PHÓ CHÍNH ỦY SƯ ĐOÀN 471 NGUYỄN TAM ANH CỦA CHÚNG TÔI

Ngày đăng: 09:29 07/04/2020 Lượt xem: 2.773
PHÓ CHÍNH ỦY SƯ ĐOÀN 471
NGUYỄN TAM ANH CỦA CHÚNG TÔI

 
                   Ghi chép của Phạm Thành Long

          

Phó Chính ủy Nguyễn Tam Anh trước khi vào Trường Sơn.
 

           Những kỷ niệm về Chính ủy Tam Anh ở Binh trạm 35 của tôi.
 

     Tôi vào Trường Sơn năm 1970, nhưng phải tới tháng 3 năm 1971 khi lên làm việc tại Tiểu ban Tăng gia Ban Hậu cần Binh trạm 35, tôi mới có dịp gần và biết nhiều về Chính ủy Binh trạm - Trung tá Nguyễn Tam Anh. Tháng 5 năm 1971, tôi được chuyển về bộ phận tuyên truyền của Tuyên huấn Binh trạm thì tôi càng có dịp gần gũi với ông. Thỉnh thoảng, tôi mang nội dung tổng hợp tin tức đọc chậm của quân đội trên Đài Tiếng nói Việt Nam lên cho Chính ủy đọc. Tôi rất ấn tượng không chỉ phong độ bên ngoài của Chính ủy và còn ấn tượng bởi thần thái của ông giữa đại ngàn Trường Sơn.
       Binh trạm 35 là Binh trạm phía Nam của Tuyến chi viện Trường Sơn. Từ lâu, nó được mệnh danh là “Binh trạm dốc, Binh trạm đói và ác liệt” của Trường Sơn. Đêm ngày chỉ huy tác chiến hợp đồng giữa 7 tiểu đoàn binh chủng của Binh trạm thực nhiệm vụ chi viện chiến trường trong điều kiện địch đánh phá vô cùng ác liệt của giặc Mỹ đâu phải chuyện đơn giản. Ông là người đứng mũi chịu sào toàn bộ sự “nóng - lạnh” của Binh trạm. Biết bao lo toan, biết bao tình huống xảy ra hằng ngày… Ấy vậy mà ông luôn tỏ ra bình tĩnh một cách lạ lùng. Tiếp xúc với ông ai cũng thấy ở ông toát lên sự tự tin.
       Từ cuối năm 1954, tôi đã được tiếp xúc hàng ngày với các chú bộ đội. Ấy là bộ đội Sư đoàn 304 đánh Điện Biên kéo về đóng quân ở quê tôi. Trong nhà gia đình tôi ngày ấy là nơi ở vợ chồng bác sĩ quân y Sư đoàn 304 Phan Ngọc Ngoạn (bố mẹ của chuyên gia bóng đá Hà Nội Phan Anh Tú vẫn xuất hiện trong chương trình bình luận thể thao trên VTV bây giờ).  Từ khi gia đình tôi chuyển lên sống tại thị trấn Xuân Mai thì hàng ngày, đi đâu tôi cũng gặp bộ đội. Nhiều chú cán bộ, sĩ quan của Sư đoàn 338 Nam Bộ là anh em kết nghĩa với cha tôi - một bộ đội chống Pháp. Nói ra điều này để thấy tôi rất quen với hình ảnh nhiều chú bộ đội. Ấy vậy mà tôi thấy mình chưa gặp chú bộ đội nào quắc thước như Chính ủy Tam Anh. Ông có khuôn mặt đẹp, da trắng, có bộ râu quai nón khiến tướng ông càng đẹp… Có lần, ông xuống Ban Chính trị chúng tôi. Trong lúc vui, ông đã tiết lộ, ngày còn công tác ở Cục Bảo vệ, ông đã viết nhiều câu chuyện cảnh giác với bút danh “Tam Thanh”. Mãi sau này tôi mới biết ông đã lấy tên đệm của mình ghép với tên vợ ông – bà Nguyễn Thị Thanh ghép thành cái bút danh: Tam Thanh. Ngày còn ở miền Bắc, tôi đã được đọc nhiều tập sách khổ 10 x 14 cm của Nhà xuất bản Thanh Niên với một seri sách mang tên “Kể chuyện cảnh giác”. Nhiều câu chuyện ký tên tác giả Tam Thanh… Ông còn kể chuyện: Ngày còn ở Bắc, ngày nghỉ, ông mặc quần đùi, thằng con lớn của ông phát hiện ra một vết thương ở đùi ông, nó hỏi: “Tại sao bố lại có vết sẹo này?”. Mình trả lời nó: “Bố có cái sẹo này trong khi đánh nhau với một thằng lính Pháp đấy”. Thật không ngờ, thằng con mình hồn nhiên bảo: “Thế thì bố rất kém. Nếu là con thì đừng hòng thằng địch nào có thể làm con bị thương như bố đâu!” “Mình vô cùng ngạc nhiên và cũng rất thích thú về sự hồn nhiên của đứa con trai…”
          Tôi nhớ nhất là một sáng mùa mưa đầu tháng 7 năm bảy một, ông lên lên phòng giao ban rất sớm. Trời còn khá tối. Đi trong giao thông hào chạy vào hầm giao ban tác chiến, nhìn lại càng tối. Vô tình, ông giẫm phải một con trăn lớn. Dưới ánh sáng của đèn pin, ông thấy dưới chân mình là một con trăn hoa khá to. Con trăn oằn lên vì đau. Nó quay đầu lại. Nhưng vì trong giao thông hào nên nó làm việc ấy rất khó khăn. Ông vội nhảy lùi lại và kêu đồng chí cảnh vệ đang đứng gác trên mặt đất chạy tới xử lý… Hôm ấy, cả Binh trạm bộ được ăn thịt trăn. Mùa mưa năm ấy toàn Binh trạm đói lắm. Chúng tôi phải ăn sắn khô hông. Thức ăn thì toàn là măng, củ chuối, rau rừng…
       Có một chuyện cũng khá đặc biệt là, cuối mùa khô năm 1971. Đại tá, Cục trưởng Cục Quân y Nguyễn Hữu Quốc vào chiến trường công tác. Ông nghỉ lại Binh trạm bộ 35 ở Phù Trường. Chính ủy Tam Anh có biết Cục trưởng Nguyễn Hữu Quốc khi ông công tác ở Cục Bảo vệ. Vì thế hai người đã những cuộc trò chuyện thân thiết. Trong khi trò chuyện, Cục trưởng Nguyễn Hữu Quốc vô cùng ngạc nhiên khi biết Chính ủy Tam Anh từng chiến đấu nhiều năm tại Lào từ năm 1948 mà tới nay vẫn chưa một lần bị sốt rét. Chứng tỏ sức đề kháng trong người Chính ủy Tam Anh rất đặc biệt. Đại tá Nguyễn Hữu Quốc hẹn với Chính ủy Tam Anh, khi trở ra từ chiến trường B2, thể nào ông cũng xin một ít máu của Chính ủy Tam Anh mang ra Hà Nội để nghiên cứu…
       Tháng 8 năm ấy, Chính ủy Tam Anh được bổ nhiệm làm Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 471. Ông là lớp cán bộ lãnh đạo đầu tiên của Sư đoàn. Gần cuối tháng 2 năm 1972, Đảng ủy-Bộ Tư lệnh Sư đoàn họp và ra nghị quyết thực hiện nhiệm vụ mùa khô 1971-1972. Sáng 27/2/1972, Phó Chính ủy Tam Anh được phân công ra Bộ Tư lệnh Tiền phương của Sư đoàn và đến Binh trạm 35 phổ biến Nghị quyết. Tranh thủ chạy lấn sáng trên đường K24, thì bất ngờ xe của Phó Chính ủy bị máy bay Mỹ bất ngờ xuất hiện. Nó phát hiện ra đám bụi bốc trên đám cây rừng từ chiếc xe đang chạy của Phó Chính ủy. Máy bay lao xuống quăng bom. Lúc này chiếc xe đã kịp tạt vào lề rừng. Mọi người trên xe tỏa ra chạy vào những chiếc hầm trú ẩn bên đường. Phó Chính ủy chạy vừa tới cửa hầm thì một quả bom phát quang nổ rất gần. Bom phát quang là loại bom nổ ngay trên mặt đất. Sức mạnh của nó có thể thổi bay nhiều cây cối và mọi vật trên mặt đất. Phó Chính ủy đã ngã xuống vì sức ép rất lớn của bom phát quang. Phó Chính ủy đã hy sinh ngay trước cửa hầm. Lúc ấy khoảng 8 giờ sáng ngày 27/2/1972…
          Tin Phó Chính ủy sư đoàn Nguyễn Tam Anh hy sinh anh dũng loan đi khắp Sư đoàn. Nhiều cán bộ, chiến sĩ không tin vào tai mình. Phó Chính ủy ra đi quá đột ngột vào đau đớn với nhiều người. Tôi còn nhớ, khi ấy, tôi vẫn ở Binh trạm 35. Thông tin Phó Chính ủy mất khiến cả Binh trạm bộ 35 lặng đi. Ông là người đã để lại nhiều kỷ niệm, nhiều dấu ấn với Binh trạm 35 – Đèo Long-Sông Bạc...
         Nhiều đêm sau đó tôi thỉnh thoảng mơ thấy Phó Chính ủy Tam Anh với nhiều kỷ niệm những ngày ông làm Chính ủy Binh trạm 35…
         Ngày 1/5/1972, tôi được điều lên Ban Tuyên huấn Sư đoàn phụ trách làm Bản tin của Sư đoàn. Cuối tháng 8 năm 1972, tôi bị sốt rét ác tính phải nằm điều trị ở Bệnh xá Sư đoàn tại Keng Nhang – Phù Trường. Tối hôm ấy tôi bị hôn mê không hay biết gì. Muốn truyền dịch, các bác sĩ phải trói chân và tay tôi lại bởi những cơn co giật của tôi. Đêm ấy tôi đã mơ, một cơn mơ rất kỳ lạ. Tôi bị lạc đến một cây cầu vồng rất đẹp bắc qua một con suối. Ở bên kia cầu, Phó Chính ủy Tam Anh vẫy tay liên hồi gọi tôi bước sang. Rồi ông tiến ra giữa cầu. Lúc này tôi cũng đã bước ra giữa cầu. Tôi chào ông. Ông bảo tôi: “Thành Long hãy đi với thủ trưởng”. Rồi ông nắm lấy tay tôi. Tôi vô cùng ngạc nhiên hỏi lại ông: “Sao Chính ủy lại ở đây vậy?” Ông không trả lời nhưng lại kéo mạnh tay tôi định lôi đi. Tôi kêu lên: “Không em phải trở về đây. Ở nhà công việc của Ban Tuyên huấn nhiều lắm ạ. Em không đi chơi với thủ trưởng được đâu”. Nói rồi tôi giật mạnh tay ra khỏi tay ông: “Em về đây. Em không thể đi chơi với thủ trưởng được”… Rồi tôi tỉnh dậy. Tôi thấy hai tay, 2 chân mình bị buộc vào chân giường. Dây truyền dịch vẫn đang cắm trên cánh tay tôi… Thấy tôi tỉnh lại, bác sĩ và y tá của Bệnh xá chạy vào reo lên: “Cậu Thành Long tỉnh rồi! Thế là thoát được tử thần rồi!” Tôi ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì xảy ra với mình thì một nữ ý tá đến bên tôi. Chị nói: “Từ chiều hôm qua anh bị hôn mê vì sốt rét ác tính. Chúng em lo quá, chỉ sợ anh không qua khỏi. Giờ thì may quá rồi! Anh không thể chết được nữa!” Tôi dần dần nhớ lại mọi chuyện từ khi tôi lên cơn sốt cho tới khi được y sĩ Hoàng Thị Lực khám và quyết định nhanh chóng khi tiên lượng xấu về tôi. Y sĩ Lực đã quyết định đưa ngay tôi ra Bệnh xá Sư đoàn để điều trị. Thật may, nếu tôi không được cô Lực cho đi Bệnh xá ngay buổi sáng hôm ấy thì có lẽ tôi đã không được cấp cứu kịp thời…Và rất có thể đã ra đi gặp Phó Chính ủy Tam Anh rồi…
          Tôi đã viết chi tiết này trong truyện “Giấc mơ và con trăn” – viết về Chính ủy Tam Anh đăng trong tập truyện “Lính Trường Sơn kể chuyện Trường Sơn”- Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2012 với hơn hai vạn cuốn.
          Bây giờ, nếu ai vào viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Xin hãy đi tới khu mộ của các Liệt sĩ Anh hùng và liệt sĩ là cán bộ cao cấp của Trường Sơn sẽ thấy ngôi mộ liền kề với mộ Chính ủy Đặng Tính là mộ Phó Chính ủy Nguyễn Tam Anh. Phó Chính ủy Nguyễn Tam Anh là cán bộ cao cấp đầu tiên của Bộ đội Trường Sơn hy sinh tại chiến trường Trường Sơn. Trước ông là một số cán bộ các Binh trạm hy sinh. Tháng 5 năm 1972 có thêm đồng chí Nguyễn Văn Tốn, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Rồi tháng 4 năm 1973, Chính ủy Trường Sơn Đặng Tính, Chính ủy Sư đoàn 968 Vũ Quang Bình, Cục phó Cục công binh Trường Sơn Nguyễn Thúc Yêm hy sinh…
 
          Lần tìm thông tin về gia đình Phó Chính ủy
 

          Một điều canh cánh trong tôi và nhiều đồng chí cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 471 là mong muốn tìm được thông tin về gia đình Phó Chính ủy Tam Anh. Nhưng rồi không có kết quả. Đầu năm 2019, Đại tá Nguyễn Khắc Thế, Trưởng ban Chính sách Trung ương Hội cũng nhờ tôi tìm gia đình Phó Chính ủy Nguyễn Tam Anh để Binh đoàn 12 và Hội Trường Sơn Việt Nam tri ân nhân kỷ niệm 60 năm Bộ đội Trường Sơn. Ngày ấy chúng tôi chỉ nghe kể vợ Phó Chính ủy là người Nghệ An. Vì thế tôi nhờ nhiều đồng chí ở Nghệ An lần tìm nhưng không có kết quả…
        Một dịp may bất ngờ. Đầu tháng 3 vừa qua, tôi đến chơi nhà đồng đội Đại tá Nguyễn Minh Đức, nguyên trợ lý Phòng Tham mưu Công binh Sư đoàn 471. Trong câu chuyện tôi vô tình nhắc đến Phó Chính ủy Tam Anh từ ngày ông còn làm Chính ủy Binh trạm 35 thì Nguyễn Minh Đức đã nói: “Ngày trước khi tôi làm giáo viên Trường Quân khí ở Phú Thọ có ở với em gái Phó Chính ủy Tam Anh…”. Thế là tôi “giao luôn nhiệm vụ" cho Nguyễn Minh Đức: “Với tư cách là Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Sư đoàn, tôi đề nghị ông có trách nhiệm tìm thông tin về gia đình cụ Tam Anh qua người em gái của cụ ấy nhé”. Minh Đức nói với tôi: “Hơn 20 năm tôi đi khỏi trường ấy rồi, không biết có lần tìm được chị ấy hay không. Nhưng tôi hứa với ông!”…
          Rồi tin vui bất ngờ. Ít ngày sau, tôi nhận được điện thoại của Minh Đức báo tin đã có thông tin về gia đình cụ Tam Anh rồi. Tôi đã gửi thông tin địa chỉ gia đình, số điện thoại con của cụ Tam Anh trong thư điện tử cho anh rồi đấy! Tôi mừng vô cùng.
 
          Hôm sau, tôi đã nối điện thoại với cháu Nguyễn Hữu Nam, con trai thứ tư - con trai út của Phó Chính ủy Tam Anh - đứa con mà vợ ông mang thai trước ngày ông vào chiến trường Trường Sơn. Vì thế khi cha hy sinh, cháu Nam chưa từng biết mặt cha mình.
          Qua trò chuyện nhiều lần trên điện thoại và trao đổi thông tin qua thư điện tử với cháu Nam, thông tin về gia đình và cuộc đời của Phó Chính ủy Nguyễn Tam Anh dần dần được sáng tỏ...
 
          Cuộc đời 26 tuổi quân đầy sôi nổi của Phó Chính ủy Nguyễn Tam Anh
 

          Đồng chí Nguyễn Tam Anh sinh năm 1930 trong một gia đình khá giả ở xã Yên Khánh, huyện Ý Yên, Nam Định. Cụ Nguyễn Văn Vạng cha ông có hai người vợ. Vợ cả mất, cụ lấy bà hai sinh được 6 người con (ba trai, ba gái). Con cả là Nguyễn Thơm (anh trai đồng chí Tam Anh), sinh năm 1927 (ông đi bộ đội năm 1945 làm y tá Đại đoàn 312. Sau này ông chuyển ngành đi học bác sĩ rồi về làm Giám đốc Bệnh viện Dệt Nam Định). Đồng chí Nguyễn Tam Anh là con thứ 2. Người em gái làm cán bộ Trường Quân khí với đồng chí Nguyễn Minh Đức là Nguyễn Thị Thuân, người con thứ 5 của cụ Vạng, sinh năm 1936.
      Học xong Thành chung (cấp II) năm 1945. Đầu năm 1946, đồng chí Nguyễn Tam Anh định vào mỏ crôm ở Cổ Định, Thanh Hóa xin việc làm nhưng không thành. Đồng chí đã nhập ngũ vào làm việc tại Công binh xưởng (thuộc Cục Quân giới) đang đặt tại Trường Yên, Ninh Bình.
      Đầu năm 1948, ông được kết nạp Đảng. Sau đó được bầu vào cấp ủy lãnh đạo Xí nghiệp (Công binh xưởng Liên khu Ba).
     Thu đông năm 1948-1949, giặc Pháp nhiều lần tấn công vào khu vực Công binh xưởng, ông đã cùng ban lãnh đạo chỉ huy chiến đấu đánh trả địch và bảo vệ Xưởng. Vì vị trí Xưởng bị lộ, sau đó Xưởng quyết định di chuyển về huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.
      Lúc này đồng chí được Đảng cử đi học Trường Kỹ nghệ quân giới Liên khu Ba. Do điều kiện kinh tế khó khăn lúc bấy giờ, học được 8 tháng thì trường phải giải tán.
      Cuối năm 1949, đồng chí được cấp trên cho đi học quân sự. Đoàn có hơn 20 anh em đi bộ qua Thanh Hoá, lên Tây Bắc rồi lên Việt Bắc. Tại đây, Trung ương cử các ông sang Côn Minh học về quân sự, từ tháng 12 năm 1950 đến tháng 6 năm 1951.
     Tháng 7/1951, đồng chí Tam Anh về tới Tuyên Quang. Tại đây, đồng chí được lệnh của Tổng Tư lệnh điều vào chiến đấu ở miền Nam Trung Bộ.
     Vào Khu 5, đồng chí được phân công làm huấn luyện viên quân sự tại Trường võ binh Trần Quốc Tuấn của Khu.
     Tháng 2/1952, đồng chí được cử phụ trách lớp chỉnh huấn cho bộ đội từ các vùng Hạ Lào và Đông Bắc miền Trung về học tập.
     Năm 1953, đồng chí cùng các học viên lớp chỉnh huấn sang chiến đấu tại chiến trường Hạ Lào. Ngày 10/7/1954, đồng chí chỉ huy 8 chiến sĩ của đại đội 202, đánh trận phục kích với sáu mươi tên địch, bắt sống năm tên, giết bốn tên. Địch phải tháo chạy. Trong khi giằng co giáp lá cà với tên quan ba Pháp vì súng hết đạn, lưỡi lê của nó đã đâm trúng đùi khiến đồng chí Tam Anh bị thương. Đồng chí vẫn nhanh tay quật ngã tên quan ba. Nó bị bắt sống.
      Sau giải phóng 1954, đồng chí nhận được lệnh điều động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo tiểu đoàn mới thành lập, hành quân về Việt Bắc. Từ đây tiểu đoàn hành quân sang Sầm Nưa, giúp cách mạng Lào.
      Ngày 25/11/1954, đơn vị hành quân về Hương Sơn, Hà Tĩnh. Cuối năm 1954, đồng chí được điều về Tổng đội biên phòng 33J đóng ở Anh Sơn, Nghệ An.      
      Ngày 9/10/1955, đồng chí được cử về Hà Nội dự Hội nghị Bảo vệ toàn quốc. Ngày 4/11/1955, đồng chí nhận nhiệm vụ lên cao nguyên Mộc Châu làm nhiệm vụ bảo vệ Đảng.
       Tháng 1/1956, đồng chí được cử đi học lớp nghiệp vụ bảo vệ do Cục Bảo vệ mở ở Từ Sơn (Rừng Sạt). Đây là lớp nghiệp vụ bảo vệ đầu tiên được tổ chức lúc bấy giờ.
       Ngày 5/7/1959, đồng chí được điều động trở lại Tây Bắc làm nhiệm vụ. Ngày 1/12/1959, đồng chí về nhận công tác tại Đoàn bộ Đoàn 959 làm cố vấn giúp bộ đội Pa-thét Lào. Ngày 5/9/1960, đồng chí được cử làm sỹ quan biệt phái Trưởng ban Bảo vệ CP31 trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
       Ngày 15/9/1960, đồng chí được phong quân hàm Đại uý.
       Ngày 21/10/1960, đồng chí vinh dự được cử đi đón và bảo vệ Hoàng thân Suvanuvông.
     Ngày 3/11/1960, đồng chí làm nhiệm vụ bảo vệ Hoàng thân Supanuvông trong chuyến bay từ Hà Nội đi Na-Sản để từ đây Hoàng thân trở về Lào chỉ đạo cách mạng.
     Ngày 17/12/1960, đồng chí được cử lên Sầm Nưa giúp Bạn củng cố khu căn cứ địa cách mạng Lào; rồi sang Cánh Đồng Chum, tỉnh Xiêng Khoảng làm nhiệm vụ.
     Ngày 31/01/1961, khi hoàn thành nhiệm vụ tại Lào, đồng chí được lệnh trở về Hà Nội. Tháng 10/1961, do diễn biến mới, đồng chí lại được cử sang chiến đấu tại Xiêng Khoảng, Lào.
     Ngày 12/6/1962, đồng chí rời Cánh Đồng Chum, tỉnh Xiêng Khoảng để về Hà Nội chuẩn bị sang Liên Xô học tập.
     Ngày 10/7/1962, đồng chí được cử sang Liên Xô học tập tại trường Bảo vệ của Liên Xô đặt tại Matxcova. Cuối năm 1963, đồng chí trở về Việt Nam và nhận công tác tại Cục Bảo vệ, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng. Lúc này, đồng chí Tam Anh được giao nhiệm vụ theo dõi công việc ở Mặt trận phía Tây và huấn luyện lớp cán bộ phản gián đầu tiên cho cách mạng Lào. Đồng chí đã dịch nhiều tài liệu công tác bảo vệ từ tiếng Nga sang tiếng Lào để phục vụ công tác đào tạo cán bộ cho Bạn. Và tham gia viết nhiều truyện cảnh giác trong thời gian công tác tại Cục Bảo vệ Quân đội.
      Tháng 3/1965, đồng chí được phong quân hàm Thiếu tá.
      Tháng 5/1966, đồng chí được cử vào công tác tại Đoàn 559 – đơn vị đang làm nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam.
      Từ 3/10 đến 22/11/1967, đồng chí được cử tham gia đoàn đại biểu Tổng cục Chính trị vào dự tổng kết chiến dịch Đông Xuân năm 1966 đến 1967 ở mặt trận Đường Chín, Lào.
       Ngày 30/9/1968, đồng chí kết thúc nhiệm vụ sau nhiều năm công tác tại Cục Bảo vệ để lên đường vào chiến trường Trường Sơn…
       Và chúng ta đã biết, vào Trường Sơn, đồng chí Tam Anh làm Phó Chính ủy Binh trạm 35. Năm 1969, đồng chí Chính ủy Nguyễn Tuấn hy sinh, đồng chí Nguyễn Tam Anh được bổ nhiệm làm Chính ủy. Năm 1970 đồng chí Tam Anh được phong quân hàm Trung tá. Tháng 8 năm 1971, đồng chí được bổ nhiệm làm Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 471…
 
          Hạnh phúc và gia đình của Phó Chính ủy Tam Anh.
 
          Cuối năm 1954, đồng chí Nguyễn Tam Anh được điều về Tổng đội biên phòng 33J đóng ở Anh Sơn, Nghệ An. Đồng chí Nguyễn Tam Anh đã ở trong gia đình cụ Nguyễn Thế Hoặc và bà Phan Thị Miên. Gia đình cụ Hoặc quê gốc ở Quảng Xương, Thanh Hóa. Cụ vào Anh Sơn làm việc và lấy cụ Miên ở đây. Hai cụ sinh được 2 người con gái. Cô chị là Nguyễn Thị Thanh và cô em là Nguyễn Thị Tâm (sau này là bác sĩ, công tác tại Bệnh viện Thanh Hóa). Anh bộ đội Nguyễn Tam Anh đã cảm mến cô chị Nguyễn Thị Thanh, (sinh năm 1936). Tình yêu đã đến với họ. Nhưng do hoàn cảnh công tác, phải tới năm 1960 họ mới cưới nhau. Năm 1961 bà Thanh đi học sư phạm. Cuối năm ấy bà sinh con trai đầu lòng là Nguyễn Tam Hùng. Năm 1964, bà sinh tiếp người con trai thứ 2 đặt tên là Nguyễn Tam Dũng. Năm 1967, bà Thanh sinh con trai thứ 3 là Nguyễn Tam Cường. Và trước khi ông vào chiến trường, bà có thai cháu con trai thứ 4 là Nguyễn Hữu Nam…
          Hòa bình lập lại, cụ Nguyễn Thế Hoặc và cụ Phan Thị Miên đưa hai con gái về quê nội, thôn Tiến Thọ, xã Quảng Thịnh, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa sinh sống (bây giờ là xã Quảng Thịnh thuộc Thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Sau khi tốt nghiệp sư phạm, bà Nguyễn Thị Thanh về dạy văn tại trường chuyên Lê Hồng Phong, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định. Sau khi đồng chí Nguyễn Tam Anh Anh hy sinh, một thời gian sau bà xin chuyển về dạy học tại trường cấp II Quảng Thịnh, quê nội của bà để tiện chăm sóc bố mẹ già.
        Cậu bé Nguyễn Tam Hùng - cậu con trai đã có lần chê bố Tam Anh “kém tắm” nên mới để giặc đâm bị thương mà ông đã kể cho chúng tôi nghe năm ấy, sau khi học hết lớp 10/10 năm 1980 đã trốn mẹ đi bộ đội. Cậu là chiến sĩ lái xe của một đơn vị vận tải quân đội, đóng quân ở Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Năm 1987, trong một lần vận tải vũ khí đạn dược cho các đơn vị làm nhiệm vụ ở Campuchia trở về, khi chỉ cách cửa khẩu Tân Biên 15km, đơn vị anh bị bọn Khơ Me Đỏ phục kích. Nguyễn Tam Hùng đã hy sinh khi vừa bước sang tuổi 26 và chưa kịp lập gia đình.
        Người con thứ hai của ông bà, Nguyễn Tam Dũng, năm 1981. Anh đi xuất khẩu lao động tại Cộng hòa Séc. Năm 1987 về nước, anh đã kết hôn với người vợ cùng lao động ở Séc với mình. Nguyễn Tam Dũng đã vào quê vợ ở phường Đức Ninh, TP. Đồng Hới sinh sống. Dũng đã có 3 con.
         Hiện nay bà Nguyễn Thị Thanh ở với người con trai thứ ba là Nguyễn Tam Cường. Cháu Cường làm việc tại Xưởng dụng cụ Thể dục Thể thao Thanh Hóa. Cháu đã có 2 con trai (sinh 1992 và 1995). Bà Nguyễn Thị Thanh được tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (vì có chồng và con trai là liệt sĩ). Năm nay bà đã 85 tuổi và là giáo viên nghỉ hưu từ nhiều năm nay…
          Người con út Nguyễn Hữu Nam (Điện thoại: 0338002304) là người thay mặt mẹ trực tiếp chăm sóc, phụng dưỡng ông bà ngoại. Giờ thì các cụ đã đi xa. Gia đình Nam hiện đang sống trên mảnh đất và ngôi nhà của ông bà ngoại để lại. Hiện nay cả hai vợ chồng cháu Nam kinh doanh đồ điện tử tại nhà. Các cháu đã có hai con…
          Cháu Nam tâm sự với tôi: "Cháu rất buồn chú ạ. Từ khi bố cháu hy sinh, mẹ cháu thì quá đau khổ, có lúc mẹ cháu rơi và trầm cảm. Vì thế chúng cháu không có người định hướng. Vì vậy chúng cháu chỉ được học hết cấp 3. Cả bốn anh em cháu đều không có điều kiện học tập tiếp. Tất cả đều rẽ ngang…Không người nào được thoát ly"…Nghe cháu nói mà tôi ngậm ngùi… Tôi động viên cháu: “Đó là sự thiệt thòi khi bố Tam Anh hy sinh. Nhưng thôi, các cháu đừng trách mẹ. Hãy thông cảm với sự đau khổ, mất mát của mẹ cháu khi bố hy sinh… Bây giờ các cháu đều đã có gia đình hạnh phúc và kinh tế ổn định. Thế là tốt rồi. Làm việc gì mà có thu nhập chính đáng thì cũng rất tốt cháu ạ…”.  Cháu Nam xúc động nói qua điện thoại: “Cháu biết ạ! Vì thế mà chúng cháu đều cố gắng nuôi dạy, cho các con chúng cháu học hành nên người chú ạ. Chắc bố Tam Anh của cháu ở thế giới bên kia cũng sẽ hài lòng thôi…”
       Tôi hẹn với cháu Nam: "Nhờ cháu chuyển lời thăm của các chú ở Sư đoàn 471. Tháng tư năm 2021, Sư đoàn 471 của bố cháu sẽ kỷ niệm 50 năm thành lập. Các chú sẽ trân trọng mời mẹ Thanh và các cháu ra Hà Nội dự Lễ kỷ niệm. Đồng đội của bố Tam Anh ngày xưa rất mong được gặp mẹ Thanh và các cháu đấy."

          Tôi báo tin đã tìm được thông tin về gia đình Phó Chính ủy Tam Anh với Chủ tịch Võ Sở. Ngày ông là Chính ủy 471 thì đồng chí Nguyễn Tam Anh là Phó Chính ủy. Chủ tịch với Phó Chính ủy Tam Anh là hai người bạn, người đồng chí thân thiết. Hai ông quen biết nhau từ ngày họ có nhiều năm cùng làm việc ở Tổng Cục Chính trị. Chủ tịch Võ Sở rất vui. Ông kể cho tôi nghe về những kỷ niệm với Phó Chính ủy Tam Anh mà hai ông sát cánh bên nhau xây dựng Sư đoàn từ ngày đầu thành lập…
           Chính ủy Võ Sở hẹn với tôi: Sau thời kỳ phải cánh ly vì dịch Covid-19, thể nào chúng ta cũng đi thăm chị Thanh và các cháu nhé. Thành Long tổ chức để cả Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 cùng đi thăm đấy.
           Tôi rất mong dịch covid-19 nhanh chóng đi qua để thực hiện điều mong ước suốt hơn 45 năm qua mà chúng tôi chưa thực hiện được.
 

tin tức liên quan