Ngày đó tôi là phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã dự lễ đón nhận danh hiệu cao quý. Bao năm gặp lại, giờ Đại tá Lê Xuân Bá đã 85 tuổi, vẫn khỏe mạnh, minh mẫn.

     Đại tá Lê Xuân Bá quê ở xã Hà Tân, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, nhập ngũ năm 18 tuổi, buổi đầu là chiến sĩ Đại đoàn 308 tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước năm 1975, ông là bộ đội công binh. Năm 1964, Lê Xuân Bá tốt nghiệp Trường Sĩ quan Công binh, được điều về Trung đoàn 98 Công binh chiến đấu ở Trường Sơn. Đến ngày 15-4-1970, tại khu rừng Nậm Pa thuộc tỉnh Attapeu (Lào), Sư đoàn 470 thuộc Bộ tư lệnh Trường Sơn ra đời, ông được điều về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 4 Công binh.

Đại tá Lê Xuân Bá tại nhà riêng. Ảnh: KIỀU BÌNH ĐỊNH 

20 ngày đêm từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4-1973, Trung đoàn 4 Công binh do Lê Xuân Bá chỉ huy đã hoàn thành xây dựng một ngầm và một bến phà, cầu phao dài 100m vượt sông Sêrêpôk tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc. Đây là một trong những phần việc khó nhất trên tuyến đường từ nam Tây Nguyên đến Chiến trường B2 tại Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Trong quá trình xây ngầm, làm cầu phao, máy bay địch nhiều lần oanh tạc, phải làm đi làm lại, đơn vị ông bị tổn thất khá nặng. Gần 50 cán bộ, chiến sĩ hy sinh nhưng máu xương của các chiến sĩ công binh đổ ra không uổng. Các công trình hoàn thành đã đưa các binh đoàn chủ lực, xe tăng, xe cơ giới cấp tập hành tiến về các tỉnh miền Đông Nam Bộ, sau này tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Với những chiến công xuất sắc, ngày 3-5-1976, Trung đoàn 4 Công binh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

        Sau ngày nước nhà thống nhất, Sư đoàn 470 lại trở thành đơn vị chủ công xây dựng cơ sở hạ tầng cho Tây Nguyên. Đơn vị ông đã cải tạo mở rộng nhiều con đường cấp phối, đường rải nhựa cũ, xây cầu cống bảo đảm kỹ thuật và chất lượng, góp phần nâng cấp hệ thống giao thông huyết mạch ở Tây Nguyên. Thời kỳ đó, nhu cầu điện năng của Đắc Lắc rất lớn mà cả tỉnh chỉ có một nhà máy phát điện chạy dầu công suất 6.000kW. Năm 1984, Đắc Lắc quyết định xây dựng nhà máy thủy điện đầu tiên tại thác Đray H’linh trên sông Sêrêpôk, công suất 1,5 vạn ki-lô-oát, nhưng tỉnh không tìm được đơn vị thi công đúng chuyên ngành. Mặc dù Sư đoàn 470 chỉ quen làm cầu đường, chưa làm thủy điện lần nào, song Bí thư Tỉnh ủy Y Ngông Niê Kdăm rất tin tưởng và mạnh dạn giao cho Sư đoàn 470 của Lê Xuân Bá làm tổng thầu thi công. Mỗi cán bộ, chỉ huy của đơn vị lại động viên nhau, ngày đêm học thêm một chuyên môn mới là xây dựng thủy điện nhỏ và vừa. Công trình khởi công ngày 30-4-1985, được hoàn thành đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng sau gần 6 năm xây dựng, trở thành một cái mốc đột phá phát triển kinh tế-xã hội theo hướng làm ăn lớn cho tỉnh Đắc Lắc và cả Tây Nguyên. Thời kỳ đó, bọn FULRO còn hoạt động khá mạnh ở Tây Nguyên, người lính công binh vừa xây dựng thủy điện vừa lo bảo vệ vòng ngoài chống FULRO quấy phá. Năm hoàn thành công trình thủy điện Đray H’linh, Sư đoàn 470 và cá nhân Đại tá, Sư đoàn trưởng Lê Xuân Bá được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Những năm tiếp theo, Sư đoàn 470 còn tham gia những công trình trọng điểm của đất nước như xây dựng thủy điện Yaly ở tỉnh Gia Lai; đường dây siêu cao áp 500kV Bắc-Nam, thủy điện Buôn Khốp, Quốc lộ 14...

       Nói về phẩm chất người anh hùng, Đại tá Lê Xuân Bá tâm sự với tôi rằng, trước sau ông vẫn là con người hành động, không thích nói điều chi to tát. Ông cho rằng, cái gốc tạo dựng những chiến công, tạo nên anh hùng chính là trước hết mỗi người đều phải chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, phấn đấu ở mức cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó. Thành tích có được của mỗi cá nhân trước hết là sự giúp đỡ của cả một tập thể, trong đó có sự hy sinh xương máu của đồng đội. Vì vậy, phẩm chất người anh hùng còn thể hiện ở sự biết ơn đồng chí, đồng đội, nhất là những người đã ngã xuống. Năm 2017, Đại tá Lê Xuân Bá đã cùng các CCB Trường Sơn trở lại tìm chính xác được đoạn ngầm và bến phà trên sông Sêrêpôk năm xưa. Với tư cách là Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh tỉnh Đắc Lắc, ông đã vận động quyên góp, xây tại đây một nhà bia tưởng niệm, vinh danh các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp thống nhất đất nước.

                                                 PHẠM QUANG ĐẨU