bộ ngành Giao thông - Vận tải và đồng chí Nguyễn Thanh Bình, cán bộ Tuyên huấn Binh đoàn 12  đã trở thành người thiên cổ...
          Đoàn xuất phát từ Hà Nội  sáng ngày 4 tháng 5 năm 1998 và kết thúc tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 13 tháng 5 năm 1998. Tôi là Cán bộ Cục Tham mưu Công binh Trường Sơn từ những năm 1970, đã nhiều lần được giúp việc Thủ trưởng nên trước khi đi Thủ trưởng chỉ điện nhắc: " Chú nhớ mang theo các bản đồ đường Trường Sơn trong chiến tranh để làm việc ... "
          ... Tới Hà Tĩnh đoàn vào thăm xã Hương Đô nơi Chỉ huy sở tiền phương của Tổng  cục Hậu cần và Chỉ huy sở cơ bản của Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn năm 1966 - 1967. Được tin Thủ trưởng về thăm, từ cụ già đến em bé vừa đi vừa kêu: Ông Nguyên về thăm hè...về hè... Thủ trưởng vào nhà cụ Nguyễn Văn Duệ, nơi gia đình đã dành cả gian nhà thờ và đào căn hầm để Thủ trưởng ở và làm việc. Thủ trưởng bắt tay từng cụ già tới thăm và tặng quà cho các em bé. Mọi người vây quanh, thân tình như người thân đi xa nay mới trở về nhà .
          Tới Tân Ấp (Quảng Bình) anh Nguyễn Văn Hòa , Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Binh cùng cán bộ Sở Giao thông - Vận tải , Phóng viên Đài  phát thanh - Truyền hình Quảng Bình đã chờ đón đoàn. Đến ngầm Ka Tang, những vết bom đạn Mỹ còn in dấu nham nhở trên các trụ cầu. Thủ trưởng dừng lại, ngắm dòng sông vẫn êm đềm chẩy về xuôi và nói: Sau này sẽ làm cây cầu về thượng lưu, cần giữ lại các trụ cầu như một chứng tích chiến tranh về tội ác của giặc Mỹ. Đến ngã ba Khe Ve Thủ trưởng xem tuyến đường trên bản đồ và nói với anh Hòa: Sau này sẽ nâng cấp đường 12 nối với đường Hồ Chí Minh tạo thành hành lang kinh tế giữa Việt Nam với Lào và Thái lan. Tôi thấy anh Hòa và cán bộ Quảng Bình rất vui như đồng tình với gợi ý Thủ trưởng .
          Đoàn vào thăm hang Hóa Tiến - Chỉ huy sở của Bô Tư lệnh Đoàn 559 cách ngã ba Khe Ve khoảng 3km, ở đây cây cối mọc um tùm không còn dấu vết của đường cũ, phải nhờ 2 người dân bản địa đi trước phát cây mở đường. Anh Ly chặt cây làm gậy chống và hộ tống Thủ trưởng trèo lên cửa hang. . Mọi người toát mồ hôi, mũi và miệng thi nhau thở… Từ cửa hang nhìn xuống rất sâu. Ánh nắng chiếu vào cả một không gian trong hang bừng sáng và rộng lớn Thủ trưởng nhớ lại: Từ năm 1965 nhiều lần Thủ trưởng vào đây làm việc với anh Phan Trọng Tuệ Bộ trưởng Bộ Giao thông -Vận tải kiêm Tư lệnh Đoàn 559 ... Khu vực hang này cũng là Chỉ huy sở của Binh trạm 14 . Đến nga ba Trốc Thủ trưởng chỉ tay vào bản đồ và nói: Đây sẽ là tuyến Tây đường Hồ Chí Minh hướng về Đường 9 tới cầu ĐaKrong. Còn tuyến Đông Trường Sơn sẽ qua cầu Xuân Sơn gần cổng Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn về Cam Lộ ... Đoàn đi tiếp qua Thạch Mỹ, Khâm Đức ( Quảng Nam ) lên đỉnh Lò So. Gặp chợ nhỏ bên đường anh Phan Hải mua cả một nồi xôi còn bốc khói rồi gói lại mang đi. Bà hàng xôi và bà con ở chợ rất ngạc nhiên vì anh Hải không mang cả và tiền thừa cũng thôi. Chúng tôi lên xe vẫn còn nghe tiếng nói cười của bà con: Mấy ổng kỳ dậy ... Từ đỉnh cao trên 1000m phóng tầm mắt hút về phía biển, nhìn về phía tây cả một vùng cây xanh to cả người ôm rì rào gió hát. Trong chống Mỹ cánh lái xe đi qua đây đều thót tim vì đường vừa dốc cao, vừa cua ngặt. Gặp trời mưa có khi sạt lở hàng trăm mét mất cả đường. Công binh Sư đoàn 472 mất rất nhiều công sức nhưng vẫn trong tình trạng giải quyết tình thế . Giữa đỉnh đèo Lò So chúng tôi ăn bữa cơm dã chiến, ngoài bánh mỳ với ruốc thịt lợn còn có nồi xôi còn nóng của anh Hải mua ở chợ buổi sáng .
          Tất cả bày  trên lá chuối rừng rồi lấy tay bốc, vừa ăn vừa nói chuyện như ôn lại những chuỗi kỷ niệm trong chiến tranh... Nhìn đường dây 500KV chạy qua đỉnh Trường Sơn như khung nhạc giữa trời, Thủ trưởng nói: Anh Sáu Dân (đồng chí Võ Văn Kiệt) đã khắc dấu ấn cho ngành điện lực Việt Nam . Đường Trường Sơn trong chiến tranh vẫn phát huy tác dụng góp phần xây dựng công trình này... Tôi nhớ lại năm 1989, Binh đoàn 12 nhận được điện từ Văn phòng Chính phủ mời đồng chí Thiếu tướng Phan Quang Tiệp, Tư lệnh Binh đoàn 12 lên làm việc. Tới Phủ Chủ tịch trên thảm cỏ xanh có chiếc bàn khá rộng tôi thấy Thủ trưởng Đồng Sỹ Nguyên ngồi bên cạnh đồng chí Võ Văn Kiệt và một số Cán bộ khác. Sau khi đã yên vị, Thủ trưởng Đồng Sỹ Nguyên nói: Mời anh Tiệp báo cáo với anh Sáu Dân về tình hình đường Trường Sơn ở khu vực Tây Nguyên để phục vụ công trình đường dây 500KV... Tôi trải trải  bản đồ ra bàn. Đồng chí Phan Quang Tiệp trình bầy xong, đồng chí Võ Văn Kiệt tươi cười và nói: Đường Trường Sơn trong chiến tranh đã làm tròn nhiệm vụ của mình, nay tiếp tục phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước. Chính phủ sẽ giao cho Bộ đội Trường Sơn cả nhiệm vụ tham gia xây dựng đường dây 500 KV... Vì vậy tôi thiển nghĩ  chắc Thủ trưởng lại nhớ đến buổi làm việc với đồng chí Võ Văn Kiệt cách đây gần chục năm...
          Đoàn đi tiếp vào Đắc Nông. Trước mặt là con đường được dài trên 30 km nối Đắc Min với Đắc Song được Sư đoàn 470 thi công và hoàn thành đầu năm 1977. Với tư duy nhạy bén về chính trị Thủ trưởng đã lệnh cho Sư đoàn 470 khẩn trương thi công con đường này từ đầu năm 1976. Năm 1977 - 1978 lính Pôn Pốt từ Cam Pu Chia nhiều lần đột kích vào khu vực  Đức Lập, con đường đi thị xã Gia Nghĩa bị tắc, nhưng đã có đường mới Đắc Min đi Đắc Song nên việc lưu thông vẫn diễn ra bình thường. Đến Tuy Đức thuộc Đắc Nông Thủ trưởng dừng lại rất lâu xem bản đồ để chọn hướng tuyến Đường Hồ Chí Minh sẽ đi qua. Sau này đường Hồ Chí Minh đã đi qua Đắc Min - Đức Lập về thị xã Gia Nghĩa, góp phần phát triển kinh tến - xã hội  của tỉnh Đắc Nông mới thành lập... Thủ trưởng thăm tiếp đường Trường Sơn tại khu vực ngã 3 đường 10 thuộc Bù Đốp, nơi điểm cuối của đường Giao liên - Điểm cuối của đường Thông tin tải ba... Đến thăm khu Xăng dầu VK98 thuộc xã Lộc Quang huyện Lộc Ninh tỉnh Bình Phước, Thủ trưởng nhắc lại kỷ niệm với đồng chí Trần Hoàn - Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin khi  đến thăm VK98 đã thốt lên: Tôi đã được biết  Bộ đội Trường Sơn anh hùng , nhưng đến đây tôi càng khâm phục thực sự. Khu kho Xăng dầu chứa hàng triệu lít, cách Sài Gòn theo đường chim bay chỉ khoảng 100km mà Mỹ - Ngụy có mắt như mù không phát hiện ra ... tài tình thật ...
          Chúng tôi tạm biệt Thủ trưởng ở thành phố Hồ Chí Minh ngày 13 tháng 5 năm 1998... Đến nay đã 21 năm, những ý kiến của Thủ trưởng về  đường Hồ Chí Minh nay thành hiện thực…
          Quây quần bên Thủ trưởng cho đến khi những công nhân của Công viên Vĩnh hằng hoàn tất công đoạn cuối cùng yên vị linh cữu ông, đôi chân chúng tôi như chẳng thể bước nổi để tạm biệt nơi ông “Vĩnh hằng” yên nghỉ… Trong bước liêu xiêu đi bên tôi - Anh Nguyễn Văn Ly nghẹn ngào nói: hôm trước tôi đến thăm, Cụ còn nói: Tôi sẽ tổ chức gặp mặt thân mật các đồng chí phục vụ và công tác cùng tôi qua các thời kỳ nhân dịp Kỷ niệm 60 năm ngày Bộ đội Trường Sơn Anh hùng… vậy mà bây giờ Cụ đã trở thành người thiên cổ và ý tưởng ấy Cụ chỉ còn có thể thực hiện được vào ngày nào đó nơi thế giới bên kia…!
          Vâng! Thân thế và sự nghiệp của ông; Những kỷ niệm đầy ấn tượng về ông và cả những tình cảm mà ông đã dành cho chúng tôi nó sẽ còn mãi mãi trong lòng mỗi người - Chúng tôi vẫn tin rằng ở đâu đó trên cõi Vĩnh hằng và trên Đại ngàn Trường Sơn Thủ trưởng vẫn dành cho chúng tôi tình cảm ấm áp nhất .

 
Một số hình ảnh là những kỷ niệm trân quý mà chúng tôi chẳng thể nào quên
 
Chân dung Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chụp ngày 10-05-1998

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (thứ 2 trái sang) tại Ngọc Hồi Kontum (11-05-1998)

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên kiểm tra hướng tuyến đường HCM tại Tuy Đức, Đắc Nông (11-05-1998),
đồng chí Trần Văn Phúc bên phải tháp tùng.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng và nhà nước bên linh cữu Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (10-04-2019)

Đoàn xe đưa linh cữu Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên về Công viên Vĩnh hằng (10-04-2019)

Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quân đội bên linh cữu Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên
tại công viên Vĩnh hằng (10-04-2019)

Đại tá Trần Văn Phúc vĩnh biệt Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tại Công viên Vĩnh hằng (10-04-2019)

Những người từng tham gia tháp tùng chuyến công tác của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên
(ảnh chụp tại Công Viên Vĩnh hằng ngày 10-04-2019).

Trần Văn Phúc 

tin tức liên quan